Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/05/2021

Tổng thống Putin vận động dân Nga tiêm chủng ngừa

Hoàng Dung

Dân Nga "ngại" tiêm vac-xin, tổng thống Putin lên truyền hình vận động chủng ngừa

Một lần nữa, tổng thống Vladimir Putin lại lên truyền hình kêu gọi người dân Nga đi tiêm ngừa Covid-19 trong bối cảnh khắp nơi tại Nga, chiến dịch tiêm chủng giậm chân tại chỗ. Ngày 26/05/2021, chủ nhân điện Kremlin trấn an : "Hãy nhớ rằng vac-xin Nga là vac-xin đáng tin nhất và an toàn nhất hiện nay". Tuy nhiên, ông vẫn giữ quyết định không "bắt buộc tiêm chủng" để đạt dược miễn dịch cộng đồng vào mùa Thu.

nga1

Vac-xin Sputnik V của Nga được giao cho Slovakia, tại sân bay Kosice, ngày 01/03/2021. Slovakia là nước thứ hai trong EU mua vac-xin của Nga.  © AP - Frantisek Ivan

Thông tín viên Hoàng Dung tại Moskva giải thích một số nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này và chiến lược xuất khẩu vac-xin Sputnik V của Nga.

RFI :Hôm nay, tổng thống Nga lại kêu gọi tiêm chủng. Dường như là tỉ lệ tiêm chủng ở Nga không cao ?

Hoàng Dung : Cho đến ngày 26/05/2021, Nga mới tiêm chủng cho được khoảng gần 16 triệu người dân, tương đương với khoảng 11% và so với số lượng để có được miễn dịch cộng đồng là được khoảng 1/4. Theo kế hoạch, Nga cố gắng đến cuối mùa hè sẽ tiêm chủng cho được khoảng 60% dân số để không xảy ra làn sóng thứ tư.

Hiện nay, Nhà nước chỉ quảng cáo, kêu gọi mọi người đi tiêm chủng để bảo vệ mình và bảo vệ mọi người. Nếu như mọi người đều tiêm chủng thì cá nhân họ sẽ không bị ốm và xã hội sẽ nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng và sẽ không còn có làn sóng dịch bệnh nữa.

Những ai đã được tiêm chủng đều đi lại một cách thoải mái, cho nên có thể nói là đời sống hiện nay ở trong nước Nga hoàn toàn bình thường, không còn phải lo lắng. Thậm chí nhiều nơi, mọi người không đeo khẩu trang nữa vì họ đã được tiêm chủng.

Tôi là người đi lại rất nhiều trong nước Nga, bay đi bay lại trong nước, tôi thấy trên máy bay vẫn đông kín người, sân bay đông kín người, và mọi người hoàn toàn tươi cười vui vẻ, không còn tâm trạng, khuôn mặt lo âu của một năm trước đây. Thành ra, tác dụng của vac-xin thì không cần phải tuyên truyền mà chỉ tuyên truyền là mọi người cố gắng đi tiêm chủng cho nhanh, cho sớm để cả xã hội đạt được miễn dịch cộng đồng và không còn ai bị ốm nữa.

RFI :Lý do mà người dân không muốn đi tiêm chủng là do họ không tin vào vac-xin Sputnik V do Nga phát triển và sản xuất hay còn có lý do nào khác ?

Hoàng Dung : Thực sự, theo như những quan sát của tôi, cho đến nay hoàn toàn chưa có một trường hợp nào gây ra tử vong do tiêm vac-xin Sputnik V. Phần lớn mọi người đi tiêm, 70/80%, không có triệu chứng gì, mọi việc rất đơn giản. Còn có khoảng 20% là hơi mệt, hơi đau. Có một số ít nữa thì sốt từ 37,2°C đến 38°C, chứ không có trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng.

Cho nên, không phải người dân Nga không tin tưởng ở vac-xin của mình mà đơn giản là người Nga không có thói quen tiêm vac-xin. Trước đây, tiêm vac-xin cúm hàng năm, Nhà nước cũng tiêm không tốn tiền mà còn đặt các trạm tiêm ở các cổng tầu điện ngầm, rất tiện lợi. Nhưng cũng chỉ có 5% người dân đi tiêm.

