Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/11/2020

Tại sao Việt Nam cần một Hội nhà báo độc lập ?

Nguyễn Nam - Ánh Liên

Tại sao tôi cộng tác với Việt Nam Thời Báo ?

Nguyễn Nam, VNTB, 24/11/2020

Trước ý kiến trang Việt Nam Thời Báo lâu nay hướng tới cổ súy việc người dân cần biết phản kháng, vì họ không lối thoát trong cuộc sống với mọi môi trường bị ngộ độc từ chính trị, kinh tế, văn hóa cũng như môi trường tự nhiên, xã hội…, một cộng tác viên của trang Việt Nam Thời Báo đã lên tiếng phản ứng với quan điểm đã là truyền thông thì cần đa chiều, tôn trọng sự thật, đặc biệt là không làm xấu đi về pháp lý của một số nhà báo đang vướng vòng lao lý như ông Phạm Chí Dũng.

taisao1

Ở thời điểm hiện tại, mọi phát biểu nhân danh cần cẩn trọng về yếu tố tạo khả năng rủi ro pháp lý cho những thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đang bị giam giữ.

"Tôi đã có dịp tiếp xúc với cáo trạng vụ án liên quan đến một số hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam. Tôi thấy rằng phía nhà chức trách đã cáo buộc ông Phạm Chí Dũng về việc đã kiên trì kêu gọi cho thể chế tam quyền phân lập qua các bài báo, cũng như trả lời phỏng vấn báo chí.

Một người viết khác là Lê Hữu Minh Tuấn, ông có những bài viết với thái độ chuẩn mực, từ tốn của văn phong tôn trọng các bên đối với các vấn đề phản biện, trên nguyên tắc tôn trọng khách quan, không đả kích, xúc xiểm thể chế.

Nếu thực sự Việt Nam đang lâm cảnh dân chúng bị ngộ độc từ chính trị, kinh tế, văn hóa cũng như môi trường tự nhiên, xã hội… như một nhân danh nào đó phát ngôn, hóa ra những nhà đầu tư nước ngoài, những thỏa thuận đàm phán FTA lâu nay ở Việt Nam là vô nghĩa ?

Tôi không nghĩ các chính khách nước ngoài, những doanh nghiệp ngoại quốc lại ngờ nghệch đến vậy – bài báo mới đây trên VOA, "Cố vấn Trump cam kết ‘hậu thuẫn’ Việt Nam, Philippines về Biển Đông" là một dẫn chứng (1).

Lâu nay tôi cộng tác với trang Việt Nam Thời Báo vì tin vào tính khách quan, đa chiều truyền thông mà các vị sáng lập hội như nhà báo Phạm Chí Dũng, linh mục Lê Ngọc Thanh, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà báo Bùi Minh Quốc… đã chung tay góp sức.

Xét thuần về quy định của pháp luật, tôi vẫn biết là ở Việt Nam chưa thể có một hội đoàn nào ra đời mà không phải chịu một cơ quan chủ quản nào đó.

Đúng là Hiến pháp có trao quyền tự do lập hội, song lại ghi rõ rằng "việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Chuyện quy định về lập hội, tuy chưa có luật, nhưng lại điều chỉnh bằng các văn bản như Nghị định, và các văn bản này lại buộc phải có cơ quan chủ quản nếu muốn lập hội đoàn xã hội dân sự. Đây là điều không hợp lý, và cả không phù hợp trước thực tế Việt Nam đã có nhiều cam kết FTA cả song phương lẫn đa phương.

Tôi viết báo để lên tiếng yêu cầu những điều chỉnh đó, chứ không cổ súy việc bất tuân dân sự trong mọi trường hợp với thái độ cực đoan.

Khi bàn về chủ đề tự do báo chí, trong một hội luận trên BBC, nhà báo Phạm Chí Dũng từng phát biểu cứng rắn, nhưng ông sử dụng ngôn từ ôn hòa, chừng mực : "Tôi chỉ có hai đề nghị ngắn thôi. Một là nên bỏ ngay khái niệm ‘báo chí Cách mạng’, mà nên đổi ngược lại là cách mạng báo chí, nói theo tác phẩm của nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc, "cách mạng là cách cái mạng", vì báo chí nhà nước Việt Nam, về sinh mạng báo chí đã không còn, cho nên dùng từ cách mạng báo chí đúng hơn nhiều so với ‘báo chí Cách mạng’.

