Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/01/2021

Khung chiến lược của Hoa Kỳ đối với khu vực Indo-Pacific

The White House

Tài liệu giải mật

Các thách thức đối với an ninh quốc gia

- Làm thế nào để duy trì được ưu thế chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thúc đẩy trật tự kinh tế tự do đồng thời ngăn chặn Trung Quốc thiết lập những khu vực ảnh hưởng mới phi tự do, và tăng cường các lĩnh vực hợp tác nhằm thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong khu vực ?

- Làm thế nào để đảm bảo Triều Tiên không đe dọa đến Hoa Kỳ cùng các đồng minh, giải trừ mối nguy cấp bách hiện tại và mối nguy tiềm ẩn trong tương lai ở mức độ và kiểu loại như Triều Tiên đã đặt ra ?

- Làm thế nào để nâng cao vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ kết hợp với thúc đẩy một nền thương mại công bằng, có đi có lại ?

khung1

Các tàu của hải quân Hoàng gia Úc, hải quân Ấn Độ, lực lượng tự vệ hàng hải Nhật Bản và hải quân Hoa Kỳ ra khơi trong đội hình Malabar 2020 - Ảnh US Pacific Fleet

Những lợi ích lâu dài, tối quan trọng của Hoa Kỳ :

- Bảo vệ nước Mỹ ;

- Thúc đẩy sự thịnh vượng của nước Mỹ ;

- Giữ gìn hòa bình thông qua sức mạnh ; và

- Gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ;

Những lợi ích ưu tiên hàng đầu của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương :

- Bảo vệ nước Mỹ và công dân Mỹ ở nước ngoài ; ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân cùng các phương tiện để chuyên chở chúng ;

- Duy trì quyền tiếp cận về mặt kinh tế, ngoại giao và quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực đông dân nhất thế giới và chiếm tỷ trọng hơn một phần ba nền kinh tế toàn cầu ;

- Nâng cao uy tín và hiệu quả của các liên minh ; và

- Duy trì ưu thế của Hoa Kỳ trong khu vực đồng thời bảo vệ các giá trị cốt lõi và giá trị tự do của Hoa Kỳ tại quê nhà.

Nhận định

- An ninh và thịnh vượng của Hoa Kỳ phụ thuộc quyền tiếp cận mở và tự do đối với khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, khu vực này vẫn sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ, khu vực và toàn cầu.

- Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên cùng với tham vọng chinh phục Hàn Quốc mà nước này đã tuyên bố đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với nội địa Hoa Kỳ và các đồng minh.

- Sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực sẽ tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh an ninh trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, dẫn đến việc nhiều nước trong khu vực tăng cường chi tiêu cho quốc phòng, bao gồm cả Ấn Độ và Nhật Bản.

- Vấn đề phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh hàng hải, khủng bố và các tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết vẫn sẽ là những mối bận tâm chính về an ninh và là nguồn gốc của xung đột.

- Việc đánh mất sự vượt trội của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương sẽ làm suy yếu khả năng đạt được các lợi ích của nước Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

- Các liên minh mạnh mẽ chính là chìa khóa để ngăn chặn xung đột và thúc đẩy những lợi ích quan trọng của Hoa Kỳ.

- Cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp tục tồn tại do hệ thống chính trị và kinh tế của hai nước có sự khác biệt về bản chất và mục tiêu. Trung Quốc sẽ bất chấp các quy tắc và chuẩn mực quốc tế để giành được lợi thế.

- Trung Quốc có ý đồ chia rẽ các liên minh và đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực, từ đó tận dụng những cơ hội và khoảng trống được tạo ra bởi sự chia rẽ này.

- Một Ấn Độ mạnh, hợp tác với các nước cùng chí hướng, sẽ đóng vai trò là đối trọng với Trung Quốc.

- Ảnh hưởng về kinh tế, ngoại giao và quân sự của Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới và đe dọa đến khả năng đạt được các lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

- Trung Quốc tìm cách thống trị các công nghệ tiên tiến nhất, bao gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ gene và khai thác chúng để phục vụ cho thể chế độc tài. Sự thống trị của Trung Quốc trong các công nghệ này sẽ đặt ra những thách thức to lớn đối với các xã hội tự do.

