Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/10/2020

Thủy điện và lũ lụt miền Trung : Bộ Công thương đang muốn chạy tội

Nguyễn Vũ Bình, Diễm Thi, RFA tiếng Việt

Ăn của rừng rưng rưng nước mắt

Nguyễn Vũ Bình, RFA, 20/10/2020

Các trận mưa to và lũ lụt liên tiếp ở các tỉnh miền Trung từ ngày 11/10 tính đến sáng ngày 20/10 đã có 105 người chết và 27 người mất tích. Thiệt hại về hoa màu, gia súc và vật chất là không thể thống kê nổi. Các tỉnh như Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình lũ lụt đều vượt qua tất cả các mốc lịch sử trước đó. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chìm trong lũ được hai ngày. Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn đang có một cơn bão lớn hình thành ở biển Đông sắp đổ bộ vào Việt Nam. Có thể nói, chưa từng có một trận lũ lụt nào lớn như vậy đổ vào các tỉnh miền (trung và bắc) trung bộ nước ta.

thuydien1

Để nói về nguyên nhân trận lũ lụt lịch sử này, gần cả tuần nay, cộng đồng mạng và dư luận đã có nhiều người lên tiếng. Tất nhiên, đó trước hết là các trận mưa lớn, thuộc về thiên nhiên, và gây ra hậu quả được gọi là thiên tai. Nhưng mưa và mưa lớn không phải bây giờ mới có, và sự hủy hoại không thể có sức mạnh to lớn như các trận lũ lụt liên tiếp vừa qua ở miền Trung được. Nhiều người khẳng định, hậu quả đó là có sự góp sức của con người, do con người gây ra cộng với sức tàn phá của thiên nhiên. Họ chỉ đích danh thủ phạm là những kẻ đã đưa tới việc phá rừng, hủy hoại rừng nhất là rừng nguyên sinh, và các công trình thủy lợi mọc lên khắp nơi ở miền Trung Việt Nam.

Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nigeria. Trước năm 1945, sau hàng trăm năm bị người Pháp cai quản, khai thác thuộc địa nhưng diện tích rừng nguyên sinh Việt Nam là 38,9% diện tích đất liền. Sau năm 1975 (trải qua 30 năm chiến tranh) diện tích rừng tự nhiên Việt Nam còn 29,8% diện tích đất liền. Năm 2015, sau 40 năm thống nhất đất nước (theo cục thống kê) thì diện tích rừng nguyên sinh Việt Nam còn khoảng 4%, còn lại là rừng trồng.. Nguyên nhân mất rừng nguyên sinh là do nhà cầm quyền đã phê duyệt các dự án chuyển đổi rừng, đầu tư các dự án thủy điện, các dự án khai thác khoáng sản… kế đến là sự yếu kém và tham nhũng trong công tác bảo vệ rừng, sự thông đồng, cấu kết, tiếp tay, chia chác của các giới chức hữu quan cũng như lực lượng kiểm lâm đã tiếp tay cho lâm tặc chặt phá rừng. Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT), chỉ trong hơn 5 năm từ năm 2012 /2017, trong tổng số diện tích rừng tự nhiên đã bị mất, 89% do chuyển mục đích sử dụng rừng tại những dự án được duyệt. Chặt phá rừng trái pháp luật chiếm 11%, có nghĩa là rừng bị tàn phá do lâm tặc chỉ chiếm hơn chục phần trăm mà thôi. 

Các chuyên gia ngành lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, lũ lụt, sạt lở ngày càng trầm trọng là do mất rừng. Rừng nhiệt đới có nhiều tầng, có cây 40-50m, dưới còn có thảm thực vật và các tầng cây khác. Nếu lượng mưa không lớn, nước chỉ ở trên tầng các lá cây, thậm chí không rơi được xuống đất. Còn khi nước mưa xuống đất, đã có lớp đầu thảo mục (cành, lá cây mục…) sẽ giữ nước tới 80-90% và ngấm dưới đất tạo thành mạch nước ngầm. Còn nước mặt 10/20% là lượng nhỏ, ít có khả năng gây lũ ống, lũ quét cho con người. Với các loại rừng khác, chỉ có tác dụng cản lũ và giữ nước khoảng 20-50% so với rừng tự nhiên. Như vậy, chặt phá rừng nguyên sinh là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới lũ lụt do chính con người gây ra.

