Tương lai của quan hệ Việt-Mỹ
Nguyễn Trường, RFA, 04/01/2021
Quan hệ Việt - Mỹ phát triển mạnh mẽ trong năm 2020
Trong 2 ngày 29-30/10/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thăm Việt Nam để thảo luận các vấn đề liên quan đến quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước và tìm kiếm các lĩnh vực có thể giúp phát triển hơn nữa mối quan hệ này. Chuyến thăm dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng có tính tập trung cao độ. Theo một số tài liệu đã được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, Việt Nam giữ một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Việc ký kết Hiệp định đối tác toàn diện Việt-Mỹ năm 2013 cho thấy Mỹ mong muốn hướng mối quan hệ này tới các lĩnh vực quốc phòng, chiến lược và kinh tế đến mức độ nào. Sau đó, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 5/2017, các cuộc tiếp xúc trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama năm 2016 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump tháng 11/2017 (để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) đã củng cố thực tế rằng hai bên mong muốn cải thiện mối quan hệ này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ở Hà Nội hôm 30/10/2020 - AFP
Việt Nam ngày càng được xem là một cường quốc bậc trung và là một lựa chọn khả dĩ thay thế Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất sau đại dịch Covid-19. Việc Việt Nam phục hồi nhanh hơn trong giai đoạn hậu Covid-19 cho thấy rõ thực tế rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiến triển trong năm 2021 và Việt Nam sẽ tìm kiếm các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo. Tổng thống Trump đặt nhiều hy vọng vào khả năng cải thiện quan hệ hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như quan hệ chính trị và ngoại giao, khoa học và công nghệ, cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu.
Việt Nam cũng là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, và do đó ngày càng nhận thức được rằng việc phối hợp tốt hơn với Mỹ sẽ giúp kiềm chế cường quốc hiếu chiến ở Châu Á. Một trong những kết quả chính của mối quan hệ đang phát triển rực rỡ này là lĩnh vực quốc phòng và an ninh, và nổi bật là chuyến thăm của hai tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson năm 2018 và USS Roosevelt năm 2020.
Mỹ cũng đã mời các quân nhân Việt Nam tham gia các khóa đào tạo ở một số học viện quân sự cấp cao hơn và các khóa huấn luyện chỉ huy. Cùng với đó, Mỹ cũng đang tìm cách xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự sang Việt Nam vì Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đang đều đặn gia tăng chi tiêu quốc phòng cũng như đang tìm cách hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân. Việt Nam cũng thừa nhận thực tế rằng để tăng trưởng và đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số, hàng hóa Việt Nam cần đến thị trường Mỹ. Hiệp định thương mại Việt Nam-Liên minh Châu Âu (EU) đã mở cửa thị trường Châu Âu cho Việt Nam và sau khi phục hồi, Việt Nam có thể khai thác thị trường này một cách hiệu quả hơn nhờ các ưu đãi về thuế quan và các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại. Việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng đã mở ra nhiều triển vọng cho 15 nước ký kết. Việt Nam còn là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cũng tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Mỹ cũng đã tăng cường tương tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2020, và một trong những lý do khiến Mỹ làm vậy là vì Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Trong Đối thoại Mỹ-ASEAN lần thứ 33 được tổ chức hôm 4/8/2020 tại Washington DC, Mỹ đã bày tỏ quan điểm rằng quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Mỹ đã sớm có dự tính cho các vấn đề liên quan đến Biển Đông và chính thức hóa dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để có thể thông qua các giao thức hoạt động tiêu chuẩn và duy trì hòa bình ở biển Đông trong thời gian dài hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp ASEAN + 3 tại Hà Nội hôm 14/11/2020. AFP
Trong cuộc họp, Mỹ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có các quy tắc rõ ràng và minh bạch dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và cam kết tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã có thể ứng phó với đại dịch Covid-19 và Mỹ đã bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng phục hồi của ASEAN trước những khoản nợ vượt quá khả năng chi trả. Mỹ cũng đã tuyên bố cung cấp cho ASEAN dịch vụ y tế khẩn cấp, thuốc men và hỗ trợ chống dịch trị giá hơn 87 triệu USD. Một trong những lĩnh vực cơ bản mà Việt Nam khuyến khích sự tham gia của Mỹ là đào tạo và bồi dưỡng các nhân viên y tế cộng đồng. Việc nhận được sự hỗ trợ của Mỹ trong đào tạo chất lượng cao và tăng cường sự điều phối trong lĩnh vực y học và nghiên cứu khoa học là một thành tựu đối với Việt Nam.
