Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/01/2021

Vài suy nghĩ về nền dân chủ ở Mỹ : di dân, an sinh xã hội và đếm phiếu

Đoàn Hưng Quốc

Di dân và an sinh xã hội bắt đầu với lý tưởng cao đẹp nhưng dần rơi vào những tính toán lạnh lùng của các phe phái chính trị đếm phiếu.

suynghi1

Người gốc Việt vào Hoa Kỳ lạm dụng an sinh xã hội không thua mà còn hơn những dân di dân khác, nhưng chỉ một thế hệ rồi sau đó phần đông con cái trở thành bác sĩ, kỹ sư và luật sư đóng góp cho nước Mỹ.

Kết quả bầu cử tại Georgia cho thấy quyền lực chính trị ở Mỹ thay đổi chỉ vỏn vẹn 10 ngàn lá phiếu nhất là đến từ dân thiểu số. Cho nên đảng Dân chủ dưới thời Biden sẽ gấp rút đẩy mạnh các chính sách nhập cư và an sinh xã hội nhằm biến đỏ thành xanh ở các tiểu bang như Arizona, Georgia hay ngay cả Florida và Texas vốn là những thành trì của đảng Cộng hòa cho đến nay.

Tưởng cũng nên nhắc đảng Dân chủ nắm trọn đa số từ Hành pháp cho đến Lập pháp sau khi chiến thắng ở Georgia vào tuần rồi (nếu tính bà Phó Tổng thống Kamala Harris bỏ lá phiếu quyết định trong trường hợp 50-50 ở Thượng Nghị Viện). Đông đảo người gốc Việt từ Cali và Việt Nam sang định cư ở thành phố Atlanta thuộc Georgia trong những năm gần đây góp phần cho tập thể thiểu số gốc Châu Á lớn mạnh và trở nên trọng điểm cho đảng Dân chủ vận động trong mùa tranh cử vừa rồi.

Người gốc Việt cũng di dân đông đã sang Arizona (đỏ sang xanh), Texas (đỏ sắp thành hồng) và Florida (xanh đỏ theo mùa). Dân thiểu số da đen và gốc Nam Mỹ đông hơn gốc Á nhưng khi kết quả bầu cử vô cùng sát sao thì chỉ vài ngàn lá phiếu có thể làm thay đổi kết quả.

Nếu Biden mở cửa nhập cư thì hàng trăm ngàn hay triệu người từ Nam Mỹ sẽ đến từ vùng biên giới của Arizona, New Mexico và Texas ; hàng chục triệu người gốc Nam Mỹ hiện sinh sống bất hợp pháp ở Hoa Kỳ sẽ gấp rút hợp thức hóa để vào quốc tịch. Chính sách đoàn tụ gia đình cho cha mẹ và vợ chồng lại được mở rộng nhằm thu hút các gia đình di dân kể cả người gốc Việt, cộng thêm triển vọng tăng trợ cấp xã hội và bảo hiểm y tế cho mọi người sinh sống ở Mỹ khi phát triển ObamaCare.

Trong khi Canada và Úc chọn lọc di dân dựa trên nghề nghiệp chuyên môn nhằm góp sức làm giàu cho nước họ thì chính sách nhập cư ở Mỹ đặt ưu tiên vào nhân đạo cho đoàn tụ gia đình và tỵ nạn từ Nam Mỹ. 

Là một người tỵ nạn được hưởng nhân đạo của quốc tế nên người viết rất thông cảm với những kẻ tỵ nạn khốn cùng từ Nam Mỹ. Người gốc Việt vào Hoa Kỳ lạm dụng an sinh xã hội không thua mà còn hơn những dân di dân khác, nhưng chỉ một thế hệ rồi sau đó phần đông con cái trở thành bác sĩ, kỹ sư và luật sư đóng góp cho nước Mỹ. Người gốc Nam Mỹ siêng năng lao động cực khổ trong các ngành trồng trọt và xây dựng nhưng lại không có truyền thống học vấn, cho nên số đông người vào Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng lâu dài đến xã hội Mỹ khi mà khoảng cách giàu nghèo giữa người ít học và có bằng đại học ngày càng sâu rộng. Một nhận xét chung là các chính trị gia gốc Nam Mỹ – ngoại trừ từ Cuba – đa số thuộc cánh tả đòi tăng thuế, di dân, y tế và bình đẳng xã hội. 

Trải qua bài học Georgia nên có một khuynh hướng trong đảng Dân chủ vận động khuyến khích dân da đen di cư từ các tiểu bang xanh miền Bắc xuống các tiểu bang đỏ miền Nam. Vừa nắm cả Hành pháp lẫn Thượng và Hạ Viện nên chính quyền Biden có thể sẽ đưa ra nhiều chương trình tài trợ cho hình thức di dân đó một cách kín đáo, chẳng hạn như ngân quỹ tạo công ăn việc làm cho dân da màu ở các tiểu bang miền Nam. Lại một lần nữa, không cần phải di cư ồ ạt mà chỉ tăng giảm một vài ngàn lá phiếu cũng đủ để làm nghiêng ngửa cán cân chính trị.

Di dân và an sinh xã hội bắt đầu với lý tưởng cao đẹp nhưng dần rơi vào những tính toán lạnh lùng của các phe phái chính trị đếm phiếu.

Đoàn Hưng Quốc

Nguồn : VNTB, 18/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đoàn Hưng Quốc
Read 454 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)