Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/04/2021

Bàn cờ trật tự thế giới mới đang thành hình quanh hai trục chính

BBC - VOA

Liên Âu thông qua chiến lược chung về Ấn Độ-Thái Bình Dương

Trọng Thành, RFI, 20/04/2021

Lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu đưa ra một chiến lược chung về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng địa - chính trị ngày càng gia tăng tại khu vực, đặc biệt với thế đối đầu Mỹ - Trung.

lienau1

Qua video hội nghị, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell (màn hình trên) chủ trì cuộc họp các ngoại trưởng 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 19/04/2021.  AP - Francois Walschaerts

Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trải dài từ bờ đông Châu Phi đến các quốc đảo Thái Bình Dương, chính thức trở thành địa bàn trọng yếu, mà Liên Hiệp Châu Âu muốn khẳng định vai trò của một tác nhân chủ chốt.

Theo AFP, thông cáo chung được công bố sau cuộc họp của ngoại trưởng 27 thành viên Liên Âu hôm 19/04/2021, nhấn mạnh đến mục tiêu thúc đẩy môi trường thuận lợi cho kinh tế "một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, các điều kiện cạnh tranh công bằng và một môi trường mở và công bằng đối với thương mại và đầu tư". Các nước Liên Âu muốn bảo đảm là tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, các tuyến giao thông hàng hải phải là các tuyến đường "tự do và mở, nơi luật pháp quốc tế triệt để được tôn trọng".

Tên gọi chính thức của chiến lược mới của Liên Âu là "Chiến lược hợp tác của Liên Hiệp Châu Âu tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Liên Âu không trực tiếp chỉ trích Trung Quốc, quốc gia mà Bruxelles đã xác định là cùng lúc vừa là "đối tác thương mại, thế lực cạnh tranh kinh tế và đối thủ mang tính hệ thống". Tuy nhiên, chiến lược của Liên Âu cũng khẳng định rõ: "xu thế hiện nay là cạnh tranh địa - chính trị ngày càng dữ dội, làm gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực thương mại và chuỗi cung ứng, cũng như các các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh".

Thông cáo chung đặc biệt ghi nhận tình trạng nhân quyền tồi tệ đi cùng với các căng thẳng địa chính trị ngày càng đe dọa "ổn định và an ninh của khu vực, và rộng hơn, với hệ quả là tác động trực tiếp đến các lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu". Liên Âu khẳng định chiến lược dài hạn với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương phải dựa trên việc bảo vệ "dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền và sự tôn trọng luật pháp quốc tế".

Tăng cường các quan hệ đối tác với khu vực là giải pháp hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu. Cụ thể, Châu Âu muốn phát triển quan hệ với "các đối tác cùng chia sẻ các giá trị chung", trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Liên Âu ủng hộ "vai trò trung tâm của khối ASEAN" trong "kiến trúc khu vực", cũng như tầm quan trọng của cơ chế đối thoại Á – Âu (ASEM), có sự tham gia của Trung Quốc. 

Tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, phối hợp với các đối tác khu vực để bảo đảm một tiến trình chấn hưng kinh tế - xã hội hậu Covid-19 hướng đến sự phát triển bền vững, công bằng là các trọng tâm khác trong chiến lược nói trên.  

Từ nay đến 09/2021, Ủy Ban Châu Âu và lãnh đạo ngoại giao Liên Âu có trách nhiệm thảo ra một lộ trình hành động đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 2004/2021

**************************

Trung Quốc kết bạn, tìm cách phá ‘bè phái’ của Mỹ

VOA, 19/04/2021

Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với các đối tác chuyên quyền như Nga và Iran, cũng như các nước khu vực phụ thuộc kinh tế, đồng thời sử dụng các biện pháp trừng phạt và đe dọa để cố gắng phá vỡ các liên minh mà Hoa Kỳ đang xây dựng để chống lại họ, theo Reuters.

trattu1

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ngày 22/3/2021.

Các nhà ngoại giao và phân tích gia cho rằng điều đáng lo ngại cho Bắc Kinh là chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã bắt tay cùng các nền dân chủ khác để tăng cường đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy, quyết đoán hơn trên toàn cầu về nhân quyền và các vấn đề an ninh khu vực như như tranh chấp Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố gửi cho Reuters : "Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối việc phía Hoa Kỳ tham gia vào khối chính trị có chung đường lối tư tưởng, và kết hợp để hình thành các bè phái chống Trung Quốc".

"Chúng tôi hy vọng các nước có liên quan thấy rõ lợi ích của chính họ... và không bị biến thành công cụ của Mỹ chống Trung Quốc", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết thêm.

