Năm nay, Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á với tên tắt là ASEAN, có nhiều sinh hoạt kỷ niệm 50 năm thành lập, vào năm 1967. Nhân dịp này Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu xem sự hội nhập kinh tế có tạo ra một sức hiệp lực lớn hơn tổng số của 10 nền kinh tế Đông Nam Á hay chăng.
Cờ của 10 nước trong Hiệp hội ASEAN tại Brunei nhân Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần 22 diễn ra ngày 24/4/2013. AFP photo
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, Việt Nam là thành viên của Hiệp hội ASEAN gồm 10 quốc gia Đông Nam Á có dân số 650 triệu và sản lượng hơn 2.600 tỷ đô la chứ không ít, với đầu tư từ nước ngoài còn cao hơn lượng đầu tư vào Trung Quốc. Tuần qua, Thượng đỉnh của ASEAN vừa kết thúc tại thủ đô của xứ Philippines với bản thông cáo chung lại tránh nêu tên Trung Quốc trong chính sách bành trướng tại vùng biển Đông Nam Á.
Tuần này, các đại biểu ASEAN họp với đại biểu Mỹ tại thủ đô Washington D.C. vào mùng bốn, rồi hôm sau, các bộ trưởng tài chính và thống đốc Ngân hàng Trung ương của ASEAN sẽ họp với giới tương nhiệm của ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sinh hoạt dồn dập ấy khiến ta nhớ năm nay, ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập và Tháng 11 này, Tổng thống Donald Trump sẽ dự Thượng đỉnh ASEAN và Hoa Kỳ. Giữa khung cảnh đó, Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho vị trí của ASEAN giữa các khối kinh tế và trong bài toán an ninh trên vùng biển Đông Nam Á.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong các nền kinh tế gọi là đang phát triển, nhóm ASEAN có kinh tế sinh động hơn cả với tiềm năng phát triển cao khi trọng tâm thế giới chuyển dần từ Âu Châu qua Á Châu. Nhưng ASEAN chưa là một khối thống nhất về nhiều mặt trước các cường quốc kinh tế còn giàu mạnh hơn, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Đã vậy, 10 nước của Hiệp hội lại có vị trí địa dư phân tán trên một khu vực mà ảnh hưởng của Trung Quốc có sức áp đảo cao về an ninh lẫn kinh tế, trong khi họ lại phân vân về lập trường mới của Hoa Kỳ. Chúng ta nên khởi đi từ thực tế đó thì mới hiểu ra bài toán của từng nước thành viên.
Nguyên Lam : Ông nói đến vị trí địa dư phân tán của nhóm ASEAN, thưa ông, đấy có là một yếu tố then chốt không vào lúc các nước kỷ niệm 50 năm thành lập ra tổ chức này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Về lịch sử, các thành viên ASEAN lần lượt giành lại độc lập vào thập niên 60 của thế kỷ trước, rồi tìm cách phát triển và hợp tác kinh tế giữa bối cảnh Chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và khối Cộng sản Liên Xô. Khi ấy, năm nước gọi là cốt lõi gồm có Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore có nền kinh tế hướng về giao thương và cần tự do hàng hải nên đã mất mấy năm thử nghiệm việc hợp tác để tới 1967 mới thành lập được ASEAN theo chủ trương cộng tác với Hoa Kỳ về kinh tế lẫn an ninh trước đà bành trướng của chủ nghĩa cộng sản tới vùng Đông Nam Á.
Cũng về lịch sử, từ 1995 đến 1999, sau khi chiến tranh kết thúc rồi khủng hoảng lại bùng nổ trên bán đảo Đông Dương thì ba nước Việt Nam, Lào và Cam Bốt mới xin gia nhập cũng theo tinh thần hợp tác để phát triển kinh tế. Ở giữa, đến lượt xứ Myanmar mà ta gọi là Miến Điện cũng là thành viên từ năm 1997. Trong khu vực, có tiểu vương quốc Brunei là hội viên từ đầu năm 1984 sau khi vừa lấy lại độc lập từ Vương quốc Anh.
Nhìn trên tổng thể thì ta thấy ngay một trở ngại từ thiên nhiên. Nhóm ASEAN có hai khu vực : một là Bán đảo Mã Lai tới quần đảo Indonesia trải rộng trên cả ngàn đảo nhỏ với nhiều sắc tộc dị biệt ; khu vực kia là các nước trong lục địa Thái, Việt, Miên, Lào và Miến Điện. Với địa dư ấy, khu vực trải từ bán đảo Malaysia qua Singapore xuống tới đảo Java của Indonesia có kinh tế biệt lập với các trung tâm lớn như Bangkok, Manila, Yangon hay Sàigòn, Hà Nội. Ngược lại, năm nước lục địa trong khu vực thứ hai cũng bị hệ thống sông ngòi chia cắt nên bị cản trở về giao thương. Do đặc tính đó, bài toán chính yếu của ASEAN là làm sao hội nhập và thống nhất, là nỗ lực họ thúc đẩy từ năm 2000 với kết quả thật ra chưa khả quan.
