Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/05/2017

Việt Nam : Đất nước của bạo lực và phẫn nộ

Hòa Ái

Cảm xúc ngày 30 tháng 4

Tuần vừa qua đánh dấu 42 năm cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Xấp xỉ nửa thế kỷ nhưng dường như ký ức của hàng triệu người Việt từng trải nghiệm qua cuộc chiến mãi không bao giờ nhạt nhòa về những tháng ngày lịch sử đó. Tâm tình này được một thính giả đã nghẹn ngào nói trong nước mắt rằng "Cứ vào ngày 30 tháng 4 hàng năm, nỗi ám ảnh giống như một vết thương không thể lành vì hễ mỗi khi trái giỏ trở trời lại bị nhức nhối".

baoluc1

Người lính Việt Nam Cộng Hòa sáng 30/4/1975. AFP photo

Ngày 30 tháng 4 năm 2017 cũng là thời điểm đánh dấu 42 năm nhiều người con đất Việt phải chọn cuộc sống xa xứ trong thân phận tị nạn và không ít người trong số này chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do đã hơn 4 thập niên mà họ vẫn sống với nỗi ám ảnh về chiến tranh và họ bắt gặp chính mình qua các nhân vật trong tuyển tập truyện ngắn "The Refugees" (Những người tị nạn) của tác giả Nguyễn Thanh Việt, người đoạt giải thưởng Pulitzer danh giá với tác phẩm "The Sympathizer" (Cảm tình viên). Nhân dịp này, các cựu chiến binh miền Bắc cũng chia sẻ với RFA về cảm xúc hồi tưởng giây phút đất nước thống nhất hồi 42 năm về trước, nhưng giờ đây đa số họ lại ngậm ngùi với hiện tình đất nước, như cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn cho rằng "Rất buồn bởi đó là bi kịch lớn của dân tộc". Và thế hệ thanh niên Việt Nam ở trong nước, nhiều bạn trẻ sinh trưởng sau chiến tranh nói là nhờ vào internet mà các bạn biết được sự thật của lịch sử, tuy nhiên không thể phủ nhận đó là ngày thống nhất đất nước và không cảm thấy hoang mang khi mỗi sáng thức dậy nhìn thấy sự chết chóc.

Không chết vì súng đạn

42 năm thống nhất đất nước, người dân Việt Nam không mất mạng, thương vong vì súng đạn. Nhưng những số liệu thống kê hàng năm cho thấy số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông, vì bệnh ung thư đáng báo động. Một tình trạng dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm là rất nhiều công dân nếu bị bắt đưa đến đồn công an làm việc chết một cách bất minh mà giải thích được cơ quan chức năng đưa ra là đương sự tự tử trong trại tạm giam.

Vụ việc mới nhất xảy đến với nạn nhân Nguyễn Hữu Tấn, người bị bắt đến đồn Công an tỉnh Vĩnh Long để điều tra do có hành vi "phát tán tài liệu chống phá nhà nước", theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Gia đình ông Nguyễn Hữu Tấn được công an thông báo người thân đã cắt cổ tụ sát chết chỉ vỏn vẹn trong vòng chưa đầy nửa ngày tại đồn công an.

Mặc dù trong những năm qua hiện tượng người chết trong đồn công gây nên sự phản đối mạnh mẽ trong dư luận vì hầu như dân chúng không ai tin vào nguyên nhân chết là do tự tử, theo như thông báo của công an. Hình ảnh nạn nhân Nguyễn Hữu Tấn nhắm mắt im lìm trong cỗ quan tài với vết cắt quanh cổ được lan truyền trên các trang mạng xã hội cùng với âm vang phẫn nộ tột cùng của cư dân mạng. Rất nhiều thính giả RFA đặt câu hỏi với giới chức lãnh đạo Hà Nội rằng "Xã hội Việt Nam hiện nay tại sao người dân lại thích chết ở đồn công an nhiều vậy ? Tại sao họ không chọn nơi khác để chết ?" Thính giả Thái Lai cũng nêu lên thắc mắc "Dù có phát tán tài liệu phản động thì bị tù chứ có bị tử hình đâu, mà một người dám chống Đảng thì tại sao lại tự sát ?" Thính giả Quang Vinh khẳng định "Công an tỉnh Vĩnh Long bịa đặt một cách ngu xuẩn vì chẳng có lý do gì mà mới hỏi cung đã tự sát".

