Ông Michael Nguyễn : "con chốt" người Mỹ may mắn
Diễm My, VNTB, 30/10/2020
David Brown trong bài Nền tư pháp Việt Nam kỳ lạ cho ông Michael Minh Phương Nguyễn đã trở thành "một con chốt trong cuộc đối thoại hàng năm của Hà Nội với Hoa Kỳ về quyền tự do dân sự".
Michael Nguyễn đã được trả tự do và đưa thẳng về Mỹ đoàn tụ với gia đình sau khi 27 tháng tù giam ở Việt Nam. Đây là nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi của các dân biểu Hoa Kỳ, luật sư cùng gia đình của ông trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó với áp lực từ Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì việc phóng thích ông chỉ là vấn đề thời gian .
Trong khi phía Việt Nam gọi đây là một cử chỉ nhân đạo.
Con chốt may mắn
Một người không phải giới bất đồng chính kiến đã được phóng thích và trục xuất thẳng về Mỹ hai tuần sau cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt – Mỹ mà theo ông Michael cho biết ông hoàn toàn không biết gì đến việc được phóng thích cho tới khi ông có mặt ở sân bay Sài Gòn.
Ông Michael tiết lộ ông đã bị công an Việt Nam bắt cóc cùng với ba người khác mà không biết lý do gì, cũng không có lệnh bắt giam. Ông bị công an mặc thường phục bắt, bịt mắt, còng tay rồi đưa đi bằng xe ô tô hồi 7/7/2018.
Ông cũng cho biết thêm là đã bị "giam giữ và thẩm vấn trong 16 giờ liền, suốt trong nhiều ngày".
Trong hai năm và bốn tháng ngồi tù, ông Michael cho biết ông không được liên lạc với gia đình trong hai tháng đầu, sau đó được nhận thư của gia đình mỗi năm tuần, nhưng những lá thư đó đều được quản giáo đọc.
Trong suốt 11 tháng liền ông không được tiếp xúc với luật sư bào chữa. Khi ra toà, dù được báo rằng ông có thể tự giải thích, nhưng khi ông bắt đầu nói, thì họ ngăn lại. Họ buộc ông phải im lặng.
Theo ông Michael, trước khi ra tòa một ngày, ông gặp một luật sư công, và luật sư không thể nào bào chữa cho ông được vì chỉ có một ngày tiếp xúc một xấp hồ sơ cao 12 inch (30cm), hay ‘bằng chứng’ chống lại ông Michael. Luật sư không có thời gian để đọc cũng như chất vấn các hồ sơ đó tại phiên tòa.
"Rốt cuộc họ đưa cho tôi một văn bản viết sẵn, công tố viên buộc tôi ký vào dù tôi biết trong văn bản đó không chứa đựng lời lẽ khai báo của chính tôi. Tôi hoàn toàn không có cơ hội tự biện hô cho mình. Họ tuyên bố tại phiên tòa là tôi được quyền giải thích nhưng khi tôi bắt đầu nói thì họ ngăn tôi lại, họ tìm cách bịt miệng tôi".
Trong thời gian bị giam giữ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã yêu cầu gia đình ông không được công khai nói về những gì xảy ra ở Việt Nam, vì có thể khiến trường hợp của ông thêm khó giải quyết. Vì vậy ông cũng sẽ không nói thêm về việc của của ông để không ảnh hưởng đến người khác.
Ông Michael có được các dân biểu Hoa Kỳ vận động, có một người em cột chèo là luật sư, đại sứ Mỹ ở Việt Nam giúp đỡ và ông đã được tự do sau 27 tháng bị giam cầm chỉ vì ông là người Mỹ gốc Việt.
Những "con chốt" không may
Ông Michael kể rằng khi bị giam ở Thủ Đức, ông gặp nhiều người nước ngoài và cảm thấy ông là người may mắn vì những người đó không có ai đấu tranh giúp họ, không có được sự tự do như ở Hoa Kỳ, và không có một người vợ như vợ ông.
