Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/12/2020

2020 : năm trù dập báo chí độc lập và kiểm duyệt gia tăng

Nhiều tác giả

2020 là một năm cám cảnh của báo chí Việt Nam

Nguyên Sa, Luật Khoa, 28/12/2020

Một năm báo chí buồn. Năm sau sợ là còn buồn hơn nữa.

baochi0

Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động vào ngày 4 tháng 7 năm 2014.

Công bằng mà nói, chừng nào còn có Ban Tuyên giáo ở đó đòi chỉ đạo đường lối của mọi tờ báo trên khắp đất nước, báo chí Việt Nam khó mà có một ngày vui. Nhưng ngay cả khi xét trong bối cảnh chật hẹp đó, 2020 vẫn là một năm đặc biệt u ám.

Tôi nghĩ chữ cám cảnh chắc là phù hợp để mô tả hiện trạng này.

Cám cảnh, theo từ điển tiếng Việt thông dụng, có nghĩa là "chán ngán vì cảnh ngộ buồn thảm". Từ này cũng được dùng khi nói về tình cảnh gì đó khiến ta động lòng thương xót. Chữ này xuất hiện trong thơ ca, chẳng hạn "Cám cảnh khói mây mờ mặt biển" (Tản Đà) hay "Vân Tiên cám cảnh lòng thương" (Nguyễn Đình Chiểu).

Vậy, khi tôi nói rằng báo chí nước ta năm qua thật là cám cảnh, ý tôi là cảnh ngộ báo chí Việt Nam năm 2020 chán ngán một cách đáng thương.

Chuyện đáng thương thứ nhất là về mặt chính sách. 2020 là "deadline" đầu tiên của Quy hoạch Phát triển và Quản lý Báo chí Toàn quốc đến năm 2025. Theo đó, đến hết năm 2020, mỗi tỉnh/thành, mỗi bộ ngành, làm sao thì làm, chỉ còn được phép có tối đa một cơ quan báo và một cơ quan tạp chí (trừ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được cho nhiều thời gian hơn). Các tổ chức xã hội – đại diện cho khu vực xã hội dân sự – thì không được làm báo nữa, mà chỉ được làm (tạp) chí.

Điều này có nghĩa là hàng trăm cơ quan báo chí đang tồn tại sẽ bị bức tử. Điều đáng nói là quyết định này dựa trên lệnh áp từ trên xuống, theo kiểu "quân xử thần tử" chứ không phải dựa trên chất lượng hoạt động của cơ quan báo chí đó.

Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trước Quốc hội là sẽ "hoàn thành 100% quy hoạch" trong năm 2020. Các tờ báo của nhà nước đưa tin rằng các cơ quan báo chí không chỉ nghiêm túc tự giác dừng hoạt động mà còn xem đó là một sự kiện "có ý nghĩa".

Cám cảnh đến thế có vẻ vẫn chưa đủ. Đầu tháng 12, chính phủ ban hành Nghị định 119/2020/NĐ-CP thay cho Nghị định 159/2013/NĐ-CP, tăng mức xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí lên gấp nhiều lần. Hành vi "hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép" trước kia chỉ bị phạt tối đa 20 triệu đồng, giờ có thể bị phạt lên đến 70 triệu đồng nếu như gây ảnh hưởng "nghiêm trọng". Hành vi đưa tin sai sự thật gây ảnh hưởng "nghiêm trọng" trước đây có mức phạt tối thiểu là năm triệu đồng, giờ theo nghị định mới là 50 triệu đồng, tăng hẳn 10 lần. Hành vi đưa tin sai sự thật gây ảnh hưởng "rất nghiêm trọng" trước kia có mức phạt tối đa là 30 triệu đồng, giờ theo nghị định mới đã thành 100 triệu.

Điều đáng nói là định nghĩa thế nào là "sai tôn chỉ" hay "sai sự thật", đánh giá thế nào là "nghiêm trọng" hay "rất nghiêm trọng", lại tùy cơ quan thực thi quyết định. Thử đặt mình vào vị thế một tòa báo trong nước, trước tình cảnh đó, không khó để tưởng tượng lựa chọn khôn ngoan của họ là phải bớt nói lại.

Chuyện đáng thương thứ hai là về sự đàn áp có chiều hướng gia tăng của chính quyền đối với các nhà báo độc lập nói riêng và những người bất đồng chính kiến nói chung.

Liên tục vào tháng Năm và tháng Sáu năm nay, hai thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) là Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấnbị bắt, sau khi chính quyền bắt giữ ông Phạm Chí Dũng , chủ tịch của hội này vào cuối năm ngoái. Đến đầu tháng Mười, chính quyền bắt Phạm Đoan Trang, một trong những nhà báo độc lập có ảnh hưởng nhất Việt Nam, đồng sáng lập viên và biên tập viên của Luật Khoa tạp chí. Và chỉ mới cách đây hơn một tuần, Trương Châu Hữu Danh, thành viên của Báo Sạch – một dự án báo chí độc lập nổi bật trong thời gian gần đây, cũng bị công an xét nhà, tịch thu tư liệu, và bắt tạm giam. Tất cả họ sẽ sớm bị xét xử vì đã dám nói những điều mà nhà nước "không cho phép".

Thử đặt mình vào vị thế của một sinh viên báo chí sắp ra trường, trước tình cảnh đó, không khó để tưởng tượng lựa chọn khôn ngoan của sinh viên ấy phải là "chạy ngay đi".

Chuyện đáng thương thứ ba, thật ra là đáng giận nhiều hơn, là cái cách mà báo chí trong nước đưa tin về những vụ án quan trọng trong năm 2020. Tôi không nói đến VTV hay báo Công an Nhân dân ; họ là cái miệng của chính quyền, tôi không xem họ là báo chí. Tôi muốn nói đến những tờ báo đã từng là niềm hy vọng về một nền báo chí chuyên nghiệp.

