Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/05/2021

Ai đã khiến miền Bắc xã hội chủ nghĩa phải sống trong đói khổ ?

Nguyễn Huyền

Khi học cấp 2, địa phương không có trường học, ông Nguyễn Phú Trọng phải đi bộ một mình quãng đường xa, trời rét, đi đất để sang học nhờ ở huyện Gia Lâm…

xhcn01

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ở Thủ đô Hà Nội. : "Đại hội lần này là đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà". Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944. Ông Trọng vào cấp 2 từ năm 1954. Theo cơ quan thống kê, miền Bắc thời kỳ 1955-1975 là giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, thực hiện các chỉ tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ nhất.

"Cùng với phát triển kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cũng nâng lên. Hoạt động giáo dục đạt được những thành tựu lớn. Số người đi học năm 1975 đạt 6.796,9 nghìn người, gấp 5,3 lần năm 1955. Tính bình quân cho 1 vạn dân, năm 1955 có 949 người đi học thì đến năm 1975 có 2.769 người, gấp 2,9 lần" – trích "Những dấu ấn quan trọng về kinh tế – xã hội trong hành trình 75 năm thành lập và phát triển đất nước qua số liệu thống kê".

Tại hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị bầu cử số 1 gồm 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, ứng viên Nguyễn Phú Trọng kể câu chuyện đời mình với cử tri Hà Nội gọi là "Trong không khí thân tình, xin được tâm sự ôn nghèo, kể khổ, xin không nhắc lại văn bản đã gửi đến các bác, các anh, các chị", có đoạn :

"Khi đó, tôi mới 11, 12 tuổi mà đi bộ từ nhà sang Gia Lâm học. Đi một mình, trời rét, đi đất, mặc bộ quần áo nâu, đi qua bãi tha ma sợ lắm. Nhà không có đồng hồ, chẳng biết giờ nào đi học nên cứ gà gáy thì bố gọi dậy đi"… Ông nói học cấp 2, cấp 3 ở trường Nguyễn Gia Thiều, rồi đi thi học sinh giỏi Văn toàn quốc, được tuyển thẳng vào Đại học Tổng hợp khoa Văn. Sau khi tốt nghiệp, ông được ‘phân công’ về Tạp chí Cộng sản…

Như vậy, ông Nguyễn Phú Trọng nằm trong số ít được ăn học đến nơi đến chốn ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn từ 1955 – 1975.

Ai đã khiến miền Bắc xã hội chủ nghĩa phải sống trong đói khổ, thiếu thốn trường học ? Câu trả lời phải chăng đó là hệ lụy tất yếu khi miền Bắc xã hội chủ nghĩa dồn mọi nỗ lực vào cuộc chiến Nam tiến ?.

Dường như khi trên đỉnh tột cùng quyền lực, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn ám ảnh vẫn thuở khốn khó và ông luôn nhắc kể như một thứ thành tích cho gia đình ‘cũng bần cố nông’ như ai.

"Nhà tôi ở bên Đông Anh, cứ khoảng 4-5 giờ sáng, chúng tôi – những cậu bé ở bên kia sông Đuống đi đò sang phía Ngọc Thụy, rồi đi bộ sang trường ở phố Ngọc Lâm. Lúc đó nhà nghèo làm gì có xe đạp mà đi. Đi học sớm như thế trời còn rất tối ! Với những cậu bé mới học lớp 5, đi sớm như thế sợ ma lắm vì phải đi qua bãi tha ma. Chúng tôi phải đi học sớm để không bị nhỡ đò".

Trong những câu chuyện kể thời học trò của ông Nguyễn Phú Trọng, thật đáng tiếc là không thấy chi tiết nào có thể liên tưởng đến đôi chút nào đó của tính ưu việt về nền giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.

Nói thêm, năm 1960, Đại hội đảng thứ 3 tại Hà Nội đã bầu ông Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất, tương đương Tổng bí thư. Ông là người chủ trương đấu tranh bằng vũ trang với mọi hy sinh để "Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội" chứ không chỉ riêng miền Bắc.

Rất nhiều thế hệ sinh viên học sinh ở miền Bắc đã cuốn vào cuộc trường chinh Nam tiến đó. Tuy nhiên ở quảng thời gian ấy, dường như ông Nguyễn Phú Trọng vẫn ‘trong tháp ngà’ của trường Đại học Tổng hợp…

Và rồi khi chiến tranh đi qua, đến năm 1994 thì ông Nguyễn Phú Trọng bước hẳn vào quyền lực chính trường với một ghế ở Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII nhiệm kỳ 1991–1996…

Nguyễn Huyền

Nguồn : VNTB, 10/05/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Huyền
Read 499 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)