Sau các cuộc đàm phán đầy sóng gió vào tháng trước giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc tại Anchorage, Bắc Kinh dường như cũng gấp rút trao đổi với các quốc gia như Nga, Iran và Triều Tiên, những nước cũng đang chịu các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu.

"Trung Quốc rất lo lắng về chính sách ngoại giao liên minh của Hoa Kỳ", ông Li Mingjiang, phó giáo sư thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, chỉ ra điều mà ông gọi là nỗ lực "túm tụm tìm hơi ấm" với các chính phủ bị phương Tây xa lánh.

Vài ngày sau cuộc họp ở Alaska, nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị, đã tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người kêu gọi Moscow và Bắc Kinh đẩy lùi điều mà ông gọi là chương trình ý thức hệ của phương Tây.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trao đổi thông điệp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, kêu gọi quan hệ đối tác sâu rộng hơn với một quốc gia khác mà tham vọng vũ khí hạt nhân đã dẫn tới các lệnh trừng phạt.

Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 16/4, hai nước đã trình bày một mặt trận thống nhất chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc, về các vấn đề từ đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông mà Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, đến các vấn đề nhân quyền ở khu vực Hong Kong và Tân Cương của Trung Quốc.

Theo Reuters

**********************

Lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản thống nhất chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc

VOA, 17/04/2021

Tổng thống Joe Biden ngày thứ Sáu thể hiện sự thống nhất với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga chống lại một nước Trung Quốc ngày càng quyết đoán khi nhà lãnh đạo Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức.

trattu2

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đi từ Phòng Bầu Dục ra phát biểu trong một cuộc họp báp tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, ngày 16 tháng 4, 2021, ở Washington.

Cuộc hội đàm cho tổng thống Đảng Dân chủ cơ hội để tiến xa hơn với cam kết của ông hồi sinh các liên minh của Mỹ vốn đã bị rạn nứt dưới thời người tiền nhiệm Đảng Cộng hòa Donald Trump.

Trung Quốc đứng đầu chương trình nghị sự, nêu bật vai trò trung tâm của Nhật Bản trong các nỗ lực của Mỹ nhằm đối đầu với Bắc Kinh. Hai nhà lãnh đạo đề cập đến một loạt các vấn đề địa chính trị trong một tuyên bố chung, bao gồm "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan", một sự chỉ trích nhắm vào áp lực quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

"Hôm nay Thủ tướng Suga và tôi tái khẳng định sự ủng hộ vững như bàn thạch của chúng tôi đối với liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản và đối với nền an ninh chung của chúng ta", ông Biden nói trong một cuộc họp báo chung tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, gọi các cuộc thảo luận là "mang lại kết quả".

"Chúng tôi cam kết hợp tác cùng nhau đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc và các vấn đề như Biển Đông Trung Hoa, Biển Nam Trung Hoa, cũng như Triều Tiên, để bảo đảm tương lai của một vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Các mối quan tâm cấp bách khác tại cuộc hội đàm bao gồm việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự gần Đài Loan, thắt chặt kiểm soát Hong Kong và đàn áp người Uighur theo Hồi giáo ở Tân Cương.

Ông Suga nói ông và ông Biden đã đồng ý về sự cần thiết của các cuộc thảo luận thẳng thắn với Trung Quốc trong bối cảnh các hoạt động của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong một tuyên bố với lời lẽ cứng rắn đưa ra vào ngày thứ Bảy, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói Bắc Kinh "kiên quyết phản đối" tuyên bố chung, và rằng Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương là chuyện nội bộ của Trung Quốc.

Tuyên bố chung đã "hoàn toàn vượt ra ngoài phạm vi phát triển bình thường của quan hệ song phương", gây tổn hại đến các lợi ích của các bên thứ ba cũng như hòa bình và ổn định ở Châu Á - Thái Bình Dương, đại sứ quán nói.

Phát biểu này là một nỗ lực nhằm chia rẽ khu vực mà "chắc chắn sẽ xúc tiến với mục đích phương hại những nước khác và cuối cùng là phương hại chính họ", đại sứ quán nói thêm.

Hội nghị thượng đỉnh - là cuộc họp trực tiếp đầu tiên của ông Biden với một nhà lãnh đạo nước ngoài trên cương vị tổng thống - diễn ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc điều 25 máy bay, bao gồm cả máy bay chiến đấu và máy bay ném bom có năng lực hạt nhân, đến gần Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai.