- Việc Trung Quốc gia tăng giám sát người dân bằng công nghệ số, kiểm soát thông tin cũng như tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng khắp nơi sẽ làm tổn hại đến nỗ lực thúc đẩy các giá trị và lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, những mối nguy này cũng đang lớn dần ở khu vực Tây bán cầu và ngay tại đất Mỹ.

- Trung Quốc sẽ thực hiện các bước ngày đi càng quyết đoán để cưỡng bách thống nhất với Đài Loan.

- Vai trò của Nga tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương sẽ không lớn trong tương quan với Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Mục tiêu mong muốn đạt được :

- Triều Tiên không còn gây ra mối đe dọa cho Hoa Kỳ hay các đồng minh ; Bán đảo Triều Tiên không còn các loại vũ khí : hạt nhân, hóa học, không gian mạng và sinh học.

- Hoa Kỳ vẫn duy trì vị thế ưu việt về ngoại giao, kinh tế và quân sự tại khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới ; hầu hết các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương xem Hoa Kỳ là đối tác ưu tiên của họ ; sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng của Hoa Kỳ gia tăng trên toàn khu vực.

- Các quốc gia trong khu vực đề cao những nguyên tắc đã góp phần tạo nên sự thịnh vượng và ổn định của Hoa Kỳ và khu vực, bao gồm tôn trọng chủ quyền quốc gia, tự do hàng hải và hàng không, các chuẩn mực về thương mại và đầu tư, tôn trọng quyền của các cá nhân và nền pháp quyền cũng như minh bạch trong các hoạt động quân sự.

- Thị trường tự do chiếm thế thượng phong tại châu Á ; nền kinh tế Hoa Kỳ có thể tăng trưởng và tạo thêm việc làm khi hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.

- Các tranh chấp trong khu vực được giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế và không có sự cưỡng buộc.

- Khu vực Đông Nam Á gắn kết chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh và xã hội dân sự, bao gồm việc thông qua một Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vững mạnh ; hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác chính nhằm duy trì những nguyên tắc đã đề cập ở trên.

- Đông Nam Á kiểm soát được những mối đe dọa từ các phần tử khủng bố với sự hỗ trợ chỉ ở mức tối thiểu từ các quốc gia bên ngoài ASEAN.

- Đối tác ưu tiên của Ấn Độ về các vấn đề an ninh là Hoa Kỳ. Hai bên hợp tác duy trì an ninh hàng hải và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Á và Đông Nam Á cũng như các khu vực khác mà hai bên cùng quan tâm. Ấn Độ duy trì được năng lực đối phó với các hành động khiêu khích ở biên giới của Trung Quốc.

- Ấn Độ vẫn giữ vị thế vượt trội ở Nam Á và đóng vai trò chính yếu trong việc duy trì an ninh vùng biển Ấn Độ Dương, tăng cường gắn kết với khu vực Đông Nam Á và mở rộng hợp tác kinh tế, quốc phòng và ngoại giao với các đồng minh và đối tác khác của Hoa Kỳ trong khu vực.

- Hoa Kỳ cùng các đối tác ở mọi lục địa đều chống lại các hoạt động của Trung Quốc đe dọa đến chủ quyền quốc gia, bao gồm việc sử dụng ảnh hưởng ngầm hay áp lực cưỡng ép.

Phương hướng hành động :

Đối với các đồng minh & đối tác :

Mục tiêu 1 : Nhấn mạnh cam kết của chúng ta đối với khu vực, nêu bật tầm nhìn chung về một khu vực "Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Hành động

- Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ về mặt chuyên môn cho các chính phủ thân thiện nhằm thúc đẩy nền pháp quyền cùng các thể chế dân sự, đồng thời cảnh báo về các điều kiện ràng buộc của "Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Khung chiến lược của Hoa Kỳ chống lại hành động xâm lược kinh tế của Trung Quốc ("S. Strategic Framework for Countering China’s Economic Aggression").

- Phát triển năng lực ngoại giao công chúng mạnh mẽ để đối đầu với chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc ; phá vỡ luận điệu cho rằng sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực là không thể tránh khỏi.

Mục tiêu 2 : Tăng cường năng lực và nâng cao quyết tâm của Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc góp phần đạt được kết quả mong muốn của chiến lược này.

