Joe Biden có thể quan tâm đến các cuộc tranh luận về nhân quyền của tổ chức này nhiều hơn Donald Trump
Ngày 16 tháng 12 năm 2020
Khi Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2018, Trung Quốc đã bày tỏ sự tiếc nuối. Không ai tin. Diễn đàn này liên quan đến một chủ đề gây bối rối lớn cho Trung Quốc. Sự vắng mặt của nền dân chủ mạnh mẽ nhất thế giới trong các cuộc thảo luận có khả năng dẫn đến tình trạng những sự lạm dụng của Trung Quốc sẽ thoát khỏi sự chỉ trích. Nhưng với việc Joe Biden chuẩn bị nhậm chức tổng thống Mỹ, Trung Quốc lo ngại sẽ gặp rắc rối. Họ đang cố gắng gia tăng sức mạnh của họ trong Hội đồng.
Bằng chứng về điều này có thể được phát hiện trong một cuộc đấu ngầm liên quan đến việc ai sẽ lãnh đạo cơ quan có trụ sở tại Geneva này. Nỗ lực của Trung Quốc – đượcNga và Ả Rập Xê-út hỗ trợ – nhằm cản trở ứng cử viên hàng đầu cho ghế chủ tịch ủy ban này, quốc đảo Fiji nhỏ bé ở Thái Bình Dương, và vận động cho một quốc gia họ thích vào vị trí đó. (Trung Quốc và Nga không tham gia hội đồng vào năm 2020, nhưng sẽ có mặt hội đồng từ ngày 1 tháng 1). Các thành viên Dân chủ của Hội đồng, hy vọng rằng ông Biden sẽ sớm để Mỹ tham gia lại, coi đây là một trận chiến quan trọng. Họ đang hỗ trợ Fiji.
Vấn đề ai đứng đầu Hội đồng có vẻ không quan trọng. Dù gì đi nữa, 47 thành viên của cơ quan này, chứ không phải chủ tịch, là những người đặt ra chương trình nghị sự. Và các thành viên đã không dám thách thức Trung Quốc. Hội đồng thậm chí vẫn chưa đưa ra một nghị quyết, chưa nói đến việc thông qua, về việc Trung Quốc buộc hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cải tạo hoặc tước bỏ các quyền tự do ở Hồng Kông. Chính quyền Trump đã rút Mỹ khỏi Hội đồng sau khi không thuyết phục được các thành viên khác áp đặt các tiêu chuẩn cho thành viên của hội đồng.
Nhưng chủ tịch ủy ban thực sự có quyền trong việc bổ nhiệm các báo cáo viên đặc biệt, những người có nhiều quyền tự chủ và có thể trở thành cái gai đối với các chế độ độc tài. Vào tháng 6, hơn 50 báo cáo viên đặc biệt và các chuyên gia do Hội đồng chỉ định đã ký một tuyên bố chỉ trích Trung Quốc vi phạm quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông. Nước này đã rất tức giận. Họ cáo buộc các báo cáo viên này đã vi phạm hiến chương của Liên Hiệp Quốc.
Lãnh đạo tiếp theo của hội đồng cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh giá công việc của Ủy ban mỗi 5 năm bởi Đại hội đồng. Điều này có thể dẫn đến những cải cách mà Mỹ mong muốn, chẳng hạn như đặt ra các tiêu chí về tư cách thành viên.
Điều quan trọng là, việc bổ nhiệm một quốc gia có tiếng xấu về nhân quyền làm chủ tịch có thể gây ra thiệt hại lớn hơn nữa cho hình ảnh vốn đã quá tồi tệ của Hội đồng ở phương Tây. Năm 2003, cơ quan tiền nhiệm của Hội đồng, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đã bầu Libya vào vị trí chủ tịch. Điều này đã góp phần khiến Uỷ ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bị giải thể ba năm sau đó. Nếu một điều tương tự như vậy xảy ra một lần nữa, sẽ khó cho ông Biden trong việc đồng ý để Mỹ tham gia lại vào Hội đồng.
Đó sẽ là một chiến thắng cho Trung Quốc, quốc gia coi tổ chức này là đầu tàu trong chiến dịch xác định lại các chuẩn mực toàn cầu. Trung Quốc đã sử dụng Hội Đồng để bảo đảm các nghị quyết làm suy yếu nhân quyền, nhấn mạnh sự lãnh đạo của nhà nước đối với quyền của các cá nhân và "đối thoại" tôn trọng giữa các quốc gia thay vì buộc các quốc gia phải giải trình khi họ vi phạm.
Trung Quốc cũng đã phản đối mạnh mẽ các nghị quyết chống lại các quốc gia cụ thể, cho rằng các quốc gia này không nên can thiệp vào công việc của nước khác. Tiếng nói của Trung Quốc trong Hội đồng, dù với tư cách là quan sát viên hay thành viên, đều giúp họ chống lại nhóm chỉ trích ngày càng tăng. Vào tháng 10, 39 thành viên đã ký một tuyên bố lên án tình trạng khủng khiếp ở Tân Cương, so với 23 nước một năm trước đó. Số nước ký tuyên bố bảo vệ Trung Quốc giảm từ hơn 50 xuống còn 45.
Vào năm 2021, chức vụ chủ tịch được cho là sẽ do một thành viên Liên Hiệp Quốc thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương đảm nhiệm, là Fiji và Trung Quốc sẽ thay phiên nhau. Đại diện của Fiji được các quốc gia khác tôn trọng vì lập trường của họ về nhân quyền. Fiji đã ứng cử và không có đối thủ.
Nhưng vào tháng 11, Bahrain cũng đã ứng cử. Syria sau đó đã phản đối việc ứng cử của Fiji. Các nhà ngoại giao cho rằng những động thái này được Trung Quốc và các nước thân hữu của họ khuyến khích. Sau đó, một ứng cử viên thứ ba xuất hiện và cũng được Trung Quốc chấp nhận là Uzbekistan. Fiji và các nước láng giềng trên đảo Thái Bình Dương cảm thấy bị bắt nạt.
Nhưng các nước Châu Á – Thái Bình Dương đã không thống nhất được sự lựa chọn. Vì vậy, thành viên đầy đủ của Hội đồng có thể chọn một chủ tịch vào tháng Giêng. Điều đó có thể có lợi cho Fiji và, các đặc sứ phương Tây hy vọng, cho việc cải thiện các nỗ lực nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
The Economist
Nguyên tác : Sensing change in Washington, China is mustering allies at the UN, The Economist, 16/12/2020
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 26/12/2020