Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/04/2021

30/04, ôn lại quốc sử Việt

Tạ Dzu

Ngày 30 tháng Tư năm 1975 khép lại trang sử Việt của hai lực lượng dân tộc đối đầu nhau trong thế tương tranh quốc tế giữa tư bản và cộng sản. Thế tương tranh này kéo dài từ tranh chấp giữa hai triết thuyết xuất phát từ phương Tây – Duy Tâm và Duy Vật, đã làm nước ta tan nát. Việt Nam trở thành lò lửa kinh hoàng, anh em một bọc chém giết nhau trong thế cuộc đảo điên cạnh tranh quốc tế.

Em Còn Nhớ Mùa Xuân - Sĩ Phú

Hai phe phương Tây tranh chấp nhau có người thắng, kẻ thua, nhưng dân tộc Việt thì hoàn toàn thua cuộc. Một sự thua cuộc nghiệt ngã thương đau, gần 50 năm sau vết thương chưa lành và Việt tộc vẫn chưa có cơ hàn gắn. Bên thắng cuộc mang danh giải phóng, giành lại độc lập, thống nhất đất nước, nhưng "giải phóng" được một giai cấp thì lại bách hại các giai tầng khác, rồi cả dân tộc cùng bị giam hãm trong cái lồng sơn son thếp vàng có tên cộng sản.

Các thế hệ lãnh đạo sau 1975 dần dà cũng biết chủ thuyết cộng sản là một học thuyết sai lầm, họ liên tục phải chỉnh sửa, thay đổi để tự tồn. Nhưng họ không quyết tâm từ bỏ để trở về gốc Việt dù biết là sai, đành cố bám vì bả quyền lực danh lợi. Họ chiến thắng nhưng bất chấp cả dân tộc thua đau. Họ nắm quyền lực nhưng chính quyền không phải của dân, mà là chính quyền của một chủ thuyết đã thất bại phát xuất từ phương xa chứ không phải của nòi Việt.

30 tháng 4 là dịp tìm về triết Việt

Cha ông đã để lại cho ngàn sau nhiều bài học về triết. Triết lý Việt là triết để sống, không nhằm bàn suông. Việt tộc sống triết chứ không "viết triết" thành văn bản.

Đời sống nông nghiệp lúa nước khiến nhà nông luôn đối mặt với hai thái cực : nắng mưa, úng hạn… Nông dân dầm mình dưới nước lạnh (âm), phơi mình trong nắng lửa (dương). Bản thân cây lúa cũng thế, gốc ngâm trong nước, ngọn tắm nắng trời. Khi trổ bông, hoa lúa phơi mầu vào giờ ngọ giữa trưa lúc dương khí thịnh, và giờ tý nửa đêm lúc âm khí mạnh nhất để hấp thụ đầy đủ âm dương mà thành hạt lúa.[1]

Đời sống con người luôn có hai mặt đối lập : nam nữ, tâm vật, sáng tối. Nhưng hai cực này đều cần thiết cho đời sống. Chúng đối lập mà thống nhất, bổ túc, hỗ trợ chứ không đối lập tranh chấp, tiêu diệt nhau.

Từ đời sống nông nghiệp, các thế hệ sau đã học được sự thống nhất các mặt đối lập của cuộc sống, kết tụ trong hình ảnh Rồng Tiên. Tiên biểu tượng tinh thần, trong sáng, đôn hậu, bao dung ; Rồng cho vật chất, quyền biến, đại trí, đại dũng. Truyện Gậy Thần Sách Ước cũng thế. Con người cầm nắm, điều khiển được hai đầu gậy thần sống-chết thì ước gì được nấy. Đời sống nhờ thế mà sung túc, an lành thảnh thơi.

Theo sử sách, dân Hoa Hạ nòi Hán trước khi tiến chiếm phương Nam chưa có khái niệm về lý vận hành âm dương nên không có hai từ này. Theo các nhà ngôn ngữ học, Yin (âm) và Yang (dương) bắt nguồn từ Ina và Yang trong ngôn ngữ Đông Nam Á cổ đại (bách Việt), với nghĩa gốc là mẹ và cha.

Trở về với gốc là trở về với dân. Dân với chính quyền phải như cá với nước. Nhà nước là nhà nước của dân, thực hiện ý nguyện nhân dân chứ dân không phải là dân của nhà nước để rồi muốn vo tròn bóp méo, giam hãm đàn áp, cấm đoán sao cũng được.