Và điều thứ hai, chính quyền Việt Nam phải có sự thay đổi, trả tự do cho những người đấu tranh cho tự do báo chí và lo cho quyền lợi của người dân, giống như là chính quyền Myanmar vừa phải trả tự do cho hai phóng viên Reuters. Đó là những Trần Huỳnh Duy Thức trước đây, hoặc là những Đỗ Công Đương sau này. Những người viết về quyền lợi của người dân, bảo vệ cho quyền lợi của người dân nhưng bị chính quyền quy chụp, bị công an quy chụp và đã xử tù rất nhiều năm.

Ví dụ như Trần Huỳnh Duy Thức bị 16 năm tù giam, Đỗ Công Đương ở Bắc Ninh cũng bị 5 năm tới 6 năm tù giam, thì đó là điều vô cùng bất công và nếu như là không thay đổi thì đừng có nói những gì là tự do báo chí, đừng có nói chuyện mà hội nhập quốc tế ở Việt Nam" (2).

Cá nhân tôi cũng rất đồng cảm với chia sẻ của trang Luật Khoa khi viết về trang Việt Nam Thời Báo :

"Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, cùng với tờ Việt Nam Thời Báo của mình, là một tổ chức xã hội dân sự bình thường như mọi tổ chức dân sự khác, được lập ra dựa trên quyền tự do lập hội của người dân, nhằm xiển dương quyền tự do báo chí và thúc đẩy xây dựng một nền báo chí tử tế cho Việt Nam.

Luật Khoa và The Vietnamese chia sẻ và ủng hộ những giá trị tự do mà Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam theo đuổi.

Là đồng nghiệp, chúng tôi quan tâm tới sự an toàn của các nhà báo khác. Chúng tôi coi việc bịt miệng bất kỳ nhà báo nào là hiểm họa đối với chính bản thân mình và cho bất kỳ ai muốn thực hành quyền nói.

Bịt miệng một nhà báo cũng là sự xúc phạm tới quyền đọc báo của người dân"… (3).

Tôi còn nhớ câu chuyện kể của nhà báo Nguyễn Tường Thụy về vụ án Hội Anh em dân chủ, trong đó có đoạn như sau : "Trong vụ án Hội anh em Dân chủ, Hội đồng xét xử căn cứ vào bản ghi âm lén một cuộc họp có đề cập nội dung các kịch bản về sự sụp đổ của chế độ cộng sản. Thế là họ qui sống cho các bị cáo tội hoạt động lật đổ, đánh đồng sụp đổ thành lật đổ" (4).

Như vậy, xem ra ở thời điểm hiện tại, mọi phát biểu nhân danh cần cẩn trọng về yếu tố tạo khả năng rủi ro pháp lý cho những thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đang bị cáo buộc theo Điều 117, Bộ luật Hình sự.

Ngay cả bản thân cộng tác viên như tôi khi gửi bài trang Việt Nam Thời Báo, tôi tin rằng việc cổ súy thể chế tam quyền phân lập, không liên quan gì đến ý kiến cực đoan cho rằng người dân Việt Nam đang không lối thoát trong cuộc sống với mọi môi trường bị ngộ độc từ chính trị, kinh tế, văn hóa cũng như môi trường tự nhiên, xã hội…".

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 24/11/2020

Chú thích :

(1)https://www.voatiengviet.com/a/co-van-trump-cam-ket-hau-thuan-viet-nam-philippines-ve-bien-dong/5673291.html

(2)https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48220287 ;https://youtu.be/xe9uKB5IObA

(3)https://www.luatkhoa.org/2020/06/tuyen-bo-cua-luat-khoa-va-the-vietnamese-ve-viec-bat-giu-ba-nha-bao-cua-hoi-nha-bao-doc-lap-viet-nam/

(4)https://vietnamthoibao.org/vntb-tien-si-pham-chi-dung-nhu-toi-biet-phan-2/

**********************

Thế nào là truyền thông ‘lề trái’ – ‘lề phải’

Nguyễn Nam, VNTB, 24/11/2020

Vì sao lại có những phân biệt ấy ? (xem thêm Phạm Chí Dũng – Đừng mặc định duy ý chí chuyện "lề báo" *).

face4

Ở Việt Nam gần đây hay dùng từ báo ‘lề trái’, báo ‘lề phải’. Có người dùng từ báo ‘mậu dịch’ để ám chỉ báo ‘lề phải’ ; và có người đề xuất thay từ báo ‘lề trái’, bằng từ ‘lề dân’.