Hành động

- Điều chỉnh chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của chúng ta cho phù hợp với chiến lược của các nước Úc, Ấn Độ và Nhật Bản.

- Nhắm đến việc tạo ra một khuôn khổ tứ giác an ninh với Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ là các trung tâm chính.

- Tăng cường hợp tác ba bên với Nhật Bản và Úc.

- Thúc đẩy Hàn Quốc đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh khu vực bên ngoài bán đảo Triều Tiên.

- Tăng cường năng lực cho Nhật Bản trở thành một trụ cột gắn kết với khu vực và có công nghệ phát triển trong cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.

- Hỗ trợ hiện đại hóa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Mục tiêu 3 : Củng cố liên minh với Philippines và Thái Lan, tăng cường vai trò của hai nước này trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực.

Hành động

- Duy trì và nếu có thể thì mở rộng viện trợ phát triển nước ngoài cùng với hợp tác quốc phòng, bao gồm quyền tiếp cận (các cở sở quân sự), tập trận và huấn luyện, khả năng phối hợp hành động.

Mục tiêu 4 : Nâng cao vai trò lãnh đạo an ninh của Hoa Kỳ trong khu vực thông qua việc mở rộng hợp tác về những thách thức an ninh phi truyền thống với các quốc gia Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.

Hành động

- Mở rộng hợp tác với các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương về những vấn đề gìn giữ hòa bình, viện trợ nhân đạo/ứng phó thảm họa và y tế toàn cầu.

- Chia sẻ khó khăn cũng như thành quả của việc nghiên cứu, phát triển với các đồng minh và những đối tác cùng chí hướng để duy trì ưu thế quân sự.

- Thúc đẩy các quốc gia cùng chí hướng đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết những thách thức này và cùng chia sẻ gánh nặng đang ngày càng lớn. Chia sẻ những lợi ích thu được từ việc nghiên cứu và phát triển của chúng ta với các đồng minh cũng như các đối tác cùng chí hướng nhằm duy trì ưu thế quân sự tập thể.

Mục tiêu 5 : Hỗ trợ Đài Loan phát triển chiến lược và khả năng phòng thủ phi đối xứng hiệu quả từ đó giúp hòn đảo này đảm bảo an ninh, không bị ép buộc, có thể phục hồi nhanh chóng và tự chủ trong quan hệ với Trung Quốc.

Đối với Ấn Độ và khu vực Nam Á

Mục tiêu 1 : Đẩy nhanh sự trỗi dậy và năng lực của Ấn Độ đưa nước này trở thành một nước cung cấp an ninh ròng (net security provider) và Đối tác quốc phòng lớn (Major Defense Partner) ; củng cố quan hệ đối tác chiến lược bền chặt với Ấn Độ trên nền tảng một quân đội Ấn Độ mạnh mẽ có thể hợp tác hiệu quả với Hoa Kỳ và các đối tác trong khu vực nhằm giải quyết những vấn đề có lợi ích chung.

Hành động :

- Xây dựng một nền tảng vững chắc hơn cho việc hợp tác quốc phòng và khả năng phối hợp hành động ; mở rộng thương mại quốc phòng và khả năng chuyển giao công nghệ quốc phòng để nâng cao vị thế của Ấn Độ như một Đối tác Quốc phòng lớn ; tăng cường hợp tác về những mối quan tâm an ninh chung trong khu vực và khuyến khích sự tham gia của Ấn Độ bên ngoài khu vực Ấn Độ Dương ; ủng hộ việc Ấn Độ gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) ; hợp tác với Ấn Độ về vấn đề cải cách kinh tế trong nước cũng như nâng cao vai trò lãnh đạo của nước này trong Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Hỗ trợ cho Ấn Độ thông qua các kênh ngoại giao, quân sự và tình báo giúp giải quyết các thách thức ở lục địa như tranh chấp biên giới với Trung Quốc và vấn đề tiếp cận nguồn nước, trong đó có trường hợp của sông Brahmaputra và các con sông khác đang bị phía Trung Quốc thay đổi dòng chảy.

