Di sản Trump : Biden sẽ xử lý việc 'Việt Nam thao túng tiền tệ'
BBC, 17/01/2021
Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 15/01/2021 nói việc Việt Nam can thiệp vào đồng nội tệ là "không hợp lý" và gây sức ép lên hoạt động thương mại của Hoa Kỳ, nhưng không ngay lập tức áp thuế quan trừng phạt lên Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump năm 2017 tại Nhà Trắng, Mỹ
Quyết định của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) được đưa ra dựa trên kết quả cuộc điều tra từ hồi tháng 10, theo Điều 301 Đạo luật Thương mại 1974.
Điều 301 cũng là căn cứ pháp lý mà chính quyền ông Trump đã dùng để đánh thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có trị giá 370 tỷ đô la mỗi năm, khiến nhiều công ty đã phải chuyển chuỗi cung ứng hàng hóa ra khỏi Trung Quốc.
Công bố kết quả điều tra về chính sách kiểm soát tiền tệ của Việt Nam, USTR nói họ sẽ tiếp tục xem xét toàn bộ các khả năng sẵn có để xử lý tình hình, và tiến trình này sẽ được chuyển giao sang cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden, người sẽ nhậm chức vào thứ Tư tới đây.
"Các hành động, chính sách và việc thực thi không công bằng, khiến đồng tiền tệ bị yếu đi, đã làm tổn hại tới người lao động và các doanh nghiệp Hoa Kỳ, và việc này cần phải được xử lý," Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer nói trong một tuyên bố. "Tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ và Việt Nam có thể tìm được phương hướng xử lý những quan ngại của chúng tôi."
USTR nói họ đã tham vấn với Bộ Tài chính Hoa Kỳ về chính sách ngoại hối của Việt Nam.
Việt Nam 'tạm thở phào'
Hôm 16/12, Bộ Tài chính lần đầu tiên xác định Việt Nam và Thụy Sĩ là các nước thao túng tiền tệ, trong lúc đưa Trung Quốc vào danh sách các nước cần theo dõi chính sách tiền tệ bên cạnh chín quốc gia khác.
Các nhóm doanh nghiệp và các chuyên gia thương mại đã lo sợ rằng điều này có thể dẫn tới việc áp biểu thuế quan lên Việt Nam. Việc tung ra những biểu thuế quan cứng rắn lên đối phương là điều mà ông Trump đã không ngần ngại thực hiện trong thời gian bốn năm cầm quyền của mình, thể hiện rõ nhất trong cuộc thương chiến với Trung Quốc.
Việt Nam hôm thứ Bảy hoan nghênh quyết định của Hoa Kỳ và gọi đó là một "kết quả tích cực" đạt được nhờ nỗ lực của chính phủ và các doanh nghiệp từ cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ.
"Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cởi mở thị trường và tăng đối thoại chính sách, và tuân thủ chặt chẽ các thỏa thuận giữa hai bên... nhằm duy trì mối quan hệ thương mại ổn định, với mục tiêu đạt thương mại cân bằng, bền vững và cùng có lợi," chính phủ nói trong một tuyên bố.
Trước đó, Việt Nam đã ráo riết thảo luận với Hoa Kỳ trong việc tìm cách tháo gỡ nhãn "thao túng tiền tệ".
Các cuộc liên lạc trực tiếp ở cấp cao nhất, giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Trump, và ở cấp bộ, đã được thực hiện kể từ lúc Bộ Tài chính Hoa Kỳ ra cáo buộc đối với Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi tháng trước nói họ không dùng tỷ giá ngoại hối làm công cụ tạo lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng trong hoạt động thương mại, và rằng "việc quản lý ngoại hối trong những năm gần đây được thực hiện trong phạm vi chung của chính sách tiền tệ, và nhằm đạt mục tiêu nhất quán trong việc kiểm soát lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô".
Nguồn : BBC, 17/01/2021
*********************
USTR công bố kết quả điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ
VOA, 16/01/2021
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 15/1 công bố kết luận điều tra rằng hành động, chính sách, cách thực hành của Việt Nam, bao gồm sự can thiệp vào thị trường ngoại hối và các hành động liên hệ, là không thoả đáng và tạo gánh nặng hoặc hạn chế thương mại của Mỹ.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer.
Thông cáo của Văn phòng USTR cho biết trong quá trình điều tra, USTR có tham khảo ý kiến với Bộ Ngân khố về vấn đề đánh giá tiền tệ và chính sách tỷ giá ngoại hối của Việt Nam.
Kết quả cuộc điều tra được hỗ trợ bởi một báo cáo đầy đủ và được đăng tải trên trang web của USTR.
"Những hành động, chính sách và tập tục không công bằng góp phần vào việc hạ giá tiền tệ gây tổn hại cho người lao động và các doanh nghiệp Mỹ, và cần phải được giải quyết," Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert E. Lighthizer tuyên bố.
