Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/10/2020

Ý kiến về việc thay và tăng giá sách giáo khoa lớp 1

RFA tiếng Việt

Ý kiến về lý giải của Bộ Giáo Dục Việt Nam về việc thay và tăng giá sách giáo khoa lớp 1

Trong báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa gửi các đại biểu Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa năm học 2020/2021, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có đưa ra giải thích về sai sót trong việc biên tập nội dung sách, lý do vì sao sách giáo khoa lớp 1 tăng giá cũng như việc ‘ép’ học sinh mua sách tham khảo.

sgk1

Một phụ huynh chọn lựa mua sách giáo khoa cho con ở Sài Gòn. RFA

Theo thông tin được báo Nhà nước Việt Nam dẫn nội dung từ báo cáo và đăng tải ngày 24/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa nhận trách nhiệm trong việc ‘chỉnh sửa, hiệu đính’ sách giáo khoa gây ra bức xúc trong dư luận.

Đây là năm học đầu tiên được triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, bắt đầu đối với lớp 1.

Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện sách giáo khoa lớp 1 liên tục trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội hiện nay. Câu hỏi được quan tâm nhất vẫn là : Có cần thiết thay đổi sách giáo khoa trong khi nội dung vẫn còn nhiều thiếu sót ?

Trao đổi với RFA tối 26/10, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đồng tình với việc nên thay sách giáo khoa vì chương trình giảng dạy hiện nay đã khác so với trước đây và cần phải phân biệt giữa việc cần đổi sách và nội dung sách sai. Ông giải thích :

"Chương trình cũ ta gọi là chương trình hướng về nội dung, còn chương trình mới hướng về năng lực. Sách ngày xưa dạy học trò chủ yếu về kiến thức, còn bây giờ người ta đặt ra câu hỏi người ta muốn học trò làm được gì thì người ta làm sao để học trò làm được cái ấy, người ta gọi là đào tạo hướng về năng lực là như thế. Một khi chương trình quốc gia đã thay đổi thì đương nhiên sách giáo khoa cũng không còn thích hợp nên người ta phải viết lại sách giáo khoa. Tốc độ thay sách giáo khoa ở Việt Nam quá chậm so với nhiều nước. Họ la làng như vậy nhưng không ai có chứng cớ, số liệu già cả. Tôi xin nói những chuyện đổi bộ sách giáo khoa, việc thăm dò ý kiến quần chúng là rất cần thiết nhưng quyết định phải là ý kiến chuyên gia, phải các vị chuyên gia ngồi bàn với nhau thực sự".

Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang từ Hà Nội lại cho rằng việc đổi sách nhưng lại không chuẩn bị kỹ càng khiến người dân mất niềm tin vào bộ sách mới, mất niềm tin vào hệ thống giáo dục. Ông cho rằng có thể thực hiện 2 phương án sau nếu thật sự cần thay đổi sách giáo khoa :

"Tôi nghĩ là phương án thứ nhất, khi thay đổi thì ta xem đánh giá quyển sách nào cần thay đổi thì thay đổi, quyền nào quá lạc hậu, không phù hợp nữa thì ta thay quyển đó, sách nào cần bổ sung, sửa chữa một chút thì ta bổ sung. Như thế rất ổn định và rất hiệu quả, không gây xáo trộn đối với giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, tức đối với toàn xã hội mà nó tiết kiệm, không tốn kém.

Phương án thứ hai là khi thay toàn bộ sách đó thì sách này phải thực nghiệm từ lớp 1 dần dần trở lên và thực nghiệm phải qua nhiều năm. Người làm sách phải tự đi dạy như Thầy giáo Phạm Toàn, ông tự dạy, tự tập huấn cho giáo viên, dạy xong lại rút kinh nghiệm, dự giờ rút kinh nghiệm và điều chỉnh sách. Qua đến lần thứ 5, 6 thậm chí thứ 10 mới ổn định và đưa ra để sử dụng rộng rãi. Như thế rất cẩn trọng và mới có thể tránh được những sai sót đáng tiếc".

Từng đọc qua sách giáo khoa lớp 1 sau khi những lùm xùm về bộ sách này được chia sẻ rộng rãi, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng thấy được những sai sót trong sách nhưng ông cho rằng những lỗi mắc phải trong sách không quá khó sửa. Ông nhận định :

"Tác giả sách giáo khoa trước hết phải chịu trách nhiệm cái sai sót cuốn sách của mình. Mặt khác họ cũng là nạn nhân của việc phê phán thành phong trào trên mạng xã hội như hiện nay. Tất cả sự phê phán phong trào như vậy thực ra tôi đọc thấy vấn đề tâm lý xã hội. Đó là người ta thất vọng về nền giáo dục và cả cách quản lý của một đất nước, vì thế mọi sự chê bai rất dễ có sự hưởng ứng rầm rộ trên mạng".

Trước đó, trong buổi họp Quốc hội sáng 20/10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn khi trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân về giáo dục đã phản ánh bức xúc của cử tri và nhân dân vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu "lợi ích nhóm", thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong báo cáo gửi đi cho hay nguyên nhân tăng giá sách được nói do khổ sách lớn hơn, chất lượng giấy in tốt hơn, cũng như mực in được đảm bảo hơn.

Xác nhận thông tin vừa nêu, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng cho hay hình ảnh và in ấn trong sách giáo khoa mới xuất bản lần này được cải thiện rất nhiều.

Mặc dù vậy, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng cho biết ông tin có hiện tượng ‘ăn tiền’ sách giáo khoa nhưng chắc chắn không phải tác giả viết sách. Ông đưa ra thực tế tình hình viết sách trước đây :

"Sách cũ Tiếng Việt cấp 3 là 20 tiết mà 3 người viết, một tiết ban đầu chỉ trả 350.000 đồng, nói lắm thì 380.000, đến cuối cùng lên được 500.000 mà 18 tiết, chia 3 thì mỗi người được mấy đồng ? Họ rất cực khổ, trách nhiệm rất cao. Điều đó giải thích tại sao ở Việt Nam hiện nay chưa có đội ngũ người viết sách giáo khoa chuyên nghiệp, chỉ các thầy cô giáo bên cạnh việc nghiên cứu, giảng dạy được chào giá biên soạn sách giáo khoa chứ không ai ngồi chuyên về sách giáo khoa vì sẽ chết đói. Một món hàng nhạy cảm như sách giáo khoa, tác động đến hàng triệu gia đình như vậy rất cần vai trò của nhà nước".

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang, nhận định "lợi ích nhóm" trong việc tăng giá sách giáo khoa là hoàn toàn có thể xảy ra vì ‘không có lửa làm sao có khói’.

"Hiện nay xã hội Việt Nam trong thể chế này thì bất cứ người ta làm việc gì, bất cứ ngành nào, cấp nào, làm việc gì đều phải tính đến lợi ích của nhóm. Gọi lợi ích nhóm tức là sự kết hợp của một số những người có quyền chức trong chính quyền và những phía ngoài kết hợp với nhau để tính toán làm sao cho có lợi nhất".

Vẫn theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang, trước đây một bộ sách được sử dụng từ thời anh sang thời em, gia đình đông con chỉ cần mua một bộ sách là có thể yên tâm.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang cũng đưa ra một ví dụ như ở nước Pháp, một nước giàu nhưng nhà trường có thư viện để sẵn sách giáo khoa cho học sinh mượn và trả lại sau khi kết thúc năm học. Với hình thức này, một cuốn có thể được sử dụng đến 10 năm và chỉ được thay thế bằng một cuốn sách tái bản khi đã quá cũ không thể sử dụng được nữa.

"Như thế rất tiết kiệm, hiệu quả và cũng giáo dục học sinh dùng quyển sách đó cho lớp sau học tiếp. Của ta bây giờ in loạn hết cả sách lên xong học sinh dùng rồi thì vứt đi. Vừa nước đã nghèo vừa tốn kém vừa khổ học sinh, khổ giáo viên, khổ cha mẹ học sinh".

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa năm học 2020/2021, Bộ Giáo dục cho biết đã quán triệt nghiêm túc việc biên soạn sách giáo khoa để có thể sử dụng được nhiều lần.

Nguồn : RFA, 26/10/2020

Quay lại trang chủ
Read 435 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)