- (…) ủng hộ chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ cùng khát vọng trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, nêu bật tính tương thích của chính sách này với tầm nhìn của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

- Xây dựng sự ủng hộ của khu vực đối với những nguyên tắc chung của Hoa Kỳ và Ấn Độ tại Ấn Độ Dương, bao gồm thương mại tự do, minh bạch trong những khoản vay cho cơ sở hạ tầng và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình.

- Thúc đẩy hợp tác giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ về tất cả các loại nguồn năng lượng cùng công nghệ để đa dạng hóa nguồn năng lượng và nguồn cung cấp cho Ấn Độ.

- Hợp tác với Ấn Độ về vấn đề an ninh mạng, an ninh trên không gian vũ trụ và thu thập tình báo trên biển. Mở rộng việc chia sẻ và trao đổi các phân tích về thông tin tình báo giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ (…) tạo nên mối quan hệ hợp tác tình báo bền chặt hơn.

- Phối hợp với Ấn Độ và Nhật Bản để tài trợ cho các dự án giúp tăng cường kết nối khu vực giữa Ấn Độ và các quốc g ia trong vùng.

Mục tiêu 2 : Tăng cường năng lực của các đối tác mới nổi ở Nam Á bao gồm Maldives, Bangladesh và Sri Lanka góp phần vào việc xây dựng một trật tự mở và tự do.

Hành động :

- Thiết lập một sáng kiến mới cùng các đối tác ở khu vực Nam Á dựa trên mô hình Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á nhằm nâng cao thu thập tình báo trên biển, khả năng phối hợp hành động và chia sẻ dữ liệu với Hoa Kỳ. (…)

- Hỗ trợ thành lập một "trung tâm tổng hợp" thông tin hàng hải ở Ấn Độ Dương.

- Thành lập một diễn đàn khu vực nhằm thúc đẩy việc xây dựng các nguyên tắc và chuẩn mực chung.

- Xây dựng và đạt được sự đồng thuận rộng rãi về Tuyên bố các nguyên tắc quy định hành vi được phép trên biển, trong đó có cam kết hợp tác trong khu vực phù hợp với các mục tiêu an ninh chung.

Đối với Trung Quốc

Mục tiêu 1 : Ngăn chặn những chính sách công nghiệp và các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, không để chúng ‘bóp méo’ thị trường toàn cầu và làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ.

Hành động :

- Chống lại ‘chiến lược kinh tế săn mồi’ của Trung Quốc, thứ đã cản trở sự cạnh tranh của các đối tác nước ngoài, làm suy yếu khả năng cạnh tranh về kinh tế của Hoa Kỳ cũng như hỗ trợ Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện khát vọng thống trị nền kinh tế thế kỷ 21. (Cf. "S. Strategic Framework for Countering China’ s Economic Aggression").

- Xây dựng sự đồng thuận quốc tế rằng các chính sách công nghiệp và hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc đang gây tổn hại cho hệ thống thương mại toàn cầu.

Mục tiêu 2 : Duy trì ưu thế đổi mới sáng tạo của ngành công nghiệp Mỹ so với Trung Quốc.

- Hợp tác chặt chẽ với đồng minh và những nước cùng chí hướng nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc đạt được các năng lực về quân sự và chiến lược ; mở rộng thẩm quyền của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ để có thể kiểm soát các khoản đầu tư mạo hiểm và những hình thức đầu tư khác từ Trung Quốc ; ban hành các chính sách trong nước thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghệ chủ chốt. (Cf. "S. Strategic Framework for Countering China’ s Economic Aggression")

Mục tiêu 3 : Quảng bá các giá trị của Hoa Kỳ trong toàn khu vực để duy trì ảnh hưởng và đối trọng với mô hình nhà nước của Trung Quốc.

Hành động

- Phát đi các thông điệp cả công khai lẫn riêng tư cùng với thúc đẩy những sáng kiến cho thấy lợi ích của thể chế tự do và dân chủ đối với tất cả các quốc gia, bao gồm lợi ích về kinh tế, công nghệ và xã hội.

- Cùng các đối tác phối hợp các nỗ lực để bảo vệ và thúc đẩy những quyền và tự do đã được quốc tế công nhận.

- Thúc đẩy Hàn Quốc, Đài Loan, Mông Cổ, Nhật Bản và các nước đối tác theo thể chế dân chủ khác trong khu vực nói về trường hợp thành công của mình và những lợi ích mà họ đã nhận được.

