Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/01/2021

Hà Nội hồi hợp trông chờ Biden công bố chính sách Biển Đông

Hoàng Văn Linh - Giang Nguyễn

Việt Nam mong chờ gì từ chính sách Biển Đông của chính quyền Biden ?

Hoàng Văn Linh, RFA, 06/01/2021

Chính quyền Trump tiếp tục trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/1/2021 đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các giao dịch với 8 ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có Alipay của Tập đoàn Ant, qua đó khiến căng thẳng với Bắc Kinh tiếp tục leo thang ngay trước thềm Tổng thống đắc cử Joe Biden chuẩn bị nhậm chức. 

biendong1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden ở Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington DC hôm 7/7/2015 - AFP

Sắc lệnh này yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ xác định giao dịch nào sẽ bị cấm theo chỉ thị và cũng nhắm mục tiêu vào phầm mềm WeChat Pay và Ví QQ của Tập đoàn Tencent Holdings Ltd. Một quan chức cấp cao nói với phóng viên Reuters rằng động thái này nhằm hạn chế mối đe dọa từ các ứng dụng của Trung Quốc đối với người Mỹ, bởi các ứng dụng này có cơ sở dữ liệu người dùng lớn và có thể truy cập nhiều nội dung nhạy cảm. 

Trong sắc lệnh của Tổng thống Trump còn có tên các ứng dụng như CamScanner, SHAREit, Tencent QQ và WPS Office. Sắc lệnh nhấn mạnh "Mỹ phải thực hiện biện pháp quyết đoán nhằm vào những nhà phát triển hoặc kiểm soát các ứng dụng có mối liên hệ với Trung Quốc để bảo vệ an ninh quốc gia". 

Một quan chức Mỹ nói rằng dù sắc lệnh đưa ra khung thời hạn 45 ngày cho Bộ Thương mại để triển khai kế hoạch, song bộ này dự kiến sẽ thực hiện việc xác định các giao dịch bị cấm trước thời điểm 20/1/2021, khi Tổng thống Trump mãn nhiệm.

Động thái mới của chính quyền Mỹ từng làm nảy sinh nhiều tranh cãi trong nội bộ suốt một thời gian dài. Nhiều quan chức muốn nhanh chóng củng cố lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc trên nhiều mặt trận trước khi Tổng thống Trump rời nhiệm sở. Tháng trước, Bộ Thương mại đã bổ sung hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có nhà sản xuất chip điện tử SMIC và nhà sản xuất máy bay không người lái SZ DJI Technology, vào danh sách đen.

Ở một phương diện khác trong mối quan hệ Mỹ-Trung, giới chức Trung Quốc đang hy vọng rằng Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ "khôi phục sự bình thường" trong mối quan hệ Mỹ-Trung, và rằng sự ra đi của chính quyền Trump đang mở ra "một cửa sổ hy vọng mới". Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bình luận trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình CGTN : "Quan hệ Trung-Mỹ đang bước sang một ngã rẽ mới và một cánh cửa hy vọng mới đang mở ra… Chúng tôi hy vọng rằng chính quyền tiếp theo của Mỹ sẽ quay lại cách tiếp cận hợp lý, nối lại đối thoại với Trung Quốc, khôi phục quan hệ song phương và tái khởi động hợp tác".

Ông Vương Nghị cũng khẳng định chính sách của Bắc Kinh đối với Washington là "nhất quán và ổn định" và kêu gọi Mỹ tôn trọng chính quyền của Đảng cộng sản Trung Quốc. Ông nói : "Chúng tôi sẵn sàng cùng với Mỹ phát triển một mối quan hệ dựa trên phối hợp, hợp tác và ổn định. Cùng với đó, Mỹ cũng cần tôn trọng hệ thống xã hội và con đường phát triển mà người dân Trung Quốc đã lựa chọn". 

Trong chiến dịch tranh cử, Biden cam kết sẽ "cứng rắn" đối với hành vi lạm dụng thương mại và đánh cắp tài sản trí tuệ của Bắc Kinh, song không ít lần chỉ trích cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump phát động nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng ông Biden sẽ có cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với chế độ cộng sản.

Việt Nam muốn gì ở Mỹ ?

Khi chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden xây dựng chiến lược về Biển Đông, một đối tác khu vực mà Biden rất cần lưu tâm là Việt Nam. Và có lẽ, một số vấn đề sẽ là mong muốn của Việt Nam mà chính quyền Biden cần lưu tâm.

