Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/01/2021

Hội nghị 15 phá vỡ điều lệ Đảng – thất bại của "phe" miền Nam

Hải Yến

Hội nghị Trung ương 15, hội nghị cuối cùng trước khi mở màn Đại hội XIII, có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng về nhân sự của Đảng đã khai mạc hôm 16/01 và bế mạc một cách nhanh chóng vào ngày 17/01.

miennam1

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại thủ đô Parisq ngày 27/1/1973 - Ảnh minh họa

Trong bài diễn văn bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Trung ương đã thông qua danh sách nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII và danh sách đề cử các đồng chí ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XIII với số phiếu tập trung rất cao.

Theo nguồn tin nội chính mà Thoibao.de có được, trước khi Hội nghị Trung ương 15 diễn ra, các phiếu thăm dò tín nhiệm cho những "trường hợp đặc biệt", trên 65 tuổi đối với ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân và Trần Quốc Vượng đã được gửi qua thư tới các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng trên cả nước.

Trong phiếu thăm dò được xếp từ trên xuống dưới và theo thứ tự, ông Nguyễn Phú Trọng, người tự xếp mình vào hai vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước, sau khi thu hồi các phiếu thăm dò qua đường bưu điện gửi về văn phòng Trung ương đảng, hôm 09/01 vừa rồi, Bộ Chính trị đã họp và đưa kết quả thăm dò ra để thảo luận.

Ở cột thăm dò Tổng bí thư thì ông Nguyễn Phú Trọng được 60% còn 30% bỏ phiếu cho cột Chủ tịch nước . Còn ông Nguyễn Xuân Phúc thì cao phiếu thứ hai. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân thì thua ông Nguyễn Xuân Phúc với tỷ lệ sát nút 2%, xếp thứ tư là ông Trần Quốc Vượng.

Kết quả cuộc họp Bộ Chính trị trên cơ sở đó đã quyết là hai suất "đặc biệt" dành cho hai người cao phiếu nhất là ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc được ở lại khóa 13. Tiếp theo Bộ Chính trị đã thảo luận để đưa ra thêm 2 người nữa cho hai ghế còn lại là ông Phạm Minh Chính và ông Vương Đình Huệ. Đó là kết quả vòng thứ nhất.

Vòng thứ hai tức là Hội nghị trung ương 15 hôm 16/01 bỏ phiếu cho 4 ông, thì ông Nguyễn Xuân Phúc cao phiếu nhất là hơn 95% còn hai ông Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ cũng trên 90%, tức là rất cao.

Còn ông Nguyễn Phú Trọng thấp nhất là 82%, nhưng quá bán là đã hội đủ yêu cầu, với đương kim Tổng bí thư tuổi cao và sức yếu, thì con số phiếu đạt 82% cũng là thành công với ông.

Theo quy trình, tới đây trong Đại hội 13, trong phiên đầu tiên sẽ biểu quyết để sửa đổi điều lệ, tức là thông qua cho ông Nguyễn Phú Trọng ở lại, vì ông Trọng đã 2 nhiệm kỳ rồi mà theo điều lệ thì chỉ được 2, nếu muốn 3 thì phải sửa đổi điều lệ, nhưng hiện nay phía Đảng Cộng sản Việt Nam chưa biết có sửa hay không.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến từ Ban Tuyên giáo cho rằng không nên sửa điều lệ, bởi vì sửa điều lệ rất nguy hiểm, nếu sửa, sau ông Trọng, người khác lên cũng sẽ muốn ngồi ghế Tổng bí thư cho tới chết, vì vậy chỉ cần bỏ phiếu cho ông Nguyễn Phú Trọng là được.

Dự kiến tại Đại hội 13, cuộc bỏ phiếu tới đây ở vòng thứ ba thì số phiếu có lẽ cũng không thấp, nếu vòng thứ 2 bây giờ đã cao như vậy.

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp cũng cho rằng thông tin về 4 vị trí nhân sự hàng đầu của Việt Nam như trên là đáng tin cậy và nhận định: "Tất cả những thay đổi trên là chưa có tiền lệ".

Ông bình luận việc Trung ương Đảng chấp thuận để Tổng bí thư Trọng, hiện 77 tuổi, ở lại tiếp tục giữ chức vụ cao nhất của Đảng dù tuổi cao, sức yếu và đã hết giới hạn nhiệm kỳ là một điều bất ngờ đối với hầu hết các nhà quan sát chính trị Việt Nam bởi Điều lệ của Đảng quy định rằng "Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp".

