Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/05/2021

Tư pháp Việt Nam đối diện với sự chán nản của luật sư

Hà Nguyên - Võ An Đôn

Vì sao niềm tin tư pháp gãy vụn ?

Hà Nguyên, VNTB, 30/05/2021

Không thể triệu tập một ông ‘quan đầu huyện’, chứ chưa nói đến ‘quan đầu tỉnh’ ra tòa, vậy thì tư pháp độc lập ở chỗ nào ?

tuphap1

Thiếu tướng công an Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Chánh án Tòa án nhân dân Nguyễn Hòa Bình tuy ba là một - Ảnh minh họa

Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Nhưng thực tế trưởng, phó cơ quan, tổ chức bị kiện vắng mặt gần như trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án.

Ngày 29/5/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa có thông báo thụ lý vụ án hành chính "khiếu kiện hành vi hành chính về việc không giải quyết đơn khiếu nại" giữa người khởi kiện là ông Nguyễn Văn Độ 62 tuổi, nguyên phó chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa, và người bị kiện là chủ tịch UBND Thành phố Nha Trang và chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

"Theo quy định của Luật Khiếu nại, sau khi nhận đơn khiếu nại của công dân, người có thẩm quyền giải quyết phải thụ lý đơn khiếu nại, tổ chức đối thoại và sau đó ban hành quyết định giải quyết.

Tuy nhiên, cả chủ tịch UBND Thành phố Nha Trang và chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa không giải quyết khiếu nại của tôi theo đúng trình tự quy định. Do đó, tôi khởi kiện ra tòa án giải quyết" – ông Nguyễn Văn Độ cho biết như vậy.

Ông Độ hoàn toàn có lý vì pháp luật trao cho ông quyền lực này.

Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ nỗi niềm, rằng khi có đại diện người bị kiện tham gia, luật sư bên khởi kiện có thể hỏi thẳng nhiều vấn đề khúc mắc trong quyết định hành chính, làm căn cứ quan trọng để tòa tuyên án sau này. Ngược lại, nếu chỉ có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham gia, luật sư chỉ đưa ra quan điểm tranh tụng, không được hỏi.

"Các vụ án hành chính ở huyện rất nhiều, hầu hết về đất đai. Chủ tịch và phó chủ tịch huyện không có thời gian thu xếp đi dự mà chỉ cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham dự" – một ‘bị đơn’ biện minh.

‘Bị đơn’ đã ‘lách’ ở đây bằng việc cử người đại diện được quy định ở điều luật 158 "Xét xử trong trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên tòa" của Luật Tố tụng hành chính 2015, tu chỉnh 2019, rằng tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây : 1. Người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt ; 2. Người khởi kiện, người bị kiện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa.

Ý kiến về thực trạng này, cựu Viện trưởng Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính (Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội), ông Vũ Quang Huy, thì từ thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính cho thấy, những vụ án nào người bị kiện trực tiếp tham gia phiên tòa thì chất lượng tranh tụng cao, bản chất vụ án nhanh chóng được làm sáng tỏ.

Nhiều vụ án thông qua tranh tụng có sự tham gia đầy đủ của các bên đương sự đã làm thay đổi cục diện của việc tranh chấp, do các bên đã nhận thức rõ hơn về vấn đề đang tranh chấp dẫn đến việc người khởi kiện thay đổi yêu cầu khởi kiện hoặc tự nguyện rút đơn khởi kiện ; có trường hợp người bị kiện sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính do nhận thấy có vi phạm.

"Như vậy, để án kiện hành chính được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật thì sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của người bị kiện trong quá trình giải quyết vụ án hành chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Các cơ quan hành chính nhà nước và các cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi tham gia tố tụng với tư cách người bị kiện cần nhận thức việc tham gia tố tụng để giải quyết án kiện hành chính cũng chính là để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, bức xúc trong công tác quản lý hành chính của chính quyền địa phương, góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, cơ quan, tổ chức và bảo đảm các điều kiện để ổn định và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Bên cạnh nhận thức và ý thức tự giác của người bị kiện, pháp Luật Tố tụng hành chính cũng cần quy định chế tài đủ mạnh để người bị kiện phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng cứ, tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa" – cựu Viện trưởng Viện kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính (Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội), ông Vũ Quang Huy kiến nghị.

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 30/05/2021

************************

"Luật sư Hòa mất niềm tin vào ngành tư pháp là điều có thật"

Võ An Đôn, Tuấn Khanh, RFA, 29/05/2021

Sự kiện luật sư Lê Văn Hòa, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, từng là Vụ trưởng Ban Nội Chính TW tuyên bố 'hết niềm tin vào tư pháp', và tuyên bố bỏ nghề, đã gây xôn xao không ít trên những dòng tin không thuộc báo chí Nhà nước vào những ngày cuối tháng 5/2021.

tuphap2

Có thể nói, điểm tan vỡ trong niềm tin lớn nhất của ông Hòa, là khi ông tham gia vào nhóm luật sư bào chữa miễn phí cho người dân làng Đồng Tâm, trong vụ 3000 công an nửa đêm đột nhập tấn công làng, thảm sát cụ trưởng lão Lê Đình Kình. Những lần ra tòa, và thất vọng trước lý lẽ kết tội người dân, ông Hòa đã từ đó chuyển dần sang tâm trạng từ bỏ. Khép kín không trả lời thêm về sự kiện này, cho tới nay.