Nỗ lực hội nhập
Nguyên Lam : Xin cảm ơn ông đã tổng hợp trước hết các dữ kiện về địa dư và lịch sử để quý khán thính giả hiểu được bài toàn chung của cả tập thể ASEAN. Trong một kỳ trước vào Tháng Tư, diễn đàn này của chúng ta cũng đã phân tích hoàn cảnh mà ông gọi là "lưỡng nan" của các nước ASEAN trước mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thưa ông, tổ chức ASEAN ra đời từ năm 1967 mà đến năm 2000 họ mới thúc đẩy nỗ lực hội nhập, thế thì họ đã tiến hành như thế nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tiến trình hội nhập của tổ chức này trải qua ba giai đoạn. Từ năm ra đời cho tới khi Chiến tranh lạnh kết thúc họ có 25 năm chần chờ bất định. Thứ nhất là họ dựa vào sự bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ mà lại tránh mâu thuẫn giữa hai khối cộng sản và tự do khi nêu ra chủ trương gọi là Phi Liên Kết khá phổ biến của các nước nghèo thuộc Đệ tam Thế giới. Thứ hai là bên trong, họ chưa hợp tác mạnh về kinh tế về an ninh chính trị, lại chủ trương "không xen lấn vào nội bộ" của các thành viên, tức là tìm mẫu số chung nhỏ nhất về chính trị.
Khi Chiến tranh lạnh chấm dứt các nước ASEAN mới quan tâm hơn đến yêu cầu hội nhập kinh tế và ký hiệp ước thành lập Vùng Tự Do Thương Mại năm 1992, rồi bảy năm sau mới tiến tới tự do về đầu tư để tiếp nhận tư bản từ bên ngoài vào. Khi khủng hoảng tài chính Thái Lan vào Tháng Bảy năm 1997 dẫn tới khủng hoảng kinh tế Đông Á, các nước ASEAN mới lập chế độ nhất thời trao đổi ngoại tệ gọi là "currency swap" với ba nước ở bên ngoài là Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc để tránh giao động tài chính. Khi đó, ta lại thấy Hoa Kỳ không nỗ lực cấp cứu ASEAN có thể vì quá quan tâm đến Âu Châu sau khi Liên Xô tan rã. Đấy cũng là lúc ASEAN mở cửa đón nhận thêm các thành viên mới.
Ngoại trưởng các nước ASEAN họp thượng đỉnh tại Manila, Philippines hôm 29/4/2017. AFP photo
Giai đoạn sau cùng là từ quãng 2000 trở về sau, ASEAN mới thúc đẩy hội nhập khi đàm phán Hiến chương ASEAN để các nước ký kết năm 2007 và phê chuẩn năm 2008. Họ cũng ký kết các Hiệp ước Tự do Thương mại với Ấn Độ, Nam Hàn và Trung Quốc. Đấy là bước đầu của việc lập ra một thực thể thống nhất là Cộng đồng Kinh tế ASEAN kể từ cuối năm 2015, tương tự như các nước Âu Châu đúng 60 năm về trước. Tham vọng của họ là thành hình một khối thịnh vượng chung có khả năng tiếp nhận đầu tư quốc tế và cạnh tranh với kinh tế Trung Quốc.
Nguyên Lam : Nếu vậy thì từ cuối năm 2015 đến nay, các nước ASEAN đã làm được những gì mà ông cho rằng kết quả hội nhập vẫn chưa khả quan ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Không nói tới trở ngại địa dư khiến việc xây dựng hạ tầng cơ sở cho các nước thuộc khu vực quần đảo vẫn chỉ tiến hành trên giấy mà chưa xúc tiến trong thực tế, thì ta có thể thấy ra khá nhiều vấn đề. Thứ nhất, tập thể ASEAN chưa thống nhất về chính sách, luật lệ và cơ cấu kinh tế trong từng nước nên không thể có thị trường chung. Thí dụ điển hình là Việt Nam với nhà nước vẫn duy trì chế độ lạc hậu là quản lý và thậm chí kiểm soát giá cả. Thứ hai, sau 20 năm đàm phán rồi thi hành hiệp ước tự do thương mại với quan thuế biểu giữa các hội viên được hạ tới mức 1%, lượng giao dịch nội bộ vẫn chỉ chiếm 25% ngạch số ngoại thương của cả nhóm. Lý do là các nước đều xuất khẩu loại hàng hóa tương tự, là thương phẩm hay nguyên nhiên vật liệu và sản phẩm chế biến nên khó bán cho nhau.