- Hỗ trợ các nhà hoạt động và nhà cải cách trong khu vực.

- Cung cấp viện trợ phát triển, hỗ trợ về mặt chuyên môn và pháp lý cho những quốc gia muốn cải cách.

Mục tiêu 4 : Răn đe Trung Quốc không sử dụng lực lượng vũ trang tấn công Hoa Kỳ và các đồng minh hoặc đối tác của Hoa Kỳ, phát triển năng lực và các học thuyết nhằm làm thất bại những hành động của Trung Quốc trên mọi cấp độ xung đột.

Hành động

- Tăng cường sự hiện diện đáng tin cậy và tư thế sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương để bảo vệ các lợi ích và thể hiện cam kết an ninh của Hoa Kỳ.

- Xây dựng và triển khai một chiến lược phòng thủ có khả năng thực hiện, bao gồm nhưng không giới hạn, các việc sau :

1) ngăn chặn việc Trung Quốc kiểm soát vùng biển và vùng trời bên trong "chuỗi đảo thứ nhất" khi có xung đột nổ ra ;

2) bảo vệ các quốc gia thuộc chuỗi đảo thứ nhất, trong đó có Đài Loan ; và

3) kiểm soát tất cả các vùng nằm ở miền ngoài của chuỗi đảo đầu tiên. (…)

- Hỗ trợ các đồng minh và đối tác cải thiện thế trận an ninh của họ, bao gồm năng lực quân sự và khả năng phối hợp hành động, đảm bảo họ có được tự do và sự tự chủ chiến lược khi đối mặt với sự thúc ép từ Trung Quốc. Mở rộng quan hệ đối tác và nâng cao năng lực nhằm hạn chế việc Trung Quốc cưỡng ép các đồng minh và đối tác.

Mục tiêu 5 : Tăng cường sự tham gia của Hoa Kỳ trong khu vực đồng thời cảnh báo các chính phủ, doanh nghiệp, trường đại học, sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài, giới truyền thông và tất cả người dân về hành vi cưỡng ép và hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu.

Hành động

- Thiết lập một cơ chế cung cấp thông tin công khai giải thích các hành vi của Trung Quốc và những mối nguy mà họ gây ra cho lợi ích, tự do và chủ quyền của các quốc gia. (…)

- Đầu tư vào những công cụ (…) thúc đẩy việc giao tiếp không bị kiểm duyệt giữa các công dân Trung Quốc.

Mục tiêu 6 : Hợp tác với Trung Quốc khi phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ.

Hành động

- Trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nhấn mạnh việc hợp tác thực chất, cấp cao để hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng thống về một mối quan hệ mang tính xây dựng, đem lại kết quả.

- Chính sách ngoại giao trong quá khứ thường có phạm vi rộng nhưng không sâu, Trung Quốc là bên hưởng lợi.

Mục tiêu 7 : Duy trì lợi thế tình báo trước Trung Quốc, giúp cho Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác an toàn trước những hoạt động tình báo của Trung Quốc.

Hành động

- Trang bị cho các đồng minh và đối tác, từ đó cùng hợp tác với Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc và các hoạt động bí mật của Trung Quốc ở những nước này.

- Hoa Kỳ mở rộng và ưu tiên các hoạt động tình báo và thực thi pháp luật chống lại những chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Thúc đẩy các quốc gia cùng chí hướng làm điều tương tự.

- Tăng cường công tác phản gián cả ở thế phòng thủ lẫn t-ấn công, trong khu vực công lẫn tư nhằm ngăn chặn lợi thế về mặt tình báo đang ngày càng tăng của Trung Quốc ; mở rộng ngoại giao tình báo và hợp tác thực thi pháp luật với chính phủ các nước khác để tăng cường hiểu biết về ý đồ và năng lực của Trung Quốc.

- Hỗ trợ các đồng minh và đối tác xây dựng những tiêu chuẩn cao về công tác phản gián, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh mạng, an ninh công nghiệp và quản lý thông tin mật.