Năm 2020, Mỹ và ASEAN kỷ niệm 5 năm quan hệ đối tác chiến lược. Tại các cuộc thảo luận diễn ra trong năm, hai bên đã bày tỏ quan điểm rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) đều thống nhất ở khía cạnh tôn trọng chủ quyền và pháp quyền, cũng như nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ các khuôn khổ dựa trên các quy tắc và tăng tính minh bạch trong khu vực để thúc đẩy hòa bình và an ninh ở các vùng biển tranh chấp. Tại các hội nghị ASEAN, Mỹ đã cam kết thúc đẩy hệ thống điều phối trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe cộng đồng ở Đông Nam Á, cũng như ủng hộ sự minh bạch về dữ liệu và các biện pháp pháp lý để hỗ trợ các nước Đông Nam Á thuộc khối ASEAN. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tạo ra mạng lưới cựu sinh viên ngành y nhằm thúc đẩy các chương trình trao đổi giữa các nước thành viên ASEAN và Mỹ cũng như sự phối hợp giữa các trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh của Mỹ.
Mỹ cũng đã đề xuất thành lập liên minh đào tạo y tế công-tư và bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư nâng cao năng lực ngành y của Việt Nam. Hơn nữa, đối với ASEAN, nhân lực là yếu tố quan trọng để nâng cao kỹ năng và phát triển các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp khối này nâng cao khả năng tự lực cánh sinh. Do vậy, Mỹ đã đề nghị hỗ trợ tài chính cho việc phát triển và đào tạo các giám đốc điều hành bậc trung theo một chương trình riêng tại Đại học Fulbright Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Việc chú trọng vào công nghệ và đổi mới cũng như tinh thần kinh doanh cho thấy Mỹ quan tâm đến việc đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tiên phong trong lĩnh vực đổi mới và nghiên cứu.
Một trong những thành tựu của năm 2020 là sự thiết lập quan hệ đối tác thành phố thông minh Mỹ-ASEAN nhằm nâng cao hiểu biết về giao thông, sự kết nối và việc quản lý nguồn nước ở một số thành phố được lựa chọn ở Đông Nam Á. Chương trình liên minh về công nghệ thông tin giữa Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và 11 trường đại học Việt Nam sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa các viện công nghệ và kỹ thuật. Việc này sẽ thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm công nghệ mới nổi ở Đông Nam Á.
Như đã thấy trong năm 2020, Mỹ ủng hộ hệ thống một cửa của ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy thương mại giữa ASEAN và Mỹ, và ngày càng nhấn mạnh vai trò của hệ thống thông quan tự động. Mỹ cũng đang nỗ lực nâng cao tinh thần kinh doanh và vị thế kinh tế cho nữ giới trên toàn Châu Á. Ở Việt Nam, số lượng nữ quản lý tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Điều này cho thấy Việt Nam có tiềm năng sớm trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực. Một lĩnh vực được chú trọng là giải quyết vấn đề năng lượng và đáp ứng nhu cầu về điện ở Đông Nam Á. Mỹ và Việt Nam đã và đang chú trọng nghiên cứu tình trạng buôn người và lao động cưỡng ép trong khu vực. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN cũng đã đề xuất nghiên cứu và nâng cao nhận thức về lĩnh vực biển với Mỹ.
