Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/04/2021

QUAD và Trung Quốc : truy tìm thế cân bằng khu vực

Wooyeal Paik & Jae Jeok Park

QUAD tìm kiếm vai trò phi quân sự và phản ứng chiến lược từ Trung Quốc : Chủ nghĩa tiểu đa phương, đầu tư cơ sở hạ tầng và cân bằng khu vực

Bài viết phân tích mục đích và sự mở rộng của hợp tác an ninh tiểu đa phương và qua đó đánh giá trường hợp của Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD). Sau đó, tác giả phân tích và làm rõ phản ứng của Trung Quốc, từ đó đưa ra các kết luận và dự đoán về sự tương tác giữa hai chủ thể trên sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với trật tự khu vực.

quad1

Ảnh minh họa : Đội tiêu binh nghi lễ Trung Quốc đứng xếp thành đội hình bên cạnh chân dung Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 10 năm 2020. Nicolas Asfouri/AFP

Bài viết của hai tác giả Wooyeal Paik và Jae Jeok Park, là hai Giáo sư về chính trị quốc tế thuộc trường Đại học Yonsei và Hankuk của Hàn Quốc, đăng trên Tạp chí Trung Quốc Đương đại vào năm 2020 (tư liệu được thu thập trong bài đa phần từ năm 2019 trở về trước) phân tích mục đích và sự mở rộng của hợp tác an ninh tiểu đa phương (minilateral security cooperation) và qua đó đánh giá trường hợp của Đối thoại Tứ giác An ninh (Quadrilateral Security Dialogue – QUAD). Sau đó, tác giả phân tích và làm rõ phản ứng của Trung Quốc, từ đó đưa ra các kết luận và dự đoán về sự tương tác giữa hai chủ thể trên sẽ ảnh hưởng tới trật tự khu vực như thế nào.

Mỹ và các đồng minh nhận định những khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng trong Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường (Belt and Road Initiative - BRI) đã trực tiếp và gián tiếp gia tăng sức mạnh ảnh hưởng của Trung Quốc. Do đó, các nước QUAD cố gắng định hình vai trò cho chính mình để đối phó với nỗ lực thay đổi trật tự khu vực hiện hành do Mỹ dẫn dắt.

Bài viết gồm ba phần phân tích chính :

i) Mục tiêu và động lực cho việc mở rộng của hợp tác an ninh tiểu đa phương và phản ứng của các quốc gia đối thủ ;

ii) Bản chất của QUAD và phân tích QUAD trong bối cảnh phi quân sự (tập trung vào đánh giá các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng góp phần đối trọng với BRI của Trung Quốc) ;

iii) Phản ứng của Trung Quốc và ảnh hưởng an ninh của QUAD.

Mục tiêu và động lực phát triển

Qua định nghĩa về tiểu đa phương trong lĩnh vực an ninh [1], ba nhóm mục tiêu của hợp tác an ninh tiểu đa phương là :

1) Nhóm 1 nhằm hỗ trợ các thể chế đa phương hiện có (đặc biệt là các thể chế hợp tác an ninh đa phương giữa các nước để giải quyết vấn đề phức tạp) ;

2) Nhóm 2 nhằm đối phó với một vấn đề cụ thể mà chưa có hợp tác đa phương nào ;

3) Nhóm 3 nhằm tạo ra ảnh hưởng tới trật tự khu vực (qua việc chọn các thành viên đầu tiên và đưa ra các chương trình nghị sự rất rộng).

Từ những mục đích trên, một số lý do tại sao các nhóm tiểu đa phương này lại mở rộng qua việc thêm thành viên là vì :

i) Các thành viên đó có chung mục tiêu ;

ii) Giải quyết chương trình nghị sự mới ;

iii) Gia tăng ảnh hưởng trong xây dựng và duy trì trật tự khu vực qua việc tạo thành một khối các nước.

Quốc gia đối thủ có thể thực hiện một số biện pháp như sau để đối phó :

i) xem sự phát triển của các nhóm đó là sự đối trọng với chính mình ;

ii) thành lập các liên minh chống lại hoặc củng cố các liên minh vốn có ;

iii) nhắm vào mắt xích yếu trong nhóm trên để làm gián đoạn sự đoàn kết.

