Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/05/2021

Virus Covid-19 xuất phát từ đâu ? Bắc Kinh thanh lọc thông tin

Trọng Nghĩa - John Sudworth

Nguồn gốc Covid-19 : Giới khoa học đòi WHO rọi sáng các vùng tối

Trọng Nghĩa, RFI, 03/05/2021

Trong một lá thư ngỏ đề ngày 30/04/2021 gửi đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS), khoảng 30 nhà khoa học quốc tế thuộc nhiều lãnh vực khác nhau một lần nữa đã kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập trên một loạt các vấn đề cụ thể liên quan đến nguồn gốc con virus SARS-Cov-2, cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

vuhan1

Bên ngoài khu vực phòng thí nghiệm P4 của Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 03/02/2021. AP - Ng Han Guan

Theo những người đã ký tên vào bức thư, cuộc điều tra của một phái đoàn quốc tế được WHO cử đến Trung Quốc đã vấp phải những trở ngại về măt "cấu trúc, thủ tục và dữ liệu phân tích" khiến cho không thể làm rõ được nguồn gốc của đại dịch Covid-19 hiện nay để dự phòng những cuộc khủng hoảng khác trong tương lai.

Các nhà khoa học đã đưa ra lời kêu gọi dựa trên chính những tuyên bố dè dặt của tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus vào cuối tháng 3 vừa qua, khi bản báo cáo kết quả cuộc điều tra chung WHO-Trung Quốc về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 được công bố.

Vào lúc ấy, ông Ghebreyesus đã xác định : "Tôi không nghĩ rằng đánh giá (của nhóm điều tra về khả năng một sự cố xảy ra trong phòng thí nghiệm) đã đủ thấu đáo". Sẽ cần thêm nhiều dữ liệu và nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận vững chắc hơn".

Trong một bài phân tích ngày 30/04 về nội dung bức thư ngỏ của các nhà khoa học quốc tế, nhật báo Pháp Le Monde đã nêu bật những gì mà giới nghiên cứu yêu cầu, đối với Tổ chức Y tế Thế giới, qua đó là đối với Trung Quốc, bị tình nghi là vẫn tìm cách cản trở cuộc điều tra rất cần thiết về nguồn gốc của con virus SARS-CoV-2.

Bắc kinh che giấu thông tin

Theo Le Monde, các tác giả bức thư ngỏ ngày 30/04/2021 gởi Tổ chức Y tế Thế giới trước hết đã nhắc lại những phê phán mà họ đã từng nêu lên trong một bức thư trước đây, đã được cả tờ báo Pháp lẫn đồng nghiệp Mỹ The Wall Street Journal công bố hôm 04/03. Đó là tình trạng phái đoàn chuyên gia điều tra hỗn hợp WHO-Trung Quốc đã không được Bắc Kinh cung cấp thông tin một cách đầy đủ.

Theo những người đã ký tên vào thư ngỏ, thì các chuyên gia quốc tế, dù hoạt động dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, đã không thể yêu cầu được tiếp cận tất cả các thông tin sẵn có. Trong nhiều trường hợp, họ đã phải tự bằng lòng với những phân tích có sẵn do cơ quan y tế Trung Quốc cung cấp. Thậm chí, khi tìm lời giải cho những nghi ngờ đang đè nặng lên Viện Virus học Vũ Hán (WIV), họ chỉ có được những phát biểu của nhân viên tại cơ sở này.

Tính chất thiếu độc lập của quá trình điều tra đó đã khiến cho nhiều nước quan ngại, và trong một tuyên bố chung ngày 30/03, chính phủ của mười bốn quốc gia (Hoa Kỳ, Úc, Canada, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Na Uy, v.v.), đã kêu gọi mở lại một cuộc điều tra thực sự độc lập về nguồn gốc của virus gây dịch Covid-19.

Trong bức thư ngỏ mới của mình, giới khoa học lần này đưa ra những vấn đề rất chính xác, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời, mà theo ho một cuộc điều tra độc lập sẽ phải ưu tiên tìm kiếm đáp án. Trong số này có yêu cầu được tham khảo dữ liệu về các bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở tỉnh Vũ Hán, cũng như tất cả các kết quả phân tích mẫu lấy từ động vật hoang dã và vật nuôi mà Bắc Kinh không chịu công bố.