Đối với nhiều người dân Việt Nam, khái niệm báo chí "lề phải" và "lề trái" đã trở nên rất quen thuộc với họ, nhất là sau giai đoạn bùng nổ thông tin từ mạng internet và tiếp sau đó là sự "đổ bộ" của những trang mạng xã hội vào Việt Nam.

Người được cho là đầu tiên sử dụng từ "lề phải" và "lề trái" là ông cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp. Ông này gọi báo đài nhà nước là "lề phải", còn các nguồn thông tin trái với đường lối, chính sách của đảng và nhà nước được gọi là "lề trái".

Dẫn ý kiến của blogger Nguyễn Tường Thụy, ở số báo ngày 28/09/2012, phóng viên Khánh An của Đài Á Châu Tự Do, diễn giải như sau về chuyện hai ‘lề’ báo này :

"Theo nhà báo, blogger Nguyễn Tường Thụy, ngoài những chủ đề không được phép nói, báo chí "lề phải" thường gặp một vấn đề nữa là đối với những lĩnh vực được xếp vào loại "nhạy cảm", nghĩa là được phép nói nhưng không được nói hết sự thật, thì đương nhiên dẫn đến triệu chứng "nhà báo nói láo" khá phổ biến ở báo chí "lề phải" khi họ phải đề cập đến những chủ đề trên.

"Những lĩnh vực hết sức nhạy cảm như Biển Đông, biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược, những chuyện ấy họ không dám đưa tin. Có đưa tin thì để đánh những người biểu tình. Để đánh những người biểu tình thì họ không đưa tin khách quan mà họ phải bôi đen đi. Còn tất nhiên, việc của Đảng và Nhà nước thì họ phải tô hồng rồi".

Chính vì phải luôn canh chừng từng câu chữ, từng bài báo sao cho luôn nằm trong một khuôn khổ được gọi dưới cái tên "định hướng" mà báo chí "lề phải" thường rơi vào tình trạng đưa thông tin na ná nhau, thậm chí giống nhau ngay cả trong từng câu chữ đối những chủ đề mang tính "chỉ thị". Do đó, nhiều người dân hay nói đùa rằng hệ thống báo chí Việt Nam chỉ có một tổng biên tập, đó là ông Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương" (**).

Một ký giả kịch trường ở làng báo Sài Gòn trước tháng 4/1975 (ông cũng là hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam), thẳng thắn nói rằng có lẽ trong làng báo Việt Nam chưa ai dám vỗ ngực xưng mình dám nói hết sự thật. Nhứt là dân làm báo chuyên nghiệp !

"Trong nghề làm báo dù muốn hay không, cũng đôi lần phải ‘nói láo’, nói ba xạo, dù bản thân vẫn muốn giữ vững ngòi bút không bị bẻ cong, muốn tôn trọng sự thật.

Sợ gì mà nói xạo ? Sợ sự thật ?

Báo chí chánh thức trong nước cũng sợ. Họ sợ đụng vô mấy chuyện nhạy cảm dễ bị chụp mũ chống Đảng ! Ngày xưa thời Việt Nam Cộng Hòa, nói có mồ ma các nhà báo đối lập viết những bài vở chỉ trích chính quyền, họ cũng đưa ra nhiều hình ảnh "mị người đọc" để hợp lòng dân mà bán báo. Còn người làm báo chỉ để kiếm ăn, nếu không thân chính quyền – gọi là báo gia nô, họ cũng không dám chống đối những tệ nạn, bê bối của chính quyền.

