Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo quân đội sẵn sàng cho chiến tranh
Tập Cận Bình "đe dọa chiến tranh" với Mỹ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23/10 đã đưa ra cảnh báo trước các "kẻ xâm lược tiềm tàng" về ý chí và quyết tâm quân sự của Bắc Kinh. Lời cảnh báo này được đưa ra nhân dịp ông Tập Cận Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Trung Quốc tham gia Chiến tranh Triều Tiên, thời kỳ duy nhất trong lịch sử mà các lực lượng của Trung Quốc chiến đấu chống lại các lực lượng Mỹ.
Chủ tịch Tập Cận Bình dự diễu binh nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc ở quảng trường Thiên An Môn hôm 1/10/2019 - Reuters
Trước đó, trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đặc khu kinh tế được tổ chức tại Thâm Quyến, trong khi tiến hành kiểm tra lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc, Tập Cận Bình nhắc nhở rằng quân đội phải tuyệt đối trung thành, đáng tin cậy và : "Phải tập trung mọi suy nghĩ và lực lượng vào việc chuẩn bị cho chiến tranh và phải cảnh giác cao độ".
Tập Cận Bình cũng kêu gọi Quân đoàn thủy quân lục chiến PLA đẩy nhanh việc nâng cấp khả năng chiến đấu để tạo ra một đội quân hùng mạnh, với những người lính thiện chiến, được tích hợp đầy đủ và linh hoạt trong hoạt động, phản ứng nhanh và có khả năng chiến đấu trong các điều kiện phức tạp.
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định rằng các tuyên bố này của ông Tập là lời cảnh báo này là nhắm đến Washington trong bối cảnh căng thẳng giữa hai cường quốc ngày càng leo thang trước thềm bầu cử Mỹ.
Trong bài phát biểu ngày 23/10 mang đậm chất chủ nghĩa yêu nước với những ký ức hào hùng của lực lượng Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã ca ngợi cuộc chiến "kháng Mỹ viện Triều" là minh chứng cho thấy sức mạnh quân sự của Trung Quốc so với "đế quốc thực dân Mỹ." Thế nhưng, trong bài phát biểu đầy chua cay này, ông Tập nói rằng Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 là một lời cảnh tỉnh rằng đất nước ông luôn sẵn sàng chiến đấu chống lại bất kỳ ai "gây sự… ngay tại cửa ngõ của Trung Quốc". Ông Tập cũng nói thêm : "Trung Quốc sẽ không bao giờ chùn bước để chứng kiến bất kỳ sự hủy hoại nào đối với chủ quyền dân tộc của mình… và Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực nào xâm chiếm hoặc chia rẽ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng".
Thực tế, Bắc Kinh thường tận dụng các lễ kỷ niệm chiến tranh để phát đi những cảnh báo ngầm đối với Washington về sức mạnh quân sự của một "Trung Quốc mới".
Diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh hôm 1/10/2019 Reuters
Những thông điệp trên được phát đi trước thềm bầu cử Mỹ và trùng với thời điểm diễn ra cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, trong đó, hai bên đã tranh cãi về việc ai sẽ ứng phó tốt hơn trước những thách thức mà một Trung Quốc đang trỗi dậy đặt ra. Trước đó, hôm 21/10, Lầu Năm Góc cho biết đã nhất trí thương vụ bán tên lửa cho Đài Loan trị giá hơn một tỷ USD. Đài Loan có nguy cơ trở thành một điểm nóng gay gắt nhất giữa Trung Quốc và Mỹ.
Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến đầu tiên và cho đến nay là cuộc chiến duy nhất mà các lực lượng của Mỹ và Trung Quốc từng đụng độ trực diện với quy mô lớn. Theo chính phủ Trung Quốc, hơn 197.000 binh sĩ nước này đã hy sinh trong cuộc chiến kéo dài 3 năm này, theo đó đã đẩy lực lượng liên quân Liên hợp quốc (LHQ) do Mỹ đứng đầu về vĩ tuyến 38 chia cắt Bán đảo Triều Tiên.
Khi căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, Bắc Kinh đã tận dụng dịp lễ kỷ niệm này vừa nhằm phát đi cảnh báo đối với các siêu cường đối địch, vừa nhắm vào người dân trong nước. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phát động một đợt tuyên truyền với các cuộc phỏng vấn cựu chiến binh được phát sóng vào khung giờ "vàng" trong cả tuần qua. Bộ phim hành động mang tên "Sự hy sinh", được các đạo diễn có tiếng của phim trường Trung Quốc dàn dựng với nội dung miêu tả một đội quân Trung Quốc cản trở bước tiến của binh sĩ Mỹ trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, đã được công chiếu trên toàn quốc vào ngày 23/10.
Alice Ekman, nhà phân tích chuyên về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu An ninh của Liên minh châu Âu (EU) cho biết : "Ông Tập Cận Bình đang kích động tinh thần chiến tranh ở phạm vi nhận thức rộng lớn".
Về khía cạnh thông điệp đối với người dân trong nước, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng lưu ý rằng bài phát biểu nói trên của Tập được phát đi trước thềm Hội nghị Trung ương 5 khóa XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dự kiến diễn ra vào tuần tới. Đây là cuộc họp quan trọng vốn sẽ đề ra kế hoạch phát triển chính trị, kinh tế và xã hội trong vòng 5 năm tới.
Hồi đầu tuần, trong chuyến thăm quan một cuộc triển lãm Chiến tranh Triều Tiên ở Bắc Kinh, ông Tập đã kêu gọi người dân Trung Quốc "giữ vững niềm tin vào chiến thắng cao cả của họ" và "đánh bại mọi kẻ thù" - một lời kêu gọi cũng được coi là một thông điệp rõ ràng đến Mỹ.
Sự đối địch chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ đã gia tăng liên quan các vấn đề thương mại, công nghệ, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, cuộc chiến về ý thức hệ cũng như những hành động của Bắc Kinh ở Biển Hoa Nam (Biển Đông), Hong Kong, Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương. Giới phân tích cảnh báo rằng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến là hiện hữu, cho dù một cuộc chiến tổng lực đi ngược lại những lợi ích của cả hai.
Nguy cơ đối với biển Đông
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục dâng cao, trang mạng dwnews.com (tiếng Trung) ngày 21/10 đưa tin quân đội Trung Quốc triển khai tên lửa siêu thanh Dongfeng-17 (Đông Phong-17) tiên tiến dọc bờ biển phía Đông Nam của nước này.
Dongfeng-17 được triển khai dọc theo bờ biển phía Đông Nam chắc chắn có ý định nhắm vào Đài Loan, nhưng không thể được coi là chỉ nhằm vào mỗi Đài Loan. Đây là một phần trong chiến lược triển khai lực lượng quân sự của Trung Quốc.
Tên lửa Đông Phong của Trung Quốc ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh Reuters
Tên lửa Dongfeng-17 là một vũ khí siêu thanh, được công bố lần đầu tiên tại lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10/2019. Nó được coi là một phần của vũ khí chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc. Thông tin công khai cho thấy Dongfeng-17 có tầm bắn 1.800-2.500 km. Loại tên lửa này có thể thực hiện các hành động né tránh với tốc độ gấp vài lần tốc độ âm thanh. Trong quá trình bay, tên lửa này có thể chuyển mục tiêu tấn công, đột phá hệ thống đánh chặn chống tên lửa, thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào mục tiêu, thậm chí thả vũ khí hạt nhân.
Hồng Nguyên - chuyên gia quân sự chiến lược Trung Quốc và là Tổng thư ký của Trung tâm kiểm soát vũ khí thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng Đài Loan vẫn chưa đến lượt "quan tâm" của Dongfeng-17. Nhưng ông cũng nói rằng Dongfeng-17 có thể hạn chế quyền tự do đi lại của tàu sân bay cùng các tàu chiến của quân đội Mỹ, khiến đất liền tương đối an toàn và có quyền tự do hành động trên bờ biển phía Đông Nam cũng như vùng biển ngoài khơi, trong khi Đài Loan bị cô lập đến mức tối đa.
Có thông tin cho rằng khi đối mặt với biển, tầm bắn của Dongfeng-17 không chỉ có thể bao phủ Đài Loan, mà còn có thể tấn công các mục tiêu như "căn cứ mạnh của kẻ thù", biên đội trên biển ở các khu vực xung quanh của Trung Quốc, chẳng hạn như căn cứ Futenma ở Okinawa và căn cứ không quân Clark của Philippines chỉ cách Đài Loan 460 km v.v…, tầm bắn của Dongfeng-17 cũng có thể chạm đến căn cứ quân sự của Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản.
Điều quan trọng hơn, toàn bộ Biển Đông cũng hoàn toàn nằm trong tầm hoạt động của Dongfeng-17. Việc triển khai Dongfeng-17 dọc theo bờ biển Đông Nam đương nhiên không chỉ để thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, mà còn là một mắt xích quan trọng trong cách bố trí quân sự của Trung Quốc. Dongfeng-17 và các mẫu tên lửa khác do quân đội Trung Quốc triển khai tạo thành một hệ thống tên lửa có khả năng kết nối phạm vi, khả năng bổ sung, kết hợp cao và thấp, sử dụng linh hoạt, có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu tầm trung, tầm ngắn và tầm xa.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Trung Quốc rất có thể sẽ tìm kiếm một cuộc xung đột quân sự nhỏ để có thể thể hiện "sức mạnh của Trung Quốc" nhưng đồng thời cũng "răn đe Mỹ". Với tiềm lực của hải quân Mỹ, có lẽ Trung Quốc chưa đủ sức để thách thức, chính vì vậy, Trung Quốc vẫn chỉ "giễu võ giương oai" trước Đài Loan, chứ chưa thực sự dám ra tay. Tuy nhiên, khu vực Trường Sa với nhiều quốc gia Đông Nam Á đang kiểm soát một số thực thể sẽ là mục tiêu thực tế và "trong tầm với" của Bắc Kinh. Một cuộc chiến chớp nhoáng trên biển, với một đối thủ yếu hơn, sẽ là mục tiêu cần thiết của hải quân Trung Quốc. Trong số đó, các thực thể mà Việt Nam đang kiểm soát có thể sẽ là mục tiêu mà Trung Quốc hướng tới với chiến thuật "giương đông kích tây".
Việt Nam hiện đang kiểm soát 21 thực thể trên Trường Sa, chiếm số lượng nhiều nhất trong số các quốc gia đang đồn trú tại đây. Chính vì vậy, trong không khí căng thẳng và thù địch ngày càng cao ở biển Đông, Việt Nam là quốc gia cần phải chuẩn bị đầy đủ nhất trước khả năng ra tay "chớp nhoáng" từ Trung Quốc.
Lê Ngọc Thăng
Nguồn : RFA, 25/10/2020