"Tôi tránh đề cập đến chi tiết, vì nó liên quan đến những trao đổi ngoại giao, nhưng đôi bên đều công nhận tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, điều này đã được tái khẳng định nhân dịp này", ông Suga nói.

Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo đề cập đến Đài Loan lần đầu tiên kể từ năm 1969, trước khi Tokyo bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh, sử dụng cách diễn đạt của bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của cả hai nước sau cuộc họp vào tháng trước.

Trước đó đã có sự chú ý về câu chữ được dùng để nói về Đài Loan và các vấn đề nhạy cảm khác, do Tokyo thận trọng về sự cần thiết phải cân bằng mối quan tâm an ninh của mình với mối quan hệ kinh tế sâu sắc của Nhật Bản với Trung Quốc.

Cạnh tranh kĩ thuật số, nhân quyền

Chính phủ Đài Loan hoan nghênh hai nước thể hiện sự ủng hộ và kêu gọi Trung Quốc hành động có trách nhiệm.

"Chúng tôi hy vọng nhà chức trách Bắc Kinh sẽ hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là một phần của khu vực và Eo biển Đài Loan và cùng đóng góp tích cực vào sự ổn định và hạnh phúc của khu vực", phát ngôn viên phủ tổng thống Đài Loan Xavier Chang nói trong một phát biểu.

Trong một hành động khác nhắm vào Trung Quốc, ông Biden nói trong cuộc họp báo rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ cùng đầu tư vào các lĩnh vực như 5G, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, nghiên cứu hệ gen và chuỗi cung ứng bán dẫn.

Tuyên bố chung nói Mỹ đã cam kết 2,5 tỉ đôla và Nhật Bản 2 tỉ đôla để tăng cường năng lực cạnh tranh kĩ thuật số bao gồm cả mạng 5G và xa hơn 5G.

"Nhật Bản và Hoa Kỳ đều dốc sức đầu tư vào việc canh tân và hướng tới tương lai", ông Biden nói. "Điều đó bao gồm việc bảo đảm rằng chúng tôi đầu tư và bảo vệ các công nghệ sẽ duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh của chúng tôi".

Phát biểu sau đó tại một viện nghiên cứu chính sách ở Washington, ông Suga nói Nhật Bản sẽ nói những gì cần nói với Trung Quốc và lên tiếng về nhân quyền, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập một mối quan hệ ổn định, mang tính xây dựng với Bắc Kinh.

Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo cho biết họ "có cùng những lo ngại nghiêm trọng" về tình hình nhân quyền ở Hong Kong và khu vực Tân Cương của Trung Quốc, nơi mà Washington nói Bắc Kinh đang tiến hành một cuộc diệt chủng nhắm vào người Uighur theo Hồi giáo. Trung Quốc phủ nhận những vi phạm nhân quyền.

Nhật Bản đã bị chỉ trích vì không có hành động mạnh mẽ hơn đối với cáo buộc vi phạm nhân quyền vì lo ngại phản ứng dữ dội có thể gây tổn hại cho các công ty có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ.

Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Suga nói rằng ông đã nói với ông Biden rằng ông quyết xúc tiến Thế vận hội Mùa hè ở Nhật Bản và ông Biden đã bày tỏ sự ủng hộ. Nhật Bản đang chật vật kiểm soát những ca nhiễm virus corona đang gia tăng trong khi chưa đầy 100 ngày nữa là đến ngày khai mạc theo lịch trình.

"Tôi đã nói với tổng thống về quyết tâm của tôi trong việc hiện thực hóa Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo vào mùa hè này như một biểu tượng của sự thống nhất toàn cầu", ông Suga nói.

Khi họ ngồi xuống hội đàm, ông Biden, ông Suga và phái đoàn của hai nước đều đeo khẩu trang, tuân thủ các quy định bảo vệ chống lại sự lây lan của Covid-19.

Ông Biden dường như quyết tâm khởi động một mối quan hệ suôn sẻ với ông Suga sau bốn năm ông Trump đôi khi chỉ trích các đồng minh ở Châu Á và các nước khác về điều mà ông nói là họ chi tiền không đủ cho quốc phòng hoặc tài trợ không đủ cho sự hiện diện của quân đội Mỹ và đặt câu hỏi về giá trị của các liên minh quân sự nền tảng.

Với cuộc hội kiến ông Suga và một hội nghị thượng đỉnh khác đã được lên lịch với Hàn Quốc vào tháng 5, ông Biden hy vọng sẽ thúc đẩy các nỗ lực chung với Úc, Ấn Độ và Nhật Bản trong một nhóm được gọi là Bộ tứ, cũng như với Hàn Quốc, để chống lại Trung Quốc và địch thủ lâu năm của Mỹ là Triều Tiên.