Niềm hy vọng ở họ, nơi tôi, giảm sút đi nhiều khi nhìn vào cách họ đưa tin về vụ đụng độ giữa chính quyền và người dân ở Đồng Tâm. Họ đưa những bản tin giống hệt nhau theo chỉ đạo là một chuyện. Chuyện này khó tránh trong một vụ việc bị chỉ đạo quyết liệt, nếu như các tờ báo muốn tiếp tục tồn tại. Chuyện đáng xấu hổ hơn là họ dường như đã quên hết các quy tắc đạo đức và nghiệp vụ khi đưa tin vụ án.

Giữa lúc phiên tòa Đồng Tâm còn đang diễn ra, họ mau mắn kết tội các bị can là "cop killers" (kẻ giết cảnh sát), là "chủ mưu vụ án ". Họ gọi vụ án không phải là cuộc đụng độ giữa hai phía, mà là "vụ tẩm xăng thiêu chết ba chiến sĩ công an", tức là gián tiếp kết tội người dân. Họ bỏ qua những mâu thuẫn hiển hiện trong cáo trạng. Họ không cho bất kỳ thân nhân bị cáo nào cất tiếng nói.

Vòng vây kiểm duyệt sớm hay muộn cũng sẽ làm xói mòn các chuẩn mực báo chí. Tôi thấy ở đây những bằng chứng đáng buồn. Thử đặt mình vào vị thế một độc giả còn nặng lòng với báo chí Việt Nam mà suy xét, trước tình cảnh đó, lựa chọn khôn ngoan của bạn đọc ấy chắc sẽ là bỏ đọc báo, tắt tivi, thôi khỏi nói chuyện chính trị làm gì.

Chuyện đó chẳng phải là hết sức cám cảnh cho đất nước hay sao ?

Nguyên Sa

Nguồn : Luật Khoa, 27/12/2020

**********************

Năm 2020, Việt Nam tăng cường kiểm duyệt nội dung, bóp nghẹt tiếng nói trên không gian mạng

Cao Nguyên, RFA, 27/12/2020

Trong năm 2020, đảng và chính phủ Việt Nam tiếp tục gia tăng thúc ép các công ty có nền tảng mạng xã hội như Facebook và Youtube phải tăng cường kiểm duyệt, gỡ bài viết, video bị dán nhãn là "chống phá" nhà nước.

BAOCHI2

Logo Facebook - Reuters

 Nhiều người dùng mạng xã hội ở Việt Nam cho biết Facebook hoặc Youtube thường xoá bài viết hay thậm chí là khoá luôn tài khoản vì họ đưa những thông tin liên quan đế tình hình chính trị, xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt là các sự kiện chính trị quan trọng mà nhà nước không muốn thông tin lan toả đến người dân.

Có ít nhất 4 người mà RFA phỏng vấn nói rằng tài khoản của họ nhiều lần bị hạn chế, xoá bài với những lí do không rõ ràng, không thuyết phục.

Nhiều người dùng bị gỡ bỏ nội dung trên mạng xã hội

Ông Lê Trung Khoa, chủ bút mạng báo Thời Báo ở Đức cho hay ông thường xuyên bị Youtube hạn chế lan truyền các video tin tức thời sự, chính trị ở Việt Nam :

"Nhiều lần chứ. Việc này mình đã gửi toàn bộ báo cáo cho tổ chức Phóng viên không biên giới tại Đức.

Thường là nhắm vào các video về vấn đề xảy ra, các vụ việc lớn. Ví dụ như vụ việc ở Đồng Tâm, các vụ việc bắt bớ mà mình có làm tin, hoặc là vụ việc liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh… Các tin tức đó thì thường bị phía Việt Nam yêu cầu ngưng phát tán ở Việt Nam.

Tất cả những thông tin đó mình đều cập nhật lại toàn bộ, rồi cùng với tổ chức Phóng viên không biên giới phản đối lại việc YouTube đã làm theo ý muốn của nhà cầm quyền đảng Cộng sản Việt Nam".

Ông Nguyễn Lân Thắng, một người hoạt động xã hội được nhiều người theo dõi trên Facebook nói việc bị hạn chế hoặc tự động xoá bài viết xảy ra khá thường xuyên :

"Có một số bài viết tôi bị hạn chế hiển thị nội dung ở Việt Nam. Những bài viết cũng có ảnh hưởng dư luận, tác động đến tâm tư tình cảm của rất nhiều người, có lượt like và chia sẻ rất lớn. Điển hình như là một bài có đến 6 ngàn lượt chia sẻ.

Ngoài ra, còn có một hiện tượng nữa là rất nhiều người họ không nhìn thấy tin tức của tôi nổi trên newfeed của họ nữa. Mặc dù họ cài đặt tài khoản của tôi ở chế độ "See first" tức là xem trước, nhưng mà họ phải vào tận nơi thì mới nhìn thấy nội dung trên tường nhà tôi".

Ông Quang, hiện đang là admin của một trang fanpage chuyên cung cấp, đăng tải các thông tin, kiến thức về quyền và luật pháp cho người dân, cũng than phiền rằng lượng tương tác bị hạn chế, xuống thấp kỷ lục trong năm 2020. Facebook có đôi lần thông báo với ông Quang rằng những video bị hạn chế là do "vi phạm luật pháp địa phương".

Việt Nam tăng cường kiểm duyệt, yêu cầu gỡ bỏ nội dung "phản động"

Ông Nguyễn Trường Sơn, người thực hiện báo cáo "Kiểm duyệt và hình sự hoá Tự do biểu đạt tại Việt Nam", do tổ chức Ân xá Quốc tế công bố hồi đầu tháng 12 cho biết :

Trong vấn đề yêu cầu xoá nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, cơ chế làm việc giữa chính phủ Việt Nam và các công ty công nghệ như Facebook, YouTube đã được ông Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói rất rõ trong một cuộc họp Quốc hội. Đó là hiện nay, Bộ Thông tin và truyền thông đã thành lập hẳn một nhóm làm việc chuyên biệt, giao tiếp với Facebook và YouTube hàng ngày để gửi cho các công ty này danh sách các nội dung cần phải được gỡ bỏ.

