Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/03/2021

Chợ Đồng Xuân Berlin là tâm điểm

Người Buôn Gió

Các bài báo cũng thường nêu tên chợ Đồng Xuân của người Việt ở Berlin là trạm trung chuyển của các băng đảng tội phạm chuyên đưa người lậu vào Châu Âu.

dongxuan1

Bên trong Trung tâm Đồng Xuân ở thủ đô Berlin, Đức. Ảnh : Rbb24.

Dịch bệnh Covid kéo dài dẫn đến đến tình trạng tuyệt vọng của khá nhiều người Việt đang sống bất hợp pháp ở Đức. Không có giấy tờ tuỳ thân và nơi ở chính thức, không có bảo hiểm y tế, không có việc làm để có thu nhập, trang trải các nợ nần do chi phí cho cuộc ra đi, họ như "những trái bom nổ chậm" bởi khả năng liều lĩnh làm những việc phạm pháp là rất cao.

Việc người Việt bị nhắc tới ngày càng nhiều hơn trên truyền thông Đức về tệ nạn buôn người đã làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng về sự kiểm soát chặt chẽ và kiểm tra bất ngờ của các nhà đương cục, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các ngành nghề kinh doanh, sự tồn tại các tụ điểm buôn bán của người Việt Nam.

dongxuan2

Hỏa hoạn trong Đồng Xuân của người Việt ở Berlin, Đức ngày 04/07/2019. Ảnh : TTXVN

Các chính trị gia Đức của một số đảng phái ở Berlin đã tranh luận nhiều lần về việc nên hay không nên để tồn tại các tụ điểm buôn bán đông người của sắc dân Việt nơi nầy.

Đây là bản tin giống nhiều bản tin của những tay gọi là nhà báo người Việt tại Berlin. Thường thì các nhà báo ở Berlin hóng từ báo Đức để đưa tin lại, chúng có thể tự dịch hoặc nhờ ai dịch. Hầu hết trong số chúng không thể viết nổi một bài chính luận, phóng sự điều tra, một bài bình luận.

Ác cảm đồng loại với nhau, một bản chất mà rất sẵn trong máu người Việt cộng với việc chúng tự cho rằng đẳng cấp của chúng hơn đồng loại ở chỗ chúng có giấy tờ qua việc tị nạn, cưới vợ hay ở lì lại từ thời Đông Đức tan vỡ. Tấm giấy tờ như chứng nhận chúng đẳng cấp hơn đám người đi sau này từ các đường bên Nga sang. Mang tâm thế thượng đẳng và sự khinh rẻ những người không có giấy tờ, cộng với sự lười biếng không có tư duy. Chúng làm báo theo kiểu người Đức nói gì thì chúng chọn những cái ác cảm nhất với người Việt ra dịch lại ra tiếng Việt, thế là chúng thành nhà báo cộng đồng.

Thứ nhất chúng luôn sử dụng từ "buôn người" của báo Đức để làm trọng tâm bài báo. Đây là một khái niệm rất mơ hồ, lẽ ra một người Việt làm báo không được phép sử dụng từ này. Vì tất cả người Việt ở Đức này đều hiểu làm gì có chuyện buôn người. 

Đó chính xác là dịch vụ đưa người lậu. Người đang ở vùng quê nào đó ở Việt Nam, cuộc sống khó khăn, muốn đi sang nước Đức mưu sinh. Sẽ gặp những người môi giới ở Việt Nam, những người môi giới này có khi là họ hàng, làng xóm hay bạn bè. Họ sẽ thỏa thuận với nhau giá tiền, có khi là chỉ ứng trước một ít rồi sang đến nơi an toàn, gọi điện về cho gia đình ở nhà trả tiền cho đầu môi giới ở nhà.

Làm gì có chuyện lừa đảo hay dùng vũ lực đưa sang Tây để làm nô lệ. Không lừa đảo, không bắt cóc hay đe doạ. Một bên cung cấp dịch vụ và một bên yêu cầu dịch vụ. Đấy là một dịch vụ đưa người bất hợp pháp chính xác hơn.

Những kẻ sử dụng dịch vụ đưa người này, khi đến nơi lỡ có bị bắt. Họ thường cứu mình kêu rằng họ là nạn nhân buôn người, bị lừa đi đến đây, tuổi dưới vị thành niên (mặc dù có khi họ 35 tuổi). Bởi thế báo Đức họ dùng từ tổ chức buôn người.

Câu chuyện như thế đến người rửa bát, khuân vác họ cũng hiểu rành rành. Người làm báo không phải cứ thấy báo Đức đưa tin là đưa lại, mà phải dùng cả những nhận thức từ thực tế của mình để viết, như thế mới gọi là làm báo. Kể cả báo lớn đưa tin có điểm gì không chính xác, mà thực tế mình thấy vậy, khi đưa bài lên phải đưa cả nhận định của mình vào, mới gọi là người làm báo trung thực, độc lập và có bản lĩnh. 