Đối với các công trình thủy điện, theo tính toán của một chuyên gia, để làm 160 dự án thủy điện, phải mất 20.000 ha rừng, trung bình mỗi dự án thủy điện được hình thành, sẽ có 125 ha rừng bị xóa sổ. Một thống kê khác cũng cho thấy, cứ 1 MW điện sẽ mất 10 ha rừng. Việt Nam hiện nay đang có 362 công trình thủy điện đang hoạt động, trong đó có 321 công trình thủy điện vừa và nhỏ. Đối với các công trình thủy điện lớn, với dung tích hồ chứa lớn có thể sử dụng để điều hòa lượng nước từ thượng nguồn và phần nào hạn chế lũ lụt dưới hạ du. Nhưng với các công trình thủy điện nhỏ hay còn gọi là thủy điện "cóc", khi mùa khô dưới hạ du cần nước tưới tiêu, họ lại tích nước để sử dụng quay tua bin thủy điện. Khi mùa mưa đến, nước mưa tràn về, dung tích hồ chứa nhỏ không chứa được nước, các công trình thủy điện này lại xả nước để bảo vệ hồ chứa. Việc nước thủy điện xả tập trung kết hợp với nước thượng nguồn đổ xuống làm tăng nguy cơ lũ lụt cho người dân, gọi là lũ chồng lên lũ. Một ví dụ điển hình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế (nơi xảy ra sạt lở đất ở công trình thủy điện Rào Trăng 3, gây ra cái chết và mất tích cho 17 công nhân cũng như 13 sĩ quan, cán bộ chiến sĩ Quân khu IV và cán bộ huyện Phong Điền), Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Phong Điền có 4 nhà máy thủy điện nằm ở vùng lõi và khu vực phục hồi sinh thái. Bốn nhà máy thủy điện trên đoạn sông chưa tới 30 km thuộc khu vực bảo tồn thiên nhiên !

Trên mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về các đoàn xe chở gỗ, những ngôi nhà của các cán bộ kiểm lâm, các quan chức quân đội, quốc phòng với hàng chục khối gỗ, các bộ bàn ghế khổng lồ gỗ quý chạm khắc tinh xảo, nhiều người đã tổng kết ngắn gọn : "Gỗ về nhà quan, Lũ về nhà dân". Hàng năm, nhân dân luôn phải đối phó với mưa lũ, nhất là các tỉnh miền Trung. Người dân luôn là nạn nhân cho những chính sách của nhà nước, hậu quả tham nhũng, phá rừng của nhóm lợi ích, quan chức. Tuy nhiên, đợt lũ vừa qua, cũng đã có 2 quan chức lớn, hơn chục quan chức nhỏ đã phải chết chứ không chỉ người dân đen thấp cổ bé họng. Bằng cách này hay bằng cách khác, rừng sẽ gọi tên những kẻ đã phá hủy, hủy hoại những cánh rừng hàng ngàn năm tuổi, không thể thoát được. Vậy nên người ta đã nói, ăn của rừng rưng rưng nước mắt./.

Hà nội, ngày 20/10/2020

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 20/10/2020 (nguyenvubinh's blog)

********************

Bộ Công thương nói loại bỏ hàng trăm thủy điện nhỏ khỏi quy hoạch : Chạy tội phá rừng ?

RFA, 20/10/2020

Từ năm 2012 đến 2019, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công thương đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh loại bỏ 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện.

thuydien2

Dự án Nhà máy thủy điện Bạch Đằng ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, chỉ có công suất 5MW nhưng cũng lấy đi 46,96ha rừng. Courtesy tainguyenmoitruong.vn

Thông tin vừa nói được cơ quan này đưa ra trong công tác rà soát về quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác các công trình thủy điện theo Nghị quyết 62 của Quốc hội.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường, khi trao đổi với RFA nhận định :

"Tôi cho rằng đây là một quyết định đúng đắn, trên thế giới thì người ta đã ngưng sử dụng thủy điện từ lâu rồi, nó có những ưu việt hơn nhiệt điện nhưng nó lại có những tác hại lớn hơn nhiệt điện rất nhiều. Xác định từ nay quy hoạch sẽ không chấp nhận các thủy điện vừa và nhỏ là đúng, nhưng vấn đề đặt ra là các thủy điện vừa và nhỏ hiện nay khá nhiều ở Việt Nam sẽ xử lý như thế nào trong giai đoạn tới, bởi vì nó cũng đang gây những thiệt hại như ở thủy điện Rào Trăng vừa rồi".