Tại sao gọi là viết lách ? Viết thì phải biết lách. Đó là mưu mẹo của người làm báo chuyên nghiệp Sài Gòn xưa !" – ông ký giả kịch trường nhận xét và cho rằng báo ‘lề’ nào đi nữa thì cũng có những mặt trái của nó, do vậy vấn đề ở đây là sự cân bằng tỉnh táo của độc giả.

"Nếu tư nhân được tự do ra báo như miền Nam trước tháng 4/1975, thì người dân sẽ thoải mái hơn khi không phải băn khoăn chọn tin vào ‘lề’ nào, vì họ có được sự đa chiều tin tức, và pháp luật sẽ có bổn phận điều chỉnh những tin tức ma mị người đọc.

Báo chí là cái loa của ai đi nữa cũng chẳng sao, miễn có sự cạnh tranh về chuyện được quyền tự do làm báo, tự do viết báo như thấy ghi ở điều 25 của Hiến pháp, rằng "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình".

Gọi là không cần phải yếm thế ngại ngần cạnh tranh, hay lo sợ khó ràng buộc về định hướng, vì điều 25 ấy còn nằm trong nội hàm về việc đặt dưới quyền lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam, được ghi ở điều 4, Hiến pháp 2013" – một nhà báo tự do từng có thời gian dài làm ‘sếp’ của một tờ báo ‘mậu dịch’ thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, góp lời.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 24/11/2020

Chú thích :

(*)https://vietnamthoibao.org/vntb-pham-chi-dung-dung-mac-dinh-duy-y-chi-chuyen-le-bao/

(**)https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-other-side-newpp-09282012061400.html

**********************

Phạm Chí Dũng : Đừng mặc định duy ý chí chuyện "lề báo"

Ánh Liên, VNTB, 23/11/2020

Người viết báo và cơ quan báo chí cần tỉnh táo, sáng suốt, khách quan, trung thực, công tâm, đúng mực trong việc xem xét, đánh giá mọi vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia dân tộc.

taisao2

Ông Phạm Chí Dũng xuất thân trong gia đình là quan chức tập kết, gốc người tỉnh Đồng Tháp, có vợ là dân gốc Long An. Ông hoàn thành luận văn tiến sĩ kinh tế với sự hướng dẫn của Giáo sư Trần Trung Hậu (Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng khoa Kinh tế – Chính trị), nên thế mạnh dễ thấy nhất của ông Phạm Chí Dũng là các góc nhìn nghiêng về Kinh tế – Chính trị. Ông Phạm Chí Dũng thuộc lứa sinh viên chịu ảnh hưởng mạnh về tư tưởng cấp tiến, đổi mới thể chế của Giáo sư Trần Trung Hậu.

Một người viết báo khoa bảng

Ông Phạm Chí Dũng từng tham gia trong bộ máy chính quyền, từng là Đảng viên Đảng Cộng sản, nên ông cũng tường tận nhiều câu chuyện mang tính hậu trường chính trị. Ông còn từng là hội viên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, nên trong nghệ thuật viết lách, ông biết chọn lựa những thể loại văn phong báo chí thích hợp, theo nhiều đề tài khác nhau, để đáp ứng các tiêu chí đa dạng của những tờ báo điện tử mà ông cộng tác.

Tuy nhiên, sau khi rời chính trường và không trực tiếp tham gia vào các tổ chức hoạt động chính thức nào của đời sống kinh tế – xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông chịu sự giới hạn khi chủ yếu chỉ nhìn các sự kiện/ vụ việc qua lăng kính dư luận, báo chí chính thống (báo chí có giấy phép của cơ quan chức năng, bao gồm cả báo chí tại nước ngoài) và mối quan hệ riêng với các cá nhân, tổ chức. Do đó, đa phần các bài viết, ông chọn cho mình thể loại "Bình luận" cho lãnh vực chủ yếu là chính sách vĩ mô, và các diễn biến sự kiện chính trị. Thể loại này được xem là "Chính luận báo chí".