Đó là những người nước ngoài, ông Michael nếu có bị giam giữ cùng các phạm nhân án an ninh người Việt thì có lẽ ông sẽ cảm thấy ông còn may mắn hơn đến vạn lần. Họ thậm chí còn không biết có được xếp vào hạng những con chốt để còn có cơ hội được thí trên bàn cờ chính trị hay không.
Những trải nghiệm của ông trong trại giam và toà án tại Việt Nam có lẽ làm cho Mỹ và phương Tây kinh ngạc nhưng với những tù nhân lương tâm ở Việt Nam thì chẳng có gì là lạ.
Ông Micheal đã được nhận thư từ của gia đình sau hai tháng bị giam cầm dù là quản giáo có đọc thư của ông, làm cho ông cảm thấy sự riêng tư bị xâm phạm. Ông vẫn còn được an ủi khi biết được tin tức của gia đình.
Còn những tù nhân án an ninh khác và gia đình họ không có được may mắn đó, họ không được liên lạc với bất kỳ ai qua bất kỳ hình thức nào trong suốt thời gian điều tra vụ án.
Tất cả thông tin tối thiểu về sức khoẻ chỉ được "nghe" qua cán bộ trại giam hay từ điều tra viên, người bị giam giữ lại còn mù mịt hơn về tình hình gia đình ở bên ngoài dù họ vẫn nhận được tiền lưu ký và thực phẩm từ gia đình gửi vào.
Ông Phạm Chí Dũng và gia đình đã không trao thư từ hay liên lạc gì thêm 20 ngày nữa là tròn đúng một năm trời, với gia đình ông Nguyễn Tường Thụy hay Lê Hữu Minh Tuấn cho đến nay là gần nửa năm trời cắt đứt mọi liên lạc trực tiếp.
Điều ông kể về luật sư tiếp xúc hồ sơ vụ án chỉ một ngày trước khi ra toà cũng không phải là điều mới trong nền tư pháp Việt Nam. Hôm 15/10/2020, Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết với việc kết thúc điều tra vụ án Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, các luật sư được phép đăng ký bào chữa tại Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. "Quy định trong thời hạn 24 giờ, Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ cấp Thông báo cho người đăng ký bào chữa".
Tuy nhiên trong thực tế, các luật sư sau khi đăng ký phải chờ đợi rất lâu và rất hiếm khi được sao chụp hồ sơ tại viện. Tất cả thủ tục và thông tin trao đổi đều được thực hiện tại "chuồng cu".
Ra toà với những án bỏ túi, không ai còn lạ gì chuyện quan toà ngắt cả lời bị cáo lẫn luật sư. Người nào "lỡ có thái độ lồi lõm" và "nghe lời luật sư ngáo", lại còn được mạng xã hội ủng hộ không khéo lại được cho hưởng án nặng hơn so với đề nghị của viện kiểm sát cho "bõ ghét".
Những nhà báo hay bất kỳ những người bất đồng chính kiến nào đang trong chốn lao tù liệu đã phải ngồi đến 16 tiếng đồng hồ một ngày hay hơn để bị thẩm vấn, liệu họ có bị ngược đã hay thậm chí tra tấn hay không. Liệu họ và gia đình có được ai đó yêu cầu cầu phải giữ kín và kiệm lời để cho vụ án của họ không bị ảnh hưởng ?
Với một nền tư pháp kỳ lạ như ở Việt Nam thì không có gì là không thể xảy ra !
Diễm My
Nguồn : VNTB, 30/10/2020
***********************
Việt Nam : Thả Michael Nguyễn ‘vì lý do nhân đạo’
VOA, 30/10/2020
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 29/10 nói rằng việc phóng thích công dân Mỹ gốc Việt, ông Michael Nguyễn, ngay trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Hà Nội là "vì lý do nhân đạo".
Ông Michael Nguyễn trong phiên tòa xét xử tại Việt Nam vào ngày 24/5/2019.
"Với tinh thần nhân đạo, vào ngày 21/10, nhà chức trách Việt Nam đã đình chỉ bản án đối với Michael Phuong Minh Nguyen và trục xuất ông khỏi Việt Nam", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong một tuyên bố gửi cho Reuters.