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có 9 tỉnh trên cả nước có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2019 so với năm 2018. Nhiều nhất là tỉnh Đắk Lắk giảm còn 11.420ha diện tích đất rừng, Đắk Nông 7.157ha, Quảng Bình 3.337ha, các tỉnh còn lại là Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Khánh Hoà, Thừa Thiên Huế và Bình Định…

Trước tình hình đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã chỉ thị tổ chức kiểm tra, rà soát diện tích rừng bị mất, diện tích bị sai lệnh so với thực tế…

Tuy nhiên đối với những thủy điện vừa bị loại bỏ, diện tích rừng bị phá một cách ‘hợp pháp’để thi công, thì trách nhiệm quy hoạch sai thuộc về ai ?

Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam, hiện là Phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2022, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nhận định :

"Theo tôi các cơ quan quản lý nhà nước họ sẽ tiến hành điều tra và kết luận. Như vậy thì sẽ có cơ sở để rút kinh nghiệm cho tương lai. Còn cụ thể như thế nào thì chúng ta phải chờ các kết luận của hội đồng thẩm tra".

Theo thông tin truyền thông nhà nước Việt Nam, đã có hơn 50.000 hecta rừng bị tàn phá để nhường chỗ cho 824 nhà máy thủy điện. Trung bình để xây một thủy điện mất hết 59 hecta rừng.

Bộ Công thương trong báo cáo vừa rồi nói đã vận hành phát điện 342 công trình dự án thủy điện nhỏ, đang thi công xây dựng 158 dự án, đang nghiên cứu đầu tư 300 dự án và chưa nghiên cứu đầu tư 69 dự án còn lại.

Với những con số vừa nêu, thì việc phá rừng làm thủy điện thật sự đáng lo ngại. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc quy hoạch phá rừng làm thủy điện nhỏ một cách tùy tiện ?

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nói tiếp :

"Tất nhiên việc quy trách nhiệm là việc tiếp theo, chắc chắn phải quy trách nhiệm. Đấy là lỗi của địa phương, vì phê duyệt các dự án thủy điện vừa và nhỏ là thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Thế nhưng còn trách nhiệm của trung ương tức là Bộ Công thương, thực hiện trách nhiệm khi phân cấp cho địa phương như thế nào ? Tôi nghĩ việc quy trách nhiệm và bồi thường phải được cân nhắc, nhưng trước mắt nên dừng các dự án thủy điện, thậm chí đang xây dựng cũng ngừng luôn, vì thiệt hại của nó trong tương lai lớn hơn rất nhiều so với số tiền đã đầu tư".

thuydien3

Hiện trường vụ sạt lở đất do mưa lũ ở thủy điện Rào Trăng 3 nhìn từ trên cao. Courtesy thuathienhue.gov.vn

Trước tình hinh tai nạn thủy điện nhỏ xảy ra thường xuyên, chưa kể việc xả lũ tùy tiện gây lũ lụt, Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công thương, khẳng định với báo chí nhà nước Việt Nam rằng, cơ quan này quản lý giám sát quy hoạch thủy điện rất chặt. Thậm chí, ông này cho biết một số tỉnh cho rằng Bộ Công thương gây khó khăn, cản trở đầu tư vì quản lý quá chặt.

Người đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói việc rà soát các dự án thủy điện đều được cân nhắc có liên quan đến mức độ chiếm đất rừng như đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên.

