Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/02/2021

Để cân bằng Nam-Bắc, tướng miền Nam được giao vai trò tuyên giáo

Nhiều tác giả

Việt Nam bổ nhiệm sĩ quan quân đội làm Trưởng ban tuyên giáo

Sebastian Strangio, VNTB, 23/02/2021

Việt Nam đã bổ nhiệm một sĩ quan quân đội cấp cao làm người đứng đầu bộ phận tuyên truyền quyền lực của đất nước, theo các báo cáo trên các phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam, một diễn biến xấu cho giới chống đối và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ luôn bị coi là ngày càng thu hẹp của đất nước.

quandoi01

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa trước đây đã giám sát việc thành lập một đơn vị tác chiến không gian mạng với 10.000 quân.

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa được bổ nhiệm vào ngày 19 tháng 2 làm trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ giám sát các phương tiện truyền thông được kiểm soát chặt chẽ của đất nước.

Ông Nghĩa, 59 tuổi, nguyên là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi đó ông Nghĩa đã giám sát việc thành lập Lực lượng Đặc nhiệm 47 vào năm 2017, một đơn vị tác chiến không gian mạng với 10.000 thành viên được lập ra để theo dõi các bình luận chính trị trực tuyến và lấp tràn không gian kỹ thuật số với nội dung ủng hộ sự cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam.

Sự thành lập của Lực lượng Đặc nhiệm 47theo sau một báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 1/2016, trong đó nêu rõ việc các thế lực thù địch "sử dụng triệt để phương tiện truyền thông" trên mạng nhằm thực hiện "diễn biến hòa bình" nhằm phá hoại sự cai trị của Đảng. Tại một hội nghị của Ban Tuyên giáo Trung ương ở thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12 năm 2017, ông Nghĩa được biết đã nói với người tham gia nhiệm vụ mới "Trong từng giờ, từng phút, từng giây, chúng ta phải sẵn sàng đấu tranh chủ động chống các quan điểm sai trái.

Do đó, việc ông Nghĩa được bổ nhiệm làm trưởng ban tuyên giáo là tin thảm khốc đối với cộng đồng các nhà đấu tranh ủng hộ dân chủ Việt Nam, làm tiêu tan mọi hy vọng về sự nới lỏng đáng kể không gian chính trị ở Việt Nam. Nguyễn An Dân, một nhà báo độc lập,nói với Đài Á Châu Tự do rằng tác động có thể xảy ra của việc bổ nhiệm trung tướng sẽ là loại bỏ những chỉ trích Đảng, cũng như vấn đề nhạy cảm trong mối quan hệ với Trung Quốc.

"Truyền thông Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức và khó khăn hơn, và dưới sự điều hành của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, truyền thông Việt Nam sẽ không thể đăng những câu chuyện về Trung Quốc như họ đã làm trước đây', Nguyễn An Dân nói.

Không có quá nhiều nhà quan sát kỳ vọng Việt Nam sẽ có một bước ngoặt tự do. Một trong những dấu ấn trong thập niên của Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trên cương vị chính trị hàng đầu của Việt Nam là ngày càng thu hẹp không gian thể hiện chính trị chỉ trích Đảng cộng sản Việt Nam và vai trò "chỉ đạo" trung tâm của đảng đối với nền chính trị Việt Nam.

Theo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, năm ngoái chính quyền bắt bớ tùy tiện hoặc truy tố ít nhất 28 người – trong số đó, các blogger, nhà báo độc lập và dân làng phản đối việc chiếm đất – vì vi phạm các tội danh liên quan đến an ninh quốc gia, chẳng hạn như "tuyên truyền" chống nhà nước hoặc "lạm dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước. " Những điều này cũng diễn ra cùng với sự kiểm soát ngày càng tăng đối với không gian trực tuyến, trong thời gian đại công ty Facebook được báo cáo đồng ý với một số lượng lớn yêu cầu của chính phủ Việt Nam trong việc xóa các bài đăng quan trọng từ nền tảng của Facebook.