Theo Reuters

**********************

Trung Quốc lên tiếng về tuyên bố chung Mỹ-Nhật

BBC, 18/04/2021

Vài giờ sau khi Nhật Bản và Hoa Kỳ nêu tên Đài Loan trong tuyên bố thượng đỉnh, Trung Quốc đã phản pháo lại bằng một thông cáo.

trattu3

Tổng thống Biden họp báo với Thủ tướng Suga vào 16/4 sau khi hội đàm với nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ khi ông nhậm chức.

Ngoài Đài Loan, tuyên bố chung Mỹ - Nhật nêu quan ngại của hai đồng minh đối với Hong Kong và các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.

"Những vấn đề này thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và không được phép can thiệp.

"Chúng tôi bày tỏ quan ngại mạnh mẽ và kiên quyết phản đối các bình luận có liên quan trong Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo", người phát ngôn tại Đại Sứ quán Trung Quốc tại Tokyo cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy.

Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương thuộc "công việc nội bộ của Trung Quốc", tuyên bố cho biết thêm.

"Những bình luận này đã vượt xa phạm vi phát triển bình thường của quan hệ song phương", Đại sứ quán Trung Quốc cho biết thêm.

"Kế hoạch của Hoa Kỳ và Nhật đi ngược lại xu hướng thời đại và ý chí của người dân trong khu vực. Mặc dù nó được thiết kế để làm suy yếu nước khác, nhưng cuối cùng nó sẽ chỉ làm tổn thương chính họ".

Sau hội nghị thượng đỉnh tại Washington vào thứ Sáu, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ra một tuyên bố đề cập đến Đài Loan, và nói rằng : "Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề giữa hai bờ eo biển".

Lần cuối cùng Nhật Bản và Hoa Kỳ đề cập đến Đài Loan trong một tuyên bố như vậy là vào năm 1969 sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Sato Eisaku và Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon.

Điều này xảy ra trước khi cả Nhật và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào những năm 1970.

Tuyên bố chung lần này của hai ông Suga và Biden nói chia sẻ mối quan ngại của họ về các hoạt động của Trung Quốc không phù hợp với trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, bao gồm việc sử dụng các hình thức cưỡng bức kinh tế và các hình thức khác.

"Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông", tuyên bố cho biết và đề cập đến quần đảo Senkaku nằm gần Đài Loan.

Các đảo nhỏ, được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, và Bắc Kinh thường xuyên đưa tàu vào vùng biển gần đó.

Tuyên bố cũng đề cập đến những tuyên bố ngày càng lấn lướt của Trung Quốc đối với lãnh thổ ở Biển Đông. "Chúng tôi nhắc lại sự phản đối của chúng tôi đối với các tuyên bố và hoạt động hàng hải trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông và tái khẳng định lợi ích chung mạnh mẽ của chúng tôi đối với một Biển Đông tự do và mở được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế".

Tuần qua Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã cử một phái đoàn không chính thức, bao gồm các cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg tới Đài Bắc, như một dấu hiệu cho thấy cam kết của ông đối với hòn đảo này.

Chuyến thăm diễn ra vài ngày sau khi 25 máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, đây là lần mới nhất trong một loạt các cuộc xâm nhập không phận Đài Loan của Trung Quốc.

Tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng công kích tuyên bố của Nhật-Mỹ trong một bài xã luận, nói rằng đã đến lúc hai nước phải hành xử một "cách có trách nhiệm".

"Có vẻ như mục đích duy nhất của Hoa Kỳ và Nhật Bản để củng cố liên minh hàng có nhiều thập niên của họ dưới thời chính quyền mới của Mỹ là chuyển hướng nhằm chống lại Trung Quốc, một tín hiệu mà hai nước nên tránh gửi đi khi nó mang tâm lý thiên vị và ý thức hệ Chiến tranh Lạnh", báo này viết.

"Cả Hoa Kỳ và Nhật Bản nên hành xử theo cách xây dựng và có trách nhiệm hơn", báo này nói thêm. "Sự cấu kết bài Trung của họ sẽ chỉ tạo ra kết cục cùng mất mát, chẳng mang lại lợi ích gì cho lợi ích của riêng ai, chứ chưa nói đến đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực".

Trong khi đó, Đài Loan hoan nghênh tuyên bố của Suga-Biden, trong đó Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ "lòng biết ơn chân thành" về việc "công nhận tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trong khu vực hai bên eo biển Đài Loan".