Thứ nhất, mặc dù vẫn luôn tỏ ý không muốn làm mất lòng Trung Quốc, nhưng Việt Nam rất hài lòng với tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo vào ngày 13/7/2020, trong đó khẳng định Mỹ sẽ không tôn trọng các yêu sách biển của Bắc Kinh đối với các thực thể ở quần đảo Trường Sa, bãi cạn Scarborough, bãi cạn Luconia và Natuna. Tuyên bố của ông Pompeo được đưa ra trùng thời điểm kỷ niệm 4 năm ngày Philippines thắng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông ở tòa trọng tài quốc tế.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo phần nào trấn an Việt Nam rằng Mỹ đã lên kế hoạch hỗ trợ Hà Nội bảo vệ các yêu sách đối với quần đảo Trường Sa trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình. Đáng chú ý, Washington đặc biệt nhấn mạnh Bãi Tư Chính là một phần không thể chối cãi trong EEZ của Việt Nam. Hà Nội chắc chắn sẽ rất cảm kích nếu chính quyền Biden nhắc lại lập trường chính sách này. Tuy nhiên, Việt Nam chắc chắn mong muốn nhiều hơn thế, đặc biệt là ở quần đảo Hoàng Sa.

Thứ hai, Việt Nam đã lặng lẽ tán thành chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ vì chiến lược này có đường lối cứng rắn chống Trung Quốc ở Biển Đông và cho thấy ý định của Washington là duy trì sự hiện diện trong khu vực trong nhiều năm tới. Nếu chính quyền Biden giữ nguyên chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, điều đó có thể báo hiệu cho Hà Nội rằng Washington nỗ lực ngăn cản Bắc Kinh thực hiện các hành động như vậy và Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc vì những vi phạm mới.

biendong2

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ thăm Đà Nẵng hôm 5/3/2018. AFP

Chắc chắn, việc Việt Nam ngầm ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ đi kèm một số lưu ý nhất định. Ví dụ, Việt Nam không muốn thấy quan hệ Mỹ-Trung đối nghịch đến mức buộc Việt Nam phải lựa chọn giữa hai cường quốc. Hà Nội nhìn chung cũng lo ngại về việc Mỹ gia tăng số lượng các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Dù Việt Nam ủng hộ việc thách thức các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc dưới sự bảo trợ của Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS) và vì lợi ích duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, Hà Nội cũng không muốn quá nhiều FONOP ở vùng biển xung quanh lãnh thổ mà họ kiểm soát. Tuy nhiên, Mỹ đôi khi lại làm như vậy. Trong tương lai, Hà Nội muốn chứng kiến các FONOP tiếp tục tập trung vào Hoàng Sa, khiến Trung Quốc không thể "tự tung tự tác" ở đó.

Thứ ba, việc hiện diện tại các diễn đàn quan trọng trong khu vực là một nhiệm vụ quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á. Thật không may, Mỹ có khá nhiều việc phải làm ở đây. Trong vài năm qua, chính quyền Trump đã không thường xuyên cử đại diện cấp cao tới Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), khiến các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tức giận. Vai trò chủ tịch ASEAN của Việt Nam vào năm 2020 gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, song Hà Nội vẫn cố gắng tổ chức gần như tất cả các sự kiện. Tuy nhiên, trong năm thứ hai của nhiệm kỳ, chính quyền Trump đã cử Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien tham gia sự kiện.

Nếu chính quyền Biden muốn cải thiện hình ảnh trong mắt Việt Nam và khu vực về vấn đề đó, việc cử các quan chức cấp cao – tốt nhất là đích thân tổng thống - tham dự các sự kiện này là rất quan trọng.

Thứ tư, có những cơ hội rõ rệt để Mỹ tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam. Chính sách quốc phòng "4 không, 1 tùy" của Hà Nội - trước đây là "3 không" đang hạn chế sự hợp tác, song chắc chắn vẫn có chỗ cho các hình thức hợp tác ít "khiêu khích". Ví dụ, Mỹ có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lực nhận diện trong lĩnh vực hàng hải để giúp Hà Nội hiểu rõ hơn những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông. Các hình thức hợp tác an ninh phi truyền thống, như trong các lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa hoặc tìm kiếm và cứu nạn, cho phép hai bên tiến hành các cuộc tập trận song phương, qua đó vẫn có thể giúp lực lượng vũ trang Việt Nam nâng cao các kỹ năng quan trọng. Hà Nội cũng hoan nghênh việc mua sắm các thiết bị tuần duyên từ Washington sau khi Mỹ chuyển giao các tàu tuần tra cũ lớp Hamilton cho Việt Nam. Chính quyền Biden có thể được hưởng lợi khi Việt Nam tích cực tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn trong tương lai.

