Biến cố 30/4/75 dưới con mắt của một trong các nhân chứng lịch sử, Bí thư kiêm Tham vụ Báo chí của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Hoàng Đức Nhã, nguyên Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi của Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Hoàng Đức Nhã (phải) bắt tay với Đại sứ Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam Elleworth Bunker, 17/8/1972, trước buổi họp giữa Tổng thống Thiệu và Cố vấn Kissinger (giữa).
Báo New York Times năm 1973 miêu tả ông là "người đàn ông quyền lực nhất, sau Tổng thống". Ông là người duy nhất có mặt trong các cuộc đàm phán giữa Tiến sĩ Henry Kissinger và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi ông Kissinger tới Sài Gòn bàn về bản thảo hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ, ông Hoàng Đức Nhã chia sẻ những cảm nghĩ của ông về sự bội ước của đồng minh Mỹ, và về Tiến sĩ Henry Kissinger, cố vấn an ninh của Tổng thống Nixon. Ông Nhã cho rằng vai trò của ông Henry Kissinger là "một vết dơ trong quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam Cộng Hòa". Sau đây là nội dung cuộc trao đổi giữa Hòai Hương và ông Hoàng Đức Nhã.
--------------------------
Nguyên Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi Việt Nam Cộng Hòa, Hoàng Đức Nhã nói đối với người Mỹ, mọi sự đã an bài từ năm 1973, bởi vì Washington đã quyết định tiến tới ký kết Hiệp định Paris để rút ra khỏi Việt Nam. Trước sức ép của Washington, ông nói chính phủ miền Nam vẫn vận động cho một giải pháp ít bất lợi nhất, và cố duy trì nguyên tắc căn bản là "toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, đồng thời đề nghị tổng tuyển cử, ngưng bắn tại chỗ". Sau cùng, vạn bất đắc dĩ Tổng thống Thiệu đặt bút ký Hiệp định Paris với hy vọng Mỹ sẽ giữ cam kết, giúp VNCH phát triển kinh tế và xây dựng đất nước, đi kèm với lời hứa của cá nhân Tổng thống Nixon sẽ phản ứng quyết liệt nếu Hà Nội thực hiện ý đồ thôn tính miền Nam.
Về áp lực hết sức nặng nề từ Washington để chính phủ Sài Gòn ký hiệp định Paris, bất chấp thỏa thuận này rõ rệt bất lợi cho miền Nam, ông Hoàng Đức Nhã nói người Mỹ đã quyết rút ra khỏi Việt Nam bằng bất cứ giá nào cho nên đã phạm một lỗi lầm lịch sử, để ông Kissinger "đi đêm" với ông Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị Paris.
Bí thư của Tổng thống Thiệu nói hơn 40 năm sau, nỗi buồn bị đồng minh phản bội, vẫn làm ông cảm thấy uất ức :
"Cách đây bốn mươi mấy năm phải đối đầu với những áp lực của Mỹ rất là buồn cho ông đồng minh tới giờ chót muốn thoái lui, làm đủ cách nhượng bộ Bắc Việt và chính vì vậy mà Bắc Việt đạt được mục tiêu là đuổi người Mỹ đi và tiếp tục xâm lăng. Lúc đó lời hứa (của Tổng thống Nixon rằng Mỹ sẽ phản ứng quyết liệt), cũng không giữ được".
Tiến sĩ Kissinger đóng vai trò hệ trọng trong vận mệnh của Việt Nam Cộng Hòa. Ông Hoàng Đức Nhã cho rằng vì có mâu thuẫn trong Đảng Cộng Hòa nên Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ là William Rogers không được giao trách nhiệm thương thuyết hòa bình với Việt Nam, mà người nắm vai trò này là Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger.
"Vai trò của ông tiến sĩ Kissinger trong vấn đề đem đến hòa bình thì dĩ nhiên là một cái vết dơ trong bang giao giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa".
Ông Hoàng Đức Nhã nhận xét thêm về ông Kissinger :
"Ông cho rằng chỉ có ý kiến của ông ta là trúng, không hỏi ý kiến, không bàn với phía Việt Nam Cộng Hòa nhiều. Mình mà tiếp tục đưa ra đề nghị gì đòi hỏi gì thì ông ta có lúc bực mình và trong các tài liệu được giải mật thì ông ta rất là bất bình và có những lời lẽ không có lễ phép lắm đối với Tổng thống Thiệu và cá nhân tôi".
