Chủ nghĩa quốc gia của Việt Nam nằm ở đâu ?
Nguyễn Khoa, Viet-studies, 19/05/2021
Một nhà bình luận thời sự Việt Nam từ Úc là ông Nguyễn Quang Duy, vào ngày 17/5/2021, có bài trên BBC Việt ngữ mang tựa đề : Chủ nghĩa nào đã làm Việt Nam cộng hòa sụp đổ năm 1975 ?
Tác giả đặt tiền đề rằng cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến tranh ý thức hệ, giữa một bên là chủ nghĩa cộng sản, còn bên kia là chủ nghĩa quốc gia, từ đó đưa tác giả đi qua một số định nghĩa và phân tích để kết luận rằng tại Việt Nam nói chung và Việt Nam Cộng hòa của miền Nam trước 1975 nói riêng chưa có một chủ nghĩa quốc gia hoàn chỉnh, nên thất bại.
Chính thể Việt Nam Cộng Hòa (1954-1975)
Chiến tranh Việt Nam là cách gọi theo người Mỹ, người cộng sản Việt Nam gọi là cuộc chiến tranh chống Mỹ, một số nhà báo phương Tây gọi là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, lần thứ nhất là cuộc chiến của người Pháp và Mặt trận Việt Minh.
Theo tôi thì bài viết của tác giả Nguyễn Quang Duy có hai khuyết điểm. Thứ nhất là bị rơi vào cái bẫy học thuật, tìm cách định nghĩa chủ nghĩa quốc gia là gì. Thứ hai là nhận xét thiếu sót về "phía bên kia" tức là Mặt trận Việt Minh trước 1954, và miền Bắc Việt Nam trong thời chiến tranh Việt Nam.
Sai lầm thứ nhất, cái bẫy học thuật
Thế giới này được chia thành nhiều quốc gia. Sự tồn tại của một quốc gia và dân tộc (có khi là nhiều dân tộc) đi kèm với nó, cùng với cách sống, luật, lệ,… đã là một hiện thực rất có sức sống, liệu có cần kèm theo một thứ chủ nghĩa nào đó ?
Có những dân tộc không làm nên được một quốc gia, không có quyền bằng những dân tộc khác, như là người Hmong, người Zigan, những bộ lạc da đỏ ở Mỹ, người Catalan, người Basque… không có được một quốc gia riêng cho mình vì sức mạnh văn hóa, kinh tế yếu hơn những dân tộc bên cạnh, không cạnh tranh được với họ. Nên hiểu chủ nghĩa quốc gia, như cái nghĩa giản đơn nhất của nó là giành quyền cai trị một quốc gia dân tộc vào tay dân tộc (những dân tộc) nào đa số ở quốc gia đó.
Theo nghĩa này thì chủ nghĩa quốc gia là cái mà Mặt trận Việt Minh trước kia, miền Bắc Việt Nam sau này dùng để chiến thắng.
Và đó chính là nhận định sai thứ hai của tác giả Nguyễn Quang Duy.
Sai lầm thứ hai, không nhận định đúng thành phần của Việt Minh và miền Bắc Việt Nam
Tác giả Nguyễn Quang Duy viết trên BBC :
Tháng 8/1945, Đảng cộng sản nổi dậy cướp chính quyền. Đến năm 1947 khi những người Việt quốc gia muốn ôn hòa giành lại độc lập phải cộng tác với người Pháp thì Đảng cộng sản đã hạ luôn cả chính nghĩa quốc gia.
Không có bao nhiêu người Việt Nam trong mặt trận Việt Minh, thậm chí trong thành phần nòng cốt của nó là Đảng cộng sản, hiểu chủ nghĩa cộng sản là gì, họ chỉ tham gia cuộc chiến vì muốn dành độc lập lại từ tay người Pháp. Đó chính là chủ nghĩa quốc gia.Rất nhiều nhân vật của Đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu tham gia cuộc đấu tranh của họ bằng cách tham gia các đảng phái khác như Quốc Dân Đảng, Đại Việt.
Chủ nghĩa quốc gia này được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kéo dài ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Những người hăng hái tham gia cuộc chiến trong quân đội miền Bắc, hay là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, nghĩ rằng họ đang chiến đấu cho một quốc gia Việt Nam chống lại ngoại bang là người Mỹ. Nếu họ có nghĩ tới hệ thống cộng sản, một loại chủ nghĩa quốc tế, thì cũng nghĩ rằng đó là những quốc gia cùng phe với họ, cũng giống như trong nhiều cuộc chiến tranh khác trong lịch sử nhân loại.
