Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/01/2021

Ngân sách cạn kiệt, Nhà nước nhìn vào túi tiền của dân và tài sản tham nhũng

RFA tiếng Việt

Chính phủ Việt Nam tiếp tục kêu gọi huy động vàng và ngoại tệ trong dân

RFA, 11/01/2021

Tiếp tục mục tiêu huy động vàng trong dân

Một trong những nội dung quan trọng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu lên tại Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2021 là cần có cơ chế khuyến khích để huy động nguồn lực trong dân, nhất là vàng, ngoại tệ, như vay tương đương vốn ODA.

ngansach1

Ảnh minh họa. Những thanh vàng 100g được khắc logo và tên của ngân hàng Thụy Sĩ UBS.AFP

Xin được nhắc lại nguồn vốn ODA (Official Development Assistance) là một hình thức đầu tư nước ngoài với các khoản cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp với thời gian vay dài. Đôi khi có những nguồn vốn ODA là nguồn viện trợ của nước ngoài không hoàn lại dành cho Việt Nam.

Đài RFA ghi nhận từ năm 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Bình đã trình Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về chủ trương thu hút vàng trong dân. Từ thời điểm đó cho đến nay, Chính phủ Việt Nam không ít lần nhắc đi nhắc lại về chủ trương này. Điển hình mới nhất qua tuyên bố của Bộ trưởng Bộ kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Chí Dũng như vừa nêu, tại hội nghị của ngành, diễn ra vào ngày 9/1.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn số liệu thống kê của Hội đồng Vàng thế giới năm 2017 cho thấy Việt Nam xếp hạng thứ 14 trên thế giới về lượng tiêu thụ vàng theo đầu người. Báo mạng Nông thôn Ngày nay, hồi tháng 3/2019, cho biết có khỏang 500 tấn vàng trong dân mà các tổ chức thế giới đưa ra chứng tỏ mãi lực của người dân Việt Nam về vàng luôn có và thậm chí ở mức cao. Tuy vậy, giới chuyên gia trong nước nhận định rằng chủ trương Chính phủ Việt Nam huy động vàng trong dân khó thực hiện được, bởi vì tâm lý người dân xem vàng là một loại tài sản có tính tiết kiệm, đầu tư và tình trạng tích trữ vàng tại gia đình ở Việt Nam vẫn hiện hữu. Báo giới Nhà nước Việt Nam dẫn nhận định của một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc chuyển hóa nguồn lực vàng là một quá trình lâu dài, các giải pháp để chuyển hóa nguồn lực vàng cần thực hiện nhất quán, đồng bộ và từng bước.

Đài RFA trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính độc lập, vào tối ngày 11/1 và được ông xác nhận :

"Đúng là có một số vàng và ngoại tệ đang nằm ở trong dân và Chính phủ cần huy động số vàng và số ngoại tệ đó để làm lợi cho quốc gia, bất kể trong thời gian dịch bệnh hiện tại hoặc là không có dịch bệnh. Nếu như trong thời gian dịch bệnh thì việc sử dụng những tài sản, mà gọi là ‘nằm im’ như vậy lại càng trở nên cần thiết hơn. Chúng ta biết rằng vấn đề vay mượn ở nước ngoài càng ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với Việt Nam. Tại vì, Việt Nam không còn trong nhóm các nước có thu nhập thấp mà bây giờ được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình. Thành ra, vay có những điều kiện khó khăn hơn và lãi suất cũng không còn thuận lợi như trước đây nữa. Do đó, vấn đề sử dụng những tài sản ‘nằm im’ trong xã hội, trong người dân là cần thiết".

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu giải thích thêm rằng với số vàng mà Chính phủ Việt Nam huy động được thì sẽ dùng để thế chấp, cầm cố trong việc vay tiền tại các tổ chức tín dụng nước ngoài. Và dĩ nhiên với món vay mà được bảo đảm bằng vàng thì lãi suất rất hạ.

ngansach2

Ảnh minh họa. Đồng đô la Mỹ và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. AFP

Dân chúng yên tâm gửi vàng vào ngân hàng ?