Việc ông Nghĩa được bổ nhiệm làm trưởng ban tuyên giáo cũng cho thấy sự đan xen của quân đội trong hệ thống độc đảng không minh bạch của Việt Nam. Không giống như ở các quốc gia như Thái Lan và Myanmar, nơi các lực lượng vũ trang được hưởng nhiều quyền tự trị từ giới lãnh đạo dân sự, Đảng cộng sản Việt Nam áp dụng "sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện" đối với Quân đội nhân dân Việt Nam thông qua một hệ thống tổ chức đảng phức tạp. Ví dụ như Quân ủy Trung ương – tổ chức Đảng cao nhất trong Quân đội nhân dân Việt Nam – do Bộ Chính trị, cơ quan quyết định cao nhất của Đảng chỉ định.

Theo Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương, một nhà quan sát hàng đầu về chính trị Việt Nam, nghĩa vụ phòng thủ bên ngoài của quân đội được khớp với một chức năng bên trong quan trọng không kém:

"Bên cạnh nhiệm vụ ngày càng quan trọng là bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ mà không quân đội nào có thể thực hiện được", ông viết trong một báo cáo gần đây "Nhiệm vụ trung tâm là bảo vệ Đảng, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, điều đó đặt quân đội cùng với công an là lực lượng vũ trang của Đảng – Nhà nước, vào ngày trung tâm của an ninh trong nước".

Việc chính trị hóa quân đội – sự đan xen chặt chẽ giữa vai trò của quân đội với Đảng – cũng khiến quân đội trở thành một trong những thành phần bảo thủ nhất trong hệ thống chính trị, ngay cả khi giữ cho Quân đội nhân dân Việt Nam vững chắc dưới sự kiểm soát của Đảng, cũng phục vụ lợi ích của quân đội và giới chóp. Như ông Vuving kết luận, "Quân đội Việt Nam có thể sẽ là bức tường thành cuối cùng của chủ nghĩa Lênin trên con đường hiện đại hóa đất nước".

Sebastian Strangio

Nguyên tác : Vietnam Appoints Military Officer as Propaganda Chief, The Diplomat, 22/02/2021

Khánh An dịch

Nguồn: VNTB, 22/02/2021

******************

Tuyên giáo Đảng sẽ mang sắc màu hồng vệ binh ?

Trường Sơn, VNTB, 21/02/2021

Ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sinh năm 1957, quê Nghệ An, ngay sau khi vừa trúng cử Ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng khóa XIII, đã được Bộ Chính trị ‘phân công’ sang Ban Tuyên giáo Trung ương. Cùng thời điểm đó, ông Võ Văn Thưởng được ‘điều’ làm Thường trực Ban Bí thư.

Ai cũng nghĩ ông Thắng sẽ thay ông Thưởng làm ông trùm mật vụ về tư tưởng…

quandoi02

Cứ ngỡ ông Nguyễn Xuân Thắng – giám đốc Học viện Chính trị quốc gia sẽ ngồi vào ghế Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương…

Bất ngờ, trưa ngày 19/2, ông Võ Văn Thưởng, thường trực Ban Bí thư đã trao quyết định phân công công tác của Bộ Chính trị đối với ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bí thư Trung ương Đảng, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

quandoi03

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa được bổ nhiệm vào ngày 19 tháng 2 làm trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa sinh năm 1962, tên gọi thân mật theo phong cách Nam Bộ là Sáu Nghĩa, quê quán Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Năm 17 tuổi, ông nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc 1979. Ông có một con gái là Nguyễn Lê Huỳnh Trúc, thạc sĩ, du học tại Mỹ, hiện đang là giảng viên khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Vợ của ông làm việc tại Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.

"Tôi luôn giữ lời thề tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, tiếp tục rèn luyện đạo đức, tác phong công tác để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, nhân dân giao phó…", tân Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Phát biểu trên có điểm đáng chú ý là ông không đưa "Đảng" vào lời thề trung thành (1).

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa từng là phó chủ nhiệm chính trị Quân khu 7 (năm 2008), chính ủy Quân đoàn 4 (2010). Từ năm 2012 đến 19/2/2021, ông là phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với bề dày sắc lính như vậy, liệu sắp tới đây cơ quan Tuyên giáo Trung ương có trở thành Hồng Vệ Binh phiên bản Việt Nam thời cách mạng công nghệ 4.0 ?

"Hồng Vệ Binh" – danh xưng đầy đủ "Hồng vệ binh của chủ tịch Mao", đó là hàng trăm triệu thanh thiếu niên Trung Quốc được giáo dục đến mức cuồng nhiệt, tôn sùng chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Mao tới mức có thể xúc phạm, chửi bới, hành hạ, đày đọa, thậm chí giết chóc, bất cứ ai dám tỏ ra thiếu tin tưởng hoặc bất đồng chính kiến với những nội dung chính trị được Đảng cộng sản Trung quốc giảng dạy.

