Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/04/2021

Thành lập đặc khu kinh tế tại Việt Nam : lợi ích hay rủi ro ?

Trần Ngọc Thơ

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia mới đây có bài viết  với tựa tạm dịch ‘Đặc khu kinh tế tạo ra nhiều rủi ro hơn lợi ích’ (Special Economic Zones create more risks than benefits) được báo Sài Gòn Giải Phóng Online bản tiếng Anh đăng tải ngày 22/4.

dackhu01

Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đang lên kế hoạch nghiêm túc để chuyển đổi hai thành phố này thành các trung tâm tài chính quốc tế. Quyết định này đã và đang gây nhiều lo ngại cho các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Người dân Việt Nam lần đầu biết đến khái niệm đặc khu vào năm 2018, khi Chính phủ Hà Nội chỉ đạo soạn thảo dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đối với Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, gọi tắt là Dự luật đặc khu để trình Quốc hội xem xét.

Tuy nhiên dự luật này đã gặp phải nhiều phản đối từ phía người dân trong suốt tháng 6 năm đó qua những cuộc biểu tình đông người tại nhiều nơi khắp cả nước.

Nguyên nhân được nói do những chính sách ưu đãi quá nhiều cho đặc khu khiến nhiều người dân và chuyên gia ở Việt Nam lo ngại. Điển hình như điều khoản thuế, chính sách nhập cảnh, quan trọng hơn hết là việc cho người nước ngoài thuê đất lên đến 99 năm trong dự luật có thể khiến người Trung Quốc vào chiếm đất của Việt Nam, nhất là ở những vị trí địa lý quan trọng là ba vùng đặc khu kể trên.

Dự luật được hoãn xem xét trong kỳ họp quốc hội cuối năm 2018 do chịu sức ép từ phía dư luận, đến nay vẫn chưa thông qua. Dù vậy, đây vẫn là vấn đề được nhiều người dân quan tâm đến hiện nay.

Bài viết của Giáo sư tiến sĩ Trần Ngọc Thơ phân tích những điểm cần hiểu rõ về hình thức của đặc khu kinh tế. Theo ông, đặc khu kinh tế chỉ thành công thu hút nhà đầu tư mới nếu các ưu đãi thật hấp dẫn trong mối tương quan so với các đặc khu khác trên thế giới. Nguyên nhân được nói do các nhà đầu tư không phải tù nhân, họ đào thoát ngay lập tức nếu các ưu thế không như kỳ vọng. Do vậy, ưu đãi càng nhiều phát tín hiệu thất bại càng lớn.

Bên cạnh đó, đặc khu là một lãnh thổ riêng biệt trong một quốc gia với sự hỗ trợ thuận lợi hơn về thuế và các quy định khác so với các khu vực khác của quốc gia. Dù đặc khu có thể mang lại những lợi ích to lớn, nhưng cũng có thể gây ra nhiều vấn đề.

Đồng quan điểm vừa nêu, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính vào tối 22/4 khi trao đổi với RFA cũng cho rằng chính sách là khâu đặc biệt đối với những đặc khu kinh tế.

"Phải có chính sách đặc biệt, khác đi nhưng phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế xã hội chung chứ không phải vùng đặc khu đó để có những ưu tiên đặc biệt về chính sách thuế hay vấn đề liên quan việc sử dụng ưu đãi quá mức từ phía nhà nước.

Qua khảo sát của một số tổ chức quốc tế với rất nhiều doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam, không phải ưu đãi về chính sách thuế làm cho họ đầu tư ở Việt Nam mà vấn đề quan trọng là môi trường đầu tư, ứng xử và tiếp cận thị trường một cách công bằng, bình đẳng, càng công khai, càng minh bạch, rõ ràng, cụ thể thì họ càng cảm thấy tốt hơn, và không có chi phí ‘gầm bàn’, thì lúc đó họ mong muốn đầu tư vào Việt Nam".

Giáo sư tiến sĩ Trần Ngọc Thơ cho rằng nhìn qua ba giai đoạn phát triển của đặc khu kinh tế bắt đầu ở Trung Quốc từ những năm 1980 đến nay, đặc khu không còn là vùng biệt lập với diện tích đất khổng lồ và nhiều biệt đãi.

Tuy nhiên, các quốc gia cố gắng học hỏi từ mô hình đặc khu kinh tế của Trung Quốc được khuyến khích nên xem xét các đặc khu với trọng tâm chính là lựa chọn các khu vực ven biển.

