Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/02/2021

"Việt Nam cần có hệ thống giáo dục tâm lý học đường cho học sinh"

Mạc Văn Trang

Qua vụ việc học sinh phổ thông tát cô giáo trong lớp học trong video clip, gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội, Đài RFA phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trạng, chuyên về tâm lý học và từng làm việc tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam để trao đổi với ông liên quan thông tin vừa nêu.

baoluc1

Các vụ bạo lực học đường xảy ra tràn lan ở Việt Nam. RFA Edited

Trước hết, Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang nói về trường hợp nam học sinh tát cô giáo trong lớp học :

Mạc Văn Trang : Trường hợp này phân tích thì phải gồm nhiều khía cạnh, chẳng hạn như bản thân em học sinh như thế nào. Học sinh này là một em học sinh có thần kinh không bình thường hay xưa nay ngổ ngược hoặc bản tính ra làm sao…Phải đi sâu vào phân tích bản thân học sinh này.

Thứ hai, cô giáo cũng phải được xem xét. Bởi vì cô giáo có hay nạt nộ học sinh hoặc có những đối xử bất công với học sinh hay không, hay không có uy tin…

Có nhiều vấn đề để phân tích, chứ không thể nói chung chung. Thế nhưng có một điều có thể nói ngay là một hành động như thế cũng hiếm khi xảy ra. Có ba vấn đề ở đây :

- Một là bản thân em học sinh này có thần kinh không bình thường, thiếu được giáo dục từ gia đình và nhà trường từ trước đến nay.

- Thứ hai, ở tập thể lớp. Bởi vì ở tuổi thiếu niên này thì tập thể lớp rất quan trọng. Các em hành động như thế tức là bất chấp tập thể lớp. Đối với giáo dục, tập thể lớp trở thành một kỷ luật của tập thể. Cho nên đây cũng là một điều để cân nhắc.

- Người giáo viên phải xây dựng kỹ luật tập thể của lớp, chứ ko phải từng cá nhân một vì sức mạnh tập thể của lớp rất quan trọng. Bởi vì hành động đó không chỉ là hỗn với cô, mà đối với tập thể lớp là điều không thể chấp nhận được.

RFA : Theo thông tin từ các cơ quan chức năng cho báo giới biết là học sinh này bị kỷ luật cho nghỉ học một năm. Nhưng với góc nhìn của bác sĩ Võ Xuân Sơn, mà ông chia sẻ trên Facebook thì nếu như học sinh sau khi bị kỷ luật và bỏ học luôn thì giống như cậu học hò này bị bỏ ra bên lề xã hội. Theo ông thì biện pháp kỷ luật như thế thích đáng hay không, hay cần phải có một cái nhìn khác hơn đối với những trường hợp cá biệt như em học sinh này ?

Mạc Văn Trang : Có những trường hợp mà các em học sinh vi phạm nhiều thứ ở trong lớp. Ví dụ như đánh giáo viên, đánh bạn, không chấp hành kỷ luật gì cả và thậm chí có cả những hành vi bạo lực….

Trước đây, những học sinh như thế được xếp vào là học sinh bất thường và được đưa đến các trung tâm giáo dục đặc biệt.

Ở Việt Nam, ngày nay, có những trường gọi là ‘trường giáo dưỡng’ do công an quản lý. Các em vị thành niên mà có những hành vi phi xã hội thì có thể được gửi đến đấy.

Thế nhưng trường hợp của em học sinh này thì tôi cũng không nghiên cứu kỹ, không biết ra làm sao. Cho nên có trường hợp như em học sinh bị đuổi học một năm rồi cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tại vì ở nhà một năm thì có thể em học sinh càng lêu lổng, càng hư hơn.

Vấn đề là phải có cách giáo dục nào đó. Ở đây, nếu học sinh có những hành vi vi phạm nghiêm trọng thì có thể gửi học sinh đến trung tâm giáo dục khác.

Ở Hà Nội có trường dành cho các học sinh bị những trường khác kỷ luật, như trường Đinh Tiên Hoàng nhận các học sinh bị lưu ban, bị kỷ luật, vô kỷ luật bị đuổi học. Các học sinh đó được đưa về trường này để giáo dục, gọi là giáo dục đặc biệt.

RFA : Theo nhận xét của ông thì hiện nay hoạt động của các trường đó có hiệu quả hay không, và có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình trong việc giáo dục cho những em học sinh có tâm lý không bình thường, hay có những phản ứng cần được quan tâm đặc biệt hơn ?

baoluc2

Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang (bìa phải) và học trò cũ. Courtesy of Mạc Văn Trang

Mạc Văn Trang : Theo như tôi biết thì hiện nay có một số trường ở trường thể dục thể thao thì có có một trung tâm để giáo dục các em học sinh ngổ ngược. Trước hết là ở môi trường giáo dục trước đây các em không thể chấp nhận được và bây giờ sang môi trường này thì người ta tôn trọng các em hơn, cho các em hoạt động nhiều hơn như các em được tập võ, được đá bóng, đi dã ngoại, picnic…Qua các hoạt động như thế thì dần dần đưa các em vào kỹ luật và đặc biệt xây dựng những nhóm trong tập thể của lớp có kỹ luật. Nếu như em đá bóng và có hành vi vi phạm thì trọng tài sẽ phạt thẻ vàng, thậm chí cho thẻ đỏ. Qua đó thì dần dần uốn nắn được học sinh vào kỹ luật. Kỹ luật đó là kỹ luật của tập thể, kỹ luật của quá trình hoạt động chứ không phải chuyện thầy giáo ghét học sinh rồi học sinh tức tối với thầy giáo. Những đứa trẻ nghịch ngợm khi đưa vào một khuôn khổ của tập thể với kỹ luật có tính chất khách quan như thế thì em nào cũng phải chịu như vậy và các em sẽ chấp nhận và chấp hành được.