Trong báo cáo của mình, phái bộ chung của WHO-Trung Quốc đã nói đến hàng chục nghìn mẫu được lấy ở nhiều vùng của Trung Quốc từ hàng chục loài động vật - không loài nào trong số đó có thể được xác định là vật chủ trung gian. Các nhà khoa học yêu cầu là các dữ liệu thô về các mẫu đã thu thập được phải được mở ra cho cộng đồng khoa học quốc tế tham khảo.

Cố tình xóa bỏ dấu vết cơ sở dữ liệu về virus corona ?

Theo Le Monde, các nhà khoa học tác giả bức thư ngỏ rất chú ý đến các nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán và những gì mà họ coi là còn bị che giấu, không chính xác, mâu thuẫn hoặc công bố sai lạc.

1/ Vấn đề đầu tiên được nêu lên là tại sao cơ sở dữ liệu về virus corona do Viện Virus học Vũ Hán duy trì, đã bị chuyển sang chế độ ngoại tuyến offline, tức là cắt rời khỏi mạng tin học, ngay từ tháng 9 năm 2019 trong khi các quan chức của viện này thì cho biết là nó chỉ bị ngắt kết nối từ lúc bắt đầu dịch, vào đầu năm 2020.

2/ Tương tự như vậy, bức thư ngỏ nêu bật khả năng cố tình xóa bỏ mọi dấu vết của cơ sở dữ liệu nổi tiếng này, với việc bài báo khoa học mô tả ngắn gọn bản chất và nội dung của dữ liệu đã bị xóa khỏi tạp chí trực tuyến Dữ Liệu Khoa Học Trung Quốc (China Science Data).

Vào tháng 12 năm 2020, báo Le Monde đã ghi nhận việc bài báo đã bị xóa, nhưng các bài khác - đều mô tả các bộ dữ liệu - vẫn có thể truy cập được. Nhưng theo các nhà khoa học đã ký bức thư ngỏ thì đến khoảng hai tháng Ba và Tư năm 2021 này, toàn bộ tạp chí đã bị xóa khỏi Internet. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có sự biến mất như vậy.

Hạn chế thông tin về virus RaTG13, "tiền thân" của SARS-CoV-2 ?

3/ Các nhà khoa học cũng cho rằng điều kiện lấy mẫu và phân tích của loại virus gần nhất với SARS-CoV-2 được biết đến cho đến nay là điều tối quan trọng. Loại virus corona từ loài dơi, tên khoa học là "RaTG13", đã được các nhà nghiên cứu của WIV thu thập vào năm 2013 từ một mỏ bỏ hoang ở Vân Nam và được lưu giữ trong nhiều năm trong phòng thí nghiệm của họ. Các tác giả bức thư nhắc lại rằng sáu công nhân làm việc trong mỏ này, nơi có nhiều đàn dơi thường xuyên lui tới, vào năm 2012, đã bị mắc một căn bệnh với triệu chứng tương tự như Covid-19 và ba người đã chết vì bệnh đó.

Câu hỏi đặt ra là các nhà nghiên cứu Trung Quốc có thông tin gì về bệnh lý của những công nhân này gần mười năm trước đây ? RaTG13 được thu thập trong điều kiện nào và trình tự gen của nó ra sao ? Các mẫu sinh học của virus có còn không ? Tám virus corona loại SARS-CoV khác, mà các nhà nghiên cứu của WIV xác nhận là đã lấy từ cùng một mỏ đã bị bỏ hoang ở Vân Nam, đã được giải trình tự chưa ? Và đã từng là chủ đề của các thí nghiệm chưa được công bố hay không ? Đây là những câu hỏi này cần phải có câu trả lời.

Quốc hội Mỹ lên tiếng

Đối với giới khoa học, vấn đề đáng quan tâm là bản chất chính xác của công việc được tiến hành ở Viện Virus học Vũ Hán trong những tháng gần đây vẫn chưa được biết rõ hoàn toàn. Các nghị sĩ Mỹ đang đặt những câu hỏi tương tự, và một số câu trả lời có thể được tìm thấy không phải ở Vũ Hán mà là ở Hoa Kỳ.