Trả lời cho thắc mắc trên, xin đọc lại một bản tin trên Reuters ngày 26/12/2017 (2).

"Nhà nước cộng sản Việt Nam tăng cường nỗ lực kiểm soát Internet, kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn các mạng xã hội và xóa bỏ nội dung có vẻ mang tính công kích, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy những nỗ lực này khiến sự chỉ trích lắng xuống trong bối cảnh các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội là công ty toàn cầu", bài báo của Reuters viết.

Reuters ghi nhận Lực lượng 47, gồm 10.000 người, sẽ ‘là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng’, ‘vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao’ – truyền thông Việt Nam dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch Tổng cục Chính trị hôm 25/12/2017.

Số nhân lực 10.000 người của Lực lượng 47 được so sánh với con số 6.000 nhân viên của Bắc Hàn. Tuy nhiên, ý kiến của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa gợi ý rằng lực lượng này tập trung chủ yếu vào người sử dụng internet trong nước, trong khi Bắc Hàn tập trung vào trên phạm vi quốc tế, vì internet không được phổ biến cho người dân nước này, vẫn theo Reuters.

Như vậy, với một tướng quân đội từng nắm giữ quyền bính ở đội quân 10.000 người ấy, nay chuyển sang ‘dân sự’, cho thấy không nhiều khả năng báo chí Việt Nam sẽ mấy dễ thở hơn ; và không loại trừ sẽ có một phiên bản Hồng Vệ Binh của Nguyễn Phú Trọng – theo đó những ai thiếu tin tưởng, bất đồng chính kiến với Tổng Bí thư Đảng đều có thể bị trừng trị.

Trường Sơn

Nguồn : VNTB, 21/02/2021

(1) https://tuoitre.vn/thuong-tuong-nguyen-trong-nghia-giu-chuc-truong-ban-tuyen-giao-trung-uong-2021021910542859.htm

(2) https://www.reuters.com/article/us-vietnam-security-cyber/vietnam-unveils-10000-strong-cyber-unit-to-combat-wrong-views-idUSKBN1EK0XN

*********************

Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo, nhóm Nam bộ đòi được thêm vị trí cao cấp trong Đảng

Jackhammer Nguyễn, Tiếng Dân, 20/02/2021

Một điều chỉnh nhân sự cấp cao vừa được Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện, chỉ vài tuần lễ sau Đại hội 13. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, 59 tuổi, không phải là ủy viên Bộ Chính trị, mà chỉ là ủy viên trung ương đảng, được chỉ định làm Trưởng ban Tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam.

quandoi04

Theo một số nhà báo trong nước thì vị trưởng ban tuyên giao tới đây, thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, là một người khá cởi mở.

Đây là một chức vụ quan trọng nên thường người đứng đầu phải nằm trong bộ phận quyền lực nhất là Bộ Chính trị. Như thế, khả năng ông Nghĩa sẽ được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị là rất lớn.

Khi kết thúc Đại hội 13, giới quan sát cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam không đạt được thỏa thuận 19 người trong Bộ Chính trị như khóa trước, mà dừng lại ở con số 18, một con số chẳn, sẽ bất lợi khi phải bỏ phiếu những vấn đề gây tranh cãi, bất phân thắng bại.

Điều thú vị là, trong suốt thời gian trước và trong Đại hội 13, dư luận chú ý rất nhiều đến chuyện ông Trọng đi hay ở, chuyện bốn nhân vật nào nằm trong tứ trụ, nay hóa ra nhân vật được bàn cãi khá lâu để sắp xếp, lại là nhân vật số 19.

Việc bổ sung tướng Nghĩa vào Bộ Chính trị, giải quyết được chuyện chẳn lẻ, và cũng giải quyết được cơ cấu vùng miền của chính trị Việt Nam, vì tướng Nghĩa gốc Nam bộ. Trong 18 người của Bộ Chính trị hiện nay, chỉ có ba người gốc Nam bộ, là ông Nguyễn Văn Nên quê Tây Ninh, đứng đầu thành Hồ, ông Trần Thanh Mẫn quê Hậu Giang, đứng đầu Mặt trận Tổ quốc, và ông Võ Văn Thưởng, người được tướng Nghĩa thay thế, quê Vĩnh Long.

