Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/11/2020

O'Brien thăm Hà Nội : "Gài độ" để khích lệ các mối bang giao

Đinh Hoàng Thắng

"Gài độ", cỗ vũ chủ nhà, đáp ứng một số yêu cầu từ cả hai phía là mục tiêu trong chuyến thăm Hà Nội của Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien.

obrian0

Vào thời kỳ "hôn ám" của nước Mỹ và thế giới, Việt Nam vẫn là quân chốt trong một thế cờ còn nhiều bất định. Dù có thể đoán biết, sao "Hoá Quyền" tới đây sẽ chiếu xuống vị nào : Biden hay Trump.

Chuyến công du của Cố vấn Robert O'Brien từ 20 - 22/11 cũng như cuộc hành trình vượt đại dương cách đây non một tháng của Ngoại trưởng Mike Pompeo sang Hà Nội sẽ còn ngốn nhiều giấy mực của giới nghiên cứu.

Sau Việt Nam, ông Cố vấn tới Philippines. Lần trước, ông Ngoại trưởng từ Jakarta bay sang Hà Nội. Cả hai nhân vật cộm cán của Washington đều quy tụ về và từ Việt Nam tại thời điểm cuộc chuyển giao chính quyền sắp diễn ra không thể nào kịch tính hơn ở nước Mỹ. Cầu nối cho "ngoại giao con thoi" này, phần chính yếu nằm ở tầm nhìn "Ấn Thái Dương tự do và rộng mở" (FOIP).

FOIP không thể thiếu Việt Nam

"Gài độ" Việt Nam (Angle for) thể hiện ở chiều Mỹ thuyết phục Hà Nội. Cố vấn O'Brien và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã "thảo luận về mối quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam và nỗ lực chung nhằm thăng tiến một khu vực Ấn Thái Dương tự do và thịnh vượng". Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) từ Nhà Trắng đã công bố trên Twitter như thế.

Một cách logic, chúng ta có thể hình dung về mạng lưới hợp tác quốc phòng - an ninh khá chặt chẽ. Tại các tiếp xúc giữa ông O'Brien với Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, các bên khẳng định, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh thời gian qua có nhiều bước phát triển mới.

Tướng Lịch nhắc đến sự hỗ trợ của Mỹ trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Tướng Tô Lâm đánh giá các hợp tác về an ninh đa dạng, đa chiều, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện trong thời gian tới.

Một sự "Gài độ" cao hơn, đó là phương hướng đưa quan hệ lên "Đối tác chiến lược" trong một chuyến thăm cấp cao của chính quyền mới, bất luận là Cộng hòa hay Dân chủ soán ngôi. Vì như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố với báo chí :

"Dù ai đắc cử, nước Mỹ vẫn là người bạn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau". Trong hội đàm, Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cam kết tiếp tục ủng hộ và phối hợp với Mỹ đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực và trên thế giới".

Ông Cố vấn đánh giá cao các biện pháp Chính phủ Việt Nam đã triển khai hướng tới quan hệ thương mại hài hòa và bền vững, hoan nghênh việc doanh nghiệp hai nước ký kết nhiều hợp đồng thương mại quan trọng vừa qua.

Tuy nhiên, trong hơn 3.500 từ thông cáo báo chí về buổi ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp xã giao ông Cố vấn và về các cuộc hội đàm với các quan chức đầu ngành đối ngoại - quốc phòng - an ninh mà ông O'Brein cho là "một ngày tuyệt vời", đã không tìm thấy bất cứ chỉ dấu nào về "Indo-Pacific" như trên Tweet của NSC. Vậy phải chăng FOIP tới đây vẫn là cụm từ húy trong ngôn ngữ ngoại giao của Hà Nội ?

Húy nhưng chưa phải là cấm kỵ. 25 năm Việt - Mỹ không phải là 70 năm bang giao Việt - Trung !

Hẳn nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Chất lượng của "đối tác toàn diện" (với Hoa Kỳ) phải tương thích với "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" (với Trung Quốc). Hòa đồng bộ giữa hai loại chất lượng này là nghệ thuật ngoại giao của Hà Nội. Dù sao, Việt Nam không thể không duy trì một không gian chiến lược "cân bằng động".

Cho dù bất cứ ai ngồi vào Nhà Trắng, đều phải tiếp tục sứ mệnh FOIP, vì lợi ích Hoa Kỳ và Trật tự Thế giới. Mà Trật tự này không thể thiếu vai trò trung tâm của ASEAN, trong đó Việt Nam là một trụ cột. Lịch trình Hà Nội - Jakarta - Manila (và còn mở rộng nữa), sẽ còn dài trong nghị trình của các chính khách Washington, bất kể quyền lực tới đây sẽ được nghiêng về Cộng hòa hoặc Dân chủ. Bối cảnh cuộc "Gài độ" ngoạn mục trong chuyến công du lần đầu tiên của ông Cố vấn đến Việt Nam là như vậy.

Qua động thái "Angle for Vietnam", mà mục tiêu là nhằm đạt được một số cam kết để bất cứ chính quyền nào sau này cũng không đảo ngược được, ông Cố vấn liệu có mang về nước được thoả thuận cụ thể nào không, chúng ta chưa thể biết. Mỹ và Việt Nam vẫn không có bất cứ tuyên bố chung nào về hợp tác trên khái niệm "FOIP" như Giáo sư Carl Thayer tiên đoán.