Ông nhận định quyết định được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 15 có nghĩa là việc sửa đổi điều lệ Đảng sẽ được tiến hành ngay tại Đại hội 13 để mở đường cho ông Trọng tiếp tục ở lại.

Điểm thứ hai phá vỡ truyền thống của Đảng là trong khi thông lệ là chỉ có một trường hợp đặc biệt được áp dụng cho vị trí tổng bí thư thì Hội nghị Trung ương 15 đã quyết định lần này ông Phúc sẽ được coi là trường hợp đặc biệt thứ hai để có thể ở lại đảm nhiệm chức Chủ tịch nước. Ông Phúc hiện 67 tuổi, đã vượt quá giới hạn 65 tuổi để tái cử vào Bộ Chính trị, được dự đoán trước đó là sẽ nghỉ hưu nếu không giành được vị trí tổng bí thư.

Điểm thứ ba được coi là phá vỡ thông lệ Đảng là việc ông Phạm Minh Chính đảm nhiệm vị trí Thủ tướng chính phủ.

Vì từ năm 1986 đến nay, vị trí này luôn được dành cho một trong các phó thủ tướng của nhiệm kỳ trước, một vị trí mà ông Chính chưa từng đảm nhiệm.

Và điểm thứ tư đi ngược với thông lệ quan trọng của Đảng là không có chính trị gia miền Nam nào nắm giữ một trong bốn vị trí cao nhất.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp phân tích về "điều bất thường" này như sau:

Về tiêu chí mà mọi người vẫn gọi nôm na là vùng miền, thực chất từ Đại hội 7 mới có những quy định hay quy ước là trong Tứ trụ nên có đủ thành phẩn của ba miền, lúc đầu do đó là phải ba miền, nhưng cho đến Đại hội 11 và Đại hội 12, dường như chỉ còn một quy chế, hay đúng hơn là quy ước là cặp Tổng bí thư và Thủ tướng chính phủ là phải khác miền.

Nếu lần này, theo danh sách mà người ta đồn, theo đó Tổng bí thư và Thủ tướng cũng đến từ miền Bắc, thì nó có vẻ phá vỡ quy ước trên mà từ Đại hội 7 đã đưa ra, tức là nó đã tạo ra sự khác biệt mà nói đúng ra là nó phá vỡ quy ước đó.

Thế nhưng quy ước ấy chưa bao giờ ghi thành văn bản và quy ước ấy đặt ra là để đảm bảo sự đoàn kết trong một quốc gia, một sự đoàn kết trong nội bộ đảng về mặt lãnh đạo cũng như là về các mặt ý chí và địa lý.

Thế thì lần xảy ra như thế, nhưng chúng ta vẫn thấy rằng vẫn có chức vụ đảm nhiệm bởi người miền Trung ở đấy, tức là trong Tứ trụ, nếu ông Nguyễn Xuân Phúc được quyết định ở lại như một trường hợp đặc biệt mà quá 65 tuổi, thì ông ấy là người miền Trung, chỉ có thiếu người miền Nam thôi.

Miền Nam từ sau năm 1986, tức là từ khi quá trình đổi mới kinh tế được khởi xướng từ năm 1986, là địa bàn đóng góp rất lớn về tăng trưởng kinh tế cho quốc gia, đấy là một điểm mấu chốt vô cùng quan trọng để đảm bảo đất nước tiến lên.

Lần này, nếu không có đại diện là người miền Nam ở trong Tứ trụ, thì chúng ta thấy đó là một chuyện mà có một điều gì đó hơi gợn, hơi đặc biệt, tuy nhiên, nếu nhìn mở rộng ra trong các khả năng khác, tức là tỷ lệ trong Ban chấp hành Trung ương, trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư sắp tới của Đại hội 13, thì thấy rằng số ứng cử của miền Nam cũng là rất đông.

Chí có chuyện là đông như thế, quan trọng như thế mà không có ai là người miền Nam ở trong Tứ trụ thì đây là lần đầu tiên nó sẽ là một chuyện đặc biệt như thế xảy ra, cũng như chúng ta thấy rằng ở Đại hội 10 đã không có người miền Trung ở trong Tứ trụ, chỉ có miền Bắc với miền Nam mà thôi.

Facebooker Nguyễn Tráng thì nhìn nhận hiện tượng này như là hậu quả của cuộc chiến khốc liệt giữa hai nhóm miền Nam mà đại diện là nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khiến sĩ phu Bắc Hà giỏi lý luận Nguyễn Phú Trọng là ngư ông đắc lợi.

