Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/05/2021

Nợ công bằng Mỹ kim sắp sửa tăng mạnh

Võ Hàn Lam

Trái phiếu chính phủ thường không có rủi ro ?

Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, nói rằng thị trường trái phiếu  chính phủ đóng vai trò then chốt trên thị trường trái phiếu, nhằm đáp ứng 2 mục tiêu (i) là kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước, và (ii) là thị trường chuẩn cho thị trường tài chính.

nocong0

Nợ công sắp tăng vì có đề xuất cần phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để Nhà nước Việt Nam có tiền…

Về lý thuyết, trái phiếu chính phủ thường được coi là không có rủi ro, bởi chính phủ có thể tăng thuế hoặc in thêm tiền mặt để chi trả trái phiếu đáo hạn.

Lưu ý, an toàn hay không có rủi ro là theo nghĩa rủi ro có thể không được thanh toán. Các rủi ro khác vẫn tồn tại như tỷ giá – là khi đồng nội tệ mất giá so với các ngoại tệ ; rủi ro thứ hai là lạm phát – tiền gốc nhận lại khi đáo hạn giảm giá trị vì lạm phát vượt quá dự kiến.

Lo lắng dễ thấy nhất, đó là việc phát hành trái phiếu Chính phủ thường xuyên ra thị trường vốn quốc tế, đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến an ninh tiền tệ quốc gia, nhất là vấn đề nợ công bằng ngoại tệ.

Trở ngược thời gian

Nếu như năm 2003, mỗi người Việt Nam chỉ gánh 177 USD nợ thì nay đã lên đến hơn 817 USD, theo đồng hồ đo nợ công toàn cầu của tạp chí The Economist, sáng ngày 28/5/2013.

Trên đồng hồ đo nợ công toàn cầu của The Economist, nợ công của Việt Nam tới sáng 28/5/2013 là 73,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm ngoái. Trung bình, mỗi người dân Việt đang gánh 817,51 USD nợ, chiếm 49,1% GDP.

Năm 2003, nợ công Việt Nam là 14,4 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong một thập kỷ, tổng nợ đã tăng lên gấp 5. Nợ trên GDP thời điểm đó cũng đã gần 40%.

Theo báo cáo "Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam : Quá khứ, hiện tại và tương lai" của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), tính đến hết năm 201, nợ công Việt Nam, nếu tính hết phần vay của các doanh nghiệp Nhà nước, có thể lên đến 95% GDP. Con số này vượt xa ngưỡng an toàn 60% được các tổ chức quốc tế khuyến cáo.

Theo cách tính của World Bank và Tổ chức tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công được xác định là tổng khoản vay mượn và trái phiếu phát hành hoặc được bảo lãnh phát hành bởi chính quyền Trung ương, địa phương và cả doanh nghiệp Nhà nước.

Trong khi đó, cách định nghĩa nợ công của Việt Nam lại chỉ tính nợ của doanh nghiệp Nhà nước bảo lãnh mà ‘gạt’ đi nhiều khoản nợ rất lớn của doanh nghiệp Nhà nước, kể cả những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn.

Do đó, nếu tính thêm cả khoản nợ của khu vực doanh nghiệp Nhà nước mà không được Chính phủ bảo lãnh như nợ nước ngoài, trái phiếu trong nước và nợ hệ thống ngân hàng thì nợ công Việt Nam lên xấp xỉ 95% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn 60% GDP được các tổ chức quốc tế khuyến cáo.

Như vậy, tổng sản phẩm quốc nội được làm ra của đất nước là 100 đồng nhưng người dân cũng đang ‘cõng’ 95 đồng vay nợ.

Đến tháng 5/2014, trên đồng hồ đo nợ công toàn cầu của The Economist sáng 21/5/2014, nợ công của Việt Nam là 81,4 tỷ USD, tăng 11 % so với năm 2013. Trung bình, mỗi người dân Việt đang gánh 900,13 USD nợ, chiếm 47,8 % GDP.

Cách đó 10 năm, nợ công Việt Nam là 17,4 tỷ USD, bình quân 211 USD mỗi người. Như vậy, chỉ trong một thập kỷ, tổng nợ đã tăng hơn gấp 4.

Những con số nợ nần ở trên đều được tính trong thời gian cầm quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, xuyên qua hai ‘đời’ Tổng bí thư là Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng.

Nợ phải trả vượt quá ngưỡng cho phép

Ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định trong năm 2021, khi áp dụng cách tính GDP mới thì tỷ lệ nợ công sẽ giảm mạnh chỉ còn khoảng 45 – 46% GDP. Thế nhưng, giá trị tuyệt đối của nợ công vẫn đang tăng nhanh và tỷ lệ nợ công trên mức thu ngân sách nhà nước cũng tăng nhanh. Điều đó dẫn đến gánh nặng trả nợ hằng năm của Chính phủ và phá vỡ chính sách thu chi của quốc gia.

Dù nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép nhưng số tiền vay trả nợ gốc, đáo hạn, bù bội chi lại đang tăng nhanh. Nếu như năm 2017, nợ phải trả 144.000 tỷ đồng thì đến năm 2020 con số phải trả nợ cả gốc lẫn lãi lên hơn gấp đôi, khoảng trên 318.000 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2020, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài/xuất khẩu là 34,6%, vượt gần 10% so với mức trần 25% mà Quốc hội cho phép. Đây là một chỉ số mà Chính phủ cũng cho rằng "cần có biện pháp để kiểm soát chỉ tiêu này".

Đồng thời, đến hết năm 2020, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước ước khoảng 24,1% và nợ nước ngoài quốc gia khoảng 47,9% GDP. Bước sang năm 2021, dự kiến chi trả nợ trực tiếp hơn 368.000 tỷ đồng, bằng khoảng 27,4% thu ngân sách, cũng cao hơn mức trần cho phép.

Ngoài ra, theo dự toán phân bổ ngân sách năm 2021, Chính phủ phải vay khoảng 579.772 tỷ đồng để cân đối ngân sách trung ương bao gồm các khoản vay bù đắp bội chi ngân sách khoảng 318.870 tỷ đồng ; vay để trả nợ gốc của ngân sách khoảng 260.902 tỷ đồng. Như vậy Chính phủ phải đi vay bù đắp bội chi ngân sách, đồng thời phải vay để có tiền trả nợ gốc, và số tiền vay năm sau luôn cao hơn năm trước trong mấy năm qua.

Ông Phạm Thế Anh nhận định do dịch bệnh Covid và thiên tai bão lũ, năm 2020 có thể chấp nhận tỷ lệ nợ phải trả tăng cao. Nhưng dự kiến từ năm 2021, tỷ lệ nợ phải trả trên số thu ngân sách nhà nước lên hơn 27% là một con số gây lo lắng và cần phải được khống chế.

Vì vậy, không thể nhìn vào tỷ lệ nợ công theo con số GDP nữa. Thước đo nợ công phải dựa vào tỷ lệ nợ công trên thu ngân sách. Trong giai đoạn tới, thu ngân sách của Việt Nam sẽ không thể tăng mạnh vì khó tăng thêm thuế, phí hay các dịch vụ công cơ bản như y tế, giáo dục người dân phải chi trả nhiều hơn.

Vì vậy tỷ lệ trả nợ trên thu ngân sách sẽ tăng vọt. Người dân thêm khốn khó trong năm nay là điều không gì bàn cãi.

Trang web đồng hồ nợ công cho biết hiện bình quân mỗi người dân Việt Nam  đang ‘gánh nợ’ là 4.340 USD.

Võ Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 01/05/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Võ Hàn Lam
Read 712 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)