Tương lai quan hệ Việt – Mỹ
Nhìn chung, năm 2020 dường như là một dấu mốc quan trọng trong việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như việc lôi kéo Mỹ vào các hoạt động của ASEAN. Số lượng các dự án cũng như các chương trình hỗ trợ mà Mỹ đã công bố trong năm 2020 cho thấy rõ thực tế rằng cường quốc toàn cầu này sẽ tập trung hơn vào khu vực, đặc biệt là các thách thức địa chính trị mới nổi lên và căng thẳng ở biển Đông. Về phần mình, Việt Nam đã có thể khơi dậy sự ủng hộ của các nước ASEAN trong việc nêu ra vấn đề biển Đông và thềm lục địa mở rộng, vốn đã nhận được sự ủng hộ của các nước Châu Âu và Mỹ tại Liên hợp quốc. Ban lãnh đạo ASEAN đã mở ra một giai đoạn mới trong việc phát triển quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam. Hiện nay, ngày càng có nhiều người dự đoán rằng những tương tác chính trị ngày càng tăng giữa hai bên có thể dẫn đến quan hệ đối tác chiến lược Việt-Mỹ trong tương lai. Tuy nhiên, điều này có trở thành hiện thực hay không phần lớn phụ thuộc vào việc Chính quyền Joe Biden sẽ nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ hay sẽ khiến quan hệ này mất đà phát triển.
Quan hệ Việt-Mỹ có thể sẽ tiến triển hơn nữa trong 4 năm tới. Chính quyền Biden sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, kể cả ở biển Đông, nơi Hà Nội và Bắc Kinh đang có tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán chồng lấn. Tuy nhiên, Việt Nam không muốn thấy một mối quan hệ đối đầu công khai phát triển giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của nước này hoặc bị lôi kéo vào một cuộc xung đột vũ trang ở biển Đông. Giới lãnh đạo Việt Nam hy vọng Mỹ sẽ có những nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ hơn đối với khu vực Mekong. Hà Nội cũng muốn Chính quyền Biden chấm dứt các cuộc điều tra về hành vi thao túng tiền tệ và các thông lệ thương mại của nước này. Trong khi quan hệ quân sự Việt-Mỹ có tiềm năng mở rộng hơn nữa với việc tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận, các chuyến thăm cảng của tàu chiến và thậm chí có thể cả việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam, thì những chỉ trích của Mỹ về hồ sơ nhân quyền của Hà Nội có thể cản trở mối quan hệ này.
Không làm mất lòng Trung Quốc
Trung Quốc đã tỏ ra công khai khó chịu về sự phát triển trong quan hệ Mỹ-Việt, đặc biệt là các chiều kích an ninh trong mối quan hệ này.
Ngày 13/7/2020, tài khoản Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam có đăng tải bài viết của ông Hồ Tích Tiến Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) với tựa đề "Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam". Dẫn lại các hoạt động quanh cột mốc 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, đại ý bài viết cho rằng Việt Nam đừng nên cả tin vào Mỹ rồi để bị ly gián trong quan hệ Việt – Trung. Thậm chí, bài viết cho rằng Việt Nam bị Mỹ dẫn dắt trong quan hệ song phương nhằm gây phương hại đến Trung Quốc.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) chứng kiến Bộ trưởng Thương mại Zhong Shan (phải) ký thỏa thuận RCEP nhân thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội hôm 15/11/2020. AFP
Mặc khác, Trung Quốc suy luận rằng mối quan hệ được cải thiện giữa Mỹ và Việt Nam sẽ gián tiếp tiếp tay cho mục tiêu bao vây Trung Quốc của Mỹ và qua đó làm suy yếu các mục tiêu, chính sách Vành đai và con đường của Trung Quốc ở Đông Nam Á và nhất là tham vọng trên Biển Đông của Trung Quốc.
Nước thì xa, mà lửa thì gần. Duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc là mối quan tâm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại hiện nay.
Nhân dịp 75 năm Quốc khánh Việt Nam, 71 năm Quốc khánh Trung Quốc và năm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, ngày 29/9/2020, trong cuộc điện đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh "năm 2020 là dấu mốc quan trọng kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước ; khẳng định trong 70 năm qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mặc dù có những lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính".
Tuy nhiên, Việt Nam đồng thời cũng thể hiện thái độ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc trong những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia của Việt Nam, nhất là từ khi xuất hiện sự kiện HD 981 vào năm 2014 cho đến nay.
Mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ có thể được hiểu rõ nhất trong bối cảnh của mối quan hệ Trung-Việt phức tạp. Trong khi cạnh tranh Mỹ - Trung luôn là đề tài nhạy cảm và ảnh hưởng lên bức tranh địa chính trị - địa kinh tế toàn cầu, thì Việt Nam luôn có thế ứng xử "vừa được lòng anh, đặng bụng chồng".
Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh Việt Nam, ngày 2/9/2020, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng đã phát biểu : "Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, có những nước đã buộc phải chọn bên, nhưng Việt Nam không làm như vậy. Chúng ta có quan hệ tốt hay xấu, gần hay xa, ủng hộ hay không ủng hộ nhưng luôn giữ độc lập, tự chủ trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác".
Tại Hội nghị ASEAN 36 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói "ASEAN sẽ không chọn bên trong cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc".
Nói về "chọn bên", tại buổi tiếp báo chí ở Hà Nội ngày 2/7/2020, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói rằng Mỹ không muốn ASEAN hay bất kỳ quốc gia nào khác phải chọn phe. "Điều chúng tôi mong muốn là các nước sớm nhận ra rằng họ muốn có trật tự ổn định và đạt được những lợi ích trong tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi phản đối các quốc gia lớn bắt nạt các quốc gia khác, và kỳ vọng vào sự hợp tác để thúc đẩy hòa bình và thượng tôn pháp luật. Chúng tôi chào đón Trung Quốc tham gia vào các nỗ lực đảm bảo trật tự thế giới".
Tóm lại, mặc dù quan hệ Việt – Trung có thể tiếp tục căng thẳng, Việt Nam sẽ cố gắng duy trì quan hệ xây dựng với Trung Quốc dựa trên tinh thần "đối tác, đối trọng" và Việt Nam sẽ theo đuổi quan hệ với Mỹ theo cách mà không làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ với Trung Quốc.
Nguyễn Trường
Nguồn : RFA, 04/01/2021
**********************
Quan hệ Mỹ-Việt thời Biden : Thương mại sẽ là hồ sơ nóng
Thanh Phương, RFI, 04/01/2021
Ngày 20/01/2021, tân tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chính thức tuyên thệ nhậm chức. Với chính quyền Biden, quan hệ Mỹ-Việt sẽ có gì khác so với thời Donald Trump ? Hiện giờ chỉ có thể đưa ra một số phỏng đoán, nhưng có một điều chắc chắn, đó là thương mại có thể sẽ là hồ sơ nóng giữa hai nước cựu thù. Tuy nhiên, căng thẳng về mậu dịch sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chiều hướng tăng cường quan hệ song phương Mỹ-Việt.
Ngày 16/12 vừa qua, bộ Tài Chính Mỹ đã chính thức liệt kê Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, sau nhiều tháng điều tra về thặng dư mậu dịch của Việt Nam đối với Hoa Kỳ. Việc Washington gắn nhãn "thao túng tiền tệ" lên Việt Nam đã gây phản ứng mạnh từ phía Hà Nội. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tức là Ngân hàng Trung ương, đã cực lực bác bỏ cáo buộc đó, khẳng định là việc điều hành tỉ giá những năm qua ở Việt Nam chỉ nhằm "kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", chứ không nhằm "tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng".
Trong một bài viết đăng trên trang Asia Times ngày 18/12, tác giả David Hutt cho biết, nhiều nhà bình luận không hiểu vì sao, trong tháng cuối của nhiệm kỳ, chính quyền Donald Trump lại lấy một quyết định "đi ngược lại một cách căn bản với các mục tiêu địa chính trị sâu rộng hơn của Hoa Kỳ".
Trong một tuyên bố, ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, đã cảnh báo : "Thao túng tiền tệ đã không hề là một vấn đề đối với các thành viên của chúng tôi và mọi hành động tiềm tàng trong những ngày cuối của chính quyền này gây phương hại cho nền kinh tế Việt Nam bằng các mức thuế mang tính trừng phạt sẽ gây tổn hại cho quan hệ đối tác chặt chẽ mà hai nước chúng ta đã phát triển".
Tuy nhiên, theo David Hutt, ít có khả năng là Mỹ sẽ thi hành các biện pháp trừng phạt Việt Nam trước khi chính quyền Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ, nhưng chính quyền Joe Biden sẽ chịu áp lực, phải chọn lựa, hoặc là rút Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, hoặc là giữ nguyên "danh hiệu" này, nhưng sẽ không thi hành các biện pháp trả đũa mậu dịch.
