Nguyễn Đức Chung – một bàn cờ thế, phút sa tay…
Nguyễn Nam, VNTB, 26/11/2020
Ông Chung giỏi nghề ngay khi ở trường. Trinh sát giỏi. Làm các vụ án kinh thiên động phách. Nhưng thời đã hết, thế không còn.
Ông Nguyễn Đức Chung không hề ngờ nghệch, cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào… Nhưng thời đã hết, thế không còn.
Kết luận điều tra vụ bị can Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch thành phố Hà Nội có hành vi chủ mưu chiếm đoạt hồ sơ vụ Nhật Cường làm nhiều người bất ngờ, số còn lại ngạc nhiên vì sự ngờ nghệch không đáng có ở các bị can.
Cờ thế hay còn gọi cờ tàn nghệ thuật, là một hình thức chơi cờ tướng. Các quân được sắp xếp tạo ra một thế cờ nên gọi là Cờ thế. Cờ thế thường là một bên đi tiên (cầm quân đỏ) sẽ chỉ còn 1 hoặc 2 nước tiếp theo là bị đen chiếu sát cuộc nên sẽ phải thực hiện một loạt các nước cờ điều quân, thí quân chính xác nhằm tạo ra các nước sát cuộc kín đáo để giành chiến thắng trước bên đi hậu và thường chỉ có một cách giải duy nhất cho mỗi ván cờ nên chỉ cần người chơi đi sai một nước sẽ dẫn đến thua cuộc.
Tướng Nguyễn Đức Chung không ngờ nghệch, cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thế thần cả thôi cho nước cờ tàn của những ông chủ đang tranh quyền chấp chính đàng sau cánh gà chính trị.
Chợt nhớ đến vụ tướng công an Cao Ngọc Oánh trước đây cũng lúc ở thế cờ tàn. Đó là vào năm 2006, năm cuối của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI.
Thời điểm đó, báo chí khá dễ dàng tiếp cận hồ sơ vụ án đình đám PMU18 liên quan đến hai chính khách được đồn đoán sẽ ngấp nghé chiếc ghế quyền lực bộ trưởng bộ Giao thông vận tải là Nguyễn Việt Tiến, và bộ trưởng bộ Công an là Cao Ngọc Oánh.
Nhà báo T.V. nhớ lại : Khi được đề cập tới lý do tại sao lại gọi điện cho Tôn Anh Dũng (vụ án PMU18, Bộ Giao thông vận tải), khi Dũng ‘Huế’ đang ở Thái Lan ? Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh nói, khoảng 1 tuần sau khi đưa con sang Thái Lan chữa bệnh, Tôn Anh Dũng có gọi điện thoại cho ông. Qua điện thoại, Dũng than khóc về trình trạng sức khỏe nguy cấp của con mình. Sau đó, ông Oánh đã gọi điện thoại và nhắn tin cho Dũng để động viên, an ủi.
Ông Oánh nói : "Tôi nhớ là khi còn ở Thái Lan, Dũng ‘Huế’ đã từng gọi điện cho tôi. Trong bản giải trình của mình, tôi cũng đã báo cáo là Dũng có nhắn tin và gọi điện thoại cho tôi, và tôi cũng có một lần điện thoại, một lần nhắn tin cho Dũng. Dũng sang Thái Lan để chữa bệnh hiểm nghèo cho con. Các cuộc liên lạc giữa tôi và Dũng ‘Huế’ chỉ xoay quanh chuyện khám, chữa và diễn tiến bệnh tình của cháu bé.
Trong trường hợp này, theo tôi, cần phải phân biệt rõ là thời điểm liên lạc nói trên diễn ra khi Dũng chưa bị phát giác là chạy án. Trước ngày Dũng bộc lộ là người đã phạm tội môi giới chạy án, quan hệ giữa tôi với Dũng là quan hệ xã hội bình thường như bao nhiêu mối quan hệ khác. Mọi cuộc nói chuyện trong thời gian ấy chỉ là bình thường, không bao giờ nói chuyện chạy án".