Có thể nói không ngoa rằng chính chủ nghĩa quốc gia đã làm cho Việt Minh thắng cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất, và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng tổ chức ngoại vi của nó là Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, thắng cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai.
Điều bi kịch nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại nằm ở chỗ lực lượng chiến thắng đi kèm với một mô hình kinh tế xã hội phi lý và thất bại, mô hình cộng sản, mà chính những người sử dụng nó cũng không ý thức được là nó phi lý và thất bại. Âm vang của cuộc chỉnh huấn 1953 trong chiến khu, cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu, sự thất bại của mô hình kinh tế miền Bắc, được kềm chế một cách hữu hiệu bằng bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản, không làm sứt mẻ bao nhiêu chủ nghĩa quốc gia của những người chiến đấu từ miền Bắc, những người nhảy bưng nhảy núi từ miền Nam.
Lực lượng chiến thắng của cuộc chiến Việt Nam đã sử dụng mô hình tổ chức xã hội chiến tranh của quốc tế vô sản, và được dẫn dắt bởi một loại chủ nghĩa quốc gia, có hình thức rất đơn giản là chống lại người nước ngoài.
Nguyên nhân của thất bại và chiến thắng
Nhưng kết quả của cuộc chiến Việt Nam không đơn giản như thế. Nó là một hỗn hợp phức tạp của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu, chủ nghĩa quốc gia Việt Nam, những nước cờ chiến lược của người Mỹ, sự thay đổi của Hoa Lục… kể cả những biến cố tuy xa Việt Nam nhưng làm đổi dòng chảy thế giới như cuộc chiến tranh dầu hỏa 1973. Cuộc chiến tranh dầu hỏa làm nguồn tiếp liệu cho Việt Nam Cộng hòa bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi Liên Xô, kho dự trữ dầu hàng đầu thế giới vẫn cung cấp nhiên liệu thoãi mái cho miền Bắc Việt Nam. Nền kinh tế quốc dân của Liên Xô không lớn, xã hội tiêu thụ của Liên Xô nhỏ, cho nên không tiêu tốn nhiều nhiên liệu như Hoa Kỳ, nó dư thừa để cung cấp cho đồng minh Bắc Việt Nam.
Người Mỹ chủ động hoàn toàn cuộc chiến này, từ lúc họ khơi mào cho đến lúc họ bỏ cuộc. Cũng không hẳn là sự bỏ cuộc, mà là sự thay đổi chiến lược, thay vì một cuộc chiến tranh nóng với miền Nam Việt Nam là tuyến đầu, họ thay đổi sang một cuộc chiến toàn diện, kinh tế, văn hóa, xã hội, với con cờ mới là Trung Quốc làm rạn nứt và xé toạc hệ thống cộng sản.
Tóm lại là ông Nguyễn Quang Duy đặt vấn đề rằng sự đối nghịch của chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa cộng sản trong cuộc chiến Việt Nam là không thỏa đáng. Nếu ông nói rằng đó là cuộc đối đầu giữa thế giới tự do và chủ nghĩa cộng sản thì tôi được thuyết phục hơn. Hơn nữa như tôi phân tích trên kia, chủ nghĩa quốc gia chiếm phần rất quan trọng trong việc dẫn dắt cuộc chiến của miền Bắc Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa không thể chỉ nằm ở nguyên nhân là thiếu một chủ nghĩa quốc gia hoàn chỉnh, như ý kiến của ông Nguyễn Quang Duy. Tôi không nghĩ là người Nam Hàn, hay người Đài Loan có một thứ chủ nghĩa quốc gia tốt hơn miền Nam Việt Nam. Không thể gọi các chế độ quân phiệt Tưởng Giới Thạch với cuộc khủng bố trắng, các viên tướng Nam Hàn với cuộc đàn áp Quang Du đẫm máu, là chủ nghĩa quốc gia được. Sự ổn định và phát triển của các thể chế dân chủ tại Đài Loan và Nam Hàn cũng có một tập hợp nguyên nhân phức tạp, thiên thời địa lợi, những điều mà miền Nam Việt Nam không có được, chẳng hạn như sự cách biệt địa lý, Đài Loan là một hòn đảo, Nam Hàn là một bán đảo, làm cho các lực lượng cộng sản không dễ dàng xâm nhập. Hay là tính chiến lược của hai nơi này trong chiến lược toàn cầu của Mỹ không bị phá vỡ. Cho đến nay vẫn không bị phá vỡ.Tuy nhiên nếu đặt vấn đề về chủ nghĩa quốc gia đối với Việt Nam hiện nay và tương lai của nó trong bối cảnh toàn cầu hóa bị thối lùi trong mấy năm qua, sự bùng lên của chủ nghĩa dân túy, kinh tế dân tộc chủ nghĩa,… lại là một vấn đề thú vị đáng bàn cãi. Mà điều thú vị nhất, theo tôi, là chủ nghĩa quốc gia có thể bị xóa bỏ bởi mô hình Mỹ chứ không phải cái gì khác.