"Đài Loan, nằm ở vị trí quan trọng trong chuỗi đảo thứ nhất, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự ổn định và thịnh vượng của khu vực và cũng có chung cảm nhận với các nước trong khu vực về các mối đe dọa và xâm lược bằng đường đất liền, hàng hải và hàng không", Bộ ngoại giao Đài Loan cho biết .

Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng đã tweet : "Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của @POTUS & @sugawitter [Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật], trong đó họ nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại hai bên eo biển Đài Loan".

Nguồn : BBC, 18/04/2021

**********************

Tình báo : Trung Quốc đẩy mạnh bá chủ toàn cầu là đe dọa an ninh hàng đầu của Mỹ

VOA, 15/04/2021

Việc Trung Quốc đẩy mạnh quyền lực toàn cầu là mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ, trong khi những nỗ lực của Nga phá hoại ảnh hưởng của Mỹ để tự khẳng định họ một quốc gia đóng vai trò chính cũng là một thách thức, theo phúc trình tình báo Mỹ công bố ngày 13/4.

trattu4

GIám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, bà Avril Haines.

Đánh giá Đe dọa Thường niên 2021 trình bày quan điểm của các cơ quan tình báo Mỹ về những vấn đề chính sách ngoại giao quan trọng mà Tổng thống Joe Biden đối mặt trong năm đầu tiên nhậm chức.

Trong khi Trung Quốc và Nga được xem là những thách thức hàng đầu, thì Iran và Triều Tiên cũng sẽ là những thử thách đối với an ninh quốc gia Mỹ, phúc trình nói.

Phúc trình, gởi đến Quốc hội, sẽ là chủ đề thảo luận trong những cuộc họp của ủy ban tình báo Thượng và Hạ viện vào ngày 14/4 và 15/4. GIám đốc Tình báo Quốc gia, Avril Haines, và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương William Burns sẽ công khai điều trần lần đầu tiên kể từ khi được chuẩn nhận dưới thời chính quyền Biden.

Phúc trình nói Đảng cộng sản Trung Quốc cầm quyền sẽ đẩy mạnh "nỗ lực toàn chính phủ để lan truyền ảnh hưởng của Trung Quốc, phá hoại ảnh hưởng của Mỹ, chia rẽ Washington với đồng minh và đối tác" và nuôi dưỡng việc chấp nhận hệ thống độc tài của Trung Quốc.

Cùng lúc, lãnh đạo Trung Quốc sẽ "tìm những cơ hội chiến thuật" để giảm căng thẳng với Mỹ khi phù hợp với những lợi ích của họ, phúc trình nói.

Vẫn theo phúc trình, Trung Quốc có khả năng tấn công mạng đáng kể mà ở mức tối thiểu có thể gây nên những gián đọan cục bộ tạm thời cho hạ tầng cơ sở trọng yếu trong nước Mỹ.

Nga tìm cách phá hoại ảnh hưởng của Mỹ, gieo rắc bất đồng giữa các nước Tây phương và bên trong liên minh Tây phương, cũng như xây dựng khả năng "định hình các sự kiện toàn cầu như một tác nhân chính", phúc trình nói và thêm rằng Nga cũng "vẫn là mối đe dọa an ninh mạng hàng đầu".

Đánh giá của các cơ quan tình báo vừa kể về chương trình hạt nhân và ý định của Iran nói rằng Iran "hiện không từ bỏ vũ khí hạt nhân- những hoạt động phát triển mà chúng ta đoán là cần thiết cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân".

Tuy nhiên tình báo Mỹ nói, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước hạt nhân Iran 2015 với các cường quốc thế giới, Tehran "tái tục một số hoạt động" vi phạm thỏa thuận.

Iran sẽ là "mối đe dọa tiếp tục của các quyền lợi của Mỹ và đồng minh" tại Trung Đông, tiếp tục làm việc để phá hoại ảnh hưởng của Mỹ, phúc trình nói.

Triều Tiên, tình báo Mỹ nói, "sẽ là mối đe dọa ngày càng tăng của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản" vào lúc nước này nâng khả năng quân sự qui ước. Quan tâm của Bình Nhưỡng chế tạo vũ khí giết người hàng loạt sẽ vẫn là quan ngại chính, phúc trình nói.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un "vẫn mạnh mẽ cam kết vũ khí hạt nhân của nước này, Triều Tiên hiện đang tích cực nghiên cứu và phát triển phi đạn đạn đạo" và vẫn quan tâm đến việc phát triển vũ khí hóa học và sinh học, phúc trình nói.

Theo Reuters

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Reuters, VOA tiếng Việt, BBC tiếng Việt
Read 765 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)