Theo phân bua của tướng Oánh, việc gọi điện thoại sang Thái Lan cho Tôn Anh Dũng xảy ra trước khi các hành vi tham gia chạy án của Tôn Anh Dũng chưa được cơ quan điều tra xác định. Trước khi Dũng đi Thái Lan (tại thời điểm này, ông đã phải viết giải trình), ông hỏi Dũng về việc có cầm tiền chạy án của Bùi Tiến Dũng : "Nó chắp tay nói rằng anh đừng nghĩ sai về em. Việc gì em phải làm việc đó".
Sau khi Bùi Tiến Dũng bị bắt, Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, có 5 cuộc điện thoại cho 2 cán bộ điều tra dưới quyền (mỗi cuộc kéo dài hàng chục phút), trong đó có một trưởng phòng điều tra, người trực tiếp thụ lý vụ án. Tại các cuộc điện thoại này, ông Oánh có lời lẽ nặng nề đối với hai cán bộ này.
Sau khi báo chí đăng tải thông tin trên, ông Oánh giải thích : "Chiều hôm đó, không có chuyện mạt sát, tôi trách anh em vì sao không báo cáo thời điểm bắt Bùi Tiến Dũng ? Tôi chỉ biết việc này khi phóng viên gọi điện thoại hỏi".
Mãi tới ngày hôm sau, ông Oánh mới được báo cáo chính thức vụ việc. Ông Oánh phân tích : Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, ở các vụ án quan trọng (chẳng hạn như bắt Tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng – PV), mọi diễn biến mới nhất đều phải báo cáo kịp thời cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc ngay cả Thủ tướng Chính phủ, 3 ngày sau khi bắt Bùi Tiến Dũng đã nghe báo cáo của cơ quan điều tra. "Tôi điện thoại để yêu cầu nhắc nhở anh em phải làm đúng quy trình. Thái độ của tôi có thể là gay gắt nhưng không hề gây sức ép hay có thái độ mạt sát", ông Oánh nói.
Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh nói : Trong ngày 11/4, ông làm văn bản xin được giải trình những "lình xình" liên quan đến Tôn Anh Dũng trước cuộc họp của Đảng ủy Công an Trung ương, diễn ra vào ngày 12-4…
Vụ án PMU18 có cái kết đúng thế cờ tàn : Phạm Tiến Dũng, hay còn gọi là Dũng ‘con’ (36 tuổi, nguyên trưởng phòng kinh tế – kế hoạch PMU18) ngày 11/7/2009 đã bị đột tử tại một bệnh xá gần nơi tạm giam – trại T16 Bộ Công an. Khi đó, bị can Dũng đang bị điều tra về hành vi tham ô tài sản trong vụ án PMU18.
Bùi Tiến Dũng, sếp của Dũng ‘con’, được hoãn thi hành án vì mắc bệnh ung thư phổi. Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình sau đó từ chức còn Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Việt Tiến bị đề nghị truy tố về nhiều tội danh nhất trong 9 bị can vụ PMU 18 với 3 tội : Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tuy nhiên sau đó đến tháng 4/2008, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã miễn truy cứu trách nhiệm hình sự ông Nguyễn Việt Tiến.
Trước đó, vào ngày 25/1/2007, Cao Ngọc Oánh được lãnh đạo Tổng cục cảnh sát kết luận là không dính dáng vào vụ chạy án, và được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật. Tuy nhiên hoạn lộ của tướng Oánh đến đây coi như đã kết thúc. Tướng Oánh từng được dự kiến vào danh sách bầu Ủy viên Trung ương khóa X.
