Nếu tổng thống mới thất cử Donald Trump đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri nhờ chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong nhiệm kỳ của mình thì sự lựa chọn người đứng đầu quốc gia mới của toàn thể người Mỹ vừa qua được truyền thông quốc tế dự đoán cũng sẽ không thể khiến Trung Quốc "dễ thở". Có thể nói, thoát khỏi Trump và gặp phải Biden với Trung Quốc sẽ là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.
Tổng thống đắc cử Joe Biden đọc diễn văn chiến thắng tối 07/11
Mạng thông tin Mỹ Axios hôm 29/10 cho rằng ông Joe Biden sẽ đối đầu với Trung Quốc ở mọi nơi trên thế giới, tiếp tục thực hiện một mục tiêu của tổng thống Trump nhưng với phương cách khác.
Về đại thể, Axios ghi nhận là khi khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ông Trump đã thay đổi về cơ bản mối quan hệ Mỹ - Trung - và buộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ phải chấp nhận một cách tiếp cận cứng rắn đối với Bắc Kinh.
Ông Biden hầu như đã chấp nhận đi theo sự đồng thuận mới đó, nhưng khẳng định rằng ông sẽ thách thức Trung Quốc một cách hiệu quả hơn khi phối hợp hành động với các đồng minh, thay vì đơn thương độc mã.
Theo Jeffrey Prescott, một cố vấn của ông Biden, việc ông Biden phối hợp với đồng minh là điều sẽ khiến Trung Quốc lo lắng.
Trong thời gian vận động tranh cử, ông Biden đã gọi chủ tịch Tập Cận Bình là một kẻ "côn đồ", trong lúc các cộng sự viên của ông đã cáo buộc Trung Quốc "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, một thuật ngữ mà chính quyền Trump đã tránh sử dụng.
Thậm chí, theo Axios, ông Biden còn chỉ trích ông Trump là "tổng thống Mỹ đầu tiên trong ba thập kỷ đã không tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma". Ứng cử viên đảng Dân chủ còn cam kết là sẽ gặp lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng với tư cách là tổng thống.
Riêng về Biển Đông, bà Michèle Flournoy, một người nhiều triển vọng lên nắm Lầu Năm Góc, hồi tháng 06 vừa qua đã cho rằng Mỹ nên trang bị khả năng "đánh chìm tất cả các tàu quân sự, tàu ngầm và tàu buôn của Trung Quốc ở Biển Đông trong vòng 72 giờ".
Về phía ông Biden, trong cuộc tranh luận truyền hình với ông Trump tại Nashville (bang Tennessee) ngày 22/10 vừa qua, ông tuyên bố sẵn sàng điều oanh tạc cơ B-52 của Mỹ xẻ dọc Biển Đông nếu Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên khu vực.
Nhìn chung, theo Axios, "nếu ông Trump nhìn Trung Quốc chủ yếu qua lăng kính thương mại và virus corona, thì Biden coi mối quan hệ này như một cuộc cạnh tranh nhiều mặt, từ công nghệ, quân sự, kinh tế, cho đến ý thức hệ và ngoại giao, có tác dụng quyết định trật tự quốc tế trong nhiều thế hệ".
Truyền thông Pháp cũng nhận định một điều chắc chắn là bản chất quan hệ Mỹ - Trung đã thực sự thay đổi, và sẽ tiếp tục như thế dù chủ nhân Nhà Trắng là ai đi nữa.
Theo truyền thông Pháp, trong thực tế, chính phủ Trung Quốc dường như đang phân vân : giữa hai khả năng đều xấu, họ không biết phải chọn cái nào.
Triệu Thông (Zhao Tong), chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie - Thanh Hoa ở Bắc Kinh giải thích : "Rất khó nói được là liệu Trung Quốc có thích một ứng cử viên cụ thể nào hay không, bởi vì cả hai đều không có lợi cho chế độ Bắc Kinh và cả hai đều có thể đồng nghĩa với rắc rối".
Lý do là vì ngoài sự chia rẽ giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, toàn bộ tầng lớp chính trị Mỹ hiện coi sự trỗi dậy của đối thủ Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng trên về mặt kinh tế, địa chính trị, quân sự và ý thức hệ. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew (Washington), gần 3/4 người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc.
Thực hiện kế hoạch phối hợp hành động với Châu Âu và Châu Á chống lại Trung Quốc sẽ là nỗi sợ lớn nhất của chính quyền cộng sản Trung Quốc dưới nhiệm kỳ của Biden.
Ông Triệu Thông khẳng định : "Biden sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc củng cố mạng lưới các đồng minh của Mỹ, ngăn chặn sự suy giảm nhanh chóng ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên quốc tế và thống nhất phương Tây để chống lại Trung Quốc".
