Việt Nam tính chặn Facebook để ngăn ‘nhiễu thông tin’ về Đại hội Đảng ?
VOA, 24/11/2020
Có thế lực trong chính quyền Việt Nam muốn chặn Facebook một vài tháng để kiểm soát thông tin, tránh những "nhiễu loạn" trong dư luận về Đại hội Đảng sẽ diễn ra vào đầu năm 2021, một người nắm thông tin về hoạt động kiểm soát mạng internet của chính quyền Việt Nam vừa cho VOA biết.
Việt Nam có tới 68 triệu tài khoản Facebook (ảnh chụp ở Hà Nội, 19/11/2020, Reuters/Kham)
Nguồn tin đề nghị giấu tên do tính chất hạy cảm của vấn đề hé lộ thêm rằng Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là nhân vật chính đứng sau chủ trương này với mục đích nhắm đến một ghế trong Bộ Chính trị đầy quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam.
VOA liên lạc với Bộ trưởng Hùng để kiểm chứng thông tin song ông Hùng không hồi đáp.
Cách đây 4 ngày, hãng tin Reuters loan tin độc quyền hôm 20/11 rằng Việt Nam đe dọa cấm cửa Facebook nếu hãng Mỹ này không tuân theo yêu sách của Hà Nội đòi siết chặt hơn nữa việc kiểm duyệt các nội dung chính trị ở trong nước trên mạng xã hội của Facebook.
Reuters dẫn lời một quan chức ẩn danh của Facebook cho hay chính quyền Việt Nam yêu cầu tăng cường kiểm duyệt các bài đăng "chống nhà nước" đối với người dùng ở Việt Nam vào tháng 4 năm nay.
Đến tháng 8, chính quyền lại leo thang yêu sách song Facebook từ chối. Phía chính quyền đưa ra một số lời đe dọa, bao gồm cả khả năng cấm cửa Facebook hoàn toàn ở Việt Nam, nơi đem lại doanh thu gần 1 tỷ đô la cho hãng Mỹ, theo tin Reuters.
Từ Đài Loan, ông Trịnh Hữu Long, Đồng Giám đốc của tổ chức Các Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) và là người điều hành Luật khoa Tạp chí, cho rằng "không có gì đáng ngạc nhiên" khi sắp đến Đại hội Đảng có những quan chức muốn chứng minh khả năng quản lý mạng và năng lực đối phó với các mối đe dọa tới chế độ, lấy đó làm bàn đạp để thăng tiến.
Khó cấm Facebook
Trong khi đó, từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, một cựu thiếu tá an ninh từng bị bỏ tù vì viết blog cổ súy cho dân chủ, tự do chính trị, nhận định với VOA rằng ý định của chính quyền Việt Nam cấm Facebook là "cực khó thực hiện" và "càng khó hơn" nếu họ muốn làm như vậy trước Đại hội Đảng.
Ông Vinh, còn được biết đến là blogger Anh Ba Sàm, dẫn ra kinh nghiệm bản thân từng quản trị trang blog có rất đông người đọc trước khi ông bị chính quyền bỏ tù để chỉ ra rằng nếu chính quyền dựng "tường lửa" để chặn Facebook, việc này sẽ không có tác dụng được bao lâu vì mọi người sẽ nhanh chóng bày cách cho nhau, tạo thành "phong trào vượt tường lửa".
Bên cạnh đó, sẽ có một tác động trái chiều nữa khi xét đến thực tế là hiện có khoảng 68 triệu tài khoản Facebook ở Việt Nam, bao gồm cả nhiều cơ quan ngoại giao nước ngoài lẫn chính các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, nên việc dựng tường lửa sẽ gây ra "bão dư luận", ông Vinh nói.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng. Photo VTC.