Nếu tính từ Huế trở vào (đồng nhất với không gian văn hóa chính trị có nhiều ảnh hưởng từ thời Việt Nam Cộng hòa), tức là hơn phân nửa diện tích quốc gia, cũng chỉ có 6 người, thêm các ông Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Hòa Bình, và Trần Tuấn Anh (thật ra ông Tuấn Anh sinh ở Hà Nội, nhưng cha ông là ông Trần Đức Lương, dân Quảng Ngãi).

Trước đó, vào ngày 6/2/2021, ông Võ Văn Thưởng được bổ nhiệm chức Thường trực Ban Bí thư, tức là đứng đầu bộ phận trông coi công việc hàng ngày của Đảng, được xem như nhân vật quyền lực số 5, sau tứ trụ. Điều này được ông Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát từ Singapore, người có vẻ có nhiều nguồn tin nội bộ bên trong, đưa ra trước Đại hội 13.

Ông Hiệp cho rằng vì số người gốc Nam bộ trong Bộ Chính trị ít hơn vốn dĩ phải có, nên sẽ được bù đắp bằng vị trí số 5 đó. Việc thêm một nhân vật Nam bộ là ông Nghĩa vào cơ cấu Bộ Chính trị, phải chăng là để giải tỏa sự bất bình của nhóm Nam bộ tiếp tục sau Đại hội 13 ?

Việc tìm cho ra người thay ông Thưởng, có lẽ cũng không dễ dàng, vì đến hơn 2 tuần lễ sau đó người ta mới quyết định chọn tướng Nghĩa. Có thể tướng Nghĩa là một nhân vật có được các đặc điểm mà các phe, các khuynh hướng đều hài lòng. Ông là dân miền Nam, là người của quân đội, đồng thời ông lại là tướng chính trị, đi lên bằng con đường chính trị viên, chính ủy, mặc dù ông cũng là người từng kinh qua trận mạc (1979), gia đình ông cũng là gia đình "cách mạng gộc" vùng Gò Công.

Chuyển biến mới này đưa đến một điều khá lý thú là liên tục trong hai khóa, dân Nam bộ được biết là ít có mặt trong các vị trí giáo điều, lại nắm giữ chức trưởng ban tuyên truyền ý thức hệ của Đảng.

Vị trí này, với những tên gọi khác nhau từ khi Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập, thường do các nhân vật phía Bắc đèo Hải Vân phụ trách, trong đó có những người tượng trưng cho tầng lớp bảo thủ của Đảng như Trường Chinh, Tố Hữu, Đào Duy Tùng, Hoàng Tùng… Rất ít nhân vật miền Nam nắm vị trí này như Bùi Thanh Khiết (1982-1984) và Trần Trọng Tân (1986-1991).

Ông Võ Văn Thưởng học khoa Triết, trường đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng có 1 số bài viết tương đối đi ra ngoài kiểu cách tuyên truyền của Đảng như bàn về chủ nghĩa dân túy, hay là ông từng tuyên bố sẵn sàng tranh luận với người khác quan điểm với Đảng.

Không thấy ông tranh luận với ai cả, nhưng nói ra được như vậy cũng đã là khá hơn các vị tiền nhiệm rồi.

Dĩ nhiên, các chính sách chính trị, văn hóa của Đảng cộng sản Việt Nam được đảng quyết định chứ không phải cá nhân nào, và các nhân vật thuần đảng, phần đông xuất phát từ khu vực Thanh – Nghệ – Tĩnh vẫn nắm thế đa số trong đầu não của Đảng.

Theo một số nhà báo trong nước thì vị trưởng ban tuyên giao tới đây, thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, là một người khá cởi mở. Dù sao cả hai ông Thưởng và Nghĩa đều học hành và lớn lên ở miền Nam Việt Nam, chắc chắn các ông có tiếp xúc được với một không khí chính trị xã hội khác rất nhiều với không khí chính thống đỏ rực phía trên vĩ tuyến 17.

Jackhammers Nguyễn

Nguồn : Tiếng Dân, 20/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Sebastian Strangio, Khánh An, Trường Sớn, Jackhammers Nguyễn
Read 569 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)