Đài RFA liên lạc với 1 người dân ở Sài Gòn để hỏi thăm liệu rằng trong bối cảnh công ăn việc làm, kinh doanh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và nếu gửi vàng, ngoại tệ vào ngân hàng với lãi suất cao thì sẽ chọn thế nào. Cư dân Sài Gòn, anh Tiến bày tỏ :

"Trong tình hình Covid-19 hiện nay, nếu như ngân hàng cho lãi suất cao đối với vàng và tiền thì mình vẫn gửi. Nhưng cũng tại do dịch Covid-19 thì không có tiền dư giả để gửi ngân hàng".

Bà Nguyễn Thị Ba, nhân viên quản lý của một công ty tư nhân, nói lại với RFA về chia sẻ của giới khách hàng của công ty bà mà họ là những người có của ăn của để :

"Có tiền, có vàng thì không gửi tại vì bây giờ vàng gửi là không có lãi suất rồi. Gửi chỉ có một Ngân hàng Nhà nước là giữ hộ thôi, không có lãi suất. còn tiền thì lãi suất đang hạ thấp xuống. Nhưng mà với tình hình kinh tế như vầy thì không ai có niềm tin vào ngân hàng. Nói chung là người ta cũng hạn chế lắm. Không phải tất cả đều không gửi, nhưng gửi ngắn hạn hay dài hạn là thùy theo đồng tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên bây giờ dịch Covid-19 khó khăn thì một số người có thể gửi hoặc đổi sang mua bán bất động sản. Vậy thôi".

Trả lời câu hỏi của RFA rằng Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp hữu hiệu nào để có thể thu hút được người dân mang vàng gửi vào ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nêu lên ý kiến của ông :

"Có lẽ cách duy nhất là chính Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra để huy động vàng và phát hành chứng chỉ vàng (gold certificate) và trả một lãi suất nào đó trên chứng chỉ vàng thì người dân ít nhất là họ được hưởng lãi trên số vàng họ gửi cho Ngân hàng Nhà nước. Thứ hai nữa, với chứng chỉ vàng của Ngân hàng Nhà nước thì niềm tin lớn hơn nhiều so với gửi vàng tại bất cứ một tổ chức kinh tế nào, ngay cả gửi vào tại ngân hàng. Thành ra, Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra làm chuyện đó".

Chuyên gia tài chính độc lập, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đồng thời nhấn mạnh một điều cũng rất quan trọng liên quan việc người dân nhận lại vàng sau thời gian gửi vào Ngân hàng Nhà nước :

"Vấn đề thanh toán chứng chỉ vàng phải rất nhanh nhạy và chứng chỉ vàng là cam kết của Ngân hàng Nhà nước trả lại số vàng cho người dân mà họ đã gửi. Thành ra, phải bảo đảm số vàng mà người dân nhận trở lại là đúng với chất lượng vàng như lúc người dân đã nộp vào. Tức là, vàng lúc đầu vào phải được kiểm nghiệm và phải được được một số tiêu chí để khi tới đáo hạn thì Ngân hàng Nhà nước trả lại cùng với số lượng và tất cả tiêu chí định lượng, định tính như thế để trả lại cho người dân".

Trong khi Chính phủ Việt Nam vẫn chưa tìm ra được cơ chế để huy động vàng trong dân chúng tại Việt Nam trong gần một thập niên qua, thì một vài chuyên gia kinh tế cảnh báo về người dân không có niềm tin chắc chắc trong việc Chính phủ kêu gọi huy động vàng. Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, hồi hạ tuần tháng 8/2018 từng lên tiếng với RFA rằng :

"Đơn giản là mất niềm tin chính thể dẫn tới mất niềm tin tín dụng. Mất niềm tin tiền gửi hay chính xác là mất niềm tin và gửi. Tại vì từ năm 2011 cho tới nay, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ hoàn toàn không thể trả lời được câu hỏi của dân và các chuyên gia phản biện là làm thế nào để Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ bảo đảm vàng của dân gửi vào Ngân hàng Nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ trở lại với dân".