Về trách nhiệm của các nhà lãnh đạo miền Nam trong cả thời Đệ nhất lẫn Đệ nhị Cộng hòa đã để cho tình hình dần dà xấu đi, tạo điều kiện đưa đến thảm họa cuối cùng là sự xóa sổ của chính phủ miền Nam trên bản đồ thế giới, ông Hoàng Đức Nhã nói :
"Trong Đệ nhất cũng như trong Đệ nhị Cộng hòa, cũng có những lỗi lầm về thi hành các mục tiêu. Chính phủ của ông Thiệu đã có những sơ suất, nội các đã không thi hành đúng mức chiến lược. Trong tất cả các lỗi lầm đó, lỗi lầm lớn nhất là không đạt được điều tối đa cho Việt Nam Cộng Hòa để tồn tại. Đó thực sự cũng là một điều nằm ngoài sự kiểm soát của mình là vì tin vào một ông Tổng thống xứ mạnh nhất thế giới mà hứa thì dĩ nhiên là phải thực hiện được, nhưng mà không ngờ lúc đó vì nhiều lý do, ông Nixon cũng như quốc hội Hoa Kỳ hoàn toàn coi như hiệp định đó không ràng buộc Hoa Kỳ".
Ông nói các nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa không thể nào tưởng tượng được một ông Tổng thống Hoa Kỳ, quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, lại bội hứa. Còn về các vấn đề nội bộ, từ phát triển nông thôn tới phát triển kinh tế, tìm ra tài nguyên để không phải phụ thuộc vào viện trợ Mỹ thì miền Nam đã không thực hiện được đúng mức. Ông giải thích lý do một phần là vì lúc đó miền Nam phải chống chọi với quân đội Bắc Việt được Liên Xô và Trung Quốc chống lưng, đang tràn xuống miền Nam.
"Khi mà Bắc Việt tung ra bao nhiêu ngàn quân và được sự hỗ trợ rất mạnh của Liên bang Nga sô lúc đó và Trung Cộng. Miền Nam khó có thể chống đỡ trong khi đồng minh cúp viện trợ của mình".
Thế ai, có phải Tổng thống Thiệu đã đưa ra lệnh bỏ Vùng II chiến thuật, được nhiều người cho là yếu tố gây phản ứng dây chuyền, đưa đến sự tan rã của quân lực Việt Nam Cộng Hòa ? Ông Hoàng Đức Nhã nói cần nhìn vấn đề trên phương diện quân sự.
Ông nói địa lý của miền Nam rất khó bảo vệ bởi vì nó dài và có nhiều núi rừng, và lúc đó Hoa Kỳ đã rút quân và ngưng mọi sự hỗ trợ, trong các điều kiện đó miền Nam phải đổi lại chiến thuật. Muốn giữ số quân còn lại phải triệt thoái để củng cố những vùng đông dân cư và có tài nguyên nhiều là vùng duyên hải.
"Ai lấy quyết định đó thì thực sự Tổng thống với tư cách là Tổng thống và Tổng Tư lệnh quân đội lúc nào cũng làm việc chung với ông Đại tướng Tổng tham mưu trưởng, nghe những đề nghị của ông và các ông tướng vùng mới lấy quyết định đó".
Cựu nhân viên ngoại giao Mỹ ông David Brown và ông Hoàng Đức Nhã (ảnh Bùi Văn Phú)
Ông Hoàng Đức Nhã cho biết quyết định rút khỏi Vùng II chiến thuật được đưa ra tại một phiên họp ở Cam Ranh và Thiếu tướng Tư lệnh Vùng II là người thi hành.
"Khi mà người Mỹ rút ra hết thì mình phải sửa đổi cái chiến thuật của mình. Muốn giữ lại số quân còn lại thì mình phải có những sự triệt thoái để củng cố, bảo vệ những vùng đông dân cư và có tài nguyên nhiều là vùng duyên hải. Rất tiếc cho miền Nam là thi hành không đúng mức, quyết định rút quân là một quyết định về phương diện quân sự cần thiết".
Được hỏi về những sơ suất trên mặt trận tình báo, Việt Nam Cộng Hòa đã cho phép tình báo miền Bắc thâm nhập vào những cơ quan trọng yếu nhất, tận tới Phủ Tổng thống, ông Hoàng Đức Nhã nói đó là một vấn đề chung cho các xã hội dân chủ cởi mở, ngay cả ở bên Mỹ :
"Trong một xã hội dân chủ cởi mở thì không thể nào kiểm soát hết vấn đề xâm nhập. Cộng sản Bắc việt xâm nhập, chúng tôi biết và bắt được khá nhiều, còn ở cao cấp từ trong Phủ Tổng thống mình cũng khám phá ra mình bắt, tôi nhớ có ông Huỳnh Văn Trọng và ngay cả những người như vợ của ông Trần Bạch Đằng, mấy người thuộc Mặt trận Giải phóng miền Nam (MTGPMN) nhưng người Mỹ sau này muốn tỏ thiện chí với phía Mặt trận để thương thuyết thì họ áp lực miền Nam nương tay, đó là những điều mà người dân ở ngoài ít ai biết tới. Dĩ nhiên mình không thể bắt hết những tổ gián điệp nhưng mà những người chóp bu trong cái gọi là Mặt trận Giải phóng miền Nam, thì mình biết chứ".