Ở vị trí một luật sư tâm huyết với việc bảo vệ công lý, luật sư Võ An Đôn (sinh năm 1977, sống tại Phú Yên) đã bị rút thẻ hành nghề, như một cách răn đe với giới luật sư muốn hành động chỉ dựa trên chuẩn mực hiến pháp và pháp luật.

Trao đổi với luật sư Võ An Đôn, một người bị tước thẻ hành nghề, về câu chuyện một luật sư tự bỏ thẻ hành nghề, ông tâm tình cho biết cảm giác của mình.

----------

Tuấn Khanh : Chào luật sư Võ An Đôn, chắc anh cũng nghe qua chuyện luật sư Hòa vừa tuyên bố bỏ nghề, gây xôn xao trong dư luận ?

Võ An Đôn : Tôi đọc trên facebook, nghe qua về chuyện của luật sư Hòa từ bỏ nghề luật sư vì "mất niềm tin vào ngành tư pháp Việt Nam", nhưng tiếc là trước đây tôi không có dịp tiếp xúc với anh ấy. Thật ra, với suy nghĩ riêng của tôi, việc từ bỏ của luật sư Hòa có thể gọi là hành động đúng đắn và sáng suốt.

Tuấn Khanh : Anh có thể nói rõ hơn, vì sao hành động tự bỏ thẻ hành nghề luật sư của ông Hòa lại là "sáng suốt" ?

Võ An Đôn : Nghề luật sư và những câu chuyện của nó thì không phải chỉ có anh Hòa, mà gần như ai cũng biết cả. Nhưng để nói thẳng ra và từ bỏ, thì đó chính là một bản lĩnh hiếm. Nói về chán, thì nhiều người chán lắm rồi anh à, nhưng là nghề nghiệp thì từ bỏ thì sống bằng gì, năm tháng tu học kể như bỏ.

Lâu nay, nhìn là thấy, luật sư ở Việt Nam xuất hiện nhiều trường hợp chỉ làm đẹp thôi chứ không còn tác dụng hay ý nghĩa gì. Ngoài việc im lặng xoay sở do hiểu nội tình hoặc chạy án thì thôi, chứ nếu là luật sư chân chính, dựa mọi thứ chỉ dựa vào luật thì hiếm khi nào thành công lắm. Anh có ra tòa nói hay cách mấy cũng không ai thèm nghe mình. Thỉnh thoảng có những thứ bày ra tuyệt đối không thể chối cãi thì mới gọi là thắng kiện thôi. Chỉ dựa là tinh thần công lý thôi thì không hiệu quả.

Nên mới nói, nhiều luật sư chạy án, đôi khi không phải vì tiền mà muốn cố đem lại lợi ích đúng cho thân chủ của mình.

Nghề luật sư vẫn còn nhiều người làm việc, vì đã bỏ bao nhiêu năm ra học hành, sống với nghề thì cố nhịn để làm nghề. Nhưng nếu đã va chạm với tòa án, tố tụng… và thấu hiểu, thì có một cuộc sống không khó khăn hoặc có nghề tay trái, nhiều người dễ dàng từ bỏ vì quá mệt mỏi.

Tuấn Khanh : Ngay khi Luật sư Hòa tuyên bố từ bỏ, ông nhận được tâm thư kêu gọi nên thay đổi ý định. Một trong những lời khuyên ấy, là nên cố gắng chèo chống vì lẽ phải : Nếu người tốt bỏ đi, thì cái xấu, cái ác sẽ có thêm một vùng lợi thế… ?

Võ An Đôn : Tôi có đọc vài thư như vậy, và nghĩ rằng có thể không phải họ chỉ khuyên anh Hòa, mà mặt khác còn tự an ủi cho chính mình, nhận sự việc để đánh động xã hội. Một người bỏ cuộc, những người còn lại đang cố gắng với lý tưởng nghề luật sư sẽ cảm thấy cô đơn hơn.

Thật ra, giới luật sư cũng phản ứng nhiều, khi thấy nghề nghiệp và lòng tự trọng bị tổn thương. Từ năm 2015, nhiều sự phản ứng và ra tòa chống án gọi là bỏ túi đã diễn ra nhưng đều bị vùi dập. Chẳng hạn ở miền Trung thì có sự kiện của tôi (LTS : luật sư Võ An Đôn, bị rút thẻ hành nghề), rồi đến vụ Phạm Công Út ở Sài Gòn. Rồi Hà Nội thì có anh Trần Vũ Hải. Có thể người ta nói là luật sư này A, B có sai phạm gì đó, nhưng mượn cái cớ đó, vào thời điểm cần thiết, thì họ ra tay ngay. Vẫn có những luật sư phục tùng nhà nước, sai phạm được biết nhưng chưa cần thiết thì không bị đụng đến.

Những ví dụ đó, đủ để răn đe nên ai thấy đều thủ thế. Nên qua các lời khuyên như "nếu rời bỏ thì cái xấu, cái ác lại có lợi thế"… chỉ là người ta nói vậy thôi, chứ không thể làm gì, ít nhất là trong một thời gian dài nữa. Anh Hòa tuyên bố "mất niềm tin vào ngành tư pháp", là một điều có thật mà giới luật sư ai cũng biết.

Tòa án Việt Năm từ năm 2019 đến nay đã diễn ra nhiều điều khó tin, như luật sư bị từ chối tranh tụng, điện cúp vào lúc thẩm phán bế tắc trả lời, người bào chữa bị khiêng ra khỏi tòa khi chất vấn sắc sảo… Ai cũng thấy các câu chuyện đáng giận từ tòa án… Nhưng còn luật sư đoàn, một tổ chức nghề nghiệp như vậy sao không lên tiếng bảo vệ cho người của mình, dù là