Cho nên, giữa nhà nước Việt Nam với các công ty công nghệ hiện giờ có tần suất làm việc hàng ngày. chứ không giống như trước đây là đợi đến khi có một sự kiện nào đó xảy ra thì họ mới yêu cầu Facebook và YouTube tăng cường kiểm duyệt nội dung.

Đặc biệt là trong năm 2020 này, họ đã tăng cường việc giám sát các nội dung ở trên mạng xã hội và tăng cường việc yêu cầu các công ty công nghệ này phải kiểm nghiệm nội dung trong mỗi ngày.

Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh hùng giải trình trước Quốc hội vào tháng 11/2020 vừa qua cho biết Bộ Thông tin và truyền thông đặc biệt phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, phối hợp đưa ra nhiều giải phát quyết liệt để ngăn chăn tình trạng các tài khoản mạng xã hội như Facebook và Youtube đăng tải các thông tin mà ông hùng gắn nhãn là "kích động, chống phá nhà nước Việt Nam".

Theo ông Hùng, từ năm 2018 đến hết tháng 8/2020, "Tỷ lệ đáp ứng gỡ bỏ thông tin bị cho ‘xấu, độc’ của Facebook đã tăng từ 10% lên 95% và của YouTube tăng từ 50% lên 90%. Số lượng gỡ bỏ dạng thông tin này của Facebook năm 2020 là tăng lên 30 lần so với năm 2017 và số lượng gỡ bỏ trên YouTube năm 2020 tăng 8 lần so với 2017. Số trang bị cho ‘giả mạo’ phải gỡ bỏ cũng tăng 8 lần so với 2017"

Cũng theo lời ông Nguyễn Mạnh Hùng, tính riêng trong 8 tháng đầu năm nay, Facebook đã gỡ gần 1.100 bài viết, 154 fanpage đăng thông tin ‘sai sự thật, tuyên truyền chống pháp đảng và nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.’

Đối với Google, cụ thể là trên YouTube, Bộ này đã yêu cầu ngăn chặn và gỡ bỏ 15.115 video bị coi là vi phạm, gỡ bỏ 24 kênh YouTube ‘phản động’, thường xuyên đăng tải nội dung "chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước". Mỗi kênh có khoảng 1.000 video.

Kiểm duyệt nội dung vì tuân theo luật pháp Việt Nam

Những người mà Đài Á Châu Tự do phỏng vấn nói rằng khi bị xoá bỏ hoặc hạn chế tương tác đối với các bài viết hoặc video, Youtube và Facebook thường thông báo rằng họ dựa trên pháp luật của nước sở tại, theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam. Thậm chí có nhiều bài viết bị xoá một cách âm thầm mà không cần thông báo.

"Có nhiều video mà họ không muốn được lan tỏa ở Việt Nam thì chính phủ Việt Nam yêu cầu YouTube là phải khóa video ấy ở Việt Nam, thì mình sẽ nhận được cái email là vì lý do luật pháp ở địa phương, theo yêu cầu của chính phủ, chúng tôi bắt buộc phải khóa video này tại Việt Nam". - Ông Lê Trung Khoa nói

"Họ đưa ra lý do đại loại là liên quan đến các luật lệ của địa phương, mà cũng không có một cái cơ chế nào để phản hồi lại. họ chỉ thông báo như vậy thôi". - Ông Nguyễn Lân Thắng nói.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, chính phủ Việt Nam viện dẫn nghị định 72, ban hành năm 2013 để yêu cầu các công ty công nghệ phải gỡ bỏ nội dung theo "đúng luật Việt Nam" :

"Đối với các công ty công nghệ thì họ thường chỉ đáp ứng các yêu cầu kiểm duyệt lên các bài đăng cụ thể chứ hiếm khi họ kiểm duyệt toàn bộ tài khoản đó.

Bên phía nhà nước thì hiện nay, một khi đã yêu cầu các công ty công nghệ kiểm duyệt nội dung thì họ thường dựa vào các nghị định, mà một trong những nghị định rất nổi tiếng bây giờ đó là Nghị định 72, để yêu cầu các công ty này phải bằng cách nào đó khiến cho các nội dung này, hoặc là bị gỡ bỏ, hoặc là không xuất hiện với các người dùng ở Việt Nam".

Nghị định 72 về "Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng", điều 5 nghiêm cấm "Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội ; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc…".

Điều 22, khoản 1 quy định "Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp Luật liên quan của Việt Nam".

Điều 25 của nghị định này yêu cầu đăng ký, lưu trữ và quản lý thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội theo quy định của Bộ Thông tin và truyền thông. Bảo đảm chỉ những người đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo quy định mới được thiết lập trang cá nhân.

Trong bản báo cáo "Kiểm duyệt và hình sự hoá Tự do biểu đạt tại Việt Nam", tổ chức Ân xá Quốc tế có yêu cầu các các công ty công nghệ giải trình về tình trạng xoá bài viết, video, hạn chế hoặc khoá các tài khoản có đăng những thông tin có nội dung về chính trị, xã hội, nhân quyền ở Việt Nam.

Facebook phản hồi rằng trong Báo cáo Minh bạch mới nhất của của Facebook đã thể hiện rõ ràng cam kết trong việc bảo vệ tiếng nói của người Việt Nam trong một môi trường nhân quyền đầy thách thức.

Facebook cho biết chỉ "hạn chế quyền truy cập vào tổng số 834 bài tại Việt Nam trên cơ sở các yêu cầu pháp lý địa phương, một phần rất nhỏ trong số hàng trăm triệu bài được đăng ra trong cùng lúc. Điều này xảy ra bất chấp một thực tế là cũng trong thời gian đó việc cung cấp các dịch vụ của Facebook phải chịu áp lực chưa từng có từ giới chức Việt Nam".

Cũng trả lời các câu hỏi của Ân xá Quốc tế, Google cho biết họ đánh giá các yêu cầu xoá bỏ nội dung của chính phủ, đối chiếu với các tiêu chuẩn nhân quyền, và thực hiện một số biện pháp để thu hẹp các yêu cầu này.