Theo Le Monde, cho đến gần đây, Quốc hội Hoa Kỳ thường rất kín đáo về giả thuyết virus "xổng chuồng" sau một tai nạn trong phòng thí nghiệm. Thế nhưng, trong hai tháng Ba và Tư vừa qua, các dân biểu đảng Cộng hòa tại Hạ Viện Mỹ đã yêu cầu Viện Y Tế Quốc Gia (National Institutes of Health NIH), và EcoHealth Alliance, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên về sức khỏe và môi trường, cung cấp các tài liệu làm sáng tỏ nội dung công việc mà giới khoa học Mỹ đã phối hợp với Viện Virus Vũ Hán để thực hiện.

Các nhà khoa học Mỹ đã hợp tác với Viện Virus học Vũ Hán biết gì ?

Theo Le Monde, kể từ năm 2008, EcoHealth Alliance đã nhận được gần 8 triệu đô la tài trợ từ NIH để thực hiện nghiên cứu về các loại virus mới ở dơi. Một phần ngân quỹ này được cho là đã được chuyển qua cho WIV để giúp các nhà khoa học Trung Quốc thu thập mẫu và tiến hành các thí nghiệm về virus corona. Công việc này đã dẫn đến việc công bố một số nghiên cứu mà hai lãnh đạo của EcoHealth Alliance, Peter Daszak và Jonathan Epstein, là đồng tác giả.

Các nhà lập pháp Mỹ đang muốn biết là các nhà khoa học Mỹ đã có quyền truy cập vào ngân hàng sinh học của WIV, nơi lưu giữ tất cả các mẫu thu thập từ dơi hay không ? Các mẫu có được gửi đến Hoa Kỳ hay không ? Các nhà nghiên cứu của EcoHealth Alliance có phê chuẩn các thí nghiệm hàm chưa các mối nguy hiểm hay không ? Họ có lo ngại gì về sự an toàn của phòng thí nghiệm Vũ Hán không ?

Đó là các câu hỏi mà các nghị sĩ Mỹ hy vọng sẽ tìm được lời giải đáp nơi MIH - vì Viện Y tế Quốc Gia Mỹ đã từng nhận được một loạt các báo cáo về nghiên cứu được EcoHealth Alliance thực hiện - và trực tiếp với các nhà khoa học tại tổ chức phi chính phủ.

Các nghị sĩ đặc biệt có ý định khôi phục thư từ giữa các bên khác nhau và các tài liệu nội bộ có khả năng cho họ thấy rõ về nghiên cứu do WIV thực hiện trên các loại virus corona gần với virus SARS-CoV-2.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 03/05/2021

*********************

Đi tìm nguồn gốc 'virus Vũ Hán'

John Sudworth, BBC News Vân Nam, 2212/2020

Một khoa học gia Trung Quốc, người nằm ở tâm điểm những cáo buộc không có căn cứ rằng virus corona đã bị rò rỉ ra từ phòng thí nghiệm của bà tại thành phố Vũ Hán, nói với BBC rằng bà sẵn sàng chào đón "bất kỳ kiểu tới thăm nào" nhằm bác bỏ tin này.

vuhan2

Giáo sư Thạch Chính Lệ tại phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán

Tuyên bố gây ngạc nhiên của Giáo sư Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) được đưa ra vào lúc nhóm các khoa học gia từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang chuẩn bị tới Vũ Hán vào tháng sau để bắt đầu điều tra nguồn gốc phát sinh Covid-19.

Huyện Thông Quan (Tongguan) hẻo lánh thuộc tỉnh Vân Nam ở miền tây nam Trung Quốc là nơi rất khó đến, nhưng gần đây, khi nhóm phóng viên BBC tìm mọi cách để tới nơi, thì đó đã trở thành nhiệm vụ bất khả thi.

Các nhân viên cảnh sát mặc thường phục và các kiểu viên chức khác đi trên những chiếc xe hơi không mang dấu hiệu đặc biệt nào đã đeo bám chúng tôi trong nhiều dặm đường trên suốt con đường hẹp, xóc nảy người. Họ dừng khi chúng tôi dừng, đi khi chúng tôi đi, và quay trở lại khi chúng tôi buộc phải quay xe trở lại.

Chúng tôi vấp phải những trở ngại trên đường đi. Chẳng hạn như trên đường bỗng có chiếc xe tải "bị hỏng" nằm chắn ngang, mà theo người dân thì nó chỉ xuất hiện có vài phút trước khi chúng tôi tới nơi.

