Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/05/2017

Chuyển giao công nghệ lỗi thời

Nguyễn Xuân Nghĩa

Cục Đầu tư Nước ngoài của Bộ Kế Hoạch Đầu Tư Việt Nam vừa báo cáo là đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng vọt trong bốn tháng đầu của năm nay, nhưng giới quan sát kinh tế lại cho biết việc đầu tư ấy nằm trong kế hoạch chuyển giao công nghệ đã lỗi thời cho Việt Nam.

congnghe1

Một màn hình tivi khổng lồ gần tòa nhà Sinosteel, trung tâm mua sắm đồ điện tử lớn nhất ở Trung Quốc hôm 6/12/2007. AFP photo

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cơ quan chức năng Việt Nam là Cục Đầu Tư Nước Ngoài của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Việt Nam cho biết nguồn vốn của Trung Quốc đưa vào Việt Nam trong bốn tháng đầu năm nay tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng giới quan sát Việt Nam và quốc tế lại e ngại rằng nguồn vốn được đưa vào Việt Nam dưới dạng công nghệ không còn dùng ở Hoa Lục nữa. Ông nhận xét thế nào về hiện tượng này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi còn nhớ là gần hai chục năm về trước, diễn đàn của chúng ta đã cảnh báo, rằng Đài Loan có thể bán cho Việt Nam loại công nghệ và thiết bị đã lỗi thời của họ, nhưng được thổi cát và tân trang như những máy móc mới. Khi ấy, mình thấy là Đài Loan đang tiến rất nhanh lên trình độ sản xuất cao hơn nên cần bán lại những gì còn dùng được mà có năng suất thấp và Việt Nam phải thận trọng để khỏi mua hớ. Trong trường hợp này, việc "chuyển giao công nghệ" chỉ là quá đắt mà không độc hại. Trường hợp Trung Quốc lại khác vì xứ này không mấy quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sinh sống và có loại công nghệ với thiết bị xấu đã gây tai họa cho họ. Khi Việt Nam cần tư bản và kỹ thuật, lại muốn cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn hoặc thậm chí lỗ vốn thì Trung Quốc nghĩ ngay đến việc tống sang nước ta loại của nợ tai hại, chẳng khác gì bán lại vi trùng cho Việt Nam.

Nguyên Lam : Ông nhắc đến trường hợp Đài Loan ngày xưa và Trung Quốc ngày nay, ở giữa lại có vụ khủng hoảng môi sinh tại miền Trung vì dự án Formosa của Đài Loan chẳng hạn. Thưa ông, phải chăng đấy là một ngẫu nhiên ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đài Loan là một xứ được dân chủ hóa dần dần từ ba chục năm nay, Trung Quốc và Việt Nam thì chưa, đấy là yếu tố then chốt. Khi một doanh nghiệp Đài Loan như Formosa muốn trục lợi qua nghiệp vụ đầu tư thì họ có thể tìm giải pháp rẻ là thuê doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện các công đoạn kỹ thuật then chốt với hậu quả là hủy hoại môi sinh tại Việt Nam. Có một chính quyền dân chủ, Đài Loan biết được khía cạnh tiêu cực ấy và sẽ phải có phản ứng thích hợp nếu vấn đề được công khai hóa. Chuyện đó không xảy ra do nạn độc tài của Việt Nam và Trung Quốc với thuộc tính của chế độ độc tài là tham nhũng. Vì vậy, việc Trung Quốc đổ vốn và công nghệ xấu cho Việt Nam chỉ là tái diễn tại họa Formosa theo kế hoạch của Bắc Kinh với sự biểu đồng tình của Hà Nội, trên một quy mô lớn hơn !

Nguyên Lam : Giới nghiên cứu kinh tế thường nói các nước đi sau đã có thể phát triển mau lẹ nhờ tiếp thu công nghệ của các nền kinh tế tiên tiến. Nhưng nếu các nước đang phát triển hay còn chậm tiến như Việt Nam lại tiếp thu loại công nghệ xấu thì thưa ông, tương lai sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin đi từ nguyên tắc đến thực tế để mình thấy đâu là vấn đề.