Cho nên, việc không thích đi tiêm chủng trở thành một thói quen, một thông lệ. Nhiều người Nga vẫn cho rằng virus corona cũng giống như là virus cúm, nên họ vẫn không thích tiêm như trước đây, chứ không phải là có sự lo lắng gì đó về vac-xin cả. Có thể lúc đầu cố một số người không tin tưởng bởi vì vac-xin được đăng kí sớm quá khi chưa qua hết lộ trình kiểm nghiệm. Nhưng sau này, khi mà nhiều triệu người đã tiêm và không có vấn đề gì thì lo âu đó không còn nữa.

Về quá trình tiêm chủng bây giờ, Nhà nước đang bắt đầu tăng tốc, mở rộng nhiều điểm tiêm để mỗi một ngày tiêm được số lượng nhiều hơn. Trước đây mỗi ngày tiêm khoảng 200.000 liều, còn bây giờ mỗi ngày tiêm được khoảng hơn 300.000 liều để có thể đến cuối mùa hè tiêm được cho 60 triệu người như dự tính.

RFI : Cộng đồng người Việt ở Nga có tham gia tiêm chủng đông đảo không ?

Hoàng Dung : Người Việt rất lo lắng về dịch bệnh này, vừa do thực tế, vừa do thông tin về Việt Nam, nên người Việt có lẽ là cộng đồng lo lắng nhất và là người tiên phong đi tiêm chủng ngay từ khi tổng thống mới bắt đầu cho tiêm chủng từ tháng 12/2020. Người Nga còn đang e dè thì người Việt đã xung phong đi tiêm rất đông.

Cho đến thời điểm này thì có thể nói là phần lớn người Việt, hoặc là đã khỏi ốm đang còn có lượng kháng thể cao, hoặc là đã đi tiêm rồi, trừ các cháu bé hiện chưa có vac-xin dành cho lứa tuổi thanh-thiếu niên. Theo dự tính là khoảng tháng 9 mới ra loại vac-xin dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Cộng đồng chưa được tiêm thì đành chịu, còn lại cộng đồng trong diện được tiêm thì cũng đã đi tiêm hết rồi.

RFI : Trước khi tiêm vac-xin Sputnik V ở trong nước, chính quyền Moskva đã quảng bá rất nhiều về ưu việt của Sputnik V ra nước ngoài. Hiện tại, chính sách xuất khẩu Sputnik V được Nga tiến hành như nào ?

Hoàng Dung : Hiện nay, theo như thông tin từ tuần trước, đã có hơn 60 nước ký hợp đồng để mua vac-xin của Nga. Tuy nhiên, tốc độ sản xuất vac-xin của Nga không cho phép họ bán được nhiều, thành ra họ cổ vũ cho các nước mua công nghệ, hoặc bán thành phẩm về để sản xuất, như vậy sẽ nhanh hơn.

Theo như thông tin tôi nhận được, Việt Nam cũng đã đàm phán để mua vac-xin của Nga ở giai đoạn 1 là bán thành phẩm, giai đoạn 2 là mua công nghệ về Việt Nam để sản xuất để giúp nhanh chóng có được vac-xin.

RFI : Hiện tại Liên Hiệp Châu Âu sẽ chấp nhận cho người nước ngoài đã tiêm chủng vào khối nhưng với điều kiện tiêm các loại vac-xin đã được Liên Hiệp thông qua, mà Sputnik V hiện tại vẫn chưa được. Điều này có gây lo ngại cho người dân Nga khi tiêm chủng Sputnik V và muốn đến Châu Âu ?

Hoàng Dung : Hiện nay ở Nga đang tiêm chủng hai loại, đều là vac-xin của Nga tự sản xuất : Sputnik V và EpiVacCorona. Cho đến nay khả năng bảo vệ của hai vac-xin này khá là cao, không có nguy hiểm gì. Người Nga hay người Việt được tiêm thì thấy rất là tốt về cả hai khía cạnh : an toàn và hiệu quả.

Còn vấn đề Liên Hiệp Châu Âu công nhận hay không công nhận thì đó là việc của Liên Hiệp Châu Âu. Nga cũng không giải quyết được gì về vấn đề này mà chỉ chờ đợi các tổ chức y tế của các nước Âu châu, cũng như là của thế giới xem xét và công nhận các vac-xin cho bình đẳng với nhau. Ở Nga cũng không có những loại vac-xin khác để lựa chọn. Nga chỉ có hai loại và đều không mất tiền, nên người Nga cứ đi tiêm vac-xin của họ.

Hoàng Dung

Nguồn : RFI, 27/05/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Dung
Read 395 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)