Những cái chết khuất tất tại đồn công an mà dư luận cho rằng họ chết vì bị công an tra tấn và dùng nhục hình và gia đình của nạn nhân đi kêu oan, cầu cứu chính quyền xem xét thì chỉ nhận được sự im lặng như trường hợp đau lòng của bà mẹ nghèo Nguyễn Thị Ái, đã hỏi "cô ăn cơm chiều chưa" trong nước mắt như thể đang hỏi đứa con duy nhất của mình khi Hòa Ái gọi điện thoại hỏi thăm có tin tức hồi đáp nào của cơ quan công quyền liên quan đến cái chết của anh Phạm Ngọc Nhung.

baoluc2

Cảnh sát mặc thường phục đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 02 tháng 6 năm 2013. AFP photo

Trong tuần qua, số liệu bao nhiêu người dân bỏ mạng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, bao nhiêu người chết trên đường vượt biển, bao nhiêu người nằm lại vĩnh viễn nơi trại tù cải tạo, bao nhiêu người đói khổ trong thời bao cấp lần lượt được thu thập, liệt kê và công bố. Thế nhưng, chiến tranh kết thúc 42 năm, người dân trong nước lại bấn loạn sợ hãi vì không biết khi nào tới lượt mình qua vụ việc nhóm côn đồ hành hung 3 phụ nữ tại quận 2, Sài Gòn hồi ngày mùng 2 tháng Năm.

"Đánh đập người rồi tung lên mạng. Thực là phi pháp trắng trợn, dã man, bêu xấu bộ mặt xã hội lên khắp toàn cầu. Đám người hành hung đó đã xem thường luật pháp không ra gì. Nếu chính quyền mặc nhiên không lên tiếng và làm rõ vụ việc thì có ngày toàn bộ xã hội Việt Nam sẽ biến thành chiến trường, nơi ẩu đả, xâu xé, thanh toán, cướp bóc, đánh đập và giết người vô tội vạ. Tình trạng nầy rất khẩn trương và bạo động đã đến thời kỳ nguy ngập, vô kỷ cương, vô trật tự và vô pháp luật khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam".

"Đây là một trong những hành vi khủng bố...chà đạp nhân phẩm và đe dọa tính mạng công dân...gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống bình an của xã hội. Đề nghị pháp luật cũng như công luận phải vào cuộc đưa nhóm côn đồ này ra trước vành móng ngựa".

"Phải trừng trị thích đáng những kẻ xâm phạm gia cư bất hợp pháp, vô cớ đánh người. Nếu làm không nghiêm thì xã hội sẽ loạn".

"Nếu nhà cầm quyền mà không xử lý nghiêm minh vụ côn đồ tấn công và chà đạp nhân phẩm công dân mới xảy ra ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh thì chính nhà cầm quyền là kẻ chủ mưu, đứng sau lưng nhóm côn đồ để trấn áp những tiếng nói phản biện của người dân".

"Theo tôi đây là công cụ của công an. Ai sẽ bảo vệ và định tội những kẻ này ? Bằng chứng là công an quận 2 ép nạn nhân ký đơn bãi nại. Vụ này rồi cũng chìm xuồng thôi vì đúng quy trình để cảnh cáo, dằn mặt các nhà hoạt động xã hội và dân chủ-nhân quyền".

"Luật pháp cần được tôn trọng. Người dân cần được bảo vệ. Nếu không, mọi thứ sẽ sụp đổ mà không thể nào cứu vãn".

"Ông Đinh La Thăng còn không được bảo vệ thì làm gì tới lượt người dân, mà lại là những người nói lên sự thật, một thế lực ‘phản động’ trong mắt của nhà cầm quyền".

Cất lên tiếng nói ôn hòa vì một xã hội tiến bộ và văn minh, nhưng những người lên tiếng như thế lại là đối tượng bị côn đồ và an ninh mặc thường phục công khai sách nhiễu, hành hung, dọa giết và không ít người chịu cảnh tù đày. Rất nhiều công dân Việt Nam tuân thủ luật pháp, luôn thực thi khẩu hiệu mà Nhà nước đưa ra ‘Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật’, nhưng họ lại bị dồn vào thế đối đầu khi có xảy ra sự không đồng thuận giữa chính quyền với người dân, như vụ việc cưỡng chiếm đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Dân chúng nơi đây bị buộc phải hành xử một cách không theo qui định của luật pháp qua việc bắt cán bộ, công an, cảnh sát cơ động làm con tin.

Với vụ việc ở xã Đồng Tâm và vụ việc ở quận 2, nhiều thính giả từ trong nước nói với RFA rằng thời buổi bây giờ, người tốt là "thế lực thù địch" đối với chính quyền, còn côn đồ ra tay đánh đập người khác vì cho rằng họ là "phản động" lại là công dân yêu nước. Một thính giả gửi email về đài, viết là "42 năm Việt Nam được thống nhất bằng vũ khí, đạn dược dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế nhưng không biết bao giờ Chính phủ Hà Nội thống nhất được lòng dân trong cuộc chiến niềm tin đang ngày càng vỡ nát ?".

Hòa Ái, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 05/05/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hòa Ái
Read 693 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)