Con người ta và mọi quốc gia đều cần tiếp nhận kiến năng, là kiến thức và khả năng, thì mới tiến hóa được. Tiến trình ấy được thực hiện qua giáo dục và đào tạo ở trong nước, qua viện trợ kỹ thuật của các nước giàu cho các nước nghèo, hoặc qua nghiệp vụ đầu tư trên doanh trường. Trong một doanh nghiệp hay một quốc gia, tiến trình chuyển giao kiến năng đó có thể tiến hành theo chiều dọc, từ trên xuống, và chiều ngang là giữa các phân bộ của doanh nghiệp hay cơ quan của nhà nước. Động lực của doanh nghiệp là lợi nhuận trong tương lai, động lực của quốc gia là sự thăng tiến của người dân, với điều kiện là nhà nước phải quan tâm đến sự thăng tiến đó. Tai họa xảy ra như đã thấy tại Việt Nam là khi tay chân nhà nước lại truy tìm lợi nhuận bất chính và toa rập với kế hoạch độc ác của nước khác, là chuyện đang xảy ra với Trung Quốc.

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra một thí dụ về thực tế.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhìn xa hơn vào thực tế với một ví dụ cập nhật là qua máy điện thoại di động và các ứng dụng ngày càng tối tân, một thành phần xã hội ít theo kịp sự tiến hóa của thế giới là các nông gia vẫn có thể tiếp nhận được tin tức khí tượng hay thủy văn và giá cả thị trường để tính toán việc kinh doanh của họ sao cho có lợi.

Đấy cũng là hiện tượng phổ biến kiến năng mà hệ thống nông nghiệp Đài Loan có nhiều đóng góp đáng kể. Nhưng khi chế độ độc tài lại kiểm soát thông tin và dựng tường lửa để người dân khỏi biết gì về sự tiến bộ của thế giới bên ngoài thì chính nhà nước cản trở việc chuyển giao kiến năng và gây thiệt hại cho người dân. Bây giờ, cũng chế độ ấy còn cho tay chân liên doanh với chế độ độc tài của Trung Quốc để đem về loại công nghệ không chỉ lỗi thời và lạc hậu mà còn hủy diệt môi sinh tới nhiều đời sau thì ta kết luận thế nào ?

Kết luận là khi chế độ không coi người dân là trọng thì dễ có chính sách sai lầm tai hại và bảo rằng các nước độc tài có thể phát triển nhanh hơn các nước dân chủ là nói chuyện mê sảng ! Sau các dự án bauxite tại Tây Nguyên đến loại dự án Formosa tại miền Trung, người ta phải thấy ra tai họa muôn mặt của nạn độc tài.

Ottobock in China

Một nhân viên sản xuất công nghệ chỉnh hình, Ottobock, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13 tháng 11 năm 2014. AFP photo

Nguyên Lam : Ông nhắc đến thông tin về giá cả nông phẩm cho các nông gia thì ta càng nhớ đến giá cả của quặng nhôm hay quặng sắt trong các dự án bauxite tại Việt Nam với những tin tức đáng sợ vì loại sản phẩm này bị mất giá nặng. Đấy có là một trường hợp khác của việc chuyển giao công nghệ không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Xin cảm ơn cô đã liên tưởng đến trường hợp này. Chúng ta đang chứng kiến hiện tượng bịt mắt người dân rồi nhà nước tự chọc cho thủng mắt như người mù ! Mươi năm về trước, người ta đã gieo họa cho cả khu vực Tây Nguyên ở miền Trung với các dự án độc hại cho môi sinh với hứa hẹn bán được quặng sắt nhờ cái giá vài ba trăm đô la một tấn. Khi ấy, Việt Nam không tính ra nhiều "ẩn phí", là những phí tổn ngầm, của loại dự án đó. Bây giờ, giá quặng sắt đã sụt và từ sáu bảy chục đô la qua năm tới sẽ chỉ có chừng bốn chục thôi. Quyết định kinh doanh và kinh tế ấy cho thấy tầm nhìn của một chế độ cứ bịt mắt người dân. Cũng chẳng là ngẫu nhiên khi các doanh nghiệp tham gia vào việc hủy hoại môi sinh ấy lại xuất phát từ Trung Quốc.

Hiện tượng xuất khẩu vi trùng của xứ này cho thấy mặt trái của "chuyển giao công nghệ" trong ngoặc kép ! Cho đến nay, trong quan hệ với Trung Quốc thì người ta chỉ thấy toàn những mặt trái thôi, từ kiến năng cải tạo nông nghiệp qua đấu tố và cải cách ruộng đất 60 năm về trước cho đến chuyện ngày nay như cướp đất cướp rừng rồi tàn phá môi sinh trên đầu nguồn Mekong. Hiện tượng ấy vẫn tiếp tục và sẽ còn gia tăng khi lãnh đạo Bắc Kinh ý thức được sai lầm của họ về môi sinh và quăng vào nước ta những thiết bị độc hại ! Tôi chẳng thấy ai lấy tiền của dân để mua vi trùng về sát hại người dân như vậy….