Khi chúng tôi tới những chốt kiểm soát, những người đàn ông không rõ danh tính nói với chúng tôi rằng họ có nhiệm vụ không để chúng tôi đi qua.

Thoạt trông, toàn bộ những điều này có vẻ như một nỗ lực không đáng, khi mà chúng tôi chỉ định tới một nơi từng là mỏ đồng đã bị bỏ hoang không mấy ai để ý.

Ở nơi này, hồi năm 2012 có sáu công nhân mắc phải một căn bệnh bí hiểm, và cuối cùng ba trong số họ đã tử vong.

Nhưng bi kịch đó, những cái chết của họ, lẽ ra đã bị lãng quên thì nay lại mang một ý nghĩa mới cho đại dịch Covid-19.

Ba công nhân tử vong nay nằm ở tâm điểm một cuộc tranh cãi khoa học nảy lửa về nguồn gốc của loại virus đang gây bệnh và về câu hỏi liệu virus gây ra Covid-19 phát sinh từ tự nhiên hay từ một phòng nghiên cứu khoa học.

Các nỗ lực của nhà chức trách Trung Quốc trong việc chặn chúng tôi tới khu mỏ này là một dấu hiệu cho thấy họ đã quyết liệt tới đâu trong việc muốn kiểm soát câu chuyện.

Trong suốt hơn một thập niên, những đồi núi trập trùng phủ đầy cây rừng ở Vân Nam và những hệ thống hang động ở đó đã là tâm điểm của một cuộc nghiên cứu thực địa khoa học khổng lồ. Nghiên cứu này do Giáo sư Thạch Chính Lệ từ Viện Virus học Vũ Hán (WIV) dẫn đầu.

Giáo sư Thạch đã giành được uy tín quốc tế từ việc bà phát hiện ra bệnh dịch Sars vốn đã cướp đi sinh mạng hơn 700 người hồi 2013, do một loại virus có lẽ là khởi phát từ một loại dơi ở hang động Vân Nam, gây ra.

Kể từ đó, Giáo sư Thạch - được gọi là "nữ nhân dơi Trung Quốc" - trở thành người tiên phong trong dự án chuyên dự đoán và phòng ngừa những trận bùng phát tương tự như thế.

Bằng việc bẫy bắt dơi, lấy mẫu phân dơi và đưa các mẫu phẩm về phòng thí nghiệm tại Vũ Hán nằm cách xa 1.600km, nhóm nghiên cứu đứng đằng sau dự án đã xác định được hàng trăm loại virus corona mới từ dơi.

Nhưng thực tế là Vũ Hán nay là nơi đặt cơ sở nghiên cứu virus corona hàng đầu thế giới, cũng là thành phố đầu tiên bị một loại virus mới, gây chết người, tàn phá và rồi bùng phát thành đại dịch, đã làm dấy lên những nghi ngờ về việc hai vấn đề này có liên quan tới nhau.

Chính phủ Trung Quốc, WIV và Giáo sư Thạch đều giận dữ bác bỏ cáo buộc cho rằng có sự rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.

Tuy nhiên, với việc các khoa học gia do WHO chỉ định lên kế hoạch tới Vũ Hán vào tháng Giêng này để điều tra nguồn gốc của đại dịch, Giáo sư Thạch, người đã trả lời một vài cuộc phỏng vấn kể từ khi đại dịch bắt đầu, nay hồi đáp một số các câu hỏi của BBC qua email.

"Tôi đã trao đổi với các chuyên gia của WHO hai lần", bà trả lời trước câu hỏi liệu cuộc điều tra có giúp bác tin nói rằng có sự rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm và chấm dứt những lời đồn đoán hay không.

"Tôi đã bày tỏ một cách rõ ràng và trên quan điểm cá nhân rằng tôi hoan nghênh việc họ tới thăm WIV", bà nói.

Khi nhận được tiếp câu hỏi là liệu việc đó có bao gồm cả một cuộc điều tra chính thức, với quyền tiếp cận dữ liệu thí nghiệm và các hồ sơ lưu trữ của WIV hay không, Giáo sư Thạch nói : "Cá nhân tôi hoan nghênh bất kỳ hình thức tới thăm nào dựa trên cơ sở đối thoại cởi mở, minh bạch, tin cậy, tin tưởng lẫn nhau và hợp lý. Tuy nhiên, kế hoạch cụ thể sẽ không phải do tôi quyết định".