Bình luận về việc một bộ trưởng có ý định dùng việc chặn Facebook để lấy đó làm thành tích tiến thân, blogger Anh Ba Sàm đưa ra quan điểm :
"Đó là việc làm dại dột, lợi bất cập hại. Ai muốn thực hiện điều này sẽ cần phải có sự đồng thuận của Bộ Công an vốn vẫn được xem là ‘người gác cổng’ bảo vệ cho an ninh của chế độ. Việc này sẽ động đến đời sống của nhiều cơ quan khác nhau liên quan đến internet, mạng xã hội. Trên thực tế, tôi cho rằng họ sẽ không có đủ thời gian để làm. Nếu làm sẽ gây bão dư luận, dẫn đến chôn vùi sự nghiệp. Vì vậy, đây chỉ là một lời dọa để lấy điểm cho hình ảnh cá nhân".
Đánh giá chung về Facebook, ông Nguyễn Hữu Vinh nói mạng xã hội này giúp thúc đẩy nhiều điều tốt đẹp ở Việt Nam như các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ, cũng các thảo luận về tiến bộ xã hội, nhân quyền.
Trong khi đó, các thông tin bị xem là "nhiễu loạn" không có nhiều và không rõ ràng, theo cách nhìn của ông Vinh. Vì vậy, ông nhận định rằng cả trong nội bộ chính quyền lẫn trong tuyên truyền với người dân, thế lực nào muốn cấm Facebook chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Hậu quả của việc cấm cản Facebook là phản ứng của xã hội lớn đến mức "không thể tưởng tượng được", ông Vinh đưa ra tiên liệu. Ông nói :
"Nó ghê gớm, lâu dài, ở mọi hang cùng ngõ hẻm của đất nước, từ những người bình dân nhất cần sử dụng tin nhắn, nói chuyện, trao đổi ảnh, cho đến các lãnh đạo trên cao muốn qua Facebook để biết chút gì đó về dư luận xã hội. Bộ Thông tin-Truyền thông có thể nói rằng đã có mạng nội địa rồi, nhưng ai cũng thấy là mạng nội địa rất yếu, trong khi Facebook rất tiện lợi, kết nối rộng rãi. Cuộc sống, việc làm ăn của người ta trên Facebook này là rất ghê gớm".
Ngoài ra, nếu chính quyền cấm mạng xã hội của Mỹ, động thái này cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nước ngoài và các đại sứ quán nước ngoài, mang lại cái nhìn hết sức tiêu cực về Việt Nam trong con mắt quốc tế, blogger Anh Ba Sàm dự báo.
Theo ông Vinh, Việt Nam không thể cấm Facebook như nhà nước Trung Quốc có chung ý thức hệ cộng sản đã làm vì Trung Quốc làm sớm và bài bản hơn, với các mạng xã hội nội địa hoạt động hiệu quả.
Người dân sẽ phản kháng yếu ớt
Với cái nhìn có phần ít lạc quan hơn, nhà hoạt động Trịnh Hữu Long cảnh báo rằng những lời đe dọa đối với Facebook khi Đại hội Đảng đến gần chỉ là chuyện trước mắt, còn về lâu dài, chính quyền Việt Nam vẫn để ngỏ khả năng cấm cửa mạng xã hội của Mỹ.
Đồng Giám đốc của tổ chức Các Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) và là người điều hành Luật khoa Tạp chí nhận định với VOA rằng trong giai đoạn hiện nay, Hà Nội tiếp tục gây sức ép và mặc cả với Facebook, trong khi tiếp tục tạo điều kiện cho các mạng xã hội trong nước hình thành và phát triển để làm đối trọng.
Facebook bị xem là trong tình trạng trên đe dưới búa : ở Mỹ phải giải trình về kiểm duyệt, ở Việt Nam bị dọa cấm cửa.
Một bản tin của VietnamNet hôm 24/11 cho hay tính đến tháng 11/2020, Zalo hiện là mạng xã hội nội địa lớn nhất Việt Nam với khoảng 60 triệu người dùng, gần đuổi kịp Facebook. Xếp sau là Mocha (12 triệu thành viên), Gapo (6 triệu thành viên) và Lotus (2,5 triệu thành viên).
Theo ông Long, thực trạng đó cho thấy những lời đe dọa của chính quyền đối với Facebook ngày càng có sức nặng và mạng xã hội Mỹ phải suy nghĩ nghiêm túc về nguy cơ mất thị trường Việt Nam.