Thế mạnh dễ thấy khi ông Phạm Chí Dũng chọn thể loại đó, là với kiến thức chuyên môn được đào tạo chuyên sâu, cùng thời gian dài ông trải nghiệm trong công việc ở bộ máy chính quyền, đã giúp ông nhanh chóng đưa ra những đánh giá, phân tích, giải thích, bàn luận về những sự thật của đời sống (những góc nhìn này ít khi xuất hiện trên báo chí ‘có giấy phép’ tại Việt Nam), đáp ứng nhanh nhu cầu thông tin đa chiều của độc giả/ tờ báo mà ông cộng tác. Cho đến nay, thế mạnh chủ yếu của ông Phạm Chí Dũng ở thể loại này, là biểu hiện ở năng lực thông tin lý lẽ gắn liền với những sự kiện thời sự nhanh nhạy.

Nói cách khác, trong nhiều bài viết, ông Phạm Chí Dũng với các bút danh khác nhau nhưng đa phần có điểm chung, là không đi sâu vào mô tả vật lý thông tin, mà chủ yếu là phân tích, lý giải, bàn luận, đánh giá những sự thật đó trên cơ sở của một thái độ rõ ràng nhằm hướng dẫn, điều chỉnh dư luận. Ông Phạm Chí Dũng luôn cho rằng cần tôn trọng sự cạnh tranh của một nền chính trị đa dạng, không độc tài, và các quyền con người theo Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết cần phải tôn trọng thực thi.

Có phải "chim mồi" ?

Trong "Chính luận báo chí" thì thể loại bình luận giữ vai trò là hạt nhân, vì nó thể hiện sinh động nhất so với xã luận thường là khô khan, một chiều.

Trong các bài viết thể loại bình luận của ông Phạm Chí Dũng, đối tượng phản ánh là các sự kiện, hoàn cảnh, tình hình, hiện trạng tiêu biểu của đời sống, đang cần được làm sáng tỏ và được định hướng. Với nghệ thuật lập luận câu từ mềm dẻo, linh hoạt (của một văn sĩ) bằng cách kết hợp giữa các bằng chứng, luận cứ, luận điểm mà ông Phạm Chí Dũng từng trải nghiệm, các bài báo của ông Phạm Chí Dũng thường dễ thuyết phục công chúng hiểu và hành động theo hướng mà người viết bình luận muốn hướng tới. Chính điều này khiến cho các cơ quan quản lý chuyên trách lo ngại, vì hướng bình luận mà ông Phạm Chí Dũng nhắm đến là Việt Nam cần một thể chế chính trị thực sự có sự cạnh tranh của nhiều đảng phái, và quân đội – công an phải là lực lượng đứng ngoài mọi đảng phái đó.

Có người đặt câu hỏi: "Vì sao nhiều người dân viết trên facebook bị cáo buộc về Điều 258 Bộ luật hình sự, còn ông Phạm Chí Dũng thì không/chưa chịu sự cáo buộc gì? Có phải ông Phạm Chí Dũng là một con chim mồi?".

Theo dõi các bài viết đăng tải trên báo chí nước ngoài của tác giả Phạm Chí Dũng, có thể thấy rằng đến thời điểm này, ông vẫn tôn trọng các cam kết do chính ông đặt ra trong bản Điều lệ Hội nhà báo độc lập Việt Nam mà ông đang là chủ tịch: Không đả kích cá nhân (ông chỉ đả kích người nào đó trên cương vị chức danh quản lý – như tổng bí thư, bộ trưởng…) ; Không xúc phạm nhân phẩm (ông không bình phẩm những câu chuyện đời tư của chính khách); Không dùng từ ngữ và hình ảnh thô tục; Không kích động các hành động bạo lực, tôn giáo, sắc tộc; Không ngụy tạo thông tin.

Tuy nhiên đôi khi trong vài bài viết, cách diễn đạt của ông dễ đưa đến cách hiểu là ông ít nhiều đang "khiêu khích chính trị" và "đối kháng với thể chế".

