Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/03/2021

Vai trò nào cho Quốc hội khóa 15 ?

Triệu Tử Long - Trần Dzạ Dzũng

Quốc hội XV sẽ thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ?

Triệu Tử Long, VNTB, 11/03/2021

Lá phiếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết định cho những ai sẽ là đại biểu Quốc hội, và ai sẽ được sắp vào ghế quyền lực nào.

quochoi1

"Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước".

(Điều 69, Hiến pháp 2013)

"Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu kịp thời triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng".

(Trích phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 8/3/2021).

Câu phát biểu trên cho thấy với cụm từ cơ sở pháp lý, đang đặt ra câu hỏi : "Đó là pháp lý gì ?", vì cho đến nay theo Hiến pháp 2013, nhân sự của Quốc hội là từ lá phiếu của người dân, để sau đó Quốc hội sẽ hình thành nội các chính phủ nhiệm kỳ tương ứng.

Hiến pháp 2013, Điều 4.3 nhấn mạnh : "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Theo báo chí tường thuật về Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, thì :

"Theo quy chế làm việc, tại hội nghị lần này, Bộ Chính trị cũng trình Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch quốc hội là những chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, đồng thời báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu, hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, vấn đề nhân sự mà Hội nghị trung ương quyết định và tham gia ý kiến lần này cần quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác nhân sự do Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, hài hòa của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung" (*).

Vẫn là yêu cầu căn cứ của cơ sở pháp lý như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập, cho thấy một lần nữa Điều 4.3, Hiến pháp 2013 có dấu hiệu bị vi phạm. Bởi lẽ, khi chưa có lá phiếu của cử tri, thì làm sao biết trong tương lai sắp tới những chính khách nào sẽ được công chúng lựa chọn cho ‘trúng cử’ ?

Hơn thế, việc "giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch quốc hội" ở thời điểm này có thể là vi phạm Luật tổ chức Quốc hội. Điều 8.1 của luật này ghi : "Quốc hội bầu Chủ tịch quốc hội, các Phó Chủ tịch quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban thường vụ Quốc hội".

Tuy nhiên như đã dùng từ ‘có thể’ ở đoạn trên, vì có một lấn cấn giúp tạo hành lang pháp lý cho chuyện Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bàn bạc "giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch quốc hội", đó là ở Điều 8.1, Luật tổ chức Quốc hội có ghi thêm một câu được thể ‘xuống dòng’ trong văn bản :

"Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch quốc hội, Phó Chủ tịch quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước".

Theo phép tam đoạn luận : Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sẽ gút danh sách nhân sự, để sau đó Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa hiện hành theo đó mà đề nghị cho Quốc hội khóa XV.

Và điều đó cho thấy ở Việt Nam, lá phiếu của 180 đảng viên trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết định cho những ai sẽ là đại biểu Quốc hội, và ai sẽ được sắp vào những cấp bậc của ghế quyền lực ra sao.

Tạm kết : nếu những biện luận ở trên là đúng, thì xem ra chưa mấy tin tưởng vào lá phiếu cử tri mà người dân Việt Nam sẽ đi bầu vào Chủ nhật 23/5 tới đây.

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 11/03/2021

Chú thích :

(*)https://tuoitre.vn/hoi-nghi-trung-uong-2-xem-xet-gioi-thieu-nhan-su-lanh-dao-cap-cao-cua-cac-co-quan-nha-nuoc-2021030809441897.htm

*****************

Dân chủ hình thức ?

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 10/03/2021

Đồn đoán, số đại biểu quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất, ban đầu Trung ương giới thiệu 15, nhưng sau rút hết 8, số còn lại có 10 người tái cử.

Như vậy, danh sách ứng cử đại biểu chính thức sẽ còn 50, bầu lấy 30.

quochoi2

Có ý kiến, cho dù đảng viên ấy là ứng cử viên của Trung ương, nhưng khi được đưa về địa phương ứng cử, đảng viên đó sẽ trở thành đại biểu của địa phương. Do vậy, thực chất về mặt hình thức, ở Việt Nam rất dân chủ, không có đại biểu nào là của Trung ương cả. Tất cả đều là đại biểu của các tỉnh và được cử tri chính địa phương ấy bỏ lá phiếu bầu chọn.

Cũng có ý kiến, số đại biểu Trung ương giới thiệu bao giờ cũng ít hơn con số các tỉnh giới thiệu. Thông thường, đại biểu của Trung ương chỉ chiếm hơn 1/3 số ghế trong Quốc hội – 167 ghế cho rất nhiều nhiệm kỳ. Trong nhiệm kỳ vừa qua, nhóm này đã tăng nhẹ, nhưng cũng chỉ 182 ghế, chiếm trên 36%. Nghĩa là ứng cử viên và đại biểu của các tỉnh bao giờ cũng áp đảo. Đây là lý do tại sao nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Quốc hội Việt Nam về mặt hình thức, cho thấy mang tính đại diện cho các tỉnh hơn.