Bản chất và sự mở rộng của QUAD

Sau sự thất bại của QUAD lần thứ nhất năm 2007 (Úc và Ấn Độ lo ngại về phản ứng của Trung Quốc vì Trung Quốc cho rằng nhóm QUAD nhằm kiềm chế Trung Quốc), QUAD đã hồi sinh kể từ năm 2017 qua Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về hợp tác tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Lý do góp phần cho QUAD trở lại, thứ nhất là vì bốn nước (Ấn, Nhật, Mỹ và Úc) quan ngại về mối đe dọa từ Trung Quốc (tranh chấp lãnh thổ Nhật – Trung, lo ngại Trung Quốc can thiệp nội bộ tại Úc). Thứ hai, nội Bộ chính trị các nước có sự thay đổi làm cho QUAD hồi sinh. Thứ ba, bốn nước này gia tăng hợp tác an ninh song phương và ba bên với nhau.

Qua đó, sự mở rộng của QUAD chính là mở rộng của các hợp tác an ninh ba bên (Mỹ - Nhật - Ấn ; Ấn – Nhật – Úc) nhằm mục đích đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bốn nước đã hình thành nên một khối các nền dân chủ để gia tăng ảnh hưởng trong trật tự khu vực và mở rộng chương trình nghị sự bao hàm nhiều vấn đề ở khu vực như ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ, giải quyết mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên, chống khủng bố và đảm bảo tự do hàng hải và hàng không. Do đó, QUAD hiện nay (từ 2017) chính là thuộc nhóm 3 (tạo ra ảnh hưởng tới trật tự khu vực) từ sự mở rộng của các cơ chế hợp tác an ninh ba bên vốn có với chương trình nghị bao trùm nhiều lĩnh vực và vấn đề hơn.

Các cuộc họp của QUAD gần đây tập trung vào vấn đề quân sự, nên Trung Quốc có thể xem cơ chế này nhằm kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu duy trì quan điểm này, QUAD sẽ không thể bền vững vì các nước thành viên gồm Ấn, Nhật và Úc đều phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Thật vậy, Trung Quốc coi QUAD là một nhóm chống Trung, và một số nước thành viên không cảm thấy thoải mái về việc này (Ấn Độ không muốn loại trừ Trung Quốc nên đã thêm cụm từ "bao trùm" vào "Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở"). Bởi vậy, các nước QUAD nên tập trung vào cơ chế điều phối chính sách trên lĩnh vực phi quân sự và trên thực tế QUAD đang đi theo xu hướng này.

Cách tiếp cận địa kinh tế của QUAD tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Các nước QUAD đã gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng cả song phương và riêng lẻ. Các nước này thúc đẩy khái niệm "cơ sở hạ tầng chất lượng" nhằm đem tới một lựa chọn khác về đầu tư cho các nước trong khu vự- những nước đang lo ngại về các khoản đầu tư của Trung Quốc có thể dẫn tới "bẫy nợ"- từ đó, các nước trong khu vực sẽ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tại các cuộc họp, các nước QUAD đều đưa ra cam kết hợp tác phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng, minh bạch, dựa theo nhu cầu thực chất và nợ bền vững để đảm bảo các tuyến đường hàng hải tự do và rộng mở và nâng cao kết nối khu vực.

Việc thúc đẩy chương trình nghị sự về lĩnh vực phi quân sự và cơ sở hạ tầng chất lượng cho thấy QUAD muốn hướng tới nhóm 2 (đối phó với một vấn đề cụ thể mà chưa có hợp tác đa phương nào) để tránh bị coi là kiềm chế Trung Quốc và giảm sự lo ngại.

Quan điểm và phản ứng của Trung Quốc

Nhiều nhà phân tích chính sách Trung Quốc không tách biệt "Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPS) với thể chế tiểu đa phương QUAD, nên Trung Quốc xem Mỹ và ba nước còn lại đang chuẩn bị một cuộc đối đầu với Trung Quốc qua việc hình thành nên mối đe dọa chung và hợp tác an ninh. Do đó, Trung Quốc thể hiện sự quan ngại đối với QUAD trên khía cạnh hợp tác an ninh như là một cơ chế gây đe dọa tới lợi ích quốc gia và an ninh của Trung Quốc. Tuy nhiên, với hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng của QUAD, Trung Quốc mới đầu phản ứng mềm mỏng vì một số lý do :

i) các nước QUAD có lợi ích khác nhau trong việc đối phó với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ;

ii) thiếu hụt khả năng tài chính để đưa ra các cam kết như Trung Quốc đã làm với BRI ;

iii) khó thuyết phục các nước trong khu vực cùng chung tay kiềm chế Trung Quốc. Sau đó, do cạnh tranh Mỹ - Trung leo thang, các nước đồng minh và đối tác của Mỹ đã có những phản ứng với BRI nên Trung Quốc dần dần hiểu các nước QUAD đang cố hình thành một cơ chế để kiềm chế Trung Quốc về mặt phi quân sự (cơ sở hạ tầng, kinh tế…).