Liệu ông có phải "chim mồi"? Cá nhân tôi nghĩ là không, vì nội dung các bài viết được cho là mang tính phê phán chính trị của ông Phạm Chí Dũng, thực ra có liều lượng "phê – phán" vẫn nhẹ nhàng hơn so các bài viết gần đây trên báo Người Lao Động, Tuổi Trẻ, Dân Việt, Lao Động, Làng Mới…

Đừng mặc định duy ý chí chuyện "lề báo"

Góc nhìn tích cực, cá nhân tôi cho rằng cần ghi nhận những ý kiến đóng góp qua các bài viết của ông Phạm Chí Dũng, hơn là chỉ chăm chăm nhìn bằng thái độ quan sát của tâm thế mang tính đối đầu báo chí, phân biệt báo "lề trái – lề phải" như lời ví von của cựu bộ trưởng Lê Doãn Hợp.

Bởi nếu nhìn định kiến "lề trái – lề phải", thì có thể nhận xét thế này về tác giả Phạm Chí Dũng : Việc ông Phạm Chí Dũng sử dụng thể loại bình luận đang là "con dao hai lưỡi". Nếu bài viết theo đúng ý tuyên giáo thì sẽ được cho là trúng, đúng, hay, thấu tình, đạt lý và mang lại hiệu quả thông tin rất lớn; và quan trọng hơn là chuyển tải đến bạn đọc một thông điệp lành mạnh, một cái nhìn lạc quan, một niềm tin tươi sáng.

Ngược lại, là việc tác giả Phạm Chí Dũng bình luận theo cảm tính, không có cơ sở vững chắc, luận không có chứng cứ thuyết phục (theo góc nhìn chê – khen như vụ bà bộ trưởng y tế) sẽ làm phức tạp vấn đề, nghiêm trọng hóa sự kiện, rối ren thêm tình hình và hậu quả gây ra là làm nhũng nhiễu thông tin cho xã hội, gây tâm lý dao động, bất an, hoang mang cho độc giả.

Bình luận là một thể loại chủ công của báo chí và luôn được bạn đọc đón nhận một cách nhiệt tình. Tuy vậy, để có một bài bình luận hay theo đúng nghĩa của nó, đòi hỏi người viết không chỉ có một phông văn hóa rộng, trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm sống dày dạn, mà còn phải am hiểu pháp luật, tìm hiểu kỹ lưỡng vấn đề muốn phân tích, lập luận, phản biện và đặc biệt là phải có cái tâm trong sáng, động cơ trung thực, lành mạnh.

Công tâm nhìn nhận, qua theo dõi những bài viết với các bút danh khác nhau của tác giả Phạm Chí Dũng, có thể nói rằng gác qua những định kiến "lề trái – lề phải", trong xã hội Việt Nam hiện nay, khi tinh thần dân chủ được đề cao, ý thức pháp quyền được tôn trọng, tính sáng tạo của cá nhân được khuyến khích thì không nên yêu cầu báo chí phải tiếp cận, đề cập, chuyển tải thông tin một cách đơn điệu, cũng như không nên cứng nhắc đòi hỏi nhà báo phải nhận định, phân tích, bình luận một sự kiện, vụ việc nào đó theo một giọng điệu hay một lối nghĩ áp đặt.

Nếu có khuyến cáo về chuyện "lề trái – lề phải" ở đây, thì đó là chuyện rất cần người viết báo và cơ quan báo chí tỉnh táo, sáng suốt, khách quan, trung thực, công tâm, đúng mực trong việc xem xét, đánh giá mọi vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia dân tộc, đến việc giữ vững ổn định chính trị và môi trường đồng thuận cho đất nước phát triển.

Nói một cách khác, bình luận dưới các góc nhìn, phương diện, khía cạnh đa chiều là cần thiết, nhưng cần căn cứ trên cơ sở bản chất nội tại của sự kiện, vấn đề liên quan, chứ không nên và cũng không được phép có ít kéo ra nhiều, bé xé ra to, đánh đồng lẫn lộn giữa hiện tượng và bản chất dễ làm lạc hướng dư luận.

Tạm kết

Nếu nhìn đơn thuần tác giả Phạm Chí Dũng là người viết báo, thì các trình bày nói trên là có cơ sở. Còn nếu nhìn giác độ tác giả Phạm Chí Dũng là một chính khách, thì vấn đề không nằm trong bài nhận xét, và cũng ngoài tầm hiểu biết của người viết.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 23/11/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam, Ánh Liên
Read 478 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)