Đầu tư ngoại quốc có trút vào ASEAN thì cũng để sản xuất sản phẩm hoàn tất và bán ra cho thị trường Tây phương, Trung Quốc hay Nhật Bản, Nam Hàn. Lý do thứ ba là dù thuộc về một khối thương mại thống nhất, từng quốc gia vẫn tìm cách thương thuyết hiệp ước riêng với các nước ở ngoài ASEAN. Như trong Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP thì chỉ có bốn nước là Brunei, Singapore, Malaysia và Việt Nam, và quốc gia lớn nhất là Indonesia lại cứ muốn tách ra ngoài, tới độ đàm phán riêng một hiệp ước tự do mậu dịch với Liên hiệp Âu châu.
Sau cùng, cũng do vị trí địa dư giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và vì hoàn cảnh lịch sử khác biệt, mỗi nước lại nhìn về một hướng. Việt Nam và Philippines nằm trên vùng bành trướng của Bắc Kinh nên có mục tiêu khác với các nước quần đảo ở xa hơn như Malaysia hay Indonesia. Còn xứ Miến Điện lại chú trọng nhất đến tình hình Nam Á và chế độ gần như quân phiệt tại Thái Lan thì lại ngả dần về Trung Quốc. Vì hoàn cảnh đó, Bắc Kinh dễ áp dụng thuật "bẻ đũa từng chiếc" là gây ly gián trong ASEAN qua đàm phán song phương để trục lợi. Điều ấy giải thích vì sao bản thông cáo chung của Thượng đỉnh ASEAN vào tuần qua không nhắc đến tên của Trung Quốc trong mối quan tâm về an ninh và tranh chấp chủ quyền trên vùng biển Đông Nam Á. Nhìn về dài, chẳng những nhóm ASEAN khó trở thành một khối, mà trước sức ép của các cường quốc bên ngoài, tập thể này còn có thể thêm rạn nứt từ bên trong.
ASEAN thiếu đoàn kết
Nguyên Lam : Trong bối cảnh kém lạc quan về tương lai ASEAN sau nửa thế kỷ thành hình, thưa ông, người ta có thể chờ đợi gì từ chuyến viếng thăm Đông Nam Á vào Tháng 11 này của Tổng thống Donald Trump ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tổng thống Hoa Kỳ sẽ dự Thượng đỉnh ASEAN năm nay do chủ tịch luân phiên là Philippines tổ chức tại Manila. Rồi ông dự Thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương APEC năm nay do Việt Nam tổ chức. Với đặc tính bất nhất của ông Trump, ta khó tiên đoán được mọi chuyện, trừ một điều là Tổng thống Mỹ khẳng định mối quan tâm của Hoa Kỳ về cục diện Đông Á. Bên trong khu vực, vùng Đông Nam Á là trục giao lưu hàng hải quan trọng cho kinh tế toàn cầu với eo biển Malacca là nơi chuyển vận đến 25% của lượng dầu thế giới, 60% dầu khí vào Nhật Bản và 80% dầu khí vào Trung Quốc.
Từ nhiều năm qua, tình hình bất ổn tại đây khiến các nước ASEAN ráo riết gia tăng ngân sách quốc phòng tới hơn 70% tính từ năm 2009. Các nước chủ yếu mua võ khí của Mỹ và cần đến sự bảo vệ của Hoa Kỳ nhờ Hạm đội Thái Bình Dương, bên trong có Đệ tam Hạm đội tại miền Bắc và Đệ thất Hạm đội tại miền Nam. Chính quyền Donald Trump nói là không ưa bảo vệ các đồng minh một cách miễn phí nhưng chính là sự bành trướng của Trung Quốc tại vùng biển Đông Nam Á lại khiến quyền lợi kinh tế của Mỹ bị đe dọa. Khi thấy nhiều nước ASEAN ngả nghiêng và đòi thỏa hiệp hoặc nhượng bộ Bắc Kinh, Nội các Hoa Kỳ sẽ trở lại với thực tế phũ phàng là vì quyền lợi của mình, Mỹ cần có đồng minh đáng tin trong khu vực.
Điều đáng tiếc là tập thể ASEAN lại thiếu thống nhất như chúng ta vừa trình bày. Đã vậy, bên trong từng nước, nhiều quốc gia lại đang có những ưu tiên riêng về nội tình chính trị của mình, như trường hợp Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam, Indonesia. Kết luận ở đây là lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ thì biết là quốc gia của họ muốn gì, lãnh đạo các nước ASEAN chỉ mới nói đến nhu cầu hội nhập kinh tế mà chưa hoàn tất trong khi thiếu đối sách thống nhất trước áp lực của các cường quốc ở bên ngoài. Nghịch lý ở đây là câu lạc bộ kinh tế ASEAN chưa có quy tắc hành xử chung với nhau nên đành trông cậy vào Hoa Kỳ để đòi Trung Quốc chấp nhận một quy tắc hành xử chung trong cả khu vực ! Hóa ra các nước đã có độc lập từ 60 năm nay mà vẫn chưa biết bảo vệ nền độc lập đó.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn kỳ này.