Nguyễn Khoa
Nguồn : Viet-studies, 18/05/2021
**********************
Chủ nghĩa nào đã làm Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ năm 1975 ?
Nguyễn Quang Duy, 18/05/2021
Sau 46 năm chấm dứt chiến tranh, nhiều người, kể cả những học giả ngoại quốc, vẫn tin rằng cuộc chiến tại miền Nam là cuộc chiến giữa hai ý thức hệ quốc gia và cộng sản.
Nhưng ý thức hệ quốc gia hay chủ nghĩa quốc gia Việt Nam là gì và lý do ý thức hệ cộng sản thắng thế vẫn chưa được tìm hiểu và phân tích cặn kẽ để biết đâu là sự thật.
Chủ nghĩa quốc gia đến với Việt Nam
Trước thế kỷ thứ 20, nước là của vua, dân là con vua, việc bảo vệ và mở mang bờ cõi là trách niệm của nhà vua, làm dân có bổn phận phải trung thành với vua và sẵn sàng chết theo lệnh của nhà vua.
Cụ Phan Chu Trinh, cụ Phan Bội Châu là hai trong số những người Việt quốc gia đầu tiên, một người chịu ảnh hưởng chủ nghĩa quốc gia Pháp còn một người chịu ảnh hưởng chủ nghĩa quốc gia Trung Hoa và Nhật Bản, nên có hai khuynh hướng phụng sự quốc gia rất khác biệt.
Nhà cách mạng Nguyễn Thái Học (Quốc Dân Đảng), Đức Huỳnh Phú Sổ (đạo Hòa Hảo), Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc (đạo Cao Đài), Vua Bảo Đại, ông Phạm Quỳnh, ông Ngô Đình Diệm, ông Trần trọng Kim, học giả Lý Đông A (đảng Duy Dân), ông Trương Tử Anh (đảng Đại Việt) và rất nhiều người khác là những người Việt quốc gia của thời kỳ tiếp theo.
Những người kể trên về mặt tư tưởng họ khác nhau một trời một vực, có khi còn đối chọi với nhau, cho thấy ở thời điểm 1945 vẫn chưa có một hệ tư tưởng có thể coi là hệ tư tưởng quốc gia hay chủ nghĩa quốc gia.
Năm 1949 khi người Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam, Quốc trưởng Bảo Đại đặt tên nước là Quốc Gia Việt Nam, lập Quân Đội Quốc Gia, Chính Phủ Quốc Gia, và cờ Vàng ba sọc đỏ được gọi là cờ Quốc Gia.
Quốc gia Việt Nam (tiếng Pháp : État du Viêt Nam) là một chính thể thuộc Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp, tuyên bố chủ quyền toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, tồn tại trong giai đoạn từ giữa năm 1948 và 1955. Thủ đô đặt tại Sài Gòn, Quốc trưởng Bảo Đại sống và làm việc tại biệt điện ở Đà Lạt (Wilipedia).
Vua Bảo Đại từ lâu đã muốn xây dựng một chủ nghĩa quốc gia riêng cho Việt Nam, nhưng vì hoàn cảnh đất nước chưa hoàn toàn độc lập, và vẫn còn chiến tranh nên không thực hiện được ý muốn.
Chủ nghĩa quốc gia là gì ?
Là hệ tư tưởng soi sáng và hướng dẫn chúng ta làm những việc có ý nghĩa, có đạo đức, biết việc gì cần làm và tạo cho chúng ta sáng kiến đạt được kết quả tốt nhất trong cạnh tranh sinh tồn và phát triển đất nước.