Ông Micheal Nguyễn bị kết án 12 năm tù tại Việt Nam với cáo buộc "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân". Ông được trả tự do hôm 21/10, ngay trước chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đến Việt Nam trong khuôn khổ chuyến công du Châu Á nhằm chống lại một Trung Quốc đang ngày càng tăng ảnh hưởng về chính trị và an ninh trong khu vực.
Như VOA đã đưa tin, trong cuộc họp báo trực tuyến do văn phòng Dân biểu Katie Porter thu xếp, ông Michael Nguyễn tiết lộ việc ông được Việt Nam trả tự do hôm 21/10 là "hoàn toàn bí mật đối với tôi cho đến khi tôi có mặt tại sân bay ở Sài Gòn".
Ông cho biết trong thời gian ông bị giam giữ tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu gia đình ông "không được nói một cách công khai" về những điều đã xảy ra ở Việt Nam vì có thể khiến trường hợp của ông cũng như những người khác thêm khó giải quyết.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Michael Nguyễn cho biết ông đã bị bắt cóc tại Việt Nam vào tháng 7/2018, bị giam giữ và thẩm vấn suốt 16 tiếng trong nhiều ngày và không được tiếp xúc với luật sư trong 11 tháng.
Trong tuyên bố gửi cho Reuters, đại diện Bộ ngoại giao Việt Nam không hề đề cập đến những cáo buộc của ông Michael Nguyễn về việc bị an ninh Việt Nam bắt cóc và thẩm vấn.
Trong ngày cuối của chuyến thăm Việt Nam hôm 30/10, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đã có cuộc họp kín với Bộ trưởng Công an Tô Lâm, người đứng đầu cơ quan chuyên trách về việc bắt giam hay phóng thích những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
Mặc dù mối quan hệ giữa Việt – Mỹ đã nồng ấm hơn rất nhiều trong thời gian gần đây nhưng hai bên vẫn có những bất đồng về một số lĩnh vực như nhân quyền và thương mại. Các vụ phóng thích tù nhân chính trị và tôn giáo thường được Hà Nội thực hiện trước những chuyến thăm của các giới chức cấp cao Hoa Kỳ hoặc trước các sự kiện quan trọng về chính trị, kinh tế.
**********************
Việt Nam trả tự do công dân Mỹ Michael Nguyễn : 'Thắng lợi về nhân quyền' ?
BBC, 29/10/2020
Chính phủ Việt Nam trả tự do cho Việt Kiều Mỹ Michael Nguyễn (còn gọi là Michael Phương Minh Nguyễn) sau hai năm giam giữ, ngay trước chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Pompeo.
Ông Michael Phương Minh Nguyễn sinh sống cùng gia đình ở Quận Cam, California, Hoa Kỳ
Theo thông cáo báo chí của văn phòng Dân biểu Alan Lowenthal, ông Micheal Nguyễn đã đoàn tụ với gia đình ở Quận Cam, California hôm Chủ nhật. Việc ông Micheal được trả tự do "đánh dấu một thắng lợi về nhân quyền và một bước tiến tích cực trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ".
Cũng theo thông cáo, Dân biểu Porter là người đã đấu tranh 'không mệt mỏi' trong suốt hai năm để ông Michael được trả tự do.
Dân biểu Porter được trích lời trong thông cáo, nói :
"Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì Michael đã được đoàn tụ với vợ, Helen và bốn cô con gái của họ. Michael và cả gia đình họ Nguyễn đã thể hiện sức mạnh và sự kiên trì đáng kinh ngạc. Việc ông ấy trở về nhà vào Chủ nhật là một cuộc đoàn tụ được mong đợi từ lâu".