Mặc dù vậy, ông Long dự báo rằng Việt Nam sẽ không ra đòn một cách thẳng thừng :
"Việt Nam không dại gì đùng một cái chặn Facebook, nhưng họ sẽ làm cho việc truy cập Facebook bị mất ổn định, kém, chậm, làm cho người dùng chuyển sang các mạng xã hội khác, nhất là các mạng nội địa".
Áp dụng chiến thuật này, chính quyền sẽ làm người dân chán nản với mạng xã hội Mỹ, song song với việc đó, chính quyền cũng tung ra các chiêu thao túng làm cho dư luận Việt chia năm sẻ bảy, không phản kháng.
Căn cứ vào kinh nghiệm và quan sát của mình, nhà hoạt động hiện sống và làm việc ở Đài Loan nói với VOA rằng đa số người Việt Nam không có thói quen phản ứng và thường chọn cách thích nghi với hoàn cảnh :
"Thảm họa môi trường Formosa năm 2016 là vô cùng lớn nhưng mức độ phản kháng rất thấp và tan rã sau 2 tuần. Sự kiện dự luật đặc khu và an ninh mạng hồi hè năm 2018 cũng tan rã, biến mất sau 2 cuộc biểu tình. Tôi luôn đánh giá cao khả năng thao túng dư luận và đàn áp của chính quyền, và tôi không tin rằng người dân Việt Nam sẵn sàng có những phản ứng mạnh mẽ trước việc chính quyền chặn các dịch vụ internet".
Không nên chỉ sử dụng mỗi Facebook
Về dài hạn, ông Trịnh Hữu Long khuyến cáo những người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là những nhà hoạt động vì dân chủ, tiến bộ xã hội "không nên bỏ hết trứng vào một giỏ" và cần phải có chiến lược đa dạng hóa các nền tảng mạng xã hội dùng cho công việc.
"Hãy dùng các các kênh như newsletter, podcast, Telegram, Whatsapp… tuy là các cộng đồng nhỏ nhưng cũng đủ để thay Facebook. Ngoài các hoạt động online cũng nên có các cuộc gặp gỡ nói chuyện ngoài đời, bên ly café hoặc trà đá... Giới đấu tranh cần nhìn nhận thực tế là Facebook phải kinh doanh và phải nhượng bộ các chính quyền. Chúng ta không nên bức xúc với Facebook mà hãy tận dụng kênh này cho đến khi không còn dùng được nữa", ông Long nói.
Trong vòng 5-10 năm nữa, Facebook sẽ vẫn phải đi theo mô hình kinh doanh phụ thuộc vào các chính quyền, nên tình trạng chặn bài viết và lượng tương tác, đóng các tài khoản mà các chính quyền không ưa sẽ vẫn diễn ra, không có gì thay đổi, ông Long dự báo.
Báo chí nhà nước Việt Nam hồi cuối tháng 10 vừa qua dẫn lại một báo cáo của Bộ Thông tin-Truyền thông trả lời Quốc hội và cử tri cho hay rằng từ đầu năm 2018 đến hết tháng 8/2020, bộ đã gỡ 283 tài khoản Facebook "chuyên tung tin kích động chống phá nhà nước Việt Nam", cũng như gỡ hơn 1.800 bài viết, 154 fanpage đăng tin sai sự thật.
Còn hồi đầu năm nay, như VOA đã đưa tin, chính quyền Việt Nam cắt mạng, bóp băng thông đối với các máy chủ của Facebook cho tới khi hãng Mỹ miễn cưỡng đồng ý tăng cường kiểm duyệt các thông tin "chống phá" nhà nước Việt Nam.
Sự việc được các công ty viễn thông Việt Nam thực hiện, làm cho các máy chủ của Facebook mất mạng trong 7 tuần, từ tháng 2 đến tháng 4, đồng nghĩa là mạng xã hội này đã có lúc bị tê liệt ở Việt Nam trong khoảng thời gian đó.
Nguồn : VOA, 24/11/2020