Qua đó, phản ứng của Trung Quốc có thể chia làm hai phương thức chính sau. Thứ nhất, Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận chia để trị đối với các mắt xích yếu của QUAD qua việc lôi kéo các nước rời khỏi cơ chế tiểu đa phương do Mỹ dẫn dắt. Cụ thể, Trung Quốc cố gắng kết nối các nước thành viên QUAD với các dự án BRI của mình (nhất là các nước không muốn đối đầu với Trung Quốc) ví dụ như cố gắng hợp tác với Nhật trong các dự án BRI, gây áp lực với Đảng cầm quyền tại Úc, và gia tăng hiện diện kinh tế tại Ấn Độ. Thứ hai, Trung Quốc điều chỉnh lại chính sách trong BRI mà bị các nước chỉ trích tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là "bẫy nợ", qua việc giảm mức độ khai thác kinh tế và tìm kiếm lợi ích chính trị. Trung Quốc hướng các nước nhận đầu tư cơ sở hạ tầng tới các khoản vay lãi suất thấp, loại bỏ các điều kiện về cưỡng ép chính trị và đưa thêm nhiều các lợi ích cho nước nhận đầu tư trong hợp đồng, cải tổ lại các hành vi đầu tư liên quan tới BRI và đàm phán lại hợp đồng với các nước nhận đầu tư (ví dụ như Myanmar).

Kết luận

QUAD đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực phi quân sự, bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và giới hạn lại chương trình nghị sự để tập trung vào một số vấn đề chức năng cụ thể, nhưng vẫn đảm bảo có thể đối trọng với Trung Quốc về quân sự. Tuy nhiên, Trung Quốc xem việc QUAD trỗi dậy thể hiện mục đích kiềm chế Trung Quốc ở cả khía cạnh kinh tế và an ninh, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung trong khu vực. Do đó, Trung Quốc phản ứng bằng biện pháp chia để trị các nước trong nhóm QUAD nhằm bẻ gãy khối liên kết, và nhanh chóng cải thiện chính sách đầu tư của BRI.

Qua phân tích trên, tác giả đưa ra hai viễn cảnh cho QUAD. Thứ nhất, hợp tác nhóm QUAD về các vấn đề phi quân sự sẽ giúp gia tăng lòng tin và hiểu biết để đối phó với các thách thức an ninh từ Trung Quốc đối với trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực. Trong viễn cảnh này, Trung Quốc coi QUAD là một mối đe dọa kiềm chế Trung Quốc nên sẽ hành động hung hăng hơn. Thứ hai, QUAD hợp tác tập trung vào các mối quan tâm cụ thể ví dự như vấn đề an ninh phi truyền thống, tránh mở rộng chương trình nghị sự, nhờ đó giúp QUAD ổn định hơn và kết nối được với các nhóm tiểu đa phương khác. Theo đó, Trung Quốc sẽ xây dựng hợp tác kinh tế song phương, tiểu đa phương và đa phương với Nhật, Úc, Ấn và các nước khác trong khu vực, và cải thiện hành vi trong BRI ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Qua đó, khu vực sẽ thấy một trật tự mang tính hợp tác tích cực hơn được hình thành và có thể tạo ra các nền tảng hợp tác đa phương mới./.

Wooyeal Paik & Jae Jeok Park

Nguyên tác : The Quad’s Search for Non-Military Roles and China’s Strategic Response : Minilateralism, Infrastructure Investment, and Regional Balancing, Journal of Contemporary China, Vol.30, 2021, Issue 127, Taylor&Francis Online, 28/05/2020

Bùi Tài Kiên lược dịch

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 07/04/2021

Wooyeal Paik và Jae Jeok Park là hai Giáo sư về Chính trị Quốc tế thuộc trường Đại học Yonsei và Hankuk của Hàn Quốc. Bài viết được đăng trên Tạp chí Trung Quốc Đương đại.


[1]Tiểu đa phương trên lĩnh vực an ninh được định nghĩa là "các cuộc họp giữa các nhóm nhỏ các quốc gia, thường là ba hoặc bốn, nhằm giải quyết các lợi ích an ninh chung tập trung vào một bối cảnh nào đó.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Wooyeal Paik, Jae Jeok Park, Bùi Tài Kiên
Read 435 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)