Cuối cùng, khi chính quyền Biden lên nắm quyền, họ có thể muốn xem xét tái hợp tác với Việt Nam để nâng cấp "quan hệ đối tác toàn diện" Mỹ-Việt lên thành "đối tác chiến lược toàn diện". Điều đó sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng Việt Nam có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ và có thể tăng cường hợp tác an ninh sâu rộng hơn. Các đồng minh và đối tác - cụ thể là "các đối tác cùng chí hướng" như Australia, Ấn Độ và Nhật Bản - có thể hỗ trợ Mỹ.

Hoàng Văn Linh

Nguồn : RFA, 06/01/2021

***************************

Việt Nam trông chờ gì từ chính quyền mới của Hoa Kỳ ?

Giang Nguyễn, RFA, 05/01/2021

Trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông suốt nhiều năm qua giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực, nhà phân tích quốc phòng của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, ông Derek Grossman vào ngày 4 tháng 1 đã đề cập đến mối quan hệ song phương quan trọng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong bài bình luận đăng trên tờ The Diplomat.

biendong3

Tàu chiến Mỹ tuần tra trên Biển Đông - Ảnh minh họa/RFA

Ông Grossman viết, "Trong khi chính quyền Joe Biden có khả năng sẽ tiếp tục đà tích cực trong quan hệ song phương thì vẫn chưa rõ Hà Nội tìm kiếm điều gì cụ thể từ Washington để giúp họ bắn tiếng với Bắc Kinh một cách hiệu quả". 

Lý do, theo ông Grossman, là Việt Nam đang cố gắng giữ cân bằng giữa việc vừa ổn định hòa bình với Bắc Kinh vừa tìm cách đẩy lùi sự bành trướng bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông. Vì vậy Việt Nam tránh công bố những mong chờ cụ thể từ quan hệ song phương với Hoa Kỳ. Nhưng qua nghiên cứu và tìm hiểu của tác giả Derek Grossman, ông nêu ra 4 điều mà phía Việt Nam mong chờ trong chính sách hợp tác an ninh khu vực Biển Đông của Hoa Kỳ.

Thứ nhất, việc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông qua lời phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào tháng 7 năm ngoái đã cho Hà Nội nhiều hy vọng rằng Hoa Kỳ ủng hộ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Ông Grossman lập luận rằng Hà Nội mong chờ hơn nữa, là một tuyên bố tương tự từ chính quyền Biden đối với quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc đã lập ra thành phố Tam Sa.

Tuy nhiên nhà phân tích chính trị Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định, phát biểu của Ngoại trường Pompeo không hề khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, và lại càng không có việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa :

"Biden chả thèm tuyên bố gì về Hoàng Sa. Ngay cả Trump cũng không tuyên bố gì về Hoang Sa. Vì Hoàng Sa là một quần đảo trong đó có đảo lớn nhất thì Trung Quốc dùng vũ lực chiếm từ Việt Nam năm 1974. Cái đó mà xử lý theo luật quốc tế thì rất phức tạp và xử lý một chủ quyền như thế là không có nước nào có thể đứng ra đơn phương nói là tôi công nhận chủ quyền của nước này mà không của nước kia. Không làm thế được. Nên ông Trump không có tuyên bố gì về chủ quyền ở Hoàng Sa hết. Mà tuyên bố của ông Pompeo là tuyên bố ủng hộ việc xác lập chủ quyền của các nước ven biển.

Vấn đề Hoàng Sa là rõ ràng, Liên Hiệp Quốc giao Hoàng Sa cho Việt Nam năm 1951, sau đó khẳng định lại là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thừa hưởng. Nhưng khi Trung Quốc chiếm thì họ bảo là của họ nên bây giờ thế giới đành phải nói là vấn đề đang tranh chấp. Cơ chế xử lý thì phải là tòa án về chủ quyền mà hiện nay không tồn tại một tòa án nào có thể đưa ra phán quyết chắc chắn về chủ quyền. Nên đây là một cuộc đấu tranh còn dài. Việt Nam không phải hy vọng và cũng không thể hy vọng vào ông Biden trong việc này".