Dân biểu Alan Lowenthal phát biểu trong thông cáo được gửi đi hôm 28/10 :
"Tôi rất phấn khởi khi nghe tin ông Michael Nguyễn, công dân Mỹ bị bắt giam, tuyên án, và cầm tù một cách sai trái bởi chính quyền Cộng sản Việt Nam đã được trả tự do, trở về với gia đình và cộng đồng tại Mỹ. Tôi cảm kích sự tận tâm và nỗ lực vận động của Bộ Ngoại giao Mỹ, các nhân viên Đại Sứ Quán và Tổng Lãnh Sự Mỹ, đặc biệt là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. Tôi cũng cảm ơn các vị Dân biểu đã hết lòng hỗ trợ vận động cho Michael Nguyễn được trở về với gia đình".
Dân biểu Brad Sherman bày tỏ :"Trong một thời gian dài, các thành viên lưỡng đảng của Hạ viện và Thượng viện, bao gồm cả tôi, đã kêu gọi trả tự do cho Michael Nguyễn. Tôi đã tổ chức các cuộc gặp với các Đại sứ Việt Nam và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, gửi thư cho chính quyền, gặp các quan chức trong chính quyền, và hoan nghênh Helen Nguyễn đến điều trần trước Tiểu ban Châu Á để vận động thay cho Michael".
"Việc trả tự do cho ông Nguyễn sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự vận động của Dân biểu Porter. Đây thực sự là một chiến thắng đáng kinh ngạc về nhân quyền, và là một bước tiến quan trọng trong phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ".
Gia đình ông Michael Nguyễn cũng bày tỏ lòng biết ơn với các thành viên Quốc hội, Bộ Ngoại giao, nhân viên Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ trong nỗ lực đưa ông trở về.
'Đấu tranh suốt 2 năm'
Trong suốt thời gian làm Đại diện cho Quận 45 của California, Dân biểu Porter đã liên tục ủng hộ việc trả tự do cho ông Michael Nguyễn ngay lập tức và an toàn. Bà đã mời vợ của ông Michael làm khách của mình tại State of the Union vào năm 2019 để nâng cao nhận thức về việc ông Michael bị giam cầm.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Trump với Kim Jong Un tại Hà Nội vào năm ngoái, Dân biểu Porter là người khởi xướng một lá thư lưỡng đảng kêu gọi Tổng thống có thêm hành động để đảm bảo việc thả ông Michael.
Tháng 11/2019, bà tham dự phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện để báo cáo trực tiếp với Bộ Ngoại giao Mỹ về trường hợp của Michael.
Bà Porter cũng viết một bài phân tích trên Orange County Registrar về việc cần khẩn cấp đưa ông Michael về Mỹ. Đầu năm nay, bà đã cùng các thành viên khác của phái đoàn quốc hội Quận Cam đón tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Dan Kritenbrink tại một tòa thị chính ở địa phương.
'Tư pháp Việt Nam vận hành một cách khó hiểu'
Trong bài báo Vietnam Justice Works in Strange Ways đăng trên Asiasentinel, nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Việt Nam David Brown viết :
"Ông Nguyễn hẳn không thuộc kiểu người chế tạo bom dưới tầng hầm nhà riêng. Có vẻ như là, ông ấy chỉ là người thích tụ tập với bạn bè, uống vài cốc bear và mơ tưởng về việc lật đổ chế độ độc đảng của Việt Nam. Tuy nhiên, theo cảnh sát Việt Nam thì ông ấy đã cố gắng thực hiện những điều ông tưởng tượng. Chỉ có điều là thời điểm ông thực hiện nó lại rất tồi, rõ ràng là vụng về, giống như cách ông đảm bảo an ninh cho mình".
"Sau khi ở tù hai năm ở Việt Nam, mặc dù không phải là đại diện của cộng đồng những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, Nguyễn đã trở thành một con tốt trong cuộc đối thoại hàng năm của chế độ Hà Nội với Hoa Kỳ về quyền tự do dân sự. Chỉ hai tuần trước đó, giới chức Hoa Kỳ và Việt Nam đã có cuộc thảo luận song phương thường niên về nhân quyền.''