Đây cũng là ý kiến của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, trả lời RFI Việt ngữ ngày 28/12/2020 :
"Trong thời gian từ đây đến khi chính quyền Biden nhậm chức, có nhiều khả năng là Hoa Kỳ tiếp tục duy trì áp lực với Việt Nam, có thể giữ nguyên cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, nhưng về giải pháp thì sẽ linh hoạt hơn, không nhất thiết sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt thương mại mạnh tay với Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế tiền tệ, mà sâu xa hơn là nó có liên quan đến cán cân thương mại, vốn đã tồn tại rất lâu và càng ngày càng phình to. Đây vẫn là mối bận tâm của các chính quyền Mỹ, dù là Dân Chủ hay Cộng Hòa.
Ngay cả khi bản chất vấn đề kinh tế và tiền tệ không đúng với cáo buộc của Mỹ, ví dụ như là Việt Nam không thao túng tiền tệ như lâu nay Việt Nam vẫn tuyên bố, và thâm hụt của Mỹ là do các yếu tố mang tính cấu trúc, chứ không phải là do hành động chủ quan của Việt Nam, Mỹ vẫn có thể muốn duy trì áp lực này, để từ đó đòi Việt Nam phải nhượng bộ trong các vấn đề khác, như là hợp tác chiến lược, quân sự, hay các vấn đề liên quan.
Vấn đề mấu chốt mà chúng ta cần theo dõi từ giờ cho đến khi ông Trump bàn giao Nhà Trắng cho ông Biden, đó là ông Trump có ấn định các biện pháp trừng phạt Việt Nam hay không. Khả năng này thì thấp, nhưng không thể hoàn toàn loại bỏ. Nếu ông Trump có một biện pháp trừng phạt nào đó, thì điều này sẽ tạo ra sự đã rồi cho chính quyền Biden và có thể gây khó khăn cho việc chính quyền Biden trong việc dỡ bỏ các biện pháp đó.
Nhưng theo một số chuyên gia, cũng như bản thân tôi nhận định, khả năng này thấp, bởi vì về mặt quy trình, việc bộ Tài Chính gắn nhãn thao túng tiền tệ chỉ là vấn đề mang tính thủ tục, mở đường cho bộ Thương Mại cân nhắc các biện pháp xử lý dựa trên sự gắn nhãn này. Quá trình xem xét, đàm phán với Việt Nam có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí cả năm và trong quá trình đó thì có thể có sự thay đổi từ cả hai bên. Trong trường hợp xấu nhất, chính quyền Biden có thể áp đặt một số mức thuế đối với một số mặt hàng của Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào chỉ dẫn vừa rồi, khi chính quyền Trump áp đặt hàng rào thuế đối với mặt hàng săm lốp của Việt Nam, thì mức thuế đó cũng chỉ là 6 đến 10%, không quá lớn, và như vậy thì nếu có biện pháp áp thuế nào đối với hàng hóa Việt Nam, thì tôi nghĩ là cũng sẽ loanh quanh ở mức đó, không thể lên tới mức ví dụ như là 25%, như chính quyền Trump đã áp đặt đối với hàng nhập từ Trung Quốc.
Theo tôi, chính quyền Biden có thể có một số hành động mang tính tượng trưng, gây áp lực để đòi Việt Nam giải quyết các vấn đề về chính sách tiền tệ, chẳng hạn như hứa không can thiệp vào thị trường ngoại hối, hoặc là đặc biệt khuyến khích Việt Nam mua thêm hàng hóa Mỹ và qua đó làm cho cán cân thương mại song phương trở nên cân bằng hơn.
Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã cam kết sẽ nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ, nhưng việc triển khai chưa được nhanh và như vậy chưa tạo ra được kết quả tức thì để cân bằng lại cán cân thương mại với Hoa Kỳ. Như vậy trong thời gian tới, Việt Nam cần phải triển khai nhanh hơn các cam kết này, để sớm đạt được các kết quả thực chất, cân bằng cán cân thương mại song phương, qua đó xoa dịu chính quyền Biden".