Sau đó, BBC nhận được một cuộc gọi từ bộ phận báo chí của WIV, nói rằng Giáo sư Thạch đã phát biểu trên tư cách cá nhân và những câu trả lời của bà chưa được WIV phê chuẩn.

BBC từ chối yêu cầu của bộ phận báo chí WIV, theo đó đòi BBC gửi cho họ bản sao bài báo này trước khi đăng.

Nhiều khoa học gia tin rằng cho tới nay, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là Sars-Cov-2, loại virus gây nên bệnh Covid-19, đã nhảy theo cách tự nhiên từ dơi sang người, có thể là thông qua một vật chủ trung gian. Và bất chấp lời mời từ Giáo sư Thạch, vào lúc này có vẻ như sẽ không có mấy cơ hội để cuộc điều tra của WHO có thể xem xét, nghiên cứu bằng chứng nhằm lý giải giả thuyết có sự rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm.

Các điều khoản nhắc tới cuộc điều tra của WHO không đề cập tới giả thuyết này và một số thành viên trong số 10 người của nhóm điều tra WHO đã bác bỏ khả năng này.

Peter Daszak, nhà động vật học người Anh, đã được chọn tham dự nhóm điều tra, do ông có vai trò dẫn đầu trong một dự án quốc tế trị giá nhiều triệu đôla nghiên cứu về các mẫu virus trong tự nhiên.

Dự án này phối hợp chặt chẽ với Giáo sư Thạch Chính Lệ trong hoạt động thu thập hàng loạt các mẫu phẩm từ dơi ở Trung Quốc của bà, và Tiến sĩ Daszak từng gọi thuyết rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm là "thuyết âm mưu" và "hoàn toàn vớ vẩn".

"Tôi vẫn chưa nhìn thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy có sự rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm trong đợt bùng phát này", ông nói. "Tôi đã nhìn thấy những bằng chứng thuyết phục rằng có những hiện tượng phát sinh trong tự nhiên là bắt nguồn từ sự xâm lấn của con người vào môi trường sống của thế giới sinh vật trong tự nhiên, điều rõ ràng đang xảy ra ở vùng đông nam Á".

Khi được hỏi về việc xin tiếp cận phòng thí nghiệm Vũ Hán để bác bỏ thuyết virus rò rỉ, ông nói: "Công việc của tôi không phải là làm chuyện đó".

"WHO đã đàm phán về các điều kiện tham khảo, và họ nói chúng tôi sẽ đi theo các bằng chứng, và đó là điều chúng tôi phải làm", ông nói thêm.

Một trọng tâm được chú ý tới trong cuộc điều tra sẽ là khu chợ ở Vũ Hán, nơi được biết là chuyên buôn bán động vật hoang dã và được cho là có liên hệ tới những vụ ốm bệnh được phát hiện đầu tiên, tuy giới chức Trung Quốc có vẻ như đã loại bỏ nguyên nhân chợ này là nguồn phát sinh virus.

Tiến sĩ Daszak nói rằng nhóm WHO sẽ "xem xét các cụm phát sinh dịch bệnh, các mối liên hệ tiếp xúc, xem xét những nơi đầu mối cung cấp động vật cho khu chợ này, xem xét vào những nơi sẽ đem lại manh mối cho chúng ta".

Cái chết của ba công nhân ở Thông Quan sau khi họ vào khu hầm mỏ đầy dơi đã làm dấy lên những nghi ngờ rằng họ bị nhiễm virus corona từ dơi.

Đây chính xác là kiểu nhiễm bệnh từ động vật sang người vốn khiến WIV phải thu thập mẫu phẩm và xét nghiệm dơi tại Vân Nam.

Do vậy, không ngạc nhiên gì khi những cái chết đó khiến các khoa học gia WIV bắt đầu sốt sắng lấy mẫu phẩm từ dơi tại khu hầm mỏ Thông Quan và có nhiều chuyến đi tới nơi trong thời gian 3 năm tiếp theo; họ đã phát hiện ra 293 loại virus corona khác nhau.

Nhưng trừ một bài viết ngắn ra thì hầu như không có mấy thông tin được công bố về các loại virus mà họ đã thu thập được qua những chuyến đi này.

