Từ đầu tháng 3/2021, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã cho tàu tập trung gần tất cả các đảo tranh chấp do Philippines kiểm soát và tìm cách đe dọa các nước láng giềng ven biển, đặc biệt là Việt Nam, Philippines và Malaysia, để khẳng định yêu sách đối với các đảo trên Biển Đông. Theo thông tin từ Philippines, ước tính có hơn 200 tàu neo đậu tại Đá Ba Đầu mà Philippines khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Philippines đã chính thức phản đối hành vi xâm phạm của các tàu Trung Quốc đối quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán trên biển. Song song đó, Philippines đã triển khai các máy bay chiến đấu hạng nhẹ giám sát các tàu bất hợp pháp này.
Tàu cá Trung Quốc xếp hàng tại đá Ba Đầu (Trường Sa) hôm 27/3/2021 - Courtesy National Task Force on the West Philippine Sea
Vì Trung Quốc đã tôn tạo một số đảo nhân tạo và triển khai các thiết bị quân sự và vũ khí trên các đảo này nên việc các tàu dân quân biển Trung Quốc tập trung tại vùng biển này rõ ràng cho thấy hành vi quyết đoán của Trung Quốc cũng như đe dọa các đối thủ trong khu vực Biển Đông. Có vẻ như các tàu này hoàn toàn mới được triển khai chỉ để phục vụ chiến thuật của Trung Quốc và nhằm kiểm soát các đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Các tàu Trung Quốc neo đậu gần Cụm Sinh Tồn, vốn là ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines. Nơi neo đậu của hơn 200 tàu Trung Quốc nằm gần 2 căn cứ của Trung Quốc và 4 đảo nhỏ hơn của Việt Nam. Một trong những vấn đề mà cộng đồng quốc tế thực sự quan tâm là việc Trung Quốc muốn mở rộng quyền kiểm soát đối với các đảo này. Sau khi kiểm soát Đá Vành Khăn vào năm 1995, Trung Quốc đang tìm kiếm các đảo khác thuộc quyền kiểm soát của các bên tranh chấp khác để mở rộng sự hiện diện trên thực tế của họ.
Nhìn từ việc Trung Quốc tôn tạo Đá Vành Khăn thành một trong những đảo nhân tạo lớn nhất (dù nước này thường nói đây là nơi trú ẩn cho ngư dân) và hiện giờ Đá Vành Khăn trở thành căn cứ quân sự chính thức, việc tàu của Trung Quốc đổ dồn về Đá Ba Đầu là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn kiểm soát khu vực biển này và cả vùng không phận trên đó. Trong bối cảnh phán quyết của tòa trọng tài thường trực về Biển Đông sắp tròn 5 năm, Trung Quốc đang phủ nhận phán quyết này và đòi hỏi yêu sách đối với tất cả các vùng biển và các vùng trời trên đó. Trung Quốc luôn sử dụng "chiến thuật vùng xám" với lực lượng dân quân biển Trung Quốc, được Hải cảnh yểm trợ, tiến hành kiểm soát các vùng biển. Ngoài ra, có thể thấy rằng các kiểu chiến thuật mà Trung Quốc đang áp dụng là đe doạ, ngăn cản các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở các khu vực như Bể Nam Côn Sơn, Bãi Cỏ Rong, Đá Ba Đầu và các khu vực lân cận nằm ngoài vùng biển kiểm soát của Trung Quốc nhưng nằm trong vùng biển của các nước có yêu sách khác, bao gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Ảnh vệ tinh chụp tàu Trung Quốc đang nạo vét và xây lấp đảo nhân tạo ở đá Vành Khăn vào năm 2015. AFP
Các nước ASEAN, dưới sự chủ trì của Chủ tịch luân phiên Brunei, phải nhận thức rõ điều đó và cần triệu tập ngay cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN để ưu tiên giải quyết các vấn đề này. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế phải gây sức ép với Trung Quốc để tháo gỡ cuộc khủng hoảng và thực hiện các cam kết để sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC) vẫn đang trong giai đoạn đàm phán. Đại sứ quán Mỹ tại Manila và Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra nhiều tuyên bố ủng hộ Philippines. Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc rút lực lượng dân quân biển và tăng cường hỗ trợ cho Philippines. Trên thực tế, nếu các chiến thuật của Trung Quốc không được ngăn chặn thì điều đó cũng có thể mở đường cho Trung Quốc áp dụng các chiến thuật tương tự để đe dọa các nước có yêu sách khác ở Biển Đông mà trọng tâm chính là Việt Nam. Các nước như Australia, Anh, Canada và Nhật Bản đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines và tuyên bố rằng đội tàu của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền và các vùng biển của Philippines.
Trong khi cộng đồng quốc tế im lặng đối với vấn đề can thiệp quân sự, quân đội Philippines đã tiến hành bay giám sát hàng trăm tàu Trung Quốc. Động thái này có nguy cơ làm leo thang thành một cuộc khủng hoảng lớn. Những tuyên bố của Tổng thống Philippines Duterte và Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana về việc triển khai lực lượng hải quân Philippines và thực hiện diễn tập quân sự có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng trên biển. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là ASEAN phải ngay lập tức đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về các chiến thuật mà Trung Quốc áp dụng, đồng thời tuyên bố này cũng phải được các đối tác đối thoại ASEAN cũng như các nước trong nhóm "Bộ tứ" ủng hộ.
Trung Quốc đã học được một hoặc hai bài học từ sự bế tắc biên giới với Ấn Độ ở miền Đông Ladakh. Trung Quốc đã đối đầu với quân đội Ấn Độ và cuối cùng phải rút lui để giải quyết cuộc khủng hoảng. Trung Quốc đang áp dụng các chiến thuật tương tự trên Biển Đông. Do đó, cộng đồng quốc tế và các nước ASEAN cần có các biện pháp đối phó để tình hình không leo thang thành khủng hoảng. Điều cần thiết là Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an phải ghi nhận những diễn biến này và yêu cầu Trung Quốc tránh thái độ đối đầu kiểu đó. Trung Quốc biết rất rõ rằng Brunei, với tư cách Chủ tịch ASEAN sẽ không chỉ trích trực tiếp Trung Quốc, nhưng rõ ràng nước này sẽ phải nêu vấn đề ở cấp khu vực. Cộng đồng quốc tế cũng phải đưa hải quân đến để đảm bảo rằng Trung Quốc chấm dứt các động thái này và quay trở lại duy trì nguyên trạng.
Ngô Bang Quốc
Nguồn : RFA, 02/04/2021