Theo Google, "Khi xóa bỏ nội dung, chúng tôi thực hiện cách tiếp cận ít hạn chế nhất để xóa bỏ, bằng cách chặn nội dung đó ở khu vực pháp lý liên quan, trong khi vẫn để hiển thị nội dung đó ở các khu vực pháp lý khác trên toàn cầu.

Đối với những yêu cầu xóa không đủ cụ thể hoặc thiếu bằng chứng hỗ trợ, chúng tôi yêu cầu gửi thêm thông tin trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào… Google đã lập một nhóm những người nói tiếng Việt được thuê đánh giá nội dung để ứng phó trước một lượng lớn các yêu cầu từ chính phủ Việt Nam".

Vi phạm nghiêm trọng Quyền tự do ngôn luận

Ông Nguyễn Trường Sơn khẳng định dù các công ty công nghệ có viện lí do rằng buộc phải tuân theo luật pháp nước sở tại, thì cũng không thể chối cãi được rằng họ cùng với chính quyền Việt Nam đang bóp nghẹt tiếng nói người dân trên không gian mạng :

"Cho dù phía nhà nước có cho rằng đó là những nội dung chống phá hoặc là bên phía các công ty công nghệ có bao biện rằng đây là các nội dung vi phạm luật pháp sở tại thì cũng không thể nào chối cải được rằng họ đã lạm dụng các công cụ pháp lý, cũng như những quyền lực mà mình có để bóp nghẹt quyền tự do biểu đạt của người dân trên không gian mạng của người dùng. Theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế thì rõ ràng đây là hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng".

Ông Quang nói rằng việc Facebook hạn chế tương tác các video trên fanpage của ông là đã ngăn cản quyền Tự do tiếp cận thông tin của người dân :

"Đây rõ ràng là một điều sai trái. Bởi vì tụi mình đang làm những video về quyền hoặc luật pháp, chỉ đơn thuần là đưa kiến thức đến cho người dân. Tuy nhiên, việc bị Facebook hạn chế nội dung làm cho người dân không có quyền để tiếp xúc với chiều hướng thông tin độc lập và các thông tin về kiến thức".

Theo quan điểm của ông Lê Trung Khoa, khi Việt Nam đã ký hiệp định Thương mại Tự do với Châu Âu thì Việt Nam phải có nghĩa vụ hành xử công bằng với các công ty của Châu Âu. Nghĩa là, nước Đức không bao giờ chặn bất kì một thông tin hay video nào từ Việt Nam, thì Việt Nam cũng phải làm điều tương tự như vậy đối với các công ty truyền thông từ Đức.

Hành động trong thời gian tới

Những người hoạt động, tổ chức nhân quyền cho hay họ sẽ có những hành động trong tương lai, bằng nhiều cách khác nhau nhằm buộc chính quyền Việt Nam và cả các công ty có dịch vụ nền tảng mạng xã hội phải tôn trọng quyền tự do lên tiếng của người dân trên không gian mạng.

Ông Nguyễn Lân Thắng mong rằng các quốc gia tiến bộ sẽ có các cơ chế giám sát và chế tài những công ty vào vì lợi ích kinh tế mà gạt bỏ các quyền tự do căn bản :

"Facebook đã có một sự thỏa hiệp với các chính quyền độc tài trong việc bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận để phục vụ cho lợi ích kinh tế của họ. Đây là một điều rất đáng lên án. Mong muốn là cộng đồng quốc tế, các quốc gia tiến bộ sẽ có các chế tài hoặc có các biện pháp pháp lý để thúc đẩy Facebook phải tuân thủ các giá trị của xã hội văn minh".

Ông Lê Trung Khoa cho biết trong thời gian tới sẽ cùng với tổ chức Phóng viên không biên giới lên tiếng, tạo sức ép để chính quyền Việt Nam phải chấp nhận tự do thông tin và hành xử công bằng với các doanh nghiệp truyền thông Châu Âu :

"Trong thời gian tới mình sẽ cùng với tổ chức Phóng viên không biên giới và nhiều tổ chức khác yêu cầu Google phải có biện pháp làm việc và nói chuyện với Việt Nam, để nhà cầm quyền Việt Nam hiểu và chấp nhận những thông tin tự do, như là phía Việt Nam được tự do đưa thông tin ra nước ngoài.

Ngoài ra, mình cũng có làm việc với Quốc hội Đức để họ cũng có sức ép, yêu cầu Việt Nam phải không tôn trọng nhiều nhất có thể tự do báo chí của các nước Châu Âu và công bằng đối với các doanh nghiệp truyền thông".

Đối với tổ chức Ân xá Quốc tế, ông Sơn nói trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những diễn biến ở Việt Nam, đặc biệt là trên không gian mạng xã hội Facebook và YouTube để đánh giá tình hình, chiều hướng kiểm duyệt nội dung trong tương lai là như thế nào. Ân xá Quốc tế cũng sẽ tiếp tục làm việc với các công ty công nghệ và cả chính quyền Việt Nam để đòi hỏi các bên phải tôn trọng quyền tự do biểu đạt của người dân Việt Nam :

"Về phía những người dùng mạng xã hội thì sắp tới Ân xá Quốc tế cũng sẽ đưa ra các chương trình giáo dục trên không gian mạng, làm thế nào để bảo vệ quyền riêng tư của mình khi dùng mạng xã hội, để biểu đạt những chính kiến của mình trong lĩnh vực chính trị xã hội.

Và rất có thể chúng tôi cũng sẽ làm việc với các chính quyền liên quan, như chính phủ Hoa Kỳ, để thúc giục chính phủ này có những động thái cụ thể yêu cầu các công ty công nghệ như Google và Facebook phải tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận của người dùng khắp nơi trên toàn thế giới và người dùng ở Việt Nam".