Cùng với đó, quan chức tại Trung Nam Hải, nơi tập trung quyền lực tại Trung Quốc còn lo sợ rằng nhà lãnh đạo đảng Dân chủ sẽ cứng rắn hơn ông Trump nhiều về lĩnh vực nhân quyền.
Biden còn khiến Trung Quốc lo sợ bởi Biden là một chính trị gia có dày dặn kinh nghiệm và vốn hiểu biết lâu năm về chính quyền cộng sản Trung Quốc. Ông Biden từng gặp Đặng Tiểu Bình vào tháng 04/1979.
Sau này, trong tư cách là Phó tổng thống, Joe Biden được giao trách nhiệm tạo dựng quan hệ với người đồng cấp Tập Cận Bình, lúc ấy còn mang vẻ một lãnh đạo khá chất phác.
Cuộc gặp đầu tiên giữa 2 người là vào năm 2011. Vào thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama thấy rằng sẽ rất hữu ích khi hiểu rõ hơn về ông Tập Cận Bình, khi ấy còn là Phó chủ tịch Trung Quốc, nhưng được biết là sẽ lên nắm quyền lãnh đạo chế độ cộng sản Trung Hoa.
Hai người đã gặp nhau ít nhất tám lần trong 18 tháng, ở Trung Quốc cũng như ở Hoa Kỳ, từng chia sẻ với nhau nhiều bữa ăn tối chỉ có hai người cùng với phiên dịch viên của mình.
Bên cạnh đó, truyền thông quốc tế cho rằng dường như Bắc Kinh đã "thích nghi" được với Trump.
Trái ngược với những gì Donald Trump khẳng định rằng mình là cơn ác mộng tồi tệ nhất của Trung Quốc, là người đầu tiên lớn tiếng với Trung Quốc, ở một khía cạnh nào đó, Bắc Kinh đã thích nghi với "triều đại" của ông.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm, thực sự, đã vô tình góp phần giúp Trung Quốc nổi lên trên trường thế giới khi rút Mỹ ra khỏi một số cơ quan quốc tế - chẳng hạn như Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
Tăng Duệ Sanh (Steve Tsang), giáo sư tại viện nghiên cứu SOAS China Institute (Luân Đôn), nhận xét : "Trump đã làm nhiều hơn bất cứ ai để cho Trung Quốc trở nên vĩ đại - hoặc cướp lấy khẩu hiệu của chính ông : ‘Làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại’. Trong bốn năm, cán cân quyền lực đã chuyển sang phía Trung Quốc".
Hơn nữa, chủ nhân Nhà Trắng cuối cùng cũng không nhận lại được nhiều : Thị trường Trung Quốc phần lớn vẫn không mở cửa cho các công ty nước ngoài ; chế độ đã gia tăng sự kềm kẹp đối với Hồng Kông, và đã khởi động một chương trình rộng lớn đàn áp và giam giữ người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Vào lúc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tiến dần đến giai đoạn ngã ngũ, với việc ông Biden chiếm thượng phong, ngày 05/11, một cách gián tiếp, Bắc Kinh bắn tin muốn hòa hoãn với Washington khi bày tỏ hy vọng là quan hệ với Mỹ sẽ bớt căng thẳng.
Trong một tin nhắn Twitter, Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu của Đảng cộng sản Trung Quốc đã chia sẻ ảnh chụp màn hình tin nhắn của một người được ông mệnh danh là một cư dân mạng "thông minh" cho rằng ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ có thể "bình thường hóa" quan hệ Mỹ - Trung.
Nội dung bài viết đó là : "Nếu ông Biden thắng cử, tôi chắc chắn rằng quan hệ Trung - Mỹ sẽ bình thường hóa trở lại, bởi vì Bắc Kinh có Biden (For-Biden city : chơi chữ với từ Forbidden city - Tử Cấm Thành)".
Ảnh chụp màn hình bài viết được Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu của Đảng cộng sản Trung Quốc chia sẻ trên mạng xã hội khi Biden gần như nắm giữ khả năng đắc cử tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ
Theo Vision Times, truyền thông Trung Quốc từ đầu đã kín tiếng về việc các lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ ai hơn trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Sau khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc đảng Dân chủ đang "cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử", người đứng đầu Thời báo Hoàn cầu đã chế giễu về sự "hỗn loạn" trong cuộc bỏ phiếu ở Mỹ và nói rằng đây là một tình huống "đôi bên cùng có lợi" cho Bắc Kinh.
Sự im lặng trên diện rộng của Trung Quốc trước ngày bỏ phiếu đã khiến giới quan sát chỉ có thể suy đoán ứng cử viên mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn hơn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã tuyên bố trước các phóng viên trong buổi họp báo : "Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ là chuyện nội bộ của đất nước họ. Trung Quốc không có quan điểm về việc này".
Hải Yến (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 10/11/2020