"Bảo đảm việc trả tự do cho ông Nguyễn chắc chắn là một trong những mục tiêu chính của phía Hoa Kỳ. Và trớ trêu thay, gần đúng lúc hai bên đang gần như gói lại sự việc, thì Phạm Đoan Trang bị bắt với tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước". Và, không giống như Michael Nguyễn, khi những người bất đồng chính kiến sing sống tại Việt Nam bị bắt, họ bị từ chối cho người đến thăm hoặc nhận đồ gửi từ nhà, trừ khi họ thú nhận ý định phạm tội của mình".
So sánh trường hợp ông Nguyễn và Phạm Đoan Trang, ông David Brown viết rằng họ không thiếu bạn đồng hành trong tù. Thời điểm ông Micheal Nguyễn bị bắt năm 2018, có 147 tù nhân chính trị trong nhà tù Việt Nam. Vào tháng 10/2020 khi Phạm Đoan Trang bị bắt, con số đã tăng lên 254 người.
"Gia đình ông Nguyễn và những người hàng xóm của ông tị nạn sang Mỹ sau khi chế độ chống Cộng sản miền Nam Việt Nam sụp đổ, hiện định cư ở Nam California. Họ đã làm việc chăm chỉ, thịnh vượng và đồng hóa ít nhiều. Nhiều người vẫn còn đeo bám ý niệm rằng một ngày nào đó, chế độ Cộng sản Việt Nam sẽ bị lật đổ và họ sẽ có thể "trở về nhà", ông David Brown viết.
Ông Micheal Nguyễn là ai ?
Ông Michael Nguyễn được cho là đến Việt Nam thăm người thân vào tháng 6/2018. Ông bị bắt vào 7/7 cùng năm, sau đó bị giam tám tháng tại Trại giam Phan Đăng Lưu, Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi bị đưa ra xét xử.
Trong phiên tòa kéo dài 4 giờ ngày 26/4/2019, ông Michael Nguyễn bị tuyên 12 năm tù với tội danh 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân' theo Điều 1, Khoản 109 Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với BBC Tiếng Việt sau phiên tòa rằng ông Michael Nguyễn tại tòa rất 'điềm đạm' và 'khai nhận tất cả những gì ông làm', và rằng ông "không biết hành vi muốn giúp ích cho quê hương của ông lại vi phạm pháp luật Việt Nam".
Trước đó, ông Michael là doanh nhân sinh sống ở Quận Cam, bang California, Mỹ. Ông thường xuyên chia sẻ các bài viết của giới bất đồng chính kiến về hiện tình đất nước trên mạng xã hội.
*********************
Nền Tư pháp Việt Nam kỳ lạ
David Brown, VNTB, 29/10/2020
Công dân Hoa Kỳ được trả tư do trong khi đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam gia tăng.
Ông Michael Nguyễn tiết lộ việc ông được Việt Nam trả tự do hôm 21/10 : "Việc phóng thích tôi hoàn toàn bí mật đối với tôi cho đến khi tôi có mặt tại sân bay ở Sài Gòn". Ảnh minh họa VOA Express
Vào ngày 21 tháng 10, chính phủ Việt Nam đã giao ông Michael Nguyễn, một người cha 55 tuổi ở miền nam California, cho Đại sứ quán Hoa Kỳ. Một ngày sau, ông Michael Nguyễn được đoàn tụ với gia đình ở Quận Cam, Tiểu Sài Gòn ở California sau hơn 26 tháng bị giam giữ, theo Los Angeles Times, ông Michael được coi như là là một người hùng.
Theo nhà ngoại giao David Brown, ông Michael Nguyễn có lẽ không phải là loại người thực sự chế tạo bom trong tầng hầm ở nhà. Mà có nhiều khả năng, ông Michael Nguyễn chỉ đi chơi và uống bia với những người khác, có lẽ nuôi ảo tưởng về việc lật đổ chế độ đảng-nhà nước của Việt Nam. Tuy nhiên, theo công an Việt Nam, ông Michael Nguyễn đã gắng thực hiện những ảo tượng đó. Việc sắp đặt thời gian của ông Michael cũng như hoạt động bảo mật đều vụng về.