Vũ trụ âm dương có đó mà không có sự hiện hữu của người cũng chỉ là một vũ trụ vô hồn. Theo sách xưa, người là đức của trời đất, là giao điểm, kết hợp và từ trời đất mà sinh ra. Vũ trụ cứ tuần tự tụ rồi tán, nhưng người biết phân chia bốn mùa xuân hạ thu đông, làm lịch để có đầu có cuối, lại điều chỉnh tự nhiên để đời sống phong phú và thăng tiến. Người biết trồng tiả để cây sai trái hơn và cho trái ngon ngọt. Người chăn nuôi thú vật giúp đời sống thêm thuận lợi. Người điều chỉnh đực cái của tự nhiên thành nam nữ, vợ chồng. Người đã lập tâm cho trời đất, lập mệnh cho nhân sinh, kế vãng khai lai. Người là một, dân tộc là nhiều. Người là nhất thể nhưng mỗi dân tộc có văn hóa đặc thù riêng cần tôn trọng.

Việt tộc hiểu và sống triết theo cách thức thực tiễn như thế.

Bốn giai đoạn cách mạng Việt

Theo nhà tư tưởng Việt, Tiên sinh Lý Đông A (1920-1946 ?) trong tài liệu Chu Tri Lục 4[2] , trích lại một phần dưới đây thì cách mạng Việt được chia làm bốn giai đoạn : cự tuyệt, dung hòa, phản tỉnh, và sáng tạo.

"Thời kỳ cự tuyệt là từ Hồng Bàng đến Trưng Vương.

Thời kỳ dung hòa là đời Khúc (với chế độ tự trị Tiết Độ Sứ).

Thời phản tỉnh là đời Ngô với chế độ tự trị vương và 12 sứ quân.

Thời sáng tạo là đời Vạn Thắng (Đinh). Một giai tầng đáy và trung kiên có cái hoa lau làm hiệu, ở đấy đã hoàn thành mà làm chủ thời đại mới.

Vạn Thắng nghĩa là :

Thắng hơn ngàn năm đô hộ và đồng hóa, lập nên một nền tảng của cuộc độc lập và tồn chủng.

Thắng tất cả cuộc thất bại trên đấu tranh cũ, lập nên xuất phát điểm của cuộc thắng lợi mai sau bảo vệ cho nòi giống.

Thắng tất cả các cuộc thỏa hiệp, dung hòa và phản tỉnh không triệt để.

Thắng tất cả tự trị, lập nên dòng dõi của một văn minh mới dân tộc.

Thắng tất cả mọi chia rẽ và cát cứ bên trong, lập nên cuộc thống nhất.

Thắng tất cả các tính ươn hèn và quị lụy của mặt tầng, lập nên thói quen của tranh đấu.

Thắng tất cả các sự tự trị và phân hóa trong trận doanh tranh đấu là thời tranh bá đồ vương và quân phiệt cũ, lập nên nền móng dân bản bình dân chính trị.

Sự thất bại trên cá tính và bất chính trị (impolitique) của Đinh Tiên Hoàng chỉ là thất bại cho cá nhân và gia đình. Cuộc văn trị bao giờ cũng cần yếu, đi sau cuộc vũ lược... Nhưng mà nền tảng của nòi Việt Vạn Thắng đã chắc chắn thành lập để phát huy ra những vinh dự Lý–Trần. Sự tái kiến của Đại Việt chính là sự tái kiến của thời đại Vạn Thắng trên một nền tảng với các điều kiện khoáng trương và phát triển hơn."

Nhìn từ biên độ nhỏ hơn của lịch sử, người ta cũng thấy khá rõ bốn giai đoạn nói trên.

Sau khi cộng sản tiến chiếm miền Nam năm 1975, nhiều tổ chức đấu tranh vũ trang đã ra đời cả ở trong lẫn ngoài nước chống lại sự cai trị của cộng sản. Đó là giai đoạn cự tuyệt.

Chống không lại, bị dẹp tan, tất cả đành dung hoà, chung sống với cộng sản. Như trước kia khi chống không lại sự cai trị tàn ác của nòi Hán, dân Việt đều phải nín thở sống chung với giặc.

Tuy phải đành đoạn sống chung, nhân dân và ngay cả đảng viên cũng biết chủ thuyết cộng sản là sai lầm - một cái nhìn thiếu sót, lệch lạc của chủ nghĩa xã hội. Học thuyết Duy Vật chỉ mới nhìn thấy tầm quan trọng của một nửa đời sống, tương tự thuyết Duy Tâm.