"Tôi hy vọng Hoa Kỳ và Việt Nam có thể tìm ra con đường giải quyết những quan tâm của chúng tôi," ông Lighthizer nói thêm.
USTR chưa có hành động cụ thể liên quan tới phát hiện từ cuộc điều tra, nhưng cho biết sẽ tiếp tục xem xét tất cả các lựa chọn có sẵn.
Cuộc điều tra, chiếu theo mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974, được USTR khởi xướng từ tháng 10 năm ngoái.
(Nguồn : Đại diện Thương mại Hoa Kỳ)
Nguồn : VOA, 16/01/2021
**********************
Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) : chính sách tiền tệ Việt Nam "không hợp lý"
VNTB, 16/01/2021
Ngày 15/1, cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố kết luận điều tra, xác định Việt Nam có các hành động, chính sách, cách thức "không hợp lý" nhằm can thiệp vào thị trường ngoại hối, tạo hạn chế thương mại của Mỹ.
USTR cho biết sẽ tiếp tục đánh giá tất cả các lựa chọn có sẵn để khắc phục tình hình, và sẽ chuyển giao cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Đây là cuộc điều tra được USTR tuyên bố bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái theo mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974.
Theo USTR, trong quá trình điều tra, cơ quan này cũng tham vấn Bộ Tài chính Mỹ liên quan đến cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ và chính sách tỷ giá ngoại hối của Việt Nam.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer được trích lời trong thông báo của USTR nói rằng : "các hành động, chính sách và cách làm không công bằng góp phần làm giảm giá trị tiền tệ gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ, và cần phải được xem xét".
Trước khi USTR có kết quả cuộc điều tra, vào ngày 16/12/2020, chính phủ Mỹ đã gắn mác Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố kết luận rằng Việt Nam đã vượt quá cả 3 tiêu chuẩn đánh giá về thao túng tiền tệ, bao gồm can thiệp vào thị trường ngoại hối, thặng dư tài khoản vãng lai và thặng dư thương mại.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng hồi tháng 10/2020 cho biết : "NHNN chưa và sẽ không bao giờ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế."
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chối bỏ cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ đối với Việt Nam khi khẳng định "quan điểm cần phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của người dân, các nhà đầu tư", Chính phủ ông Phúc không thể phá giá mạnh đồng tiền Việt Nam vì e rằng sự xáo trộn có thể gây thiệt hại lớn đối với cả nền kinh tế.
Trong suốt quá trình USTR điều tra, các chuyên gia kinh tế Việt Nam liên tục khẳng định Việt Nam không có lý do gì phải thao túng tiền tệ.
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho đến tháng 11/2020, xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 25%,đạt mức 69,38 tỷ USD so với cùng kỳ. Trong khi đó nhập khẩu hàng hoá từ Mỹ chỉ đạt 12,45 tỷ USD, giảm 4,7% so với năm trước.
Nguồn : VNTB, 16/01/2021
**********************
Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ
RFA, 15/01/2021
Ngày 15/1, cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố kết luận điều tra, xác định Việt Nam có các hành động, chính sách, cách làm can thiệp vào thị trường ngoại hối, tạo gánh nặng và hạn chế thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, USTR cho biết cơ quan này chưa đưa ra một hành động trừng phạt cụ thể nào đối với Việt Nam và sẽ tiếp tục cân nhắc các lựa chọn có sẵn.
Tiền đồng của Việt Nam - Reuters
Đây là cuộc điều tra được USTR tuyên bố bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái theo mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974.
Theo USTR, trong quá trình điều tra, cơ quan này cũng tham vấn Bộ Tài chính Mỹ liên quan đến cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ và chính sách tỷ giá ngoại hối của Việt Nam.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer được trích lời trong thông báo của USTR nói rằng : "các hành động, chính sách và cách làm không công bằng góp phần làm giảm giá trị tiền tệ gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Hoa Kỳ, và cần phải được xem xét".
Trước khi USTR có kết quả cuộc điều tra, vào ngày 16/12/2020, chính phủ Mỹ đã gắn mác Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ sau khi Bộ Tài chính Mỹ công bố kết luận rằng Việt Nam đã vượt quá cả 3 tiêu chuẩn đánh giá về thao túng tiền tệ, bao gồm can thiệp vào thị trường ngoại hối, thặng dư tài khoản vãng lai và thặng dư thương mại.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng hồi tháng 10/2020 cho biết : "NHNN chưa và sẽ không bao giờ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế."
Trong suốt quá trình USTR điều tra, các lãnh đạo Việt Nam bao gồm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có những điện đàm với phía Mỹ, cam kết hợp tác với phía Hoa Kỳ, hướng tới cán cân thương mại hài hoà, bền vững
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt hơn 69 tỷ đô la, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bộ Công thương Việt Nam.
Nguồn : RFA, 15/01/2021