Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/03/2021

Hạn chế của Việt ngữ : Dân tộc – quốc gia – nhà nước

Nguyễn Quốc Tấn Trung

Nation là gì ? State là gì ? Là dân tộc, quốc gia, hay nhà nước ?

1200x628

Minh họa : Luật Khoa.

Lâu nay tại Việt Nam, các thuật ngữ như quốc gia, dân tộc, nhà nước – vốn có nghĩa rất khác biệt – lại được dùng một cách lộn xộn, thậm chí là dùng thay thế cho nhau. Kể cả trong các nghiên cứu triết học hay khoa học chính trị nước nhà, sự phân biệt giữa những từ ngữ này thường chỉ mang tính chất hình thức. Điều này có lý do sâu xa của nó.

Trong cuốn sách "Sovereignty in China – A Genealogy of a Concept since 1840" (Cambridge University Press, 2019), giáo sư luật quốc tế và triết học pháp lý Maria Adele Carrai (New York University Shanghai) cho rằng quốc gia, dân tộc, nhà nước, đất nước, chủ quyền… đều là những khái niệm triết học phương Tây được du nhập vào Châu Á. Trung Quốc và Nhật Bản là những nước đầu tiên đón nhận, sau đó là các quốc gia khác.

Quan điểm này còn đang gây tranh cãi dữ dội giữa các trường phái khoa học chính trị, khoa học pháp lý và khoa học lịch sử.

Tuy nhiên, có một sự thật là những thuật ngữ này chỉ bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc vào thế kỷ 19, sau hàng trăm năm phát triển và hoàn thiện tại phương Tây.

Hãy tưởng tượng, tại Trung Quốc và Việt Nam, cho tới triều đại nhà Thanh (Qing Dynasty) và nhà Nguyễn (Nguyen Dynasty), người dân vẫn còn là những chủ thể bị trị (subject) của một triều đình, một hoàng tộc (royal court).

Đất đai không phải của quốc gia, dân tộc hay nhà nước, mà là của riêng thiên tử (son of heaven) dựa trên thiên mệnh (mandate of heaven).

quocgia2

Trước thế kỷ 19, ở Đông Á, khái niệm quốc gia hay dân tộc được định nghĩa xoay quanh một vị thiên tử, chứ không phải những quốc dân. Tranh minh họa : Alpha History.

Khi có chiến tranh, nhân dân tham gia quân dịch không phải vì họ đang đấu tranh cho màu da, cho huyết thống hay vì quê cha đất tổ. Họ chiến đấu vì hoàng kỳ, dưới danh nghĩa của nhà vua.

Nói cách khác, cách mà người Đông Á thời này hiểu về chính thể, cấu trúc chính trị và quan hệ quốc tế vẫn chưa vượt ra khỏi mô hình quân chủ tuyệt đối (absolute monarchy) cùng những hệ lụy tư duy của nó.

Vì sự rắc rối này, việc nghiên cứu các thuật ngữ nói trên bằng tiếng Anh không nên nhằm mục tiêu tìm được các thuật ngữ tiếng Việt tương đương có thể thay thế, với đầy đủ ngữ nghĩa và hàm ý triết học đằng sau. Ngay cả tiếng Hán cũng khó mà thể hiện trọn vẹn sự phát triển của những thuật ngữ nói trên, đơn giản vì người Trung Quốc không tạo ra chúng.

"Nation" trong tiếng Việt (hay đúng hơn là Hán Việt và Hán) đều có thể hiểu là dân tộc, quốc gia, hoặc đất nước.

"Nationality" lại thường chỉ được dịch là quốc tịch trong bối cảnh hiện nay.

Trong khi "nationalism", trong đa số trường hợp, chỉ có thể được hiểu là chủ nghĩa dân tộc.

Vì không có các học thuyết chính trị nghiên cứu thống nhất, không có thời gian để hoàn thiện chúng, cũng như thực trạng tiếng Việt lệ thuộc khá nhiều vào tiếng Hán để mô tả các khái niệm phức tạp, chúng ta gặp phải những hạn chế rất lớn trong việc hiểu đúng và hiểu đủ những khái niệm quan trọng này.