Nguyên Lam : Khi nhìn rộng ra ngoài thì ông nghĩ rằng quốc tế có thể làm được những gì cho Việt Nam ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra các quốc gia hay định chế quốc tế chẳng thể làm gì cho các nước muốn tự sát. Thí dụ là Tổ chức Thương mại Thế giới WTO không thể can thiệp vào chế độ xuất nhập khẩu hàng hóa và tư bản của Việt Nam nếu Hà Nội có những thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh và không dùng chủ quyền quốc gia ngăn cấm chuyện tai hại ấy.

Một hy vọng đã nhen nhúm với Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, bên trong có những yêu cầu rất cao về bảo vệ môi sinh. Việc Hoa Kỳ từ chối tham gia hiệp ước này là điều không may cho Việt Nam, nhưng lãnh đạo Hà Nội vẫn có thể căn cứ vào yêu cầu đó mà tự nâng cao tiêu chuẩn bảo vệ môi trường sinh sống của xứ sở.

Chẳng nên đổ lỗi cho Mỹ mà nên nhìn ra trách nhiệm tự thân của mình. Sau này, nếu vì lợi ích kinh tế riêng, vài nước trong hiệp ước TPP lại mời Trung Quốc tham gia thì họ mặc nhiên hợp thức hóa việc Tầu bán rác cho Ta, rồi mình không thể xuất khẩu những sản phẩm độc hại đó cho nước khác nên sẽ lại dồn cho dân ngốn hết.

Nguyên Lam : Câu hỏi sau cùng, thưa ông, là thế giới đang tiến rất nhanh về khoa học kỹ thuật nên nhiều quốc gia sẽ phải đổi công nghệ để theo kịp đà tiến hóa và cạnh tranh của thiên hạ. Trong khung cảnh đó, các nước đi sau dễ gặp rủi ro là đem về những công nghệ lỗi thời thì làm sao người ta có thể tránh được ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta nên nhìn trong viễn ảnh dài và hoàn cảnh từng nước. Một quốc gia muốn tiến lên trình độ sản xuất cao hơn nên cần sử dụng loại công nghệ, kỹ thuật và thiết bị có đặc tính tôi xin gọi là "thâm dụng tư bản", capital intensive, là dùng nhiều tư bản và máy móc hơn nhân công. Khi ấy, họ có thể bán thiết bị cũ cho các nước khác. Từ cấp dưới đi lên, các nước này vẫn có thể mua loại công nghệ và máy móc đó về dùng vì đang phải áp dịnh chính sách tôi gọi là "thâm dụng lao động" nhằm tạo ra công ăn việc làm.

Điều ấy không hẳn là xấu nếu 1/ ta mua đúng giá, 2/ khi mua thì vẫn phải quan tâm đến cái giá ngầm hay ẩn phí là những bất lợi về môi sinh và 3/, quan trọng nhất, tính trước được là vài chục năm tới thì sẽ lên tới trình độ cao hơn. Các nước tân hưng như Đài Loan hay Hàn Quốc đều đã tính như vậy trong mối quan hệ về ngoại thương hay đầu tư với Nhật Bản, Âu Châu và Hoa Kỳ. Tầm nhìn rất xa của lãnh đạo mấy quốc gia này là điều mà mình nên học và đấy cũng là một loại kiến năng, là biết và biết làm, mà các nước nghèo rất nên học.

Nói đến trường hợp đó, tôi xin nhắc đến cái lò vi-ba hay microwave, do Hoa Kỳ phát minh từ bảy chục năm trước. Sau đấy người Nhật mua về, cải tiến và trở thành nhà sản xuất lớn. Dân số chẳng đông mà sản xuất nhiều mới rẻ, nên họ sản xuất để xuất khẩu và thành công với các sản phẩm của Matsushita hay Sanyo làm thị trường Mỹ điêu đứng.

Đi sau, Samsung của Hàn Quốc cũng đi học công nghệ của thiên hạ. Họ mua lò vi- ba của General Electric từ bên Mỹ về cho các kỹ sư mở banh ra để ráo riết tìm hiểu. Rồi họ cố sản xuất lấy với phẩm chất ngày một cao và giá quá rẻ hơn đến độ sau này mua luôn phân bộ sản xuất lò vi- ba của General Electric. Ngày nay, khi ta mua lò vi- ba của hãng GE tại Mỹ thì đấy là sản phẩm của Nam Hàn ! Nhưng kinh nghiệm Samsung không làm ta quên được nạn tham nhũng đang làm Hàn Quốc bị khủng hỏang. Họ khủng hoảng trên đỉnh, Việt Nam khủng hoảng dưới đáy !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Nguyên Lam

Nguồn : RFA, 10/05/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Xuân Nghĩa
Read 1227 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)