Mỗi quốc gia đều có những khác biệt về lịch sử, sắc tộc, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, bởi thế chủ nghĩa quốc gia Việt Nam phải khác hẳn với chủ nghĩa quốc gia ở các quốc gia khác.
Chủ nghĩa quốc gia Việt Nam phải nối kết được những tư tưởng, những tình cảm, những truyền thống, những ước mong, những ý hướng trong tâm trí của mọi người thuộc mọi sắc tộc sống trên đất nước Việt Nam.
Có chủ nghĩa quốc gia mới có thể định hình được một cách rõ rệt những khái niệm về tổ quốc, về nòi giống, về lòng yêu nước, về tình đồng bào, xây dựng lý tưởng làm chuẩn mực cho đời sống của người Việt Nam.
Chủ nghĩa quốc gia chính là những nguyên tắc căn bản để chính phủ đề ra những chiến lược và đường lối kinh tế, văn hóa, xã hội hợp lòng dân và để người dân biết cách suy nghĩ và hành động vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Việt Nam chưa có hệ tư tưởng quốc gia
Tháng 8/1945, cộng sản nổi dậy cướp chính quyền, đến năm 1947 khi những người Việt quốc gia muốn ôn hòa giành lại độc lập phải cộng tác với người Pháp thì đảng cộng sản cướp luôn cả chính nghĩa quốc gia.
Trong hoàn cảnh chiến tranh những người Việt quốc gia chỉ duy trì tinh thần quốc gia rời rạc, không thể kết lại một cách chặt chẽ như một ý thức hệ hay một hệ tư tưởng có luận lý (lô gích), có đạo đức, dựa trên lợi ích quốc gia và dân tộc.
Vì thiếu một ý thức hệ quốc gia làm căn bản nên người quốc gia và các đảng phái quốc gia liên tục chia rẽ không thể tập trung được sức mạnh chiến đấu và tồn tại trong hoàn cảnh chiến tranh 1945-75.
Xem lại Đệ Nhất Cộng Hòa
Chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa thay vì tìm cách xây dựng ý thức hệ quốc gia, lại lo xây dựng chủ nghĩa nhân vị ông Cao Xuân Vỹ Thủ lãnh Phong trào Thanh niên Cộng Hòa từng nghe Tổng thống Ngô Đình Diệm than phiền :
"Ngay cả đến các vị Bộ trưởng cũng không hiểu được (chủ nghĩa) nhân vị là gì, thì làm sao mà chúng ta thực hiện được cuộc cách mạng quốc gia ?"
Ông Diệm nói rất đúng vì khi tầng lớp lãnh đạo không hiểu được đường lối chiến lược quốc gia thì làm sao tầng lớp cán bộ có thể hiểu được để truyền bá chính nghĩa (việc làm đúng).
Và làm sao người dân, nhất là những nông dân chiếm đến 90% dân số lại có thể biết đến đường lối, chiến lược và viễn kiến của tầng lớp lãnh đạo quốc gia.
5 năm vàng son 1955-60 nhanh chóng trôi qua, khi cộng sản từ miền Bắc bắt đầu xâm nhập và cộng sản ở miền Nam nổi dậy, thì rõ ràng Việt Nam Cộng Hòa không có một chủ nghĩa đúng mức để vừa giữ được đất, vừa giữ được dân.
Chính phủ Mỹ sợ cộng sản thắng thế muốn trực tiếp mang quân vào tham chiến thì bị Tổng thống Ngô Đình Diệm phản đối họ mới nhúng tay vào cuộc đảo chánh 1/11/1963 lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa.
Mỹ Hóa chiến tranh
Miền Nam lọt vào vòng khủng hoảng chính trị, đảo chánh này sang đảo chánh khác, miền quê càng ngày càng mất an ninh, nhiều địa phương sáng quốc gia đêm cộng sản.
Ngày 8/3/1965, Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, người Mỹ mở rộng chiến tranh thả bom miền Bắc và trực tiếp điều khiển chiến tranh từ Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài.
Người Mỹ nhúng tay đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm đã là một sai lầm lớn, việc Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam là sai lầm lớn hơn khiến họ phải trả một giá rất đắt về sinh mạng và tiền bạc.
Cho đến phút cuối người Mỹ vẫn không hiểu người Việt cả phía quốc gia lẫn bên cộng sản, nên trong chiến tranh Việt Nam người Mỹ liên tục mắc sai lầm là nguyên nhân chính dẫn đến ngày 30/4/1975.