Trong năm 2021 sắp tới, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội để ngăn chặn tình trạng lợi dụng mạng xã hội để thông tin 'sai lệch về tình hình đất nước, bôi nhọ, xuyên tạc, bịa đặt về cá nhân, đưa thông tin giả mạo làm hoang mang trong nhân dân.'

Ông nói yêu cầu định danh người sử dụng mạng xã hội để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội là 'vô danh, vì thế mà vô trách nhiệm.'

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 27/12/2020

**********************

"Chiếc mũ 258", vừa size cho mọi người

 Đặng Đình Mạnh, VNTB, 28/12/2020 

Tin rằng thực hiện quyền tự do ngôn luận, một quyền hiến định, thì Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bị đưa ra tòa án xét xử theo điều 258 Bộ luật hình sự, đã nối tiếp theo chuỗi dài danh sách những công dân Việt phải chịu hình phạt theo tội danh này.

baochi3

"Chiếc còng 258", vừa size cho mọi người

Quyền tự do ngôn luận là một phần của quyền tự do dân chủ được Hiến Pháp tu chính năm 2013 tái xác nhận tại điều 25 "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình".

Theo đó, quyền tự do ngôn luận là biểu hiện sự tự do tư tưởng, tự do phát biểu quan điểm đã là một trong những chuẩn mực chung cho nhân loại kể từ năm 1948, thời điểm thông qua bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà Việt Nam đã là thành viên ký kết có nghĩa vụ tuân thủ.

Song song đó, điều 258 Bộ luật hình sự lại quy định như sau : "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân :

Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm".

Vậy, đâu là ranh giới giữa một bên là sự hành xử quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp và bên kia là tội hình sự lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước theo điều 258 Bộ luật hình sự ?

Trả lời ngay và luôn : Cơ quan an ninh nói ranh giới ấy ở đâu, thì nó ở đó !

Câu trả lời ngay và luôn đó cũng đã phản ảnh một sự thật đáng buồn mà giới luật sư ít muốn thừa nhận, đó là : Chưa có thân chủ nào bị truy tố với tội danh theo điều 258 mà được luật sư bào chữa thành công cả ! Nói khác, chưa từng có luật sư nào thành công trong việc thuyết phục tòa án rằng hành xử của thân chủ mình vẫn nằm trong ranh giới an toàn, đó là thực hiện quyền tự do ngôn luận mà thôi !

Sự thật phũ phàng ! Có buồn, nhưng không hề xấu hổ, không phải vì giới luật sư kém cỏi, mà vì ngành tư pháp xứ sở này vận hành theo cung cách như vậy !

Tội danh theo điều 258 là một tội danh mới và riêng có dành cho công dân Việt kể từ năm 1991, điều luật được khai sinh khi tu chính Bộ luật hình sự 1985.

Cùng với yêu cầu của công chúng đòi hỏi mở rộng tự do dân chủ ngày càng cao, thì trớ trêu thay, quy định về hình phạt của tội danh theo điều 258 cũng được nâng cao tương ứng, nguyên thủy từ năm 1991 khi điều luật mới được khai sinh, thì hình phạt cao nhất chỉ mới là "phạt tù đến ba năm" thì đến năm 1999, hình phạt cao nhất đã đạt quá gấp hai lần "phạt tù đến bảy năm". Cho dù điều luật được tu chính trong bối cảnh đang có những lời kêu gọi từ trong và ngoài nước yêu cầu hủy bỏ tội danh này !

Về phương diện học lý, điều luật 258 trong thực tế là điều luật không phù hợp với khoa học luật hình sự vì thừa yếu tố định tính mà thiếu hẳn yếu tố định lượng rõ ràng và cụ thể ! Yếu tố định lượng rõ ràng và cụ thể là cơ sở để điều luật được hiểu chính xác, chặt chẽ, đơn nghĩa, tránh khả năng hiểu đa nghĩa (hiểu sao cũng được, sẽ dẫn đến sự áp dụng tùy tiện điều luật).

Thiếu yếu tố định lượng rõ ràng, cụ thể được thể hiện qua các từ ngữ được dùng để hình thành điều luật như "Lợi dụng", "Xâm phạm lợi ích" ! Đây là những từ ngữ chỉ sự "định tính" mơ hồ, không hàm chứa yếu tố "định lượng".

– Từ ngữ "Lợi dụng" : Thế nào là "hành xử quyền" hợp pháp và ở mức độ nào sẽ trở thành "lợi dụng quyền" vi phạm theo điều 258 ?

– Từ ngữ "Xâm phạm lợi ích" : Lợi ích Nhà nước là gì ? Phải chăng công dân phê bình hành vi bất xứng của chính quyền là xâm phạm lợi ích Nhà nước ? Kể cả hành vi bất xứng đã là thực tế hiển nhiên ?

Hiện nay, chưa từng có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền định nghĩa hay giải thích về nội hàm đầy đủ điều luật 258 này, đồng thời, do nội tại điều luật không có sự "định lượng" làm căn bản, cho nên, sự "định tính" của điều luật khó mà không dựa trên cơ sở đánh giá cảm tính của cơ quan điều tra, kể cả các tổ chức, cá nhân giám định tư pháp !

Chưa kể, thiếu sự "định lượng" của điều luật, thì dựa trên cơ sở nào đánh giá mức độ vi phạm cũng như mức độ thiệt hại để quyết định mức hình phạt ? Trong khi sự giao động giữa mức hình phạt thấp nhất và mức cao nhất có sự chênh lệch rất lớn :

– Nhẹ nhất : Phạt cảnh cáo ;

– Nặng nhất : Phạt tù đến 7 năm ;

Vô hình chung, điều 258 trở thành cái mũ hồ lô thần thông, có đủ size để cơ quan điều tra áp dụng trong mọi trường hợp mà họ cho là có sự "chống đối" chính quyền !

Mặc dù chưa có văn bản hướng dẫn thi hành điều luật 258 này, thế nhưng, điều đó vẫn không cản trở các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng để xét xử công dân Việt mà họ cho rằng đã vi phạm điều luật. Thế nhưng, so chiếu đối với vấn đề biểu tình chẳng hạn, dù đã được quy định là quyền hiến định, nhưng việc trì hoãn ra luật thực hiện thì lại được xem là cơ sở pháp lý để cản trở công dân thực hiện quyền biểu tình ! ?