Cả hai chính khách kể tên ở trên đều dưới ‘triều đại’ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Cờ thế vốn là các nước sát cục bất ngờ, những cạm bẫy khôn lường tinh xảo và kín đáo…
Nguyễn Nam
Nguồn : RFA, 26/11/2020
********************
Ông Nguyễn Đức Chung được đề nghị giảm án do có "tiền sử tâm thần"
RFA, 27/11/2020
Mạng báo Zing hôm 27/11/2020 dẫn cáo trạng của vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" cho biết, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung được đề nghị giảm án do có "tiền sử bị bệnh tâm thần".
Ông Nguyễn Đức Chung khi còn làm Giám đốc Công an Hà Nội năm 2013 - Reuters
Ông Chung hiện đang bị gia giữ và bị truy tố về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", theo khoản 3 điều 337 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt mức cao nhất là từ 10 đến 15 năm tù.
"Bị can có tiền sử bị bệnh tâm thần, phạm tội lần đầu, được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự", mạng báo Tri thức Trực tuyến (ZingNews) dẫn cáo trạng cho hay.
Tuy nhiên, thông tin trong bài viết "Vì sao ông Nguyễn Đức Chung được áp dụng tình tiết giảm nhẹ?" sau đó được sửa đổi từ "tâm thần" trở thành "tiền sử bệnh ung thư".
Đường link về bài viết trên docbao.vn vốn đăng lại bài từ Zing sau đó cũng không truy cập được, phóng viên Đài Á Châu Tự Do không có cáo trạng của vụ án để xác minh thông tin này.
Theo Zing, năm 2019 Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung liên lạc với ông Phạm Quang Dũng - cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) của Bộ Công an đang được trưng dụng hỗ trợ điều tra vụ án Nhật Cường.
Ông Dũng bị cho là đã sử dụng ứng dụng Viber để chuyển các file ảnh chụp tài liệu mật về vụ án Nhật Cường cho ông Nguyễn Đức Chung.
Ngoài ra bị can Phạm Quang Dũng còn chuyển tài liệu mật bản giấy cho ông Chung thông qua lái xe riêng Nguyễn Hoàng Trung.
Cáo trạng, cũng thể hiện ông Nguyễn Đức Chung chuyển cho cán bộ điều tra Phạm Quang Dũng phong bì bên trong có 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng). Tuy nhiên, cơ quan tố tụng cho rằng chưa làm rõ bản chất của việc đưa, nhận tiền nên tách ra để xử lý sau.
Việc đưa hối lộ số tiền từ 100 triệu lên đến 500 triệu đồng có thể bị phạt tù từ 2-7 năm tù giam.
RFA, 27/11/2020
*******************
Cựu chủ tịch Hà Nội bị cáo buộc ‘chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước’
VOA, 27/11/2020
Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, vừa bị cáo buộc về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước" khi móc nối với điều tra viên của Bộ Công an và sử dụng các "nghiệp vụ" để xoá dấu vết phạm tội, cũng như có vai trò liên quan trong vụ án Nhật Cường.
Ông Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hôm 26/11 cho biết sau khi Bộ Công an bắt đầu điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Công nghệ Nhật Cường, vì có liên quan đến vụ án nên ông Chung (khi đó đang là Chủ tịch Hà Nội) và vợ đã tìm cách móc nối với Phạm Quang Dũng, một cán bộ ở C03 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu), là cơ quan điều tra vụ án, và nhờ điều tra viên này thu thập, cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình, tiến độ, kết quả điều tra vụ án.
Nhận lời đề nghị của Chủ tịch Chung, kể từ tháng 7/2019 đến 6/2020, Phạm Quang Dũng đã 5 lần chiếm đoạt 9 tài liệu được cho là "mật" và chuyển cho ông Chung 2 lần với 6 tài liệu.