Nói rõ hơn, ứng viên của Trung ương có đến ba nhóm : nhóm sẽ nắm các chức vụ hành pháp ; nhóm sẽ làm đại biểu chuyên trách ; nhóm đại diện cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể Trung ương.

Các lập luận ấy về mặt đại biểu quốc hội thoạt nghe là chấp nhận, nhưng nếu đặt trong bình diện quản lý chung, điều đó không hẳn thế, vì vai trò ‘sếp sòng’ một địa phương về mọi mặt, bao gồm cả 3 nhánh quyền lực lập pháp – hành pháp – tư pháp đều thuộc một chức danh là Bí thư Tỉnh ủy/ Thành ủy. Ông, bà bí thư này lại chịu quyền quản lý trực tiếp của Tổng bí thư Đảng.

Văn phòng Quốc hội các địa phương luôn chịu dưới quyền của Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy, nên tiếng nói của đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương cũng chịu ‘lép vế’ tương tự.

Tuy nhiên nếu xảy ra trường hợp với một danh sách đoàn đại biểu quốc hội đa phần là ‘trí thức thứ thiệt’, thì người giữ quyền uy Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy cũng phải kiêng dè. Có thể dẫn chứng ở đây trường hợp dự đoán sẽ diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi có Bí thư Thành ủy được đánh giá là một đảng viên võ biền.

Tin tức cho hay nhiều khả năng cựu Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng có tên trong danh sách ứng cử. Luật sư Trương Trọng Nghĩa tự ứng cử, cựu giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh – bà Ung Thị Xuân Hương tự ứng cử, luật sư Hà Hải cũng tự ứng cử…

Một ghi nhận bên lề chuyện ‘đại biểu trung ương’, là trong các vụ án tham nhũng, cho đến nay hầu hết các bị cáo đầu vụ, vốn từng là ‘đại biểu Trung ương’, song lại chưa có bất kỳ cụ thể ‘Trung ương’ nào liên đới chịu trách nhiệm, về việc đã ‘giới thiệu’ những đảng viên ấy, khi xảy ra những trọng án tham nhũng.

Trái lại, hầu hết các vụ tiêu cực trong ‘đảng viên Trung ương’ đều do cử tri quần chúng địa phương phát hiện, khiếu nại, tố cáo, còn tổ chức đảng thì tự phát hiện được bao nhiêu ?

Một thân hữu với người viết từng ngậm ngùi kể rằng, ông được kết nạp Đảng từ những năm còn rất trẻ, 16 tuổi, lứa tuổi còn chưa nhận thức đầy đủ về mục tiêu cương lĩnh của tổ chức đảng, chỉ mơ hồ hiểu rằng Đảng là tập hợp những người tiên tiến nhất, hết lòng vì dân vì nước, không vị kỷ cá nhân…

"Và đến một lúc khi tôi nhận biết hầu hết những đảng viên cao cấp nhất tại đơn vị tôi đang công tác từ hiệu trưởng, hiệu phó đến bí thư chi bộ Đảng đều là những người tham ô hủ hoá, họ tuyển học sinh vào trường không phải căn cứ trên số điểm thi tuyển mà căn cứ vào 2 chỉ vàng !

Chỉ với trình độ văn hóa lớp 9, họ dùng tiền để trang bị cho họ tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 và bằng đại học để củng cố vị trí lãnh đạo ! Họ lấy tiền và danh nghĩa tập thể trường để làm kinh tế tư nhân một cách hợp pháp !

Đã từ rất lâu tôi lặng lẽ rời khỏi tổ chức Đảng, và 10 năm nay hàng ngày tôi thanh thản đi làm tại một công ty tư nhân vốn đầu tư nước ngoài, hàng tháng nhận lấy tiền lương tương xứng với giá trị của mình để chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.

Tôi không còn băn khoăn và suy nghĩ nhiều về những cán bộ, đảng viên tôi đã từng gọi là đồng chí – đồng nghiệp ! Bởi càng về sau này tôi càng hiểu rằng đó không phải là những trường hợp cá biệt… Cứ thử nhìn vụ án Đồng Tâm sẽ rõ những họng súng của đồng chí với nhau sẵn sàng xả đạn vào một đảng viên mấy chục tuổi Đảng, chỉ vì lão đồng chí ấy đã quyết tâm không khoan nhượng với tham nhũng đất đai…".

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 10/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Triệu Tử Long, Trần Dzạ Dzũng
Read 599 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)