Rõ ràng, tiêu chuẩn kép trong việc áp dụng pháp luật theo ý chí của chính quyền là "đặc sản" riêng có ở xứ sở này, hậu quả thiệt thòi cuối cùng vẫn chỉ là công dân Việt muốn tận dụng triệt để quyền của mình theo hiến pháp phải gánh chịu !

Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin kéo theo sự ra đời các giải pháp thông tin, truyền thông đơn giản và phi truyền thống, mà trong đó, mỗi cá nhân đã có thể tự mình làm truyền thông hữu hiệu, phổ biến, loan truyền các quan điểm cá nhân của mình đến với cộng đồng một cách mạnh mẽ. Theo đó, thì ở xứ sở này, danh sách số lượng công dân Việt bị bắt giữ, bị xét xử vì "chiếc mũ 258" ngày càng được nối dài, họ từng là các nhà báo thuộc lề phải hay trái, các blogger, facebooker, thậm chí người khiếu kiện… đã phát biểu quan điểm của mình để góp ý, phản biện hay chỉ trích, phê phán hoặc đơn thuần là thông tin các chính sách của chính quyền, thông tin các sự kiện, thông tin về các quan chức, tạm kể như :

  • Nguyễn Quang Lập, blogger ;
  • Lê Nguyễn Hương Trà, nhà báo, blogger ;
  • Trương Duy Nhất, nhà báo, blogger ;
  • Phạm Viết Đào, Nhà văn, blogger ;
  • Đinh Nhật Uy, facebooker ;
  • Hồng Lê Thọ, blogger ;
  • Nguyễn Văn Thông ;
  • Lê Minh Thể, facebooker ;
  • Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo Người cao tuổi ;
  • Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Mẹ Nấm ;
  • Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) và người cộng sự Nguyễn thị Minh Thúy.

Và một số người mới bị cáo buộc gần đây :

  • Nhóm 03 người : Huỳnh Anh Khoa, Nguyễn Đăng Thương, Trần Trọng Khải, admin một trang nhóm facebook.
  • Trương Châu Hữu Danh, nhà báo tự do ;
  • Lê Thị Bình, facebooker ;
  • Cá biệt, có cả trường hợp ông Đinh Tất Thắng, là người khiếu kiện ở Thanh Hóa đã hai lần bị tòa án xét xử cùng tội danh 258 vì đã bị cho rằng có hành vi gửi đơn, thư tố cáo vu khống, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân của nhiều lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, tập thể Huyện ủy, UBND huyện, Công an huyện Thọ Xuân và một số lãnh đạo Trung ương …

Quan điểm quốc tế liên quan đến điều luật 258 Bộ luật hình sự Việt Nam thể hiện tiêu biểu qua đánh giá của Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc. Ông cho rằng điều luật 258 quá mơ hồ, dễ bị lạm dụng để bắt bớ những người có chính kiến trong xã hội và "cần phải được bãi bỏ hoặc sửa đổi".

Quan điểm này được ông nhấn mạnh trong báo cáo gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 30/1/2015. Là báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng, ông Heiner Bielefeldt đã có chuyến làm việc tại Việt Nam hồi tháng 7/2014 để trực tiếp điều tra về tình hình nhân quyền.

Tham khảo thêm luật pháp ở các quốc gia dân chủ, có lẽ không cần phải trình bày nhiều lời, chỉ với việc công chúng ở đó cảm thấy hết sức bình thường khi thưởng thức bức biếm họa hoàng gia Anh và chính phủ Anh gồm Nữ Hoàng Elizabeth II và thủ tướng của họ đang cúi rạp mình để làm nấc thang cho ông Tập Cận Bình bước lên máy bay thì đã đủ rõ về nền dân chủ của họ [1].

Theo đó, tôi nhận thấy rằng với tình hình hiện nay, những ai đã từng hành xử quyền hiến định tự do ngôn luận của mình để chia sẻ những quan điểm, góp ý, phản biện, chỉ trích, phê phán hay đơn thuần là thông tin các hành vi hoặc chính sách của chính quyền, tổ chức, cá nhân … một cách công khai mà mình tin rằng bất xứng, đều có thể đã nằm trong tầm ngắm của cơ quan an ninh, là những "khách hàng" mặc nhiên của "chiếc mũ 258", việc cơ quan an ninh "cất vó" chỉ còn là vấn đề thời gian !

Mặt khác, việc càng nhiều công dân bị đội "chiếc mũ 258" theo tôi, lại là một tín hiệu lạc quan. Rõ ràng, việc tu chính điều luật để tăng nặng hình phạt không hề làm thuyên giảm việc công dân ý thức hành xử quyền tự do ngôn luận của mình, cho dù, họ hoàn toàn biết rõ hậu quả có thể xảy ra khi biểu lộ quan điểm của mình một cách công khai như một niềm tin vào sự thật, và chỉ có sự thật cùng với sự chấp nhận sự thật mới có thể cứu vãn được những giá trị đang phôi pha dần trên xứ sở này.

Hoặc họ tin vào phẩm chất của chính mình để công nhiên hành xử quyền tự do hiến định, hoặc họ tự mình khước từ quyền tự do chính đáng như là một sự lựa chọn.

Theo đó, khi có dịp tu chính Bộ Luật Hình sự, các nhà làm luật nên ưu tiên biểu quyết bãi bỏ các điều 117, 331. Muốn hòa nhập và làm bạn với thế giới, thì cũng phải tập làm quen lắng nghe những điều nghịch nhĩ từ công chúng.

Toán học gia Ngô Bảo Châu, người từng mang về niềm vinh dự lớn lao cho xứ sở khi đoạt giải Fields danh tiếng thế giới, nhưng cũng là người gây nhiều tranh cãi trong công chúng về các phát biểu của ông. Trong đó, phải kể đến phát biểu được công chúng hoan nghênh nhất như sau "bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do".