Hồi tháng Giêng năm nay, Giáo sư Thạch Chính Lệ trở thành một trong những người đầu tiên trên thế giới xác định được mẫu hình kết cấu Sars-Cov-2, loại virus lây lan nhanh chóng trên đường phố và chui vào từng ngôi nhà trong thành phố của bà.

Sau đó, bà đã so sánh loạt dài các ký tự biểu tượng cho mã gene riêng của virus này với thư viện lưu trữ phong phú các loại virus khác đã được thu thập qua nhiều năm.

Và bà phát hiện ra rằng cơ sở dữ liệu của bà có những thông tin về những họ hàng gần gũi nhất, đã được biết đến, của Sars-Cov-2.

RaTG13 là một loại virus được đặt tên theo tên loài dơi mà nó được phát hiện ra (Rhinolophus affinis, Ra), nơi nó được tìm thấy (Thông Quan/Tongguan, TG), và năm được xác định, 2013.

Bảy năm sau khi nó được phát hiện ra ở khu hầm mỏ đó, RaTG13 bắt đầu trở thành một trong những những chủ đề khoa học gây tranh cãi nảy lửa nhất trong thời đại chúng ta.

Đã có rất nhiều các trường hợp được ghi nhận chi tiết về việc virus bị rò rỉ từ các phòng thí nghiệm, chẳng hạn như virus Sars đã bị rò rỉ hai lần từ Viện Virus học Quốc gia tại Bắc Kinh hồi 2014, rất lâu sau khi tình trạng bùng phát bệnh dịch đã được kiểm soát.

Việc làm thay đổi gene của virus cũng không phải là chuyện mới, bởi điều này cho phép các khoa học gia biến chúng thành những loại virus dễ lây nhiễm hơn hoặc dễ gây chết người hơn, qua đó họ có thể đánh giá được mối đe dọa và phát triển được các cách thức chữa trị hoặc vaccine phòng ngừa.

Từ lúc cô lập và xác định được cấu trúc hình thành của Sars-Cov-2, các khoa học gia đã kinh ngạc về khả năng đáng nể của nó trong việc lây nhiễm lên người.

Việc nó đạt được khả năng đó - rất có thể là do nó đã được làm thay đổi gene trong môi trường phòng thí nghiệm - được coi là rất nghiêm trọng, tới mức khiến cho một nhóm các khoa học gia quốc tế có uy tín tập trung trung chú ý.

Trong bài nghiên cứu nhằm xác định hoặc bác bỏ khả năng virus rò rỉ, thoát ra từ phòng thí nghiệm, RaTG13 đóng một vai trò rất quan trọng.

Được đăng hồi tháng Ba trên tạp chí y khoa Nature Medicine, bài viết này nói rằng nếu như có sự rò rỉ thì Giáo sư Thạch Chính Lệ hẳn đã phải tìm thấy trong cơ sở dữ liệu của mình một loại virus gần giống với virus bị cho là thoát ra từ phòng thí nghiệm hơn nhiều so với RaTG13.

Trong lúc RaTG13 là loại virus được cho được biết là gần giống nhất - với mức tương tự 96,2% - thì nó cũng vẫn quá khác để bị thay đổi, làm biến đổi gene và biến chuyển thành Sar-Cov-2.

Sars-Cov-2, các tác giả kết luận, nhiều khả năng là đã đạt được mức lây lan đặc biệt thông qua một tiến trình dài không bị phát hiện, khi nó lây lan trên người hoặc động vật theo cách tự nhiên, dưới dạng là một loại virus ít độc tính hơn, và rốt cuộc nó đã tiến hóa để trở thành loại virus nặng độc tính, nghiêm trọng chết người mà lần đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán vào năm 2019.

Tuy nhiên, một số khoa học gia bắt đầu băn khoăn đặt câu hỏi, vậy những nguồn lây nhiễm tự nhiên lúc ban đầu này xuất xứ từ đâu ?

Tiến sĩ Daniel Lucey là bác sĩ và giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y khoa Georgetown ở Washington DC và là một gương mặt kỳ cựu, từng trải qua nhiều đại dịch - Sars tại Trung Quốc, Ebola tại Châu Phi, Zika tại Brazil.

Ông tin chắc rằng Trung Quốc đã tiến hành tìm kiếm cẩn thận các bằng chứng về những loại virus sơ khởi, ít độc tính đó trong các mẫu phẩm lấy từ người và được lưu trữ tại các bệnh viện, và mẫu phẩm từ động vật.