Trong chuỗi bài viết ngắn ngủi này, tác giả kỳ vọng có thể tạo một điểm bắt đầu cho các thảo luận mới theo một cách đơn giản nhưng có hệ thống.

Nation – Dân tộc

Vào thế kỷ 17, 18, thuật ngữ "nation" trong tiếng Anh chỉ được xem là một danh từ chung để chỉ nhóm.

Một gia đình, một nhóm người, một bộ tộc… bất kỳ tập hợp nào mang những đặc trưng chung nhất định đều có thể được gọi là "nation".

Các trường đại học thời Trung cổ đã từng chia hệ thống quản trị của họ theo "nation". Đại học Paris có bốn "nation" : l’honorable nation de Francela fidèle nation de Picardiela vénérable nation de Normandie, và la constante nation de Germanie. Đây là cách chia những nhóm sinh viên theo khu vực địa lý và ngôn ngữ họ sử dụng.

"Nation de France" là chỉ những người trong khu vực có gốc ngôn ngữ Romance, bao gồm cả người Pháp, Ý lẫn Tây Ban Nha. Tương tự, "nation de Picardie" là những người từ Hà Lan, "nation de Normandie" là từ khu vực Đông Bắc Châu Âu, và "nation de Germanie" chỉ người từ khu vực nói tiếng Đức lẫn tiếng Anh (vốn có cùng một ngữ hệ).

Triết gia lừng danh người Ý Machiavelli từng gọi những nhóm "ghibelline" (từ chỉ nhóm chính trị ủng hộ vương quyền Ý thay vì Đức Giáo hoàng Rome) là "ghibelline nation".

Montesquieu thì gọi các nhóm thầy tu là "pietistic nations".

Vậy nên cần nhớ rằng khi sử dụng từ "nation", chúng ta không nói đến một tổ chức chính trị có thẩm quyền nào nhất định. Thay vào đó, chúng ta đang đề cập đến một cộng đồng dân cư có những đặc điểm chung nhất định.

Qua một thời gian phát triển của các học thuyết liên quan đến chủ nghĩa dân tộc ("nationalism"), "nation" dần được dùng để ám chỉ một nhóm dân cư sinh sống trên một vùng lãnh thổ nhất định với các đặc trưng văn hóa hài hòa, tiếng nói thống nhất, có lịch sử phát triển chung và tính đoàn kết cộng đồng ("communal solidarity") hướng đến một vận mệnh chung trong tương lai. Nói cách khác, "nation" là thuật ngữ dùng để chỉ các cộng đồng văn hóa ("cultural community").

Trong số các thuật ngữ trong tiếng Việt, có lẽ dân tộc là phù hợp hơn cả để mô tả những đặc trưng này.

quocgia3

Khi nói về "dân tộc Việt Nam", ta đặt ra một giả định khá gây tranh cãi là toàn bộ cộng đồng dân cư này đều có cùng một nền văn hóa. Ảnh : Réhahn.

Như vậy, khi nói về dân tộc Việt Nam, chúng ta đặt ra một giả định khá gây tranh cãi là toàn bộ cộng đồng dân cư này (bao gồm các sắc tộc như Kinh, Mèo, Nùng, Thái, Thượng, Chăm, Khmer…) có cùng một văn hóa, sử dụng cùng một tiếng nói và hướng đến cùng một tương lai.

"Nationality" vì vậy có thể hiểu, một cách chính xác, là danh tính dân tộc.

"Nationalism", hay chủ nghĩa dân tộc, là một phong trào chính trị cho rằng một cộng đồng văn hóa cần được xác định tách biệt và từ đó hình thành các biên giới chính trị (political border). Chính trị là để bảo toàn danh tính văn hóa của dân tộc. Đi kèm theo đó là quyền dân tộc tự quyết (self-determination) và nguyên tắc không can thiệp (principle of non-interference).