30/3/2016

Luật sư Đặng Đình Mạnh

Nguồn : VNTB, 28/12/2020

*********************

Nhà báo Phạm Chí Dũng có "chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ?

Hùng Vân, VNTB, 28/12/2020

"Chống" để làm gì ?

Nhà báo Phạm Chí Dũng bị cáo buộc "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" ghi tại Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 (tu chỉnh 2017).

baochi4

Trong vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam sắp đưa ra xét xử vào đầu năm 2021 tới đây, nhà báo Phạm Chí Dũng được xem là "bị cáo đầu vụ".

Một luật gia nói rằng nếu căn cứ vào những gì mà người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam từng huấn thị qua những bài diễn văn về sự cầu thị, sự minh bạch của Đảng, thì nhà báo Phạm Chí Dũng với các bài báo của ông đã không nhằm tới "chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", mà là đang giúp củng cố thêm nền tảng của pháp chế xã hội chủ nghĩa, thông qua việc nhà báo Phạm Chí Dũng kiên trì phản biện từng chính sách, quyết sách và cả việc thể hiện quyền giám sát công dân qua việc quan sát đa chiều về những chính khách.

"Tôi nghĩ rằng với kiến thức của một cựu sĩ quan an ninh được đào tạo bài bản, sống trong nề nếp gia phong của gia đình người cộng sản trí thức gốc Đồng Tháp, chắc hẳn ông Phạm Chí Dũng hiểu rõ cần đóng góp gì để xây dựng một thể chế giúp Việt Nam hùng cường hơn. Ông ấy cũng hiểu rất rõ lằn ranh nhập nhằng giữa dân sự – hình sự trong công việc phản biện. Ông chấp nhận cái giá phải trả với tâm thế của người sẳn sàng luôn bật que diêm để tìm ánh sáng, và ông sẳn sàng bật đến diêm quẹt cuối cùng…" – vị luật gia, nhận xét.

Nói một cách khác, diễn giải ý tứ của phát biểu trên, đó là quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Yêu cầu đặt ra là Đảng phải luôn đảm bảo được tính chính đáng trong cầm quyền của mình thể hiện uy tín, sự tin tưởng, sự cuốn hút của Đảng đối với Nhân dân ; tính hiệu quả trong lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đáp ứng yêu cầu, lợi ích của Nhân dân.

Do đó, việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước là điều kiện tiên quyết, có ý nghĩa to lớn đối với công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhất nguyên luôn phải là độc tài ?

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một mô hình nhà nước mà Việt Nam đang hướng tới, trong đó kết hợp giữa một số yếu tố cơ bản của "xã hội pháp quyền" với đặc thù của hệ thống chính trị nhất nguyên, do một đảng chính trị là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Tính nhất nguyên còn thể hiện ở chỗ, mặc dù có tiếp thu những yếu tố hợp lý của các học thuyết chính trị, pháp lý khác, song nền tảng tư tưởng về tổ chức, vận hành của bộ máy nhà nước và quản lý xã hội, là chủ nghĩa Mác Lênin. Vì vậy, việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và vận hành của một "xã hội pháp quyền" theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

"Xã hội pháp quyền" theo nghĩa hẹp thể hiện ở việc hạn chế sự tùy tiện trong việc sử dụng quyền lực nhà nước, mà điều này đòi hỏi phải "ràng buộc quyền lực vào các đạo luậtđược xây dựng rõ ràng và chặt chẽ" (1). Đây chính là một đòi hỏi về sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực thi pháp luật, để có thể "buộc các quan chức chính quyền và công dân phải hành xử phù hợp với pháp luật" (2).

"Xã hội pháp quyền" theo nghĩa rộng được hiểu là "một hệ thống/cơ chế mà trong đó không có chủ đề nào, ngay cả nhà nước, đứng trên pháp luật ; nơi mà pháp luật bảo vệ các quyền cơ bản và tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với công lý" (3).

Hệ thống/ cơ chế đó không thể xây dựng và vận hành được trong bối cảnh thiếu công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Để buộc mọi cá nhân, tổ chức, thiết chế, cả công và tư, đều phải tuân thủ pháp luật thì pháp luật phải được xây dựng một cách minh bạch, được công bố công khai, được áp dụng bình đẳng.

Những bài báo của ông Phạm Chí Dũng trên VOA (4) đã luôn yêu cầu cần minh thị về mọi cá nhân, tổ chức trong bộ máy đương quyền.

Ông Phạm Chí Dũng có học vị tiến sĩ với người thầy hướng dẫn là giáo sư Trần Trung Hậu – một chuyên gia về "Kinh tế chính trị học Mác Lênin", do đó ông Phạm Chí Dũng hiểu rất rõ rằng nguyên tắc thượng tôn pháp luật đòi hỏi các chủ thể có liên quan chịu trách nhiệm trước pháp luật, và trách nhiệm giải trình trước các chủ thể khác, từ đó mới có thể tạo lập sự tin cậy, tính công bằng trong áp dụng pháp luật, ngăn ngừa sự tùy tiện trong việc xây dựng và thực thi pháp luật.

Cần giải trình thay cho bàn tay sắt lúc đối diện phản biện

Mặc dù không hoàn toàn đồng nhất với "xã hội pháp quyền", nhưng do kết hợp nhiều yếu tố của "xã hội pháp quyền" nên công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình cũng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và vận hành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cụ thể, vị trí, vai trò của công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình thể hiện rõ nhất qua việc những vấn đề này là cơ sở để hiện thực hoá hai đặc trưng cơ bản sau đây của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam :

Thứ nhất, Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Đặc trưng này có nghĩa là Nhà nước phải công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình trước Nhân dân ; nó cũng có nghĩa Nhân dân – với tư cách là chủ thể lập nên Nhà nước – có quyền yêu cầu Nhà nước phải công khai, minh bạch cũng như phải báo cáo, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về tổ chức và hoạt động của mình.

