Lá diêu bông vẫn được đi tìm kia mà
Ở bài báo "Làm gì có mà đi tìm " đăng trên tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, số phát hành Chủ Nhật, ngày 4/5/2014, kể vào cuối năm 2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thính giả là các lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố. Kết thúc buổi nói chuyện, nhiều người hỏi bộ trưởng, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sớm muộn gì thì Đảng và Nhà nước cũng tìm ra được con đường xã hội chủ nghĩa cho yêu cầu kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ông đáp : "Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm".
Gần ba mươi năm trước, khi còn là bí thư chi bộ kiêm lớp trưởng của một lớp lý luận cao cấp học tại học viện, ông Vinh cũng đã hỏi câu hỏi đó với các thầy giáo là các nhà lý luận, nhưng không được trả lời. Nay, câu hỏi đó vẫn làm băn khoăn những thế hệ sau ông.
Ngày 27/11/2018, cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh bị Đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Lý do khiển trách ông Vinh là khi còn đương chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông đã thiếu trách nhiệm để xảy ra việc tập đoàn viễn thông của nhà nước Mobifone mua 95% cổ phần một công ty tư nhân tên là Tập đoàn nghe nhìn toàn cầu (viết tắt là AVG). Việc mua bán này, xảy ra vào năm 2015, được cho là có khuất tất khi Mobifone mua AVG với giá cao hơn giá thị trường.
Báo chí cũng nói rằng ông Bùi Quang Vinh đã phát hiện ra sự bất thường, quyết định dừng lại, nhưng việc mua bán lại do một bộ khác thực hiện là Bộ Thông tin và Truyền thông. Hai quan chức cao cấp là nguyên bộ trưởng và đương kim bộ trưởng bộ này là ông Nguyễn Bắc Son, và Trương Minh Tuấn cũng bị kỷ luật.
Rất có thể mọi chuyện có chung lý do đến từ việc đây là hệ lụy tất yếu của việc tìm kiếm con đường xã hội chủ nghĩa nhằm đáp ứng yêu cầu định hướng cho nền kinh tế thị trường.
Chưa tìm thấy con đường đó dù đã hơn ba mươi năm đi qua, chứ không đến nỗi bi quan là Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm như lời của chính khách Bùi Quang Vinh.
Thế nhưng ngay cả lá diêu bông, người ta vẫn đi tìm kia mà.
Chuyện kể : Lá diêu bông là một loại lá không hề tồn tại trên thế gian, bởi tác giả Hoàng Cầm khi viết bài thơ "Lá diêu bông", ông mang mong muốn diễn tả được một cách chân thật nhất về mối tình tuổi thơ của một người con trai ít tuổi hơn dành cho một người chị gần nhà đã từng chơi chung với mình ở thủa nhỏ.
Chị đó từng nói rằng nếu như ai có thể tìm thấy được chiếc lá diêu bông thì chị sẽ lấy làm chồng. Nhưng đấy chỉ là một câu nói đùa của người chị hàng xóm, nhưng cậu bé lại tin là thật. Từ đó cậu luôn cố gắng tìm cho bằng được chiếc lá diêu bông để có thể lấy chị làm vợ.
Vì sao lại dám đoan chắc sẽ tìm được ?
Ngày 17/4/2021, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2021-2026.
Tham luận ở hội nghị tổng kết khẳng định rằng mô hình "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" của Đảng ngày càng được định hình rõ nét.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tổng bí thư đưa ra yêu cầu là căn cứ vào Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương phải xây dựng, triển khai kế hoạch tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận để kịp thời xây dựng các báo cáo tư vấn ; tổng kết, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm kết luận những vấn đề thực tiễn đã chín, đã rõ ; xây dựng các chuyên đề lý luận có chất lượng để phục vụ chương trình nghiên cứu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ; triển khai có hiệu quả Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025 ; phục vụ Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, kết luận ; góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.
Trên nấc thang chính trị, từ tháng 11/2001 đến tháng 08/2006, ông Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Sau khi rời cơ quan Hội đồng Lý luận Trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội, sau đó là Tổng bí thư đến tận hôm nay.
Trở lại với tham luận ở Hội nghị tổng kết của Hội đồng Lý luận Trung ương.