Tuy nhiên, theo David Hutt, chính quyền Biden rất có thể sẽ thi hành một số chính sách thương mại giống như chính quyền Trump. Tác giả bài viết nhắc lại là vào tháng 9 vừa qua, nhân vật được ông Biden đề cử làm tân ngoại trưởng Antony Blinken đã từng cam kết giống như Trump, đó là sẽ "tăng cường một cách mạnh mẽ các luật thương mại của Mỹ mỗi khi hành động gian lận của nước ngoài đe dọa đến việc làm của dân Mỹ". Nói cách khác, ngoại trưởng tương lai của tổng thống Biden cũng xem bảo vệ việc làm của dân Mỹ là một ưu tiên của chính sách thương mại. Nếu bộ Tài Chính của chính quyền Biden hủy bỏ cáo buộc thao túng tiền tệ đối với Việt Nam, họ sẽ bị chỉ trích là mềm yếu trước những quốc gia đang gây phương hại cho việc làm của dân Mỹ, một chỉ trích mà Biden sẽ cố tránh.
Trong bài viết trên tờ Asia Times, David Hutt cũng ghi nhận là việc bị gắn nhãn thao túng tiền tệ gây khó khăn cho Việt Nam đúng vào thời điểm mà chỉ còn vài tuần nữa là đến kỳ Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam để bầu ban lãnh đạo mới cho chế độ Hà Nội. Theo tác giả bài viết, không phải ai trong đảng cũng mong muốn có quan hệ tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ, và một số lãnh đạo có xu hướng bảo thủ vẫn chủ trương tăng cường quan hệ giữa hai đảng Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc, hoặc là giữ một lập trường trung lập hơn giữa hai siêu cường quốc.
David Hutt nhận định, trong số các nhân vật ngả theo phía Mỹ hiện nay, có đương kim thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà giới phân tích dự báo có thể được bầu làm tân tổng bí thư hoặc chủ tịch nước. Nếu ông Phúc và những người thân cận với ông giành được các chức vụ lãnh đạo tối cao trong kỳ Đại hội Đảng, thì điều này sẽ thuận lợi cho Hoa Kỳ. Phe của ông Nguyễn Xuân Phúc không chỉ thân thiện hơn với Mỹ, mà còn chủ trương tự do hóa kinh tế nhiều hơn, và có thể sẽ đi theo con đường tự do hóa chính trị. Một nước Việt Nam cởi mở rõ ràng là nằm trong lợi ích của Mỹ.
Vấn đề là nếu ông Phúc lên làm tổng bí thư, thì với cương vị này, ông sẽ không thể thảo luận chính thức với các quan chức Mỹ, còn nếu ông lên làm chủ tịch nước, chức vụ này sẽ thích hợp hơn cho các đàm phán ngoại giao. Một điều chắc chắn, theo David Hutt, là vấn đề tiền tệ sẽ khiến cho các lãnh đạo Việt Nam phải cân nhắc cẩn trọng hơn để xem họ có thể tin tưởng Washington tới mức nào với tư cách đối tác kinh tế và chiến lược.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, dù tổng thống Biden nhậm chức ở Hoa Kỳ và dù ban lãnh đạo mới ở Việt Nam, được bầu trong kỳ Đại hội Đảng lần tới, là những ai, thì chiều hướng của quan hệ Mỹ-Việt cũng sẽ không có thay đổi gì lớn :
"Nhìn chung sẽ không có nhiều thay đổi. Quan hệ song phương Việt-Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quỹ đạo hiện tại và theo chiều hướng đi lên. Hai bên sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ song phương trên mọi mặt, đặc biệt là về mặt kinh tế và an ninh quốc phòng. Quan hệ song phương nói riêng và tình hình khu vực nói chung được định hình chủ yếu bởi các yếu tố mang tính cấu trúc nhiều hơn, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với Trung Quốc. Về cơ bản, yếu tố này sẽ tạo động lực thúc đẩy Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường quan hệ, nhất là hợp tác về chiến lược và Biển Đông.