Ông viết : "Cho đến Đại hội 11 (2011) quyền lực của phe Miền Nam trong hệ thống chính trị rất mạnh. Thậm chí, năm đó trong hàng tứ trụ có tới 2 người Miền Nam là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang".

Ngoài ra, còn có hàng loạt cái tên chính khách nổi bật gốc Nam, như Nguyễn Thiện Nhân, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Thị Kim Ngân…

Thời điểm đó, mặc dù "bậc nhân kiệt" Nguyễn Phú Trọng nắm chức Tổng bí thư nhưng quyền lực không lớn. Trong khi, phe Nghệ Tĩnh của Nguyễn Sinh Hùng lại hết sức mờ nhạt.

Tuy nhiên, từ 2011 đến nay hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng lại lao vào đánh nhau chí tử. Đây cũng là thời điểm xuất hiện hàng loạt các trang blog đánh phá đối thủ, như : Quan Làm Báo, Tư Sang Nham Hiểm, Chân Dung Quyền Lực…

Bên cạnh đó, hàng loạt đệ tử, phe nhóm lợi ích của cả hai bị bắt, khởi tố, thủ tiêu : Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Bá Thanh, Phạm Chí Dũng, Hà Văn Thắm, Bầu Kiên, Đặng Hoàng Yến, Trần Bắc Hà, Phạm Công Danh…

Cuộc đấu giữa hai nhân vật gốc Miền Nam là cơ hội tuyệt vời để Nguyễn Phú Trọng ngư ông đắc lợi, tập trung xây dựng quyền lực cho phe mình. Để rồi đến Đại hội 12 (2016), cả Nguyễn Tấn Dũng lẫn Trương Tấn Sang phải "về vườn làm người tử tế", để lại riêng Nguyễn Phú Trọng làm "trường hợp đặc biệt".

Suốt 5 năm qua, chính trường Việt Nam trở thành sân chơi của riêng Nguyễn Phú Trọng. Ông ta có quyền lực như vua chúa, múa gậy vườn hoang, tuỳ ý sắp xếp nhân sự. Muốn bắt hoặc kỷ luật ai, thanh trừng phe phái nào cũng được, chỉ cần nhân danh chống tham nhũng.

Phe Nghệ Tĩnh cũng thừa dịp trỗi dậy. Nhóm này trở thành thế lực cát cứ rất mạnh, với số lượng các Ủy viên Trung ương và tướng ta quân đội, công an nhiều nhất.

Đại Hội 13 sắp đến, rò rỉ một số danh sách nhân sự lãnh đạo cấp cao cho thấy phe Miền Nam đang thất bại thê thảm. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, phe này không có chân trong tứ trụ. Theo đó, cả Trương Hòa Bình, đệ tử của Trương Tấn Sang và Nguyễn Thị Kim Ngân, đệ tử của Nguyễn Tấn Dũng đều phải về vườn. Ngoài ra, Nguyễn Thiện Nhân cũng phải về hưu, còn Võ Văn Thưởng mang bệnh án ung thư không biết lay lắt ở lại hay về hưu non.

Hiện có hai nhân sự Miền Nam chắc chắn vào Bộ Chính trị khóa 13 là Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc và Nguyễn Văn Nên, Bí thư Sài gòn. Tuy nhiên, vị trí của Trần Thanh Mẫn không có nhiều quyền lực, còn Nguyễn Văn Nên là đệ tử ruột của ông Trọng thời làm Chánh văn phòng Trung ương đảng, thành ra cũng bị "Bắc hóa".

Tóm lại, hàng chục năm qua Sang – Dũng mải mê đấu đá lẫn nhau, để rồi thế lực tiêu hao, và Nguyễn Phú Trọng là người hưởng lợi nhiều nhất.

Miền Nam mạnh về kinh tế, đóng góp phần lớn cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên lại không có tiếng nói về mặt chính trị, và vì vậy nơi này giống như một thuộc địa kiểu mới cho các quan chức phía Bắc bóc lột, vắt kiệt sức.

Facebooker Lê Văn Đoành cũng có cùng nhận định với ông Nguyễn Tráng. Ông cho rằng việc thiếu hụt đội ngũ cấp cao kế cận hiện nay là hệ quả từ những cuộc đánh nhau "một mất một còn" của hai ngôi sao phương nam là Tư Sang và Ba Dũng. Người của bên này ngoi lên nhưng bị bên kia nắm cổ kéo xuống và ngược lại. Lãnh đạo cấp cao miền Bắc cứ thế mặc sức tung hoành, cài cắm người từ địa phương đến trung ương, dưới chiêu thức luân chuyển cán bộ.