Sau khi ở tù hai năm ở Việt Nam, mặc dù không đại diện cho cộng đồng những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, ông Michael Nguyễn đã trở thành một con tốt trong cuộc đối thoại hàng năm của Hà Nội với Hoa Kỳ về quyền tự do dân sự. Chỉ hai tuần trước đó, các quan chức Hoa Kỳ và Việt Nam đã gặp nhau cho cuộc thảo luận song phương thường niên về nhân quyền ( được tổ chức trực tuyến trong năm nay).
Bảo đảm thả ông Michael Nguyễn chắc chắn là một trong những mục tiêu chính của phía Hoa Kỳ. Và trớ trêu thay, gần đúng lúc hai bên bàn thảo xong nhau thì Phạm Đoan Trang lại bị bắt với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Ông Michael Nguyễn may mắn được có người thăm gặp mỗi tháng trong khi những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam bị bắt thì không được gia đình thăm viếng hoặc nhận quà thăm nuôi trước khi xét xử.
Phạm Đoan Trang, là một nhà vận động cho quyền tự do dân sự, không cổ suý bạo lực, không phải một kẻ kích động mà chú trọng giáo dục nhận thức. Kể từ khi trả thẻ nhà báo hơn một thập kỷ trước, bà Trang không mệt mỏi kêu gọi đồng bào khẳng định, một cách ôn hoà và không khoan nhượng, các quyền mà hiến định của công dân. Vì thế gán cho hành động đó là “tuyên truyền chống phá nhà nước” thì có vẻ hơi khiên cưỡng.
Phạm Đoan Trang sẽ có rất nhiều bạn bè trong tù trong khi cơ quan chức năng chuẩn bị cáo trạng. Khi ông Michael Nguyễn bị bắt vào tháng 7 năm 2018, Việt Nam có 147 tù nhân chính trị đang bị giam giữ, theo Dự án 88. Vào tháng 10 năm 2020, có đến 254 người đang bị giam giữ trong các nhà tù và ‘trại giam’, đang chờ xét xử hoặc thi hành án về các tội danh như “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.”
Mặc dù bị báo chí nước ngoài gọi chung là ‘những người bất đồng chính kiến’, bà Trang và những người Việt Nam khác lên tiếng chống lại chính sách của đảng-nhà nước là một nhóm đa dạng với các chương trình nghị sự đa dạng. Một số thách thức sự độc quyền quyền lực của Đảng Cộng sản. Số khác phản đối sự đàn áp các nhóm tôn giáo bị cấm hoạt động hoặc các liên đoàn lao động độc lập. Một số nhà bất đồng chính kiến thách thức sự kiểm duyệt báo in và điện tử, hoặc các chính sách hạn chế quyền của nông dân đối với các công ty phát triển nhà đất hoặc các chính sách làm hủy hoại môi trường nhân danh tăng trưởng kinh tế.
Trường hợp của Michael Nguyễn là một vấn đề khác, một vấn đề có đặc điểm là dường như đã xảy ra hoàn toàn thất bại vào tháng 7 năm 2018 khi căng thẳng lên cao. Công an đã bắt Michael Nguyễn và hai thanh niên Việt Nam vì tội “nói chuyện, phân vai, tổ chức tuyên truyền, lên kế hoạch mua vũ khí, kêu gọi người dân tham gia biểu tình và chiếm giữ các trụ sở chính quyền ở TP HCM và Hà Nội.” Chỉ vài tuần sau khi các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp Việt Nam để phản đối việc chính phủ được cho là có ý định cấp cho các nhà đầu tư Trung Quốc các đặc quyền ngoài lãnh thổ tại ba “đặc khu kinh tế”.
Bản cáo trạng cho biết Michael Nguyễn cùng Bình và Phi liên lạc với nhau qua các bài đăng và email trên Facebook bắt đầu từ đầu năm 2017. Vào tháng 8/2017, Michael Nguyễn đến Việt Nam để gặp những người bạn mới của mình. Họ đã giới thiệu anh ta với một kẻ chủ mưu thứ tư, một người tên là Phong, người tuyên bố đã tổ chức “Đơn vị hành động đặc biệt”. Michael Nguyễn được cho là đã đưa cho Phong 2.000 USD để mua vũ khí và các vật dụng khác.