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, một chuyên gia về môi trường, là người đã vận động hủy bỏ hai dự án thủy điện lớn trên sông Đồng Nai vì những tác động đến rừng quốc gia Nam Cát Tiên, khi trả lời RFA nói về việc phá rừng làm thủy điện, theo ông chỗ chọn làm thủy điện đa phần là có rừng :

"Nếu làm thủy điện ở những vùng có rừng thì nhà đầu tư sẽ phá rừng để hy sinh làm thủy điện. Các dòng sông làm thủy điện có độ dốc tương đối cao và đa số những nơi đó là còn rừng. Nếu làm như vậy mình phải hi sinh môi trường, đặc biệt là đa dạng sinh học. Rừng không chỉ là cây như chúng ta nhìn vào mà còn nhiều loài khác nhau. Khi mình phá rừng, tổng thể hệ sinh thái phục vụ cho con người, và các loài khác trong chuỗi mắt xích sẽ bị phá hủy. Như vậy sẽ đe dọa đến sự tồn vong của loài người".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ khi trả lời RFA cho biết việc phá rừng để làm các nhà máy thủy điện bấy lâu nay đã để lại cho Việt Nam nhiều hệ lụy về tác động môi trường và ảnh hưởng cuộc sống người dân khu vực lòng hồ thủy điện :

"Đã có nhiều vấn đề về môi trường, xã hội, ngoài yếu tố về kinh tế liên quan các dự án thủy điện. Ví dụ chuyện di dân, những người sống ở khu vực lòng hồ đã phải di dân. Mà thường thường sẽ di chuyển đến chỗ khó khăn hơn chỗ ở cũ. Rồi vấn đề về tái định cư, và sinh kế của người dân ở đó bởi vì họ sống ở dưới thung lũng thì họ dễ dàng canh tác, bắt cá nhưng khi di dời, theo khảo sát của tôi, thì cuộc sống của họ khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài ra những hồ chứa như vậy phải hi sinh rất nhiều đất rừng. Mà rừng ở Việt Nam càng ngày càng thu hẹp và chất lượng không còn dồi dào như ngày xưa nữa".

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tại, phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất... Từ năm 2010 đến 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.

Tai nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 một lần nữa dấy lên lo ngại về thực trạng phá rừng, xây thủy điện vừa và nhỏ tại Việt Nam hiện nay.

Tai nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 không phải là sự cố đầu tiên đối với thủy điện vừa và nhỏ ở Việt Nam. Trước đây một loạt thủy điện nhỏ bị sự cố nghiêm trọng như Đak Men 3 tỉnh Kontum, Đak Rông 3 tỉnh Quảng Trị, Đạm Bol tỉnh Lâm Đồng, Hố Hô ở hai tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình, cho thấy cơ chế phân cấp giám sát quản lý an toàn công trình bộc lộ nhiều bất cập.

Thiệt hại đáng chú ý nhất xẩy ra vào tháng 6 năm 2013, khi Đập thủy điện Ya Krel 2, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai bị vỡ do chất lượng kém, khiến hai 2 người bị nước cuốn trôi, gần 30 hecta hoa màu ở phần hạ du bị ngập trong nước, bị thiệt hại gần như hoàn toàn.

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, trong cơ cấu nguồn điện quốc gia Việt Nam, thủy điện chiếm tỷ trọng 40% về công suất lắp đặt và góp 37% điện năng.

Nguồn : RFA, 20/10/2020

************************

Bộ Công thương nói loại bỏ hàng trăm thủy điện nhỏ khỏi quy hoạch

RFA, 20/10/2020

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay từ năm 2012 đến 2019 đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh loại bỏ 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện.

thuydien3

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cân nhắc các dự án thủy điện có liên quan đến mức độ chiếm đất rừng như đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên.

Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 20/10, cho biết đây là công tác rà soát về quy hoạch, đầu tư xây dựng và khai thác các công trình thủy điện theo Nghị quyết 62 của Quốc hội.

Đối với dự án thủy điện nhỏ, Bộ Công thương nói đã vận hành phát điện 342 công trình, đang thi công xây dựng 158 dự án, đang nghiên cứu đầu tư 300 dự án và chưa nghiên cứu đầu tư 69 dự án còn lại.

Từ ngày 1/1/2019 đến tháng 12/2019, Bộ Công thương cho hay chưa xem xét bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện.