Cách trao đổi thông tin giữa ông Chung và điều tra viên Dũng là dùng ứng dụng Viber qua số điện thoại giả, trong đó có cả số điện thoại nước ngoài của người đã chết, chuyển trực tiếp file ảnh chụp hoặc thông qua người trung gian là Nguyễn Hoàng Trung (lái xe của ông Chung) và Nguyễn Anh Ngọc (nguyên phó trưởng phòng Thư ký biên tập - Thành viên tổ thư ký ông Chung). Hai người trung gian này bị cáo buộc một lần tham gia in, chỉnh sửa 3 tài liệu mật cho ông Chung.
Khi khám xét nơi ở của điều tra viên Phạm Quang Dũng, ngoài các vật dụng, tài liệu ra, công an còn thu được số tiền 10.000 đô la mà ông Chung đưa cho Dũng thông qua tài xế Trung trong dịp Tết Nguyên Đán 2020. Tuy nhiên, cơ quan công an cho rằng vì "chưa có điều kiện để làm rõ bản chất số tiền này" nên đã tách ra để xem xét, xử lý sau.
Trong vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", ông Chung bị xác định là chủ mưu, Dũng là người thực hành nên cả hai bị truy tố theo khoản 3 Điều 337 Bộ Luật Hình sự, với khung hình phạt từ 10 - 15 năm tù. Hai trung gian Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc bị đề nghị truy tố theo khoản 1, với khung hình phạt từ 2 - 7 năm tù.
Ông Nguyễn Đức Chung nguyên là một Thiếu tướng Công an. Trước khi bị bắt, ông Chung từng là Giám đốc Công an thành phố Hà Nội (2012-2016), đại biểu Quốc hội (2011-2016), từng giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau đó là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Ông Chung bị bắt giam vào ngày 28/8. Trước đó, cựu chủ tịch Hà Nội bị tạm đình chỉ công tác 90 ngày kể từ ngày 11/8 để "điều tra, xác minh làm rõ trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án". Đến ngày 25/9, ông chính thức bị bãi nhiệm các chức vụ.
Cáo trạng của VKSND Tối cao nói trong quá trình điều tra, ông Chung đã thừa nhận, khai báo hành vi phạm tội và "ăn năn hối cải". Ngoài ra, trong thời gian công tác, ông nhiều lần được khen thưởng thành tích xuất sắc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có tiền sử bệnh ung thư và phạm tội lần đầu nên đề nghị áp dụng các "tình tiết giảm nhẹ" trong quá trình truy tố, xét xử.
VOA, 27/11/2020
***********************
Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối mặt với án tù từ 10 đến 15 năm
RFA, 26/11/2020
Cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung có thể phải đối mặt với án tù từ 10 đến 15 năm sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vào ngày 26/11 ban hành cáo trạng truy tố ông cùng 3 người khác trong vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước xảy ra tại Hà Nội. Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin này hôm 26/11.
Cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong một chuyến thăm Pháp hôm 26/10/2019 -AFP
4 người bị truy tố gồm : Nguyễn Đức Chung, Phạm Quang Dũng (cựu cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an), Nguyễn Hoàng Trung (cựu chuyên viên), và Nguyễn Anh Ngọc (cựu Phó trưởng phòng Thư ký biên tập - UBND thành phố Hà Nội).
Ông Nguyễn Đức Chung và ông Phạm Quang Dũng cùng bị truy tố về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, theo khoản 3 điều 337 BLHS, với khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù. Trong đó, ông Chung được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Hai bị can còn lại là Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc bị truy tố cùng tội danh trên, nhưng ở khoản 1 điều 337 BLHS, với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.
Theo cáo trạng, ông Chung và vợ là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án xảy ra tại công ty Nhật Cường. Đây là vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo là phải hoàn tất quá trình điều tra, xét xử nghiêm minh những người, tổ chức có liên quan trong năm 2020.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công An cho truyền thông biết hôm tháng 8/2020 rằng ông Chung có liên quan đến 3 vụ án gồm : "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", "Rửa tiền", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan; thứ hai là vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại thành phố Hà Nội, và thứ ba là vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" như vừa nêu.
Nguồn : RFA, 26/11/2020