Michael Nguyễn về Việt Nam vào tháng 6 năm 2018. Theo cáo trạng, lần này cả ba gặp nhau tại nhà cha của Bình ở Biên Hòa. Họ lên kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình lớn. Sau đó, họ đã đến vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam để tuyển mộ những người khác vào kế hoạch của họ. Ở đó, vào ngày 7 tháng 7, họ đã bị bắt.
Michael Nguyễn, Bình và Phi bị đưa ra xét xử 11 tháng sau đó, bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và bị phạt tù lần lượt 12, 11 và 10 năm. Katie Porter, nữ dân biểu ở các quận hạt bao gồm cả Little Saigon, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã vận động không mệt mỏi cho việc trả tự do cho ông Michael Nguyễn.
Gia đình của ông Michael Nguyễn và những người hàng xóm đã định cư ở Nam California như những người tị nạn sau khi chế độ chống Cộng sản miền Nam Việt Nam sụp đổ. Họ đã làm việc chăm chỉ, kiếm được tiền và đồng hóa ít nhiều. Nhiều người vẫn còn đeo bám ý niệm rằng một ngày nào đó, một ngày nào đó, chế độ Cộng sản Việt Nam sẽ bị lật đổ và họ sẽ có thể “trở về nhà.”
Cuộc sống đối với ông Michael Nguyễn trong nhà tù Việt Nam chắc chắn là khó chịu, nhưng bất chấp nỗ lực vô cùng lớn để tạo ra một cuộc cách mạng ở Việt Nam, ông ta vẫn được các nhân viên Đại sứ quán cho phép thăm gặp hàng tháng . Ông ta có thể hy vọng được trả tự do vì biết rằng Bộ Ngoại giao đang gây áp lực cho vụ án của ông.
Đối với Phạm Đoan Trang thì lại khác. Cách đây không lâu, những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam có thể tiếp cận với một lượng lớn độc giả qua internet. Điều đó bây giờ khó hơn nhiều; dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã gia tăng phá rối, hình sự hóa các bài viết trên mạng, và bằng cách đe dọa đóng cửa nguồn thu, ép cả Facebook lẫn Youtube làm theo ý muốn của chính phủ.
Năm nay, một rạn nứt mới đã mở ra trong cộng đồng những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam: giữa phe ủng hộ và phe chống Tổng thống Mỹ Donald Trump. Những sai sót trong tính cách của Trump và sự thờ ơ của ông ta đối với các quyền tự do dân sự rất khó nhận ra từ Việt Nam. Điều dễ dàng nhận thấy hơn nhiều là động thái cứng rắn hơn của Mỹ đối với Trung Quốc, mà họ cho rằng chính là nhờ Trump.
Gần đây, một blogger có tư duy tự do với lượng người theo dõi lớn đã viết rằng “Tôi biết rằng nếu tôi viết về tác động tai hại của tổng thống Trump đối với chính trường Mỹ, tôi sẽ mất đi nhiều người bạn say mê Trump. Nền chính trị Mỹ có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, liên quan đến cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở đây. Trong khi Trump nắm quyền, Cộng sản Việt Nam đã bóp nghẹt người dân nhiều như họ muốn, và đó là lý do tại sao cá nhân tôi không thể không chỉ ra sự xấu xa của chế độ của ông ấy. “
Blogger này thuộc một thiểu số khác biệt trong số những người tự do Việt Nam. Trump chiếm được lòng trung thành của đa số người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là những người mà vết sẹo do thất bại gây ra vẫn còn nguyên. Ít nhất ở mức độ đó, những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam và những người cay đắng ở Little Saigon đều có chung điểm chung.
David Brown
Nguyên tác : "Vietnam Justice Works in Strange Ways", Asia Sentinel, 28/10/2020
Khánh An biên dịch
Nguồn : VNTB, 29/10/2020
David Brown là một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm tại Việt Namvà thường xuyên đóng góp cho Asia Sentinel.