Khúc mắc cơ bản nhất khi chính quyền Biden tiếp quản Nhà Trắng có lẽ là hai vấn đề : nhân quyền và thâm hụt thương mại của Mỹ. Trong vấn đề nhân quyền, nếu như chính quyền Biden thật sự nhấn mạnh đến khía cạnh này, thì nó có thể là một trở ngại nhất định đối với quan hệ song phương. Nhưng tôi không cho rằng nó sẽ nghiêm trọng đến mức làm cho quan hệ bị trì trệ, bị ảnh hưởng, tại vì trong bối cảnh Hoa Kỳ cần hợp tác chiến lược với Việt Nam để đối phó với Trung Quốc, chính quyền Biden sẽ giảm nhẹ vấn đề nhân quyền đối với Việt Nam. Chúng ta cũng đã thấy trong giai đoạn dưới chính quyền Obama, mặc dù chính quyền Obama cũng coi trọng vấn đề nhân quyền hơn chính quyền Trump, quan hệ song phương Mỹ-Việt vẫn tiếp tục phát triển, với điểm nhấn là việc hai bên thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013.
Còn về thâm hụt thương mại, thì như tôi đã nói, vấn đề này sẽ tiếp tục gây căng thẳng, nhưng sẽ không căng thẳng đến mức làm quan hệ song phương bị gián đoạn. Có lẽ nếu Việt Nam có những hành động cụ thể để giúp giải quyết mối quan ngại lớn nhất của Mỹ, đó làm giảm thâm hụt thương mại quá lớn của Mỹ đối với Việt Nam, thì quan hệ song phương sẽ được duy trì một cách ổn định và hài hòa. Vấn đề thâm hụt thương mại được giải quyết như thế nào thì có lẽ trong thời gian một năm tới, khi nhìn vào cách mà chính quyền Biden xử lý về cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, chúng ta sẽ có ý niệm rõ hơn. Theo tôi, có thể nó sẽ ít gay gắt hơn so với cách tiếp cận của chính quyền Trump".
Như đã nói ở trên, dù là với chính quyền Biden, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ vẫn phải tăng cường hợp tác chiến lược, vì dù sao thì hai nước có một đối thủ chung là Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam có thể trông chờ những gì từ chính quyền Biden, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nêu ý kiến :
"Theo tôi, Việt Nam sẽ tiếp tục mong đợi Hoa Kỳ dưới thời Biden vẫn duy trì chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc nói chung và trên hồ sơ Biển Đông nói riêng như dưới thời tổng thống Trump. Hiện tại có nhiều khả năng chính quyền Biden sẽ cứng rắn đối với Trung Quốc cũng như trên vấn đề Biển Đông, do cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, quan ngại hiện tại đó là sự cứng rắn có được thể hiện song song qua lời nói và qua hành động hay không, tại vì dưới thời chính quyền Obama, tức là cũng thuộc đảng Dân Chủ, Mỹ cũng đã dần dần trở nên cứng rắn trên vấn đề Biển Đông, nhưng chủ yếu là qua các luận điệu, trong khi hành động lại thiếu cương quyết và không đủ sức răn đe với Trung Quốc, dẫn tới việc Trung Quốc càng ngày càng bành trướng trên Biển Đông. Cụ thể là Mỹ đã không có hành động hiệu quả nào để ngăn Trung Quốc giành quyền kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scarborough, hoặc là xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.
Chính vì vậy, Việt Nam mong muốn Mỹ có một chính sách cứng rắn trên lời nói cũng như hành động để làm sao kềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không muốn những hành động như vậy đi quá xa tới mức có thể dẫn đến xung đột, bởi vì Việt Nam vẫn muốn duy trì một môi trường hòa bình để phục vụ mục tiêu quan trọng nhất, đó là phát triển kinh tế.
Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng Việt Nam muốn tăng cường quan hệ với Mỹ và tận dụng sức mạnh của Mỹ để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng Việt Nam cũng nhận thấy là sẽ không thực tế, cũng như không khả thi, nếu dựa hoàn toàn vào Mỹ để xử lý vấn đề Biển Đông. Nên tôi nghĩ là trong thời gian tới, song song với việc tăng cường quan hệ với Mỹ, Việt Nam sẽ phải nâng cao năng lực nội tại, đồng thời tăng cường quan hệ với các đối tác khác có chung lợi ích ở Biển Đông, nhất là Nhật, Ấn Độ, Úc và các nước Liên Hiệp Châu Âu. Có thể nói là Việt Nam sử dụng nhiều biện pháp, nhiều con đường khác nhau để giải quyết vấn đề Biển Đông, chứ không phải chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Mỹ".
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 04/01/2021