Thứ hai, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ; có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyền lực nhà nước của Nhân dân thông qua các tổ chức xã hội.

Trong đặc trưng này, việc các cơ quan nhà nước thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình vừa là một yêu cầu, vừa là một điều kiện để Nhân dân có thể thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình với hoạt động của các cơ quan.

Như vậy, trở lại với các bài báo của ông Phạm Chí Dũng, vì sao nhà chức trách không ‘tiếp nhận’ để hiểu cần phải giải trình minh bạch mọi ý kiến đóng góp, chê trách, thậm chí là chỉ trích, đả kích ?.

"Tôi nghĩ rằng cần có những kênh truyền thông đối thoại dân chủ, không chịu các định hướng tuyên truyền nào của tuyên giáo, để các tiếng nói phản biện thêm cơ hội tiếp cận những nhà quản lý, những chính khách. Khi ấy chắc chắn sẽ giảm được rất nhiều tình cảnh của các tù nhân lương tâm hiện nay !" – vị luật gia ở phần đầu bài viết, đề xuất.

Hùng Vân

Nguồn : VNTB, 28/12/2020

Chú thích :

(1) Trần Ngọc Đường, Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Tuyên giáo, ngày 2/1/2016.

(2) Lương Đình Hải, "Xây dựng nhà nước pháp quyền và vấn đề dân chủ hoá xã hội ở nước ta hiện nay", Tạp chí Triết học, số 1 (176), tháng 1-2006.

(3) Trần Đại Quang, "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân".

(4)https://www.voatiengviet.com/z/4579

**********************

Quyền cơ bản công dân đã Hiến định thì không thể hạn chế ?

Song Minh, VNTB, 27/12/2020

Hiến định trên có nghĩa là người dân có quyền lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Nhưng đến nay, vẫn chưa có Luật về Hội và Luật Biểu tình.

baochi5

Điều 25, Hiến pháp 2013 quy định : Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Như vậy các văn bản dưới luật không được quy định về nghĩa vụ hoặc quy định hạn chế quyền của người dân. Theo cách hiểu đó thì khi chưa có Luật về Hội, Luật Biểu tình, thì đó là lỗi của Quốc hội, và không vì đó mà hạn chế các quyền Hiến định của người dân.

Đơn cử, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam được thành lập trên nguyên tắc của quyền công dân Hiến định ở Điều 25, tuy nhiên trình tự thành lập của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, lại chưa tuân thủ bộ thủ tục hành chính do cơ quan công quyền ban hành. Nếu quy kết lỗi ở đây, thì có thể xử phạt hành chính với yêu cầu tiến hành theo đúng trình tự thủ tục hành chính quy định về thành lập hội.

Tuy nhiên, trong bộ thủ tục hành chính ấy không được hạn chế quyền tự do lập hội của người dân, nếu không thì đó có thể là vi Hiến. Ví dụ như cơ quan nhà nước không được can thiệp ngay vào việc xem xét mục tiêu, lĩnh vực hoạt động, phê duyệt nhân sự và điều lệ hội, hạn chế nguồn tài trợ ; hay thậm chí là đặt các hội không qua thủ tục cấp phép và đăng ký ra khỏi phạm vi điều chỉnh của pháp luật… Câu hỏi là căn nguyên của xu hướng hạn chế hay kiểm soát chặt chẽ đó liệu có chính đáng và hợp lý hay không ?

Qua quan sát những nội dung về tiêu chí, điều lệ của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, được đăng tải công khai trên trang web Việt Nam Thời Báo, cho thấy hội nghề nghiệp này về bản chất là sự liên kết giữa của một cá nhân với người khác, để cùng nhau, hay phối hợp thực hiện các quyền dân sự của mình đã được pháp luật thừa nhận, với mục tiêu căn bản là hỗ trợ lẫn nhau hoặc hỗ trợ người khác, đặc biệt là các nhóm yếu thế, trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày mà không cần đến sự bao cấp hay can thiệp của Nhà nước.

Ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, là câu chuyện của nhóm những người hoạt động truyền thông như linh mục Lê Ngọc Thanh của kênh truyền thông thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, là của các nhà báo tự do từng làm việc ở các tòa soạn báo chí Nhà nước như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Đình Trọng, Huỳnh Ngọc Chênh, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Quốc Thái…

Nói một cách khác, về cơ bản, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam chia sẻ trách nhiệm của chính Nhà nước trong nghĩa vụ bảo đảm quyền tự do báo chí cho người dân.

Không chỉ vậy. Ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam còn cho thấy cả việc tương thân, tương ái san sẻ nhau trong đời sống kinh tế, đặc biệt là với những trường hợp đang lâm cảnh khốn khó khi người thân vướng vòng lao lý, hoặc có các vướng mắc về luật pháp. Khái niệm hội theo nghĩa rộng, bao hàm cả hội có mục đích kinh tế – ví dụ các hội doanh nghiệp, và các hội phi kinh tế và tổ chức phi lợi nhuận – ví dụ quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ, bởi đơn giản hai phạm trù này luôn luôn là các mảng khác nhau của đời sống xã hội.

Vậy, nếu không ủng hộ việc lập hội, phải chăng Đảng và Nhà nước không thừa nhận sự tồn tại của đời sống tự nhiên và bình thường ? Vấn đề này còn có thể được coi là… vi Hiến.

Trong hoạt động hành pháp, không tuân thủ Hiến pháp được biểu hiện dưới hai hình thức chủ yếu : ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật có nội dung trái với Hiến pháp về các quyền cơ bản của người dân ; và việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ không đúng nguyên tắc Hiến pháp, không đúng chức năng, thẩm quyền đã được Hiến pháp quy định.

Điều đó có nghĩa là khi chưa có Luật về Hội, Luật Biểu tình, thì đó là lỗi của Quốc hội, và không vì thế mà hạn chế các quyền Hiến định của người dân.

Song Mạnh

Nguồn : VNTB, 27/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyên Sa, Cao Nguyên, Đặng Đình Mạnh, Hùng Vân, Song Minh
Read 387 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)