Giải thích rõ hơn vấn đề này, từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính – ngân hàng độc lập cho hay :

"Đặc khu kinh tế không bắt buộc phải ở ven biển, có thể ở trong nội địa. Tuy nhiên ở ven biển có nhiều thuận lợi, nhất là với các nhà đầu tư Trung Quốc muốn ở ven biển vì các tàu biển có thể cập bến dễ dàng, thuận lợi hơn. Không chỉ Trung Quốc mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy. Ở ven biển tiếp cận được hàng hải, trong khi ở trong nội địa thì phải có đường hàng không, đường ô tô và đường xe hỏa.

Những đặc khu kinh tế ở ven biển có thuận lợi tiếp giáp đường hàng hải, đặc biệt ven biển là những vùng có thể là một hỗn hợp giữa công nghiệp và giải trí, cũng như nơi nghỉ ngơi. Thành ra ven biển luôn là nơi các nhà đầu tư mong muốn".

dackhu2

Khu vực Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Nguồn : FB Bắc Vân Phong

Một nội dung đáng quan tâm khác về đặc khu kinh tế được Giáo sư tiến sĩ Trần Ngọc Thơ nhắc đến trong bài viết là đặc khu chỉ là lựa chọn khi mức sinh lợi từ đây rất lớn, đủ để bù đắp thiệt hại trong trường hợp đặc khu thất bại.

Bên cạnh đó, sự quản lý kém của chính phủ dẫn đến nợ quốc gia quá nhiều là một trong những nguyên nhân khiến đặc khu kinh tế được chính phủ ủng hộ thành lập.

Việc tạo ra các đặc khu nhằm giúp tăng nguồn thu ngân sách được nói chỉ là biện pháp tạm thời và chứng tỏ đây là một sự lựa chọn thất bại, và chỉ ra sự lên ngôi của chủ nghĩa tư bản thân hữu. Từ đó nâng cao rủi ro chủ quyền từ thỏa thuận hoán đổi nợ thành đặc khu kinh tế.

Điển hình ở đây là việc Chính phủ Sri Lanka nhượng cảng chiến lược nước sâu Hambantota cho Trung Quốc để xóa khoản nợ 1,12 tỷ USD được gọi là hình thức hoán đổi nợ chủ quyền thành đặc khu.

Vì vậy, PGiáo sư tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần phải rất thận trọng trong việc hoạch định và tìm kiếm nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như đặc khu nói riêng. Ông nói :

"Nếu chúng ta dùng việc hoán đổi các khoản nợ của các quốc gia để từ đó phát triển các đặc khu kinh tế hay vay nợ để phát triển và các đặc khu kinh tế đều là điều không nên vì dẫn đến việc tăng nợ nần của một quốc gia, đặc biệt có thể là một bẫy nợ mà không phải hiện tại, có thể trả giá nó phải trả bằng một khoảng thời gian lâu dài.

Nhiều đời sau này sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu như lại đi vay của các quốc gia đầu tư phát triển khu kinh tế, đặc biệt với những quốc gia có mong muốn và dã tâm bành trướng".

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, những đặc khu kinh tế được biệt lập ra khỏi khu công nghiệp của các nước và được hưởng những chính sách ưu đãi về thuế, về hải quan, nhưng có quy định riêng về lao động, vấn đề hành chính những khu đó.

"Trên thế giới đặc khu kinh tế là những chỗ họ khoanh vùng ra, đặc biệt để sản xuất, bán hàng ra nước ngoài. Đó là đặc khu rất nhiều hàng hóa được xuất khẩu. Đó là mô hình cần phải khai triển, tốt cho Việt Nam".

Tuy nhiên TS. Hiếu cũng cho rằng khi triển khai cần xem xét những điều kiện hợp lý. Điển hình như trong dự luật đặc khu trước đây của Việt Nam đã cho phép đồng Nhân dân tệ lưu hành trong địa bàn đặc khu Bắc Vân Phong, điều này là không thể chấp nhận vì xâm phạm đến chủ quyền tiền tệ Việt Nam và ngay cả ông cũng phản đối.

Còn theo Giáo sư tiến sĩ Trần Ngọc Thơ, nếu muốn biết một nền kinh tế thực sự biến dạng như thế nào, thì hãy nhìn vào đặc khu kinh tế. Cũng cần lưu ý rằng xu hướng đặc khu kinh tế chỉ dành cho mục đích chính trị và giống như là một canh bạc. Theo ông, quốc gia không cần đặc khu kinh tế mới thực sự độc đáo và đặc biệt.

 

Nguồn : RFA, 22/04/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Ngọc Thơ
Read 458 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)