Đời sống luôn có hai mặt, tinh thần và vật chất. Chúng cần được thống nhất để tạo sự quân bình. Đôi lúc, tinh thần là chủ động, vật chất phải nhường, và ngược lại. Chúng bổ khuyết, hỗ trợ nhau chứ không tranh chấp, như phu xướng phụ tuỳ. Nếu cả phu lẫn phụ đều tranh nhau xướng, hoặc cả hai giành nhau tuỳ, đều hỏng.

Đây là giai đoạn phản tỉnh. Cả thế hệ trẻ được giáo dục làm con người mới xã hội chủ nghĩa lẫn đảng viên một đời theo đảng đều nhận ra sai lầm của đảng, chủ yếu là do chủ nghĩa Mác-Lê thiếu sót vì chỉ nhìn nhận một phần của đời sống là vật chất. Triết lý thiếu sót dẫn đến tầm nhìn sai lệch, xây dựng xã hội càng lầm lạc hơn. Lầm lạc nên phải điều chỉnh, sửa sai, "đổi mới". Sáng sai chiều sửa. Chiều sửa sáng hôm sau lại tiếp tục sai.

Đảng cứ phải tuần tự sai rồi sửa. Nhưng sửa rồi lại sai, gây biết bao oan khiên cho những tiếng nói chân thực, thành tâm mong đảng từ bỏ chủ nghĩa sai lầm nọ mà quay về với gốc Việt. Họ không mong tranh đoạt quyền lực lẫn quyền lợi của lãnh đạo đảng. Họ mong đảng phản tỉnh để cùng quốc dân chung tay xây dựng một cuộc đời đáng sống, gồm cả tâm lẫn vật. Tệ hơn nữa là hai tầm nhìn thiếu sót này lại tranh chấp nhau, gây thương đau cho cả nhân loại.

Đảng viên cộng sản cần phản tỉnh triệt để, thấy rõ sai lầm của chủ thuyết đã lỡ dẫn đưa cả dân tộc đi theo, trở về với gốc Việt thì mới cùng toàn dân sáng tạo được một đời sống quân bình hoà hài, đích thực là cuộc đời đáng sống.

Đáy tầng và mặt tầng

Quốc sử Việt còn dạy ta về sự hoà hợp, tương thông với nhau giữa mặt tầng lãnh đạo và đáy tầng nhân dân.

Mỗi khi tiếp xúc với một nền văn hóa hay tư tưởng mới, mặt tầng trí thức và lãnh đạo thường có khuynh hướng tiếp thu ngay những điều mới lạ. Nếu phù hợp, qua thời gian sẽ được gạn lọc để những gì hay đẹp cũng được đáy tầng chấp nhận rồi Việt hoá. Nếu không, tiến trình cách mạng bốn giai đoạn trên có thể lại tiếp diễn. Trong trường hợp bị đàn áp, ép buộc quá mức hoặc mặt tầng chạy theo giặc, đáy tầng đành ngậm ngùi buông rơi để giữ lại gốc, tựa như đáy như giòng nước vẫn tuôn chảy, mặc thế sự xoay vần, mặc thế cuộc đảo điên, mặc rác rưởi tung hoành trên mặt để cố bảo tồn, giữ gìn lấy gốc.

Mặt tầng lãnh đạo hiện nay chưa phải là mặt tầng chân chính của đáy tầng nhân dân nên còn bị đáy tầng tiếp tục chối bỏ.

30thangtu01

30 tháng 4 lại về.

Bốn mươi lăm năm dài đằng đẵng.

Bao oan khiên nghiệt ngã, phân chia tang tóc đã xảy ra cho dân tộc.

Vong linh các chiến sĩ hai bên còn vất vưởng, chưa được thảnh thơi vì Việt tộc còn linh lạc, phân ly. Nước mắt Mẹ Việt vẫn tuôn rơi vì đàn con bất hiếu không nghe lời dặn - gà cùng một mẹ muối mặt theo người đá nhau.

Đã đến lúc các đảng viên cộng sản tiến bộ và những người không cộng sản còn nghiêng về một phía cần phản tỉnh triệt để, cùng quay về gốc hầu xóa tan bao nghi kỵ chia rẽ, buộc đảng cộng sản cũng phải quay về với dân mới thống nhất được lòng người mà xây dựng đất nước.

Chỉ có thế mới mở ra được thời kỳ mới - Đại Việt 2000, nối tiếp Đại Việt 1000 Lý-Trần hùng vĩ cường thịnh năm xưa.

Tạ Dzu 

(30/04/2021)

 


[1] Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, In lần thứ ba, 2001.

[2] Tuyển tập Lý Đông A, Chu Trí Lục, Hội học Thắng Nghĩa, 2016 - 4895 T.V.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tạ Dzu
Read 779 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)