Đối với Bán đảo Triều Tiên

Mục tiêu : Thuyết phục chế độ của Kim rằng con đường duy nhất để tồn tại là từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Hành động

- Gây sức ép tối đa lên Bình Nhưỡng bằng các công cụ kinh tế, ngoại giao, quân sự, thực thi pháp luật, tình báo và thông tin nhằm làm tê liệt chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên, ngăn chặn các dòng tiền, làm suy yếu chế độ và đặt ra các điều kiện cho những cuộc đàm phán hủy bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược ở Bán đảo. Cân nhắc đàm phán nếu Triều Tiên thực hiện các bước đi nhằm The President’s North Korea Strategy", Cabinet hủy bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của mình (Cf. "Memo, 28 March 2017).

- (…) Thực hiện điều này bằng cách : (1) hỗ trợ Hàn Quốc và Nhật Bản đạt được năng lực quân sự thông thường tiên tiến ; (2) cải thiện mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản ; (…)

Đối với khu vực Đông Nam Á và các đảo ở Thái Bình Dương

Mục tiêu 1 : Thúc đẩy và củng cố vai trò trung tâm của Đông Nam Á và ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, khuyến khích các nước thành viên đạt được đồng thuận về những vấn đề then chốt.

Hành động

- Thắt chặt mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các nước Singapore, Malaysia, Việt Nam và Indonesia (…)

- Đề cao vai trò trung tâm của ASEAN như một nhân tố cốt yếu của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do.

- Củng cố vai trò lãnh đạo một cách chủ động của Nhật Bản nhằm thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á. (…)

Mục tiêu 2 : Ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố lan tràn ở Đông Nam Á

Hành động : Mở rộng sự tham gia của các quốc gia Đông Nam Á trong liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS ; thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn về thực thi pháp luật, quân sự và tình báo giữa các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương ; cung cấp viện trợ trực tiếp của Hoa Kỳ cho các nỗ lực chống khủng bố. (…)

Mục tiêu 3 : Thúc đẩy và hỗ trợ quá trình dân chủ hóa của Miến Điện (tức Myanmar)

(…)

Mục tiêu 4 : Đảm bảo các đảo ở Thái Bình Dương (ví dụ như các lãnh thổ của Hoa Kỳ, các Quốc gia Liên kết Tự do, các quốc gia thuộc vùng Melanesia và Polynesia) vẫn liên minh với Hoa Kỳ.

Hành động : Tăng cường sự hỗ trợ về ngoại giao, quân sự, tình báo, kinh tế, viện trợ phát triển và lợi thế nắm bắt thông tin trên các đảo ở Thái Bình Dương (…)

Mục tiêu 5 : Theo đuổi các mối quan hệ kinh tế và tăng cường kết nối với những quốc gia sẵn sàng áp dụng các cải cách dựa trên cơ chế thị trường. Theo đuổi những hiệp định thương mại có các tiêu chuẩn về thương mại và đầu tư do Hoa Kỳ đặt ra, từ đó làm giảm sự phụ thuộc kinh tế của khu vực vào Trung Quốc.

Hành động

- Vạch ra mục đích chiến lược cho các nguồn lực tài chính tổng hợp và sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ ; xúc tiến một mô hình hội nhập phát triển kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương như là giải pháp đáng tin cậy thay thế cho sáng kiến Một vành đai, một con đường ; thành lập một lực lượng chuyên trách nghiên cứu cách tận dụng hiệu quả quan hệ đối tác công – tư.

- Thúc đẩy Hoa Kỳ, đồng minh và đối tác dẫn đầu việc xây dựng các tiêu chuẩn về năng lượng, viễn thông, hậu cần và phát triển cơ sở hạ tầng.

- Mở rộng hoạt động của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và hỗ trợ cho sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN thông qua việc tạo thuận lợi thương mại, hiện đại hóa quản lý hải quan và hài hòa hóa các tiêu chuẩn.

- Khuyến khích tinh thần viễn chinh của khu vực tư nhân Hoa Kỳ, từ đó mở rộng thương mại và đầu tư hai chiều ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.

-Hết-

The White House

Nguyên tác : "U.S. Strategic Framework for the Indo-Pacific", The White House, 12/1/2021

Nguyễn Thanh Hải biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 24/01/2021

Chú thích :

Những đoạn (…) là các nội dung chưa được giải mật.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: The White House
Read 504 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)