Chiến tranh càng leo thang, người miền Nam càng phải tập trung bảo vệ miền Nam, nên càng ít quan tâm đến mặt lý thuyết xây dựng một ý thức hệ quốc gia.
Nói về Chủ nghĩa tự do
Khi ý thức hệ quốc gia chưa hình thành và khi người Mỹ đổ quân vào miền Nam chủ nghĩa tự do kiểu Mỹ đã phát triển một cách vô cùng mạnh mẽ.
Trong thời chiến cá nhân cần đặt lợi ích quốc gia và dân tộc bên trên, thì chủ nghĩa tự do lại dựa vào cá nhân để phát triển từ văn hóa, xã hội, kinh tế và nhất là chính trị (thể chế dân chủ pháp trị).
Một số thí dụ dưới đây cho thấy phần nào chủ nghĩa tự do đã dẫn đến ngày 30/4/1975.
Ở miền Nam tự do báo chí không khác gì ở Mỹ các nhà lãnh đạo thường xuyên được đưa lên mặt báo.
Tờ Tin Sáng là nhật báo đối lập với Chính phủ có mục "Tin Vịt" do "Tư trời biển" viết nêu đích danh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là tham quyền cố vị, hiếu chiến, thất học, tham nhũng, bất tài hay gọi ông là "Tổng Thẹo", "Sáu Thẹo"…
Báo chí có quyền chỉ trích Chính phủ và chỉ trích cá nhân các nhà lãnh đạo miễn là không nhằm mục đích tuyên truyền cho cộng sản, nhưng các tờ báo vẫn thường dịch các bài viết từ phe cánh tả chống chiến tranh thì có khác gì tiếp tay tuyên truyền cho cộng sản.
Báo chí ngoại quốc cũng được tự do xuất bản tại miền Nam, người Việt vốn suy nghĩ người ngoại quốc đưa tin khách quan và trung thực, nên nhiều bài viết thuộc phe cánh tả chống chiến tranh cũng được rất nhiều người đọc và tin theo.
Về truyền hình thì có đài Quân đội Hoa Kỳ phát trên băng tần số 11 đưa những hình ảnh chiến trường mà lính Mỹ thua đến nỗi phải tháo chạy bằng các trực thăng, những hình ảnh này ảnh hưởng nặng đến tâm lý người Việt và rất có lợi cho phe cộng sản.
Giáo dục thì phi chính trị nên học sinh và sinh viên đều ít quan tâm đến tình trạng đất nước, một số còn xuống đường biểu tình chống chiến tranh hay leo núi theo cộng sản, số khác sống phóng túng, đua đòi theo cách sống Hippie kiểu Mỹ…
Văn học, âm nhạc, nghệ thuật ở miền Nam bao gồm đủ mọi khuynh hướng, từ tự do cá nhân, đến chuyện đất nước, tình tự dân tộc, nhân bản, khai phóng, hiện thực, chống chiến tranh và chống cả chính phủ.
Kinh tế thì tự do nên vì tiền mà một số thương gia sẵn sàng cung cấp hàng hóa cho cộng sản hay đầu cơ tích trữ phá hoại thị trường và cũng vì tiền mà một số giới chức tham nhũng đã tiếp tay với gian thương nuôi dưỡng cộng sản.
Ngay trong Quốc Hội, Khối Đối Lập liên tục chỉ trích Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, họ còn chủ trương nói chuyện với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (một tổ chức ngoại vi của Đảng cộng sản), chính trị miền Nam không khác gì sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ.
Tự do thua cộng sản ?
Một số người quan sát cuộc chiến ở miền Nam rồi vội vã cho rằng chủ nghĩa cộng sản đã thắng chủ nghĩa tự do.
Nhưng nếu so Tây Đức và Đông Đức, Nam Hàn và Bắc Hàn, Trung Quốc và Đài Loan, Khối Tự Do chống lại Khối Cộng Sản thì rõ ràng ý thức hệ tự do đã là bên thắng cuộc.
Đại Hàn và Đài Loan là hai quốc gia Á Châu bị phân đôi, chủ nghĩa quốc gia ở đó đã phát triển thành những ý thức hệ có thể đón nhận và hài hòa chủ nghĩa tự do kiểu Mỹ.