Tại trường Đinh Tiên Hoàng rất nổi tiếng vì có những giáo viên chuyên trách, hiểu tâm lý học sinh và làm việc với học sinh cá biệt rất tốt. Đồng thời trường có nhiều hoạt động để giải tỏa năng lượng thừa hay những tính hiếu động của học sinh. Các hoạt động này cũng có kết quả.

RFA : Theo chia sẻ của ông về trường học giáo dục theo phương pháp như vậy thì chứng tỏ phần trăm tỷ lệ học sinh ngổ nghịch không ít. Nhưng ngược lại cũng có những phụ huynh chia sẻ với RFA rằng họ rất đau lòng khi con em của họ ở nhà rất ngoan hiền và vào trong lớp thì được giáo viên khen học giỏi, chăm ngoan ; tuy nhiên các em lại có biểu hiện trầm cảm và muốn tự hại mình và dẫn đến các trường hợp tự tử khiến cho gia đình bị sốc.

Đài RFA ghi nhận có những ý kiến cho rằng vì ngành giáo dục ở Việt Nam dạy cho học sinh chỉ biết phục tùng và không biết phản biện để lên tiếng bảo vệ cho mình nên gây ra hậu quả dẫn đến những em học sinh tự ti hay ngổ nghịch như vậy. Tiến sĩ nhận định thế nào về ý kiến vừa nêu ?

Mạc Văn Trang : Ở Việt Nam hiện nay thiếu một hệ thống gọi là những nhà tâm lý học học đường. Ở nhiều nước thì trong những trường học, người ta có các bác sĩ thực hành, bác sĩ tâm lý học đường để theo dõi học sinh.

Có rất nhiều vấn đề như có những em học sinh bị trầm cảm, bị stress và có những em học sinh bị kích động, không bình thường…Hoặc một học sinh học kém do nhiều lý do, mà nhà trường không giúp các em tháo gỡ, vượt qua trong khi chỉ cho điểm kém hay kỹ luật, mắng mỏ các em khiến cho các em học sinh càng ức chế và phản ứng.

Thế thì, hiện nay ở Việt Nam thiếu tâm lý học học đường để có thể giúp từng em học sinh một.

Chẳng hạn như trường hợp em học sinh học kếm vì nhiều lý do như có thể gia đình khó khăn, thiếu thốn sách vở và thời gian học tập ; có thể do em đó có vấn đề về trí tuệ ; có em có vấn đề hành vi, về cảm xúc…Rất nhiều vấn đề về tâm lý. Cho nên phải có hệ thống giáo dục đó. Hiện nay Việt Nam hoàn toàn không có hệ thống giáo dục tâm lý học đường.

RFA : Tiến sĩ nhìn nhận rằng bây giờ có phải là lúc cần thiết mà ngành giáo dục nên đưa vào hệ thống giáo dục tâm lý học đường theo như ông nhận xét là đang bị thiếu trầm trọng, gần như là không có hoàn toàn ?

Mạc Văn Trang : Đúng thế. Tại vì giáo dục bây giờ khác ngày xưa rất nhiều. Học sinh ngày nay tiếp cận rất nhiều thông tin, ảnh hưởng tác động xã hội không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài, trên mạng xã hội chẳng hạn và bị chi phối rất nhiều. Trong khi đó, bố mẹ và thầy cô giáo vẫn đối xử với các em như trước kia. Nhất là lứa tuổi thiếu niên từ 11 đến 16,17 tuổi và đó là thời kỳ gọi là khẳng định ‘cái tôi’ của các em mà các em cứ bị chèn ép, không được tôn trọng.

Riêng chuyện giáo dục mà không cho trẻ em tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, cứ bắt các em chấp hành, phục tùng, rập khuôn thì đã gây ức chế và khó chịu lắm rồi nên các em phản ứng.

Nếu trong nhà trường có dân chủ hóa, cho tôn trọng tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt của học sinh, tôn trọng nhân cách học sinh. Một khi con người ta được tôn trọng thì người ta cũng dễ tôn trọng người khác. Con người ta được đối xử tử tế thì cũng biết tử tế hơn với người khác. Đây là một quá trình giáo dục từ nhỏ cho đến tuổi thiếu niên. Còn nếu từ nhỏ không được đối xử như thế thì đến tuổi thiếu niên, các em sẽ gặp khủng hoảng và sẽ có những hành vi bất thường, rất khó khăn trong giáo dục. Từ gia đình, các em chống lại bố mẹ. Từ nhà trường, chống lại giáo viên. Từ xã hội, các em chống đối nhau, gây ra bạo lực học đường rất nguy hiểm. Cho nên vấn đề gọi là khủng hoảng trong giáo dục hiện nay là như thế. Và, muốn sửa chữa chuyện đó thì phải toàn hệ thống, từ gia đình, từ mầm non, giáo dục từ mẫu giáo trở lên phải được quan tâm một cách có hệ thống thì khi đến tuổi thiếu niên mới đỡ phức tạp, đỡ những hành vi bộc phát dẫn đến hậu quả không tốt.

RFA : Chân thành cảm ơn Tiến sĩ Mạc Văn Trang dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với RFA.

Nguồn : RFA tiếng Việt, 23/02/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mạc Văn Trang
Read 383 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)