Ông cho biết cùng bị bắt vào năm 1968 với ông Huỳnh Văn Trọng, Cố vấn của Tổng thống Thiệu và có lúc đã cầm đầu một phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa sang Hoa Kỳ, có ông Vũ Ngọc Nhạ, tướng tình báo miền Bắc, Cụm phó của Cụm tình báo chiến lược A.22.
Báo chí nói ông Hoàng Đức Nhã là cháu của Tổng thống Thiệu, nhưng ông xác nhận với VOA rằng ông không phải là cháu ông Thiệu :
"Tôi với Tổng thống Thiệu là hai anh em bà con, rất nhiều người cứ nói tôi là cháu ông Thiệu, điều đó là buồn cười nhất, ngay cả chính những người trong chính phủ cũng nói tôi là cháu ông Thiệu. Chuyện đó hoàn toàn sai".
Tại sao Tổng thống Thiệu từ chức ? Ông Hoàng Đức Nhã :
"Bao nhiêu nhóm chính trị, kể cả người Mỹ, cũng nói ông phải ra đi để có cơ hội thành lập một chính phủ liên hiệp với MTGPMN hay là những lực lượng cộng sản ở miền Nam thì có thể đem lại hòa bình và chấm dứt chiến tranh. Sau này lịch sử sẽ ghi lại là lúc đó Hoa Kỳ biết rõ là Bắc Việt xâm nhập và hoàn toàn giữ ý định thanh toán luôn cả miền Nam. Tác giả nào mà sau này viết giải pháp liên hiệp có thể thành công ? Tôi thì tôi cho đó chuyện hoàn toàn hoang đường".
Các diễn giả : ông Hoàng Đức Nhã, bên trái, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng và Giáo sư Vũ Tường (ảnh Bùi Văn Phú).
Ông Hoàng Đức Nhã nói điều rõ ràng là từ ngày ký hiệp định Paris, miền Bắc chủ trương tiếp tục xâm nhập vào miền Nam, tận dụng sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc để tiếp tục xâm lăng miền Nam :
"Việc cho phép một chính phủ giữa hai phía miền Nam thành tựu, Bắc Việt không hề có ý định đó. Thành ra đối với những người miền Nam Việt Nam đã làm việc cho chánh phủ và muốn đóng góp cho đất nước, đó là một nỗi buồn không bao giờ quên được".
Ông Hoàng Đức Nhã rời Việt Nam vào đêm ngày 28/4, và từ trên máy bay quân sự, chứng kiến phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích. Ông chia sẻ với VOA-Việt ngữ :
"Máy bay lúc cất cánh lên nhìn xuống, thấy nỗi buồn mà cho tới giờ này nhắc lại vẫn thấy nhói trong tim, nhất là mất quốc gia mình mất những cái gì ? Mất một miền Nam, một chế độ dân chủ mà có rất nhiều triển vọng trở thành một chế độ dân chủ pháp trị với tam quyền phân biệt, hành pháp, lập pháp, tư pháp, lúc đó mình có một hiến pháp rất tốt. Miền Nam Việt Nam có khả năng trở thành một quốc gia giàu với tài nguyên, và với sự hứa hẹn của dầu lửa, có thể trở thành một quốc gia phát triển nhanh nhất, nhưng mà rất tiếc mình không được có thời gian để làm điều đó. Đối với cá nhân chúng tôi, đó là một nỗi buồn vẫn còn ở trong trí óc, và dĩ nhiên trong tư cách một người yêu chuộng tự do, thấy nhân dân của mình bây giờ không có tự do, không có dân chủ thì càng thấy buồn thêm".
Ông Hoàng Đức Nhã, nguyên Bí thư và Tham vụ báo chí của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, từng nắm chức Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi của Việt Nam Cộng Hòa. Báo New York Times năm 1973 nói dưới chính phủ Tổng thống Thiệu, ông Hoàng Đức Nhã cùng lúc đảm nhiệm những trọng trách tương đương với nhiệm vụ của ba quan chức Mỹ cùng thời : Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger, Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Ronald Ziegler, và người bạn tín cẩn của Tổng thống Nixon, Charles Rebozo. Thay mặt cho VOA-Việt ngữ và cho thính giả của đài, Hoài Hương xin chân thành cám ơn ông Hoàng Đức Nhã đã bỏ thời giờ quý báu cho cuộc phỏng vấn này.