Với 63 tỉnh thành hiện nay, miền Bắc (theo hiệp định Genève 1954) từ Quảng Bình trở ra gồm 29 tỉnh thành, miền Nam từ Quảng Trị vào gồm 34 tỉnh thành. Tại đại hội XII, có thể thấy một số liệu không cân xứng :

– 180 Ủy viên Trung ương chính thức của khóa XII, miền Bắc là 111, miền Nam chỉ có 69 người.

– 19 Ủy viên Bộ Chính trị, miền Bắc 13, miền Nam 6.

– 12 Thành viên Ban bí thư, miền Bắc 8, miền Nam 4.

Thiết kế như trên được đồn đoán là của "kiến trúc sư" Tô Huy Rứa. Nhìn qua đủ thấy cách làm nhân sự của "miền Bắc có lý luận" là đáng sợ. Cũng phải thôi, vì từ khóa VI đến khóa XII qua bảy khóa, miền Nam chưa bao giờ nắm vị trí Tổng bí thư, Bộ trưởng Bộ quốc phòng và chỉ "ân huệ" được giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương một lần hồi khóa VI, với trưởng ban Lê Phước Thọ (Sáu Hậu).

Nhìn cách bày binh bố trận thế này thì miền Nam lấy đâu ra người vào Ban chấp hành Trung ương :

Đà Nẵng, Bí thư Nguyễn Văn Quảng, 51 tuổi, quê Hải Phòng ;

Phú Yên, Bí thư Phạm Đại Dương, 46 tuổi, quê Hà Nội ;

Khánh Hòa, Bí thư Nguyễn Khắc Định, 56 tuổi, quê Thái Bình ;

Ninh Thuận, Bí thư Nguyễn Đức Thanh, 58 tuổi, quê Hà Tĩnh ;

Đắc Lắc, Bí thư Bùi Văn Cường, 55 tuổi, quê Hải Dương ;

Đồng Tháp, Bí thư Lê Quốc Phong, 42 tuổi, quê Hà Nội ;

Thành phố Cần Thơ, Bí thư Lê Quang Mạnh, 46 tuổi, quê Hà Nội.

Đó là chưa kể các đại quan ở Huế chạy vào giành ghế bí thư Bình Thuận, ông quê Quảng Ngãi lên nắm Kon Tum, ông Đà Nẵng xí phần tại Lâm Đồng. Hai ông Quảng Nam giựt chức bí thư hai tỉnh Đắc Nông và Bà Rịa-Vũng Tàu. Hai ông từ Tây Ninh một ôm Bí thư thành Hồ, một đoạt bí thư Hậu Giang.

Như vậy, 19 tỉnh thành Nam Bộ nhưng không có mấy người Nam Bộ làm tổng đốc, thì lấy cửa gì vào Trung ương XIII ?

Sau 35 năm, tính từ đại hội VI năm 1986, trong khóa tới, Nam Bộ chính thức không có đại diện trong "tứ trụ". Trước đó, hai khóa liên tiếp, Nam Bộ có cả hai nhân vật lọt vào bộ tứ để nắm ghế Chủ tịch nước và Thủ tướng, khóa X (Nguyễn Minh Triết – Nguyễn Tấn Dũng), khóa XI (Trương Tấn Sang – Nguyễn Tấn Dũng).

Miền Nam giàu có và trù phú, nhưng lệ thuộc, sai khiến và ban ơn mọi thứ từ kinh tế, chính trị, đến văn hóa xã hội… Cứ nhìn tỷ lệ phân chia các khoản thu ngân sách mà Trung ương xử ép thành Hồ thì rõ được thế cờ: Từ mức 33% giai đoạn 2000-2003, xuống còn 23% giai đoạn 2011-2016.

Dù gì thì Nam Bộ cũng nên cay đắng chấp nhận chuyện đã rồi. Cũng cần nói thêm, những Ủy viên Bộ Chính trị có gốc gác miền Nam từ trước đến nay hầu hết là những "khai quốc công thần" thời bưng biền ở Trung ương cục miền Nam, hoặc những "hạt giống đỏ" được ươm từ các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc. Còn gọi là phấn đấu để cơ cấu, thì đừng có mơ.

Năm 1978, khi thông báo bỏ tư cách đảng viên cộng sản và từ chối tham gia chính phủ mới, nữ bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, bộ trưởng Bộ Y tế năm 1978 của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã nói với luật sư Nguyễn Hữu Thọ rằng : "Anh và tôi chỉ đóng vai trò bù nhìn và chỉ là món đồ trang sức rẻ tiền cho chế độ".

Hải Yến (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 20/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hải Yến
Read 496 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)