Chủ nghĩa dân tộc và các phong trào dân tộc (nationalist movement) là cơ sở dẫn chúng ta đến thuật ngữ tiếp theo : "state".

State, nation-state, sovereign state : quốc gia

Mục tiêu cuối cùng của mọi phong trào dân tộc là tạo ra "state" của riêng họ. Hiểu một cách đơn giản nhất, "state" không còn là một cộng đồng văn hóa, mà là một cộng đồng chính trị với một biên giới được phân định rõ ràng, có một cơ quan chính trị đại diện chung cho dân cư, với hệ thống pháp luật thống nhất và quyền lực thống nhất.

Trong thời kỳ đầu của pháp luật quốc tế, "nation-state" là thuật ngữ phổ biến bởi nó gắn liền giữa dân tộc với "state", tức cũng là nền tảng và động lực hình thành ban đầu của "state" mà chúng ta đã nói ở trên. Tuy nhiên, trào lưu di cư dẫn đến sự xuất hiện của các dân tộc, sắc tộc khác trên lãnh thổ của một "state".

quocgia4

Trào lưu di cư dẫn đến sự xuất hiện của nhiều dân tộc, sắc tộc trên lãnh thổ của một "state". Minh họa : IStock.

"Sovereign state", mà trong đó "sovereign" có nghĩa chủ quyền, là một cách gọi nhấn mạnh đến nguyên tắc chủ quyền của hệ thống pháp luật quốc tế hiện đại. Trong đó bao gồm các yếu tố quan trọng như thẩm quyền tối cao của cơ quan chính trị đại diện trên một vùng lãnh thổ xác định ; cũng như quyền bình đẳng của quốc gia trong các mối quan hệ quốc tế.

Vấn đề ở chỗ, thuật ngữ "state" tại Việt Nam đang được dịch một cách khá loạn xạ là nhà nước lẫn quốc gia, thậm chí là chính quyền. Vậy dùng thuật ngữ nào thì phù hợp hơn ?

Để trả lời câu hỏi này, một điểm cần lưu ý là "state" vẫn nhằm mô tả một cộng đồng chính trị. Vì vậy, sự tồn tại của "state" không lệ thuộc vào sự tồn tại của thể chế chính trị và cơ quan chính trị đại diện nó. Theo nghĩa này, "quốc gia" là ứng cử viên phù hợp hơn cả.

Ví dụ rõ ràng nhất chính là cách gọi "quốc gia Somalia", hay "state of Somalia". Somalia hiện nay không có một cơ quan chính trị thống nhất đại diện cho toàn thể dân cư của mình, và thường được gọi là "failed state", có thể dịch là "quốc gia lụn bại", vì nội chiến triền miên.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có cơ quan nào đại diện được cho dân cư của một lãnh thổ, một dân tộc, Somalia vẫn là một quốc gia tồn tại hợp pháp và được bảo vệ trong pháp luật quốc tế. Không quốc gia nào khác trên thế giới được quyền viện cớ Somalia không có cơ quan chính trị đại diện để xâm lấn, chiếm đất hay tiếp quản quốc gia này.

Nói cách khác, nguyên tắc độc lập, nguyên tắc chủ quyền, nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của "state" – quốc gia, hay nói đúng hơn là cộng đồng chính trị sinh sống trên vùng lãnh thổ đó, hoàn toàn độc lập với chính thể chính trị đang trực tiếp quản lý quốc gia này.

Điều này đồng nghĩa với việc khi bạn dùng thuật ngữ "quốc gia Việt Nam" (hay "state of Vietnam"), bạn đang muốn ám chỉ đến toàn bộ cộng đồng chính trị đang sinh sống trên vùng lãnh thổ thuộc Đông Nam Á liền sát biển Đông, chứ không liên quan gì đến chế độ chính trị hay mô hình chính thể quản lý nó.

Nguyễn Quốc Tấn Trung

Nguồn : Luật Khoa, 31/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Quốc Tấn Trung
Read 591 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)