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), khẳng định với báo trong nước rằng cơ quan này quản lý giám sát quy hoạch thủy điện rất chặt. Thậm chí, ông này cho biết một số tỉnh cho rằng Bộ Công thương gây khó khăn, cản trở đầu tư vì quản lý quá chặt.

Người đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nói việc rà soát các dự án thủy điện đều được cân nhắc có liên quan đến mức độ chiếm đất rừng như đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên.

Ông Quân cũng cho hay lý do các địa phương không quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ dưới 3MW là vì các xã đều đã có điện lưới nên việc cấp điện bằng dự án nhỏ không hợp lý.

Tin cho hay trong cơ cấu nguồn điện quốc gia Việt Nam, thủy điện chiếm tỷ trọng 40% về công suất lắp đặt và góp 37% điện năng.

Nguồn : RFA, 20/10/2020

**********************

Lúng túng trong mặc niệm nạn nhân lũ lụt và chuyện cứu dân !

Diễm Thi, RFA, 20/10/2020

Mưa lũ những ngày qua ở các tỉnh miền Trung Việt Nam đã khiến ít nhất 132 người chết và mất tích tính đến ngày 20/10. Trong đó có một đoàn công tác 13 người do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó tư lệnh Quân khu 4 dẫn đầu tử nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 ở Thừa Thiên Huế ; 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 chết và mất tích ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, gần 7.000 ha hoa màu bị ngập, hư hại, hơn 5.800 con gia súc, hơn 685.000 con gia cầm bị chết.

thuydien4

Các quân nhân khiêng thi thể từ địa điểm xảy ra vụ sạt lở đất ở tỉnh Quảng Trị, miền Trung Việt Nam ngày 18 tháng 10 năm 2020.  AFP

Một ngày trước phiên khai mạc kỳ họp 10 Quốc hội khóa 14 diễn ra, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại lễ khai mạc vào ngày 20 tháng 10, Quốc hội sẽ dành một phút mặc niệm thiếu tướng, đại biểu Quốc hội khóa 14 Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, và các chiến sĩ hy sinh trong phòng chống, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra miền Trung. Dư luận xã hội tỏ ra bất bình, bởi Quốc hội luôn được nói là đại diện cho dân, thế mà chẳng thấy người dân trong danh sách mặc niệm được ông Chủ nhiệm Quốc hội nói đến.

Giáo sư Đặng Hùng Võ chia sẻ suy nghĩ của ông với RFA về việc này :

"Theo tôi thì trong phút tưởng niệm đó, vì anh Man là thành viên của Quốc Hội, là đại biểu Quốc Hội nên có thể gọi tên cùng với hai mươi mấy chiến sĩ quân đội mất ở Quảng Trị. Nhưng điều làm tôi nghẹn lòng là ông Nguyễn Hạnh Phúc không nói đến việc mặc niệm những người dân thường. Trong đó có những cảnh rất là tang thương, ví dụ như vợ đi sinh con bị lũ cuốn trôi. Hoặc hai vợ chồng nóng lòng con ở nhà nên trở về lại bị lũ cuốn trôi…

Tôi cho rằng Quốc Hội là đại diện của nhân dân nói chung, cho nên trước hết phải mặc niệm tất cả những người dân thời quan qua đã bị chết do thiên tai, lũ lụt. Sau đó hãy nói đến các chiến sĩ quân đội. Rồi mới đến ông Nguyễn Văn Man. Theo tôi, với trật tự đó thì mới thỏa đáng".

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, tử vong vào ngày 13 tháng 10 thì đến ngày 17 tháng 10, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất cho ông Man.

Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, đúng 9 giờ sáng ngày 20 tháng 10, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Quốc Hội đã tiến hành mặc niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và các cán bộ chiến sĩ hy sinh khi cứu nạn và đồng bào, đồng chí tử nạn do lũ lụt gây ra. Các đại biểu Quốc hội đã quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại miền Trung.