Nhận định của ông Grossman về mong muốn thứ nhì của chính quyền Việt Nam đối với Mỹ trong vấn đề Biển Đông liên quan đến những hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) gia tăng trong khu vực. Ông nói Việt Nam thầm lặng ủng hộ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và khó có thể phản đối hoạt động FONOPS trong lãnh hải của mình. Thêm nữa Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ tập trung những hoạt động tự do hàng hải vào quần đảo Hoàng Sa.

Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, nhà phân tích chính trị từ Ottawa, Canada, nhận định rằng với chính sách đối ngoại ‘đu dây’ Hà Nội đã tự đẩy mình vào vị thể khó xử.

"Việt Nam và Trung Quốc có những điểm tương đồng. Những tương đồng và khác biệt đó đã dẫn đến mối quan hệ mà Việt Nam không tạo cho mình được một vị thế chính trị trong khu vực, trở thành đối tác có tính cách được tôn trọng và được tin tưởng vì người ta không biết rằng Việt Nam sẽ phải đối với Trung Quốc như thế nào. Nếu chúng ta nhìn kỹ lại từ 2010 cho đến bây giờ thì quả thật là Việt Nam có một chính sách ngoại giao low profile, tức là rất mềm dẻo với Trung Quốc, trong khi không có đưa ra được những chính sách để có thể củng cố niềm tin đối với các đối tác và đồng minh trong tương lai, đặc biệt là Hoa Kỳ. Vì vấn đề đó mà Việt Nam hiện nay vẫn nằm trong cái thế rất là kẹt".

Ông đồng tình với nhà phân tích Derek Grossman về đà phát triển tốt trong quan hệ Việt-Mỹ thời gian qua. Chủ yếu nhiệm kỳ Joe Biden sẽ chấm dứt chính sách "America First", "Mỹ trên hết" dưới thời Tổng Thống Donald Trump.

"Trong 4 năm qua, ông Trump với chính sách đơn phương, cố thủ, America First, tức là "Nước Mỹ trên hết" đã từ bỏ những vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới và Trung Quốc lại dựa trên sự rút lui của ông Donald Trump trên chính trường thế giới, đã lấn dần trên các sân trên toàn thế giới, mà điển hình chúng ta nhìn thấy qua dịch Covid-19, với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Khi Mỹ bỏ chỗ nào thì Trung Quốc tiến vào, lắp vào chỗ đó. Cho nên vấn đề là chính quyền ông Biden hiểu rất rõ điều đó".

Tuy nhiên, ông công nhận việc Hoa Kỳ trở lại chính trường quốc tế cần có thời gian vì ông Biden đã tuyên bố sẽ đặt trọng tâm trong 100 ngày đầu của nhiệm kỳ để đối phó với hậu quả của đại dịch Covid-19 cũng như sự phân chia trầm trọng của chính trường Hoa Kỳ :

"Cách đây một tuần ông Biden nói, một trong những quyết định về hành pháp là ông sẽ ra lệnh 100 ngày đầu tiên bắt dân chúng Hoa Kỳ đeo khẩu trang. Thì những vấn đề chính sách đối ngoại sẽ nằm sau 100 ngày. Nhưng chúng ta có thể chờ đợi vào những chương trình vào mùa thu của năm 2021 với những hội nghị lớn trong khu vực. Chắc chắn người được gửi đến cao nhất có thể là bản thân ông Biden, hoặc người số 2, là tân ngoại trưởng Antony Blinken".

Điều này được tác giả bài bình luận trên tờ Diplomat, ông Derek Grossman nêu ra là điểm mong chớ thứ 3 của Việt Nam. Ông nói Việt Nam mong chờ một sự trở lại của chính sách đa phương dựa trên nền tảng luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Ông viết :

"Trong vài năm qua, chính quyền Trump đã cử đại diện cấp không đủ cao đến Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á, khiến các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tức giận".

Chính quyền Trump đã cử Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien tham gia Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 11 năm ngoái, dù sự kiện này diễn ra trực tuyến.

Ông Grossman nói thêm, nếu chính quyền Biden muốn nâng cấp vị thế của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và các quốc gia trong khu vực thì nhất thiết phải cử đại diện cao cấp hơn, hoặc chính ông Biden nên đến thăm khu vực.

Mong chờ thứ tư của Việt Nam trong quan hệ song phương, theo ông Grossman, là một sự hợp tác an ninh như trong lãnh vực viện trợ nhân đạo, diễn tập tìm kiếm và cứu hộ sau thiên tai, v.v.

Ông viết : "Sách trắng quốc phòng mới nhất của Việt Nam, được công bố vào tháng 11 năm 2019, đưa ra hai điểm bổ sung. Đầu tiên là thêm một cái ‘không’, cam kết không khơi mào hoặc đe dọa khơi mào xung đột vũ trang. Tuy nhiên, ‘một tùy’ liên quan nhiều đến Hoa Kỳ vì nó có nội dung : ‘Tùy thuộc vào diễn biến tình hình và trong những điều kiện cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp’. Rõ ràng Hà Nội đang để ngỏ cánh cửa cho một quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, mà không nêu đích danh Hoa Kỳ, trong trường hợp sự quyết đoán của Trung Quốc tiếp tục gia tăng ở Biển Đông".

Ông Grossman nói thêm, đây là cơ hội cho hai nước nâng cấp quan hệ toàn điện lên quan hệ đối tác chiến lược, một ý tưởng Việt Nam đã đưa ra từ năm 2011.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bác bỏ khả năng này :

"Hai bên chưa nhìn thấy gì để lập quan hệ đối tác chiến lược cả. Về mặt bản chất, thì quan hệ toàn diện cũng gần giống như quan hệ đối tác chiến lược. Hiện nay quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nó bao gồm hết các nhân tố của quan hệ đối tác chiến lược, vì nó bao gồm các đối thoại, tham vấn chính trị, nhân quyền, an ninh, phát triển kinh tế, v.v. Nó gần giống như quan hệ đối tác chiến lược. Có điều người ta không nói ra. Thực ra về mặt hình thức, để mà có quan hệ như thế, nó không thực sự đi vào bản chất của vấn đề.

Việt Nam đang có quan hệ đối tác chiến lược với hai nước, mà đang rất là khó khăn là Trung Quốc và Nga, đang gặp trục trặc rất lớn. Nếu mà xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ thì có khi nó không mang màu sắc bản chất lắm".

Còn Luật sư Vũ Đức Khanh nói nếu Hà Nội muốn thực sự dứt khoát đối phó với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông thì phải giải quyết được mâu thuẫn trong nội địa. Vấn đề cốt lõi là chính sách đối nội của Đảng CSVN đã làm suy yếu khả năng đối ngoại của Hà Nội :

"Hà Nội đã 10 năm qua đi chính sách đu dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chúng ta thấy trên vấn đề Biển Đông Hà Nội có sự nâng cấp với Hoa Kỳ. Tuy nhiên Hà Nội phải nhượng bộ rất nhiều và những nhượng bộ nằm ngay trong Bộ Chính trị. Trung Quốc đã áp lực trên Bộ Chính Trị. Chúng ta thấy trên các vấn đề Biển Đông, thấy rõ Bộ Chính trị Hà Nội đã yếu kém khi bảo vệ quyền lợi của quốc gia dân tộc trước sự lấn át của Trung Quốc. Vì thế muốn giải quyết được vấn đề của Trung Quốc, đầu tiên chúng ta phải đứng trên chính đôi chân của mình. Chúng ta phải tập hợp được một lực lượng dân tộc yêu nước, trong đó có tất cả 4 triệu người Việt Nam tại hải ngoại đều hướng về Việt Nam để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Thông điệp ngày hôm nay tôi muốn chuyển đến Bộ Chính trị của Hà Nội, chuẩn bị cho Đại Hội Đảng CSVN vào cuối tháng này : Các anh chị đảng viên Đ CSVN không có thể độc quyền yêu nước vì yêu nước không cần theo một chính đảng nào".

Luật sư Khanh kết luận rằng chính quyền Việt Nam hãy từ bỏ độc quyền lãnh đạo để tranh thủ toàn dân, đồng thời chứng tỏ với các đối tác quốc tế rằng Việt Nam là một đối tác có trách nhiệm và cùng chia sẻ giá trị chung với thế giới.

Giang Nguyễn

Nguồn : RFA, 05/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Văn Linh, Giang Nguyễn
Read 330 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)