Còn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, từ Hoa Kỳ, trước đó vào đầu tháng 8/2017 cho rằng Chính phủ Hà Nội sẽ không thể đưa ra được bất kỳ phương án khả thi nào trong việc huy động vàng hay đồng đô la trong dân chúng và nếu dùng biện pháp có tính chất hành chính và cưỡng ép để bắt dân phải đem tiết kiệm của họ dưới dạng đô la hay vàng thì việc đó không những đi ngược lại quy luật kinh tế, mà còn gây ra những tác động về chính trị và "Hậu quả sau cùng là người dân càng giấu nhiều hơn và chính quyền càng lộ ra bị quýnh quáng hết tiền nên tìm cách cướp tiền của dân. Vì thế, tôi cho là việc huy động này phản tác dụng".

Từ đó đến nay vàng, tiền nhàn rỗi trong dân vẫn là nguồn mà Chính phủ Hà Nội nhắm đến. Thế nhưng, làm thế nào để dân tin tưởng trao khoản tiết kiệm lớn lao đó cho Nhà nước vẫn là bài toán chưa thể giải của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam.

Nguồn : RFA, 11/01/2021

********************

Có thể tịch thu tài sản tham nhũng không cần thông qua thủ tục kết tội ?

RFA, 11/01/2021

Ông Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao mới đây đã gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng trả lời kiến nghị về tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi.

ngansach3

Một góc khu vực người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hải quan. Photo : RFA - Ảnh minh họa.

Theo thông tin trong văn bản dược báo chí nhà nước Việt Nam đăng tải ngày 11/1, cơ quan có thẩm quyền đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành báo cáo nghiên cứu, xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản.

Trao đổi với RFA tối cùng ngày, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội bày tỏ :

"Nếu cái đấy với lãnh đạo nhà nước có thể không sao, còn nếu với người dân thì cái đấy rất nguy hiểm. Như thế rất kỳ lạ, một người tham nhũng thì phải kết luận người ta tham nhũng, cái đấy phải xử xong mới tịch thu tài sản chứ. Chưa xét xử thì sao biết cái đấy tham nhũng hay không tham nhũng ?"

Với kinh nghiệm hoạt động trong ngành luật lâu năm, Luật sư Đặng Đình Mạnh ở Sài Gòn cũng cho rằng đề xuất vừa nêu của Viện Kiểm sát Tối cao chưa ‘chuẩn’. Ông giải thích :

"Mặc dù về ý nghĩa anh nghĩ mọi người sẽ rất tán thành việc xét xử nghiêm, nghiêm khắc đối với đối tượng tham nhũng nhưng ít nhất cũng phải trên cơ sở có tình có lý. Hiện nay nó vi phạm luật hình sự vì Luật Hình sự có quy định khi một người có tội mới kèm theo hình phạt phụ là tịch thu tài sản hoặc tịch thu những khoản tiền bất chính. Theo ý kiến của Viện Kiểm sát Tối cao đưa ra như vậy thậm chí chưa cần có bản án tuyên họ có tội thì làm sao có thể xác định đó là tài sản bất chính để nhà nước có thể thu ?".

Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, thông tin báo chí đăng tải dẫn nội dung văn bản của Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ là dự thảo. Ông nhận định :

"Tôi thấy dự thảo Viện Kiểm sát lần này cũng là góp phần để công tác phòng chống tham nhũng có chuyển biến hơn. Tôi thấy tỉ lệ tham nhũng hiện nay, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian vừa qua thấp. Ngay cả nghị trường Quốc hội cũng cho rằng tòa có tuyên những bản án nghiêm khắc nhưng không thu hồi tài sản tham nhũng thì việc xử lý coi như không triệt để và không đạt được mục tiêu. Tỉ lệ thu hồi tham nhũng vừa qua tôi thấy thấp và khá khiêm tốn so với tiệt hại lớn mà tham nhũng gây ra cho nhà nước. Do đó tôi thấy khó khăn nhận diện tham nhũng đa số là những đối tượng tội phạm tham nhũng là những người có chức vụ và có trình độ nên khi họ phạm tội đều có sự chuẩn bị và thủ đoạn tinh vi, che giấu tài sản kỹ lưỡng, chuyển đổi rồi tẩu tán, hợp thức hóa tài sản. Có những trường hợp xài hoang phí nên khi phát hiện không có khả năng khắc phục hậu quả".

ngansach4

Hội nghị Chính phủ về xây dựng thể chế 24/11/2020. VGP

Vẫn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, hiện nay cơ quan tố tụng chưa quyết liệt, chưa kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn để tránh tẩu tán tài sản tham nhũng. Trước tình trạng này, vừa rồi chính phủ cũng có quy định mở rộng việc công khai tài sản.

Luật sư Hậu cho rằng ý kiến mới đưa ra của Viện Kiểm sát Tối cao để tham khảo các ngành, các cấp để làm sao phát huy hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng từ thực trạng mà ông vừa nêu.

Theo thắc mắc của cử tri Hải Phòng nêu ra đối với Viện Kiểm sát, các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự được áp dụng trong thực tiễn mới chỉ chú ý đến việc phát hiện, xử lý các hành vi phạm tội mà chưa chú trọng làm rõ đến tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, xác minh làm rõ, thu hồi tài sản tham nhũng.

Cụ thể, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành còn thiếu các quy định cụ thể làm cơ sở để thực hiện tốt công tác kê biên tài sản, một biện pháp tố tụng được đánh giá là quan trọng để đảm bảo thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng trong thực tế việc thu hồi tài sản tham nhũng là việc không hề dễ dàng nên với dự thảo mà Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đang nghiên cứu sẽ phần nào góp phần đem lại kết quả tích cực :

"Bởi vì đây là một công tác khó khăn, do dó nếu như có dấu hiệu thì mình sẽ tạm giữ tài sản đó để phục vụ công tác kê khai, kê biên và xác định thu hồi tài sản và kịp thời kê biên, phong tỏa tài sản đó để phục vụ cho công tác thi hành án sau này. Mục đích cuối cùng là như vậy".

Trong khi đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh chỉ ra khoản còn thiếu của luật pháp hiện nay khi xét xử về tham nhũng :

"Họ thường chỉ căn cứ tài sản của chính người bị xét xử, tức bị can, bị cáo thôi, đôi khi tài sản họ tham nhũng có thể họ tẩu tán, nhờ người thân trong gia đình chẳng hạn đứng tên. Thế thì anh nghĩ cần có điều tra mở rộng đối với tài sản của những người thân trực hệ đối với bị can, bị cáo. Như vậy mới có cơ sở thu hồi tài sản họ thu lợi bất chính".

Theo thông tin ông Nguyễn Duy Giảng đưa ra trong văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, bên cạnh dự thảo tịch thu tài sản tham nhũng không cần thông qua thủ tục kết tội vừa nêu, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao còn đề xuất sửa đổi quy định có liên quan trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự để trình Chính phủ, đề xuất cả việc đề ra các phương án và kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật có liên quan như Luật Phòng chống tham nhũng.

Bộ Tư pháp Việt Nam vào tháng 6/2020 vừa qua đưa nội dung về việc bổ sung các báo cáo, số liệu liên quan đến việc thu hồi tài sản trong vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ tối mật. Dự thảo này gây nhiều ý kiến trái chiều lúc bấy giờ.

Nguồn : RFA, 11/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 505 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)