Sau một quá trình chọn lọc nhiều thập niên cho mãi đến những năm đầu của thập niên 1990 Đài Loan và Nam Hàn mới tiến hành dân chủ hóa đất nước của họ.
Còn Việt Nam Cộng Hòa vì chưa có được một chủ nghĩa quốc gia, một ý thức hệ quốc gia, một hệ tư tưởng hướng dẫn, nên chủ nghĩa tự do đã phản tác dụng phá hoại và tiêu hủy nền Cộng Hòa non trẻ ở miền Nam Việt Nam.
Theo tôi, đây là bài học cho cả hôm nay : Việt Nam vẫn đang cần chủ nghĩa quốc gia
Chiến tranh đã chấm dứt hơn 46 năm, so với các quốc gia trong vùng, Việt Nam vẫn thua kém cũng vì thiếu một chủ nghĩa quốc gia đúng đắn.
Trước thời chiến tranh Đài Loan và Đại Hàn về kinh tế chỉ tương đương với Việt Nam, nhưng ngày nay hai quốc gia này đã vượt xa chúng ta.
Đài Loan và Đại Hàn áp dụng chiến lược xuất cảng thúc đẩy tăng trưởng (export led growth strategy), nhưng nhờ họ có được hệ tư tưởng quốc gia vững chắc, nên có được chiến lược xây dựng kinh tế dựa trên nội lực quốc gia và kết quả tăng trưởng kinh tế thuộc về người dân của xứ họ.
Hà Nội cũng áp dụng chiến lược xuất cảng thúc đẩy tăng trưởng nhưng lại xây tổ đón phượng hoàng xứ người, nên người Đài Loan và người Đại Hàn nay đã trở thành những ông chủ, những con phượng hoàng trên đất nước Việt Nam.
Còn người Việt phải làm công bộc cho chủ nhân ngoại quốc hay phải sang tận xứ người để làm công cho họ.
Chiến lược tăng trưởng dựa trên xuất cảng biến Việt Nam thành một quốc gia lắp ráp trong chuỗi dây chuyền sản xuất của các công ty đa quốc gia.
Việt Nam được giao cho sản xuất các mặt hàng dựa trên lao động tay chân mang lại rất ít giá trị gia tăng cho quốc gia.
Các nghiệp đoàn tự do bảo vệ quyền lợi công nhân thì chưa có nên người Việt làm công nhận được một mức lương thật thấp, thậm chí không đủ sống qua ngày, còn lợi nhuận thì vào tay tư bản ngoại quốc và được họ đưa về chính quốc.
Dựa trên tỉ lệ thương mãi xuất và nhập cảng, Việt Nam nay là nước có mức độ toàn cầu hóa cao nhất thế giới, nguyên liệu chủ yếu phụ thuộc vào nhập cảng từ Trung Quốc và sản phẩm sản xuất thì chủ yếu xuất cảng sang Mỹ.
Chủ quyền kinh tế nay phụ thuộc nặng nề vào hai quốc gia này, Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt kinh tế cũng sợ, mà Trung Quốc đe dọa trừng phạt kinh tế thì cũng lo.
Nếu các hãng xưởng Đài Loan và Đại Hàn rút khỏi Việt Nam thì nền kinh tế Việt Nam xem như sụp đổ, rõ ràng chủ quyền quốc gia Việt Nam đã bị lệ thuộc quá nặng vào ngoại bang.
Còn các mặt khác như văn hóa, giáo dục, xã hội, chính trị, và cả quân sự Việt Nam đều thua xa hai quốc gia Đài Loan và Đại Hàn.
Ở trong nước ai biểu lộ bất đồng chính kiến thì bị Đảng cộng sản cho công an cô lập và đàn áp.
Người Việt hải ngoại sống trong môi trường tự do nhưng vì thiếu một chủ nghĩa quốc gia dẫn dắt nên người đấu tranh luôn bị động, chẳng ai nghe ai, càng ngày càng chia rẽ và càng xa lìa chính những đồng hương đang sống ở hải ngoại.
Ôn lại lịch sử Việt Nam Cộng Hòa và nhìn vào hiện tình đất nước, người Việt muốn giữ được chủ quyền quốc gia vẫn cần phải xây dựng một hệ tư tưởng cho chính người Việt Nam, một chủ nghĩa quốc gia Việt Nam vẫn thật sự cần thiết.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi, 17/5/2021