Nhưng tình hình khu vực đang nóng dần sau khi Hội nghị TW-5 ĐCSTQ họp kín. Từ thời Mao đến nay, lần đầu tiên ĐCSTQ dùng đến diễn ngôn "chuẩn bị cho chiến tranh". Cụm từ này còn xuất hiện trong một loạt các kiến nghị của BCHTW, kể cả bổ sung vào kế hoạch 5 năm, tầm nhìn 15 năm tới.

Sau các chuyến thăm của Lãnh đạo Bộ Y tế, ngày 20/11 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach phụ trách kinh tế tới thăm Đài Loan (lần thứ hai) tiến hành đối thoại kinh tế, thương mại với chính quyền Thái Anh Văn, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Rồi Nhật Bản và Úc kết thúc đàm phán ma-ra-tông 6 năm, đạt đột phá trong hợp tác quân sự bằng "Thoả thuận Tiếp cận Qua lại" (Reciprocal Access Agreement/ RAA).

Hoá giải các thách thức

Trong bối cảnh các chuyển động cấp tập như trên tại khu vực, cả Ngoại trưởng Pompeo trước đây lẫn ông Cố vấn An ninh Quốc gia O'Brien không thể không chia sẻ những tin tức tình báo thuộc loại "Tuyệt Mật" (Highly Confidential), nếu có, cho Hà Nội. Hẳn nhiên, mối quan tâm hàng đầu của chủ nhà là một khi Trung Quốc động binh, giữa Đài Loan và Biển Đông, đâu là mục tiêu trước mắt mà cỗ máy chiến tranh của Bắc Kinh sẽ hướng tới ?

Cố vấn O'Brien, như ông tự bạch trước các nhà ngoại giao tương lai tại Nhà khách Chính phủ, sau khi kết thúc ngày làm việc tuyệt vời, chiều 21/11, đã thả bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và được nghe kể về truyền thuyết rùa thần mang gươm báu. Cảm hứng này rõ ràng bắt rễ từ lịch sử ngàn năm có lẻ, nên mô-típ chủ đạo "Mỹ ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực…" đã xuyên suốt cả chuyến công du.

Ông O'Brein còn cam kết sâu sắc đối với một khu vực "Ấn Thái Dương" dựa trên các quy tắc tôn trọng, công bằng và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như chủ quyền và tự do hàng hải. Nhấn mạnh, khu vực này không có hứng thú quay trở lại thời kỳ đế quốc khi mà "chân lý thuộc về kẻ mạnh". Rõ ràng ông ám chỉ chính sách bành trướng trong khu vực của Trung Quốc hiện nay. Đây là thách thức đầu tiên cần hoá giải.

Thách thức thứ hai chính là quan hệ trong tương lai với cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà. Chưa vội chúc mừng ông Biden, vốn đã được 50 quốc gia coi là Tổng thống đắc cử, Hà Nội án binh bất động.

Nhưng Việt Nam tuyên bố tôn trọng quyết định của người dân Mỹ và dù ai thắng cử thì nước Mỹ vẫn là người bạn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn gửi lời cảm ơn Tổng thống Trump và chính phủ Hoa Kỳ đã thăm hỏi và có những hỗ trợ thiết thực góp phần giúp Việt Nam khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung vừa qua. Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao việc Quốc hội Mỹ đã thông qua ngân sách 20 triệu USD dành cho dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa trong năm tài khóa sắp tới.

Thách thức thứ ba là sự hướng đến bất cứ "bên thắng cuộc" nào trong cuộc chiến pháp lý cực kỳ cam go hiện nay. Sau quyết định của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (SCOTUS) trong tháng tới, bất cứ chính quyền nào ở Mỹ đều khó có thể đảo ngược được các kết quả đã định vị bang giao Hoa Kỳ - Việt Nam trên một đại lộ thênh thang để tiến về phía trước, vì sự tương đồng lợi ích của cả hai phía lẫn lợi ích khu vực.

Nối hai cột mốc giữa "Xưa" và "Nay" - từ tẩy độc phi trường đến hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt - cả chủ lẫn khách đều muốn khích lệ các mối bang giao. Ông Phúc được dẫn lời nói rằng Việt Nam coi hợp tác thương mại là trọng tâm, động lực chủ yếu trong phát triển quan hệ với Mỹ. Nhưng ông O'Brein cố tình kéo "phổ" bang giao song phương ra rộng hơn, từ đối tác Hoa Kỳ - Mekong cho đến triển khai chiến lược FOIP.

Ca ngợi sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực sự ấn tượng trong năm ASEAN 2020 và các đợt chống dịch Covid 19, ông O' Brien nói rất vinh hạnh được làm đối tác của một quốc gia mạnh mẽ và năng động như vậy. Ông Cố vấn trân trọng quan hệ đối tác với Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ của Việt Nam trong các vấn đề chiến lược cùng quan tâm, bao gồm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và khu vực Mekong.

Đinh Hoàng Thắng

Nguồn : BBC, 24/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đinh Hoàng Thắng
Read 348 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)