Thứ hai là lối viết mập mờ, cứ như kết tội chợ Đồng Xuân Berlin là nơi tập kết, trung chuyển người, khiến cho người đọc đến cảm giác là dẹp cái chợ này là hết nạn buôn người. Cái mở đầu của nhà báo nhắc về sự trung chuyển người ở chợ và đoạn kết là các chính trị gia ở Đức đòi dẹp chợ, là một kiểu đưa tin đầu nọ gắn đuôi kia. Để người ta nghĩ cái chợ này là nơi buôn người và vì thế các đảng phái, chính khách Đức đòi dẹp bỏ.

Thực ra việc chính khách, đảng phái chỉ có một số ít họ đòi dẹp bỏ những dịch vụ quá nhiều trong chợ như dịch vụ cắt tóc, làm móng, hàng ăn... để duy trì chợ như một nơi bán các sản phẩm chứ không phải nơi làm dịch vụ. Vì đúng nghĩa của chợ là bán các mặt hàng.

Chợ Đồng Xuân nó nào có tội gì trong việc trung chuyển người, nó đâu tổ chức làm việc đó. Nó chỉ là một điểm như quán ăn, bến xe, nhà hàng, siêu thị mọi người đều có thể đến đó gặp nhau và bàn chuyện riêng của họ. Nó có sắp xếp phòng kín có canh gác, có bảo vệ để cho những kẻ đưa người họp bàn, gặp gỡ trong đấy đâu. Bọn đưa người nó đưa người sang, nó gọi người nhà ở bên này đến nhận người ở chợ. Giao nhận xong chúng đi làm bữa nhậu hay mua sắm đồ ăn cho gia đình. Chỉ thế thôi mà bọn làm báo vẽ ra như điểm tổ chức buôn người như trong phim hình sự.

Kiểu như vậy có thể diễn ra ở bất cứ chỗ nào. Lối viết mập mờ, gán ghép như vậy không những không trung thực mà còn vô đạo đức. Bảo sao người Việt khó có thể thành một sắc dân cư mạnh và gắn bó như những sắc dân khác ở nước ngoài. Nhất là nhóm người Việt đi từ miền Bắc, bản chất của sự đố kỵ từ thời cải cách ruộng đất ăn sâu trong máu họ còn đến tận bây giờ và chắc còn mãi. 

Trong phần bài báo trên có nói đến người Việt không giấy tờ, không có công việc vì dịch bệnh nên khả năng khả năng liều lĩnh phạm tội cao.

Xin hỏi nhà báo đã là cái mẹ gì giúp họ trên tinh thần người Việt với người Việt mà phán xét vẻ hả hê đến vậy ? Tính tỷ lệ người Việt phạm tội ở Đức và tỷ lệ người Việt ở Việt Nam xem, chắc gì đã kém nhau. Trong khi dịch bệnh như thế, nhiều chủ hàng trong chợ Đồng Xuân và chủ chợ đã tổ chức phát lương thực, thực phẩm cho những người khó khăn. Thậm chí một thằng gọi là phản động như tôi cũng bỏ tiền mua đồ ăn chất lên xe chở đến từng nhà nào mà người ta không có điều kiện đi được đến nơi phát đồ. Các nhà báo đang phán xét kia đã làm được gì để khích lệ, động viên người ta giữ hy vọng và đừng phạm tội ?

Chúng không làm những việc như thế, trái lại chúng hả hê giật những tin tức về đồng bào của chúng bị thiệt hại, bị ảnh hưởng như những tin cháy chợ, cảnh sát bao vây chợ, bao vây bắt bớ nhiều người Việt. Cái cách đưa tin của chúng không phải kiểu để người ta ý thức hơn đừng phạm tội, mà kiểu đưa tin đầy sung sướng, thỏa mãn khi thấy đồng bào của mình bị làm sao. Thậm chí chúng biết rõ việc đưa người dịch vụ và việc giao người hoàn tất dịch vụ như thế nào, nhưng chúng vẫn lờ đi nhấn mạnh rằng đó là tổ chức buôn người, chợ Đồng Xuân là nơi tổ chức của bọn buôn người.

Chúng có thể đố kỵ với sự giàu có của anh em nhà lão chủ chợ và mong chợ bị dẹp. Nhưng chúng cần phải có lương tri để nghĩ, có bao nhiêu gia đình, bao nhiêu con người vô tội họ kinh doanh, làm ăn lương thiện trong chợ. Những con người mà khi có việc kêu gọi đóng góp từ thiện giúp đỡ đồng bào, họ đều nhiệt tình tham gia đóng góp.

Có phải sự ganh ghét của chúng là do những người kinh doanh trong chợ luôn ủng hộ chế độ Việt Nam không ?

Không, chúng là kẻ còn bám đít quan chức Việt Nam hơn, chúng chưa bao giờ dám lên án cái sai trái gì của chế độ Việt Nam. 

Đây là bức tranh nổi tiếng về sự vui sướng trên nỗi khổ của người khác. Trên đời này, những kẻ nhìn thấy người khác đau khổ và cảm thấy sung sướng có rất nhiều. Buồn thay dân tộc Việt Nam những kẻ như thế không hề ít.

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio1972, 18/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Người Buôn Gió
Read 510 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)