"Gần đây, trước và sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trên một số diễn đàn, tiếp tục xuất hiện những luận điệu phủ nhận sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ; hoặc cho rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một "khái niệm mơ hồ", thực hiện nó thì nền kinh tế không phát triển và "kiến nghị không nên để cụm từ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong văn kiện Đại hội XIII".
Sự thật là, họ đã cố tình xuyên tạc, làm ngơ với những nỗ lực, những kết quả mà nền kinh tế thị trường dưới sự định hướng, can thiệp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đã mang lại. Chúng ta hoàn toàn có thể bác bỏ những luận điệu sai trái này bằng những luận cứ khoa học" (dừng trích).
Với niềm tin như trên của Hội đồng Lý luận Trung ương, một lần nữa người ta lại tiếp tục chờ đợi đến ngày được chính thức bước trên con đường xã hội chủ nghĩa chưa rõ rộng/ hẹp, là ‘tiểu lộ’ hay ‘cao tốc’ cho công cuộc xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thay lời kết : Có phải lỗi của lá diêu bông ?
Nhật Bản đứng dậy sau năm 1945 là tự trọng của dân tộc và đức tính cần cù của người dân. Hàn Quốc bắt tay vào công nghiệp hóa trước hết là ý chí quyết liệt của lãnh đạo, sau là tinh thần dân tộc của dân chúng.
Việt Nam có lúc cũng tinh thần hăng hái. Tiếc rằng những ý chí vươn lên của Việt Nam thể hiện qua các dự án lớn đã không thành công. Thất bại của Vinashin là do năng lực quản trị doanh nghiệp không tương xứng với quy mô.
4 dự án nhiên liệu sinh học thất bại là không đủ kiên trì mục tiêu nhiên liệu tái tạo (các nước Nam Mỹ đã làm được). Dự án phân bón thất bại là chấp nhận để người khổng lồ hàng xóm đè bẹp. Dự án thép TISCO giai đoạn 2 không đi đến đâu là do ngập ngừng lúc cần quyết đoán.
Mỗi khi thất bại, Đảng và Nhà nước không mổ xẻ nguyên nhân sâu xa mà chỉ tìm ai là người chịu trách nhiệm.
Công nghiệp hóa bắt buộc phải có ý chí, có khát vọng và khôn ngoan. Mong muốn kiếm tiền ngay thì không làm được công nghiệp hóa. Muốn công nghiệp hóa thì đừng nói nhiều 4.0, hãy nghĩ đến 1.0 vì bất cứ sản phẩm nào cũng hình thành từ công nghệ cơ bản. Muốn tự lực tự cường thì hãy nghĩ đến nền tảng công nghiệp từ nhẹ đến nặng. Thức ăn gia súc, phân bón, nuôi heo mà cũng mời nước ngoài đến làm thì ta làm được gì ?
***
Chuyện kể
"Lá diêu bông" bắt nguồn từ câu chuyện tình cảm có thật của chính tác giả. Khi đó ông chỉ là cậu bé 8 tuổi, về quê thăm ông bà ở làng Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh. Đúng lúc đang ở trong quán của mẹ mình ông đã gặp được một người con gái xinh đẹp 16 tuổi. Bước vào quán của mẹ mình, ngay lập tức tác giả đã trúng phải tiếng sét ái tình. Qua một khoảng thời gian 4 năm trời ông đã luôn yêu thầm người con gái ấy.
Tuy nhiên người con gái ấy cũng biết được tình cảm của ông nhưng vẫn giữ im lặng. Một ngày nọ cô nói vui với ông rằng "Nếu ai tìm được chiếc lá diêu bông thì sẽ gọi là chồng của mình".
Với kiến thức của mình thì tác giả đã biết rằng không hề có chiếc lá diêu bông. Nhưng vẫn mải miết đi tìm suốt từng ấy năm, tuy nhiên khi ông 12 tuổi thì người con gái đó đã đi lấy chồng. Đến năm ông 37 tuổi, chôn chặt hình ảnh lãng mạn đầu đời đó mãi đến năm 1959 thì bài thơ "Lá diêu bông" mới ra đời.
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
– Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày Em tìm thấy lá
Chị chau mày
– Đâu phải lá Diêu Bông
Mùa đông sau Em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới Chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt Chị không nhìn
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hời !
ới Diêu Bông !..
Khánh Hòa
Nguồn : VNTB, 19/04/2021