"Họ có năng lực, họ có nguồn lực và họ có động cơ, cho nên tất nhiên là họ đã nghiên cứu trên động vật và trên người", ông nói.

Tìm được nguồn gốc của một trận bùng phát là điều then chốt, ông nói, không chỉ để có được sự hiểu biết khoa học sâu sắc hơn mà còn để ngăn chặn việc sẽ có những trận bùng phát tương tự trong tương lai.

"Chúng ta cần phải tìm kiếm cho tới khi tìm thấy. Tôi nghĩ rằng đó là điều có thể tìm ra được, và tôi nghĩ rằng rất có thể nó đã được tìm thấy", ông nói. "Nhưng nếu vậy thì lại có câu hỏi phát sinh, là vậy tại sao kết quả tìm được vẫn chưa được tiết lộ?"

Tiến sĩ Lucey vẫn tin rằng Sars-Cov-2 nhiều khả năng là có nguồn gốc trong tự nhiên, nhưng ông không muốn bác bỏ ngay những giả thuyết khác.

"Chúng ta đã trải qua 12, 13 tháng kể từ khi lần đầu tiên phát hiện ra trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 và chúng ta vẫn chưa tìm ra được nguồn gốc động vật gây bệnh", ông nói. "Với tôi, đó càng là lý do để cần thiết để tiến hành điều tra tìm hiểu các cách lý giải khác".

Có thể là một phòng thí nghiệm của Trung Quốc đã có một loại virus mà họ đang nghiên cứu, có bộ gene gần gũi với Sars-Cov-2, và liệu họ có nói cho chúng ta biết nếu như họ có hay không ? "Không phải là điều gì làm được cũng đều được đem ra công bố", Tiến sĩ Lucey nói.

Đó là điều tôi đem ra hỏi Peter Daszak, thành viên của nhóm khoa học gia WHO đi điều tra nghiên cứu nguồn gốc virus.

"Quý vị biết đấy, tôi đã làm việc với WIV trong thời gian chừng hơn một thập niên rồi", ông nói. "Tôi biết một số người ở đó khá rõ, tôi đã tới thăm các phòng thí nghiệm của họ thường xuyên. Tôi đã gặp và đã tối với họ trong 15 năm qua.

"Tôi làm việc tại Trung Quốc với tinh thần cởi mở, và tôi cố gắng nhớ lại bất kỳ một dấu hiệu nhỏ nhoi nào, bất kỳ điều gì có thể liên quan. Và tôi chưa từng bao giờ chứng kiến chuyện đó".

Khi được hỏi liệu sự hữu hảo và mối quan hệ tài trợ với WIV có tạo ra xung đột lợi ích với vai trò của ông trong cuộc điều tra này không, ông nói : "Chúng tôi đệ trình tài liệu của mình, các chứng cứ thu thập được đều được đưa ra để tất cả mọi người có thể xem".

Và sự hợp tác của ông với WIV, ông nói, "khiến tôi trở thành một trong những người trên hành tinh này biết nhiều nhất về nguồn gốc của những những loại virus corona phát sinh từ dơi tại Trung Quốc".

Trung Quốc có thể đã chỉ cung cấp những dữ liệu hạn chế về cuộc truy lùng của họ đối với nguồn gốc Sars-cov-2, nhưng đã bắt đầu tuyên truyền cho một giả thuyết riêng của mình.

Dựa vào một số ít các nghiên cứu chưa đưa ra kết luận do các khoa học gia tại châu Âu thực hiện, theo đó cho rằng Covid-19 có thể đã lây lan từ trước thời điểm mà chúng ta tưởng, hoạt động tuyên truyền của nhà nước đưa ra nhiều những các câu chuyện nói rằng virus không hề khởi nguồn từ Trung Quốc.

Khi chưa có đủ dữ liệu để chứng minh rõ ràng thì những đồn thổi sẽ tiếp tục loang ra đủ, mà hầu hết đều tập trung vào RaTG13 và nguồn gốc của nó ở khu mỏ Thông Quan.

Những tài liệu nghiên cứu học thuật cũ từng đăng trực tuyến đã được đào xới, với nội dụng có vẻ như khác với những tuyên bố của WIV về các công nhân mỏ bị ốm bệnh, trong đó có một luận văn của sinh viên Đại học Bệnh viện Côn Minh.

"Tôi vừa mới tải xuống bản luận văn thạc sĩ của sinh viên Đại học Bệnh viện Côn Minh và đọc nó", Giáo sư Thạch nói với BBC.

"Các nội dung diễn giải không hợp lý", bà nói. "Kết luận đưa ra không dựa trên chứng cứ và cũng chẳng có tính logic. Nhưng nó đã được những người theo thuyết âm mưu dùng để chĩa mũi nghi ngờ vào tôi. Nếu quý vị là tôi quý vị sẽ làm gì ?".

Giáo sư Thạch cũng đã đối diện với các câu hỏi về việc tại sao cơ sở dữ liệu trực tuyến về virus của Viện Virus học Vũ Hán lại đột nhiên bị gỡ xuống.

Bà nói với BBC rằng trang web của WIV và email làm việc cũng như email cá nhân của các nhân viên của Viện đã bị tấn công, và cơ sở dữ liệu được gỡ xuống vì lý do an ninh.

"Toàn bộ các kết quả nghiên cứu của chúng tôi được công bố trên các tạp chí tiếng Anh dưới dạng bài viết", bà nói. "Mẫu kết cấu virus cũng được lưu giữ tại cơ sở dữ liệu GenBank [do Hoa Kỳ quản lý], hoàn toàn minh bạch. Chúng tôi không giấu giếm gì".

Có những câu hỏi quan trọng được đặt ra tại vùng nông thôn Vân Nam, không chỉ bởi các nhà khoa học mà cả còn cả bởi các phóng viên nữa.

Sau một thập niên thu thập mẫu phẩm và tiến hành xét nghiệm đối với virus thu thập được từ dơi, nay chúng ta biết rằng loại virus tổ tiên gần gũi nhất với loại virus gây ra mối đe dọa chết người trong tương lai đã được phát hiện ra từ năm 2013, và mối đe dọa 'tương lai' này cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, đồng thời đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu.

Thế nhưng WIV, theo các thông tin đã công bố, đã không làm gì ngoại trừ việc xác định được mẫu kết cấu của nó và nhập tin này vào cơ sở dữ liệu.

"Nói rằng chúng tôi đã không làm đúng mức là hoàn toàn không chính xác", Peter Daszaknói với BBC. "Nói rằng chúng tôi đã thất bại thì hoàn toàn không công bằng chút nào".

Cả Tiến sĩ Daszak và Giáo sư Thạch đều khăng khăng rằng việc nghiên cứu ngăn ngừa đại dịch là điều then chốt, cấp bách.

"Nghiên cứu của chúng tôi là để hướng về tương lai, và rất khó để những người không có chuyên môn trong lĩnh vực này hiểu được", Giáo sư Thạch viết trong email.

"Khi đối diện với vô số những những sinh vật siêu nhỏ tồn tại trong tự nhiên, con người chúng ta trở nên rất bé nhỏ".

WHO đang hứa hẹn sẽ tiến hành một cuộc điều tra trên "tinh thần cởi mở" đối với nguồn gốc của loại virus mới này. Nhưng chính phủ Trung Quốc không hào hứng với việc trả lời các câu hỏi, ít nhất là các câu hỏi của phóng viên.

Sau khi rời Thông Quan, nhóm phóng viên BBC đã tìm cách lái xe tới một hang động nằm về phía bắc, cách đó vài giờ, nơi Giáo sư Thạch đã tiến hành cuộc nghiên cứu mang tính đột phá hồi gần một thập niên về trước.

Vẫn bị những xe hơi không mang dấu hiệu đặc biệt gì đeo bám, chúng tôi lại bị vướng phải một điểm tắc đường khác nữa, và được nói rằng không có cách nào để đi qua được.

Sau đó, chúng tôi phát hiện ra rằng giao thông địa phương đã được chuyển hướng để đi vào một con đường bẩn thỉu, lầy lội rất khó đi. nhưng khi chúng tôi tìm cách đi đường đó thì lại gặp một chiếc xe hơi "bị hỏng" nữa nằm chặn ngang đường.

Chúng tôi bị kẹt giữa đường một giờ đồng hồ, cuối cùng buộc phải quay trở lại sân bay.

John Sudworth (Vân Nam)

Nguồn : BBC, 22/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, John Sudworth
Read 559 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)