Tuy nhiên, theo Nhà báo Võ Văn Tạo thì bà Chủ tịch Quốc hội đã sửa sai cho ông Nguyễn Hạnh Phúc trước phút mặc niệm. Ông Tạo nói :

"Đấy là cái tuyên bố hớ của ông Nguyễn Hạnh Phúc. Mà ông này từ lúc làm Chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội đã tuyên bố nhiều câu hớ hênh, mất quan điểm. Lần này, tôi theo dõi buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 20/10 thì tôi thấy bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tich Quốc Hội đã kịp chữa cháy bằng cách nói là mặc niệm đồng bào, Thiếu tướng Man và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đợt lũ vừa rồi ở miền Trung".

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa lũ thì nhiều nơi tại miền Trung Việt Nam lại chìm trong biển nước. Năm nay, lượng mưa lớn và kéo dài buộc các nhà máy thủy điện phải xả lũ, cứu đập khiến nạn lụt vượt mức lịch sử. Rừng thì bị phá nhiều không thể giữ nước. Lũ chồng lũ ; bão số 7 nối bão số 6. Nhiều nhà cửa, ruộng vườn, gia súc, gia cầm và người ngập chìm trong nước.

thuydien5

Cư dân địa phương chèo thuyền đến điểm đón để chuyển hàng cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt lớn ở xã Quảng An, Thừa Thiên Huế, Việt Nam, ngày 20 tháng 10 năm 2020. Reuters

Và cũng như mọi năm, các vị lãnh đạo quốc gia lại kêu gọi dân chung tay cứu nạn. Tại chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2020, tổ chức tối 18 tháng 10, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thư thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các tỉnh bị bão lũ, đồng thời kêu gọi nhân dân giúp nhau vượt qua khó khăn. Thư có đoạn viết :

"Tôi rất mong đồng bào ta ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần ‘tương thân, tương ái’, ‘thương người như thể thương thân’, hết lòng động viên, giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn, khó khăn, những người nghèo, hộ nghèo, để hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra".

Bà Nguyễn Lai từ Nha Trang nêu quan điểm của mình :

"Đúng ra việc cứu trợ là của Nhà nước. Nhà cầm quyền bắt buộc phải lo cho dân chứ không phải là dân tự lo hay kêu gọi dân lo cho nhau như vậy. Tuy nói vậy nhưng rồi chỉ có dân thương dân nên mọi người lại đóng góp để lo cho những người vùng lũ. Nhưng…mấy đời bánh đúc có xương ? mấy đời cộng sản mà thương dân mình hả em ?"

Họ không chuẩn bị gì trước hết. Nếu họ có lương tâm thì họ đã chuẩn bị từ trước để không có những người chết thương tâm như vậy. Năm nào cũng xảy ra lũ. Không có sự hỗ trợ nào từ trước như di tản dân, hay ứng phó khi lũ về như viêc cứu hộ chẳng hạn".

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều ngày 19 tháng 10 về tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định hỗ trợ 5 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh - mỗi tỉnh 100 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo cứu trợ.

Cô Mai Quỳnh từ Đà Nẵng, người thường xuyên giúp đỡ người nghèo trực tiếp, không qua bất cứ tổ chức nào của nhà nước, cho biết cô không tin vào những gói cứu trợ của Nhà nước sẽ đến tới tay dân một cách trung thực. Cô kể :

"Như đợt dịch vừa rồi, gia đình em mấy tháng không buôn bán được họ nói gia đình có bốn người sẽ được nhận mỗi người một triệu. Đến hết dịch họ mới đưa tiền, mà cả nhà chỉ có một triệu đồng, nghĩa là số tiền của một người. Không biết ‘hắn’ ăn hết bao nhiêu trong cái gói cứu trợ 62 ngàn tỷ đồng lo cho dân.

Kỳ này em thấy bên showbiz và những nhóm mạnh thường quân họ đi cứu trợ trực tiếp nhiều. Còn nhà nước thì chỉ thấy di dời dân vì họ không thể bỏ mặc dân chứ chuyện tiền bạc thì không rõ. Tiền bạc thì em sợ là Nhà nước thấy dân giang tay giúp nhau thì họ chỉ làm chừng mực thôi. Tiền họ ‘rót’ vô những địa chỉ khác, những người không thật sự cần nhưng chắc là bà con của họ, còn những hộ thật sự cần thì không được nhận tiền".

Hồi tháng 2 năm nay, khi dịch COVOD-19 bắt đầu vào Việt Nam, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Ngoại giao khuyến khích các tổ chức quốc tế và kiều bào hỗ trợ, cung cấp các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh cho người dân trong nước.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 20/10/2020

************************

Miền Trung : Hơn 130 người chết và mất tích do mưa lũ và lở đất, hơn 90.000 dân phải sơ tán

RFA, 20/10/2020

Mưa lũ và sạt lở đất trong những ngày qua ở các tỉnh miền Trung Việt Nam đã khiến ít nhất 132 người chết và mất tích, theo con số thống kê tính đến sáng ngày 20/10/2020 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

thuydien6

Các xã ở Quảng Trị bị ngập lụt - hình chụp hôm 13/10/2020 - Reuters

Tỉnh có số người chết nhiều nhất là Quảng Trị với 49 người, tiếp theo là các tỉnh Thừa Thiên Huế với 27 người, Quảng Nam - 11 người, Quảng bình 6 người, Đà Nẵng 3 người, Hà Tĩnh và Kon Tum mỗi tỉnh có 2 người. Những tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng - mỗi tỉnh có 1 người chết. Hiện số người mất tích ở miền Trung là 27 người.

Cũng theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến chiều ngày 19/10, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị đã sơ tán hơn 52.000 hộ dân với hơn 90.000 người.

Mưa lũ và sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng về nông nghiệp với gần 7.000 ha hoa màu bị ngập, hư hại, hơn 5.800 con gia súc, hơn 685.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều ngày 19/10 về tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định hỗ trợ 5 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh - mỗi tỉnh 100 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo cứu trợ.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết tình hình mưa lũ ở miền Trung sẽ tiếp tục kéo dài từ nay đến cuối tháng và sang cả tháng 11, thậm chí đang mở rộng ra phía Bắc.

**********************

Công binh tham gia phá đá mở đường để cứu 15 người còn mất tích ở Rào Trăng 3

RFA, 20/10/2020

Công binh sẽ tiến hành phá đá mở đường cho lực lượng cứu hộ tìm kiếm 15 người còn mất tích. Hoạt động này được quyết định sau hơn 1 tuần xảy ra vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế.

thuydien7

Quân đội tìm người mất tích do lở đất ở Quảng Trị hôm 18/8/2020 - AFP

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 20 tháng 10, theo thống nhất giữa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ và Phó Tư lệnh, Tham mưu Trưởng Quân Khu 4 - Thiếu tướng Hà Thọ Bình về phương án vừa nêu. Theo đó, cả hai đều yêu cầu tập trung lực lượng cơ giới để thông tuyến đường đang bị đá sạt lở gây ách tắc.

Tin cho biết tuyến đường núi dẫn vào hai thủy điện Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3 có tảng đá ước lượng nặng 20 tấn do sạt lở núi lăn xuống mặt đường . Sở Giao thông- Vận tải tỉnh Thừa Thiên- Huế và lực lượng công binh cần phối hợp để phá đá thông đường cho xe cơ giới và máy đào đi qua.

Vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 xảy ra vào ngày 12 tháng 10 vừa qua đến nay đã hơn một tuần lễ nhưng vẫn còn 15 nạn nhân mất tích chưa được tìm thấy. Tổng số nạn nhân trong vụ này là 29 người gồm 16 công nhân nhà máy thủy điện và 13 người thuộc đội cứu hộ. Đội cứu hộ bị chôn vùi do lở đất có Phó Tư lệnh Quân khu 4 - Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình.

Trong một diễn biến liên quan, tại tỉnh Hà Tĩnh Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh Vũ Trung Tiến cho biết tỉnh lộ 554 nối xã này với các xã lân cận bị nước xoáy phá sập khiến xã bị cô lập hoàn toàn.

Vào trưa ngày 20 tháng 10, Phó thủ tướng chính phủ Hà Nội, ông Trịnh Đình Dũng, cùng đoàn công tác đến tại tỉnh Hà Tĩnh và đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm công điện của chính phủ về tập trung ứng phó mưa lũ.

Nguồn : RFA, 20/10/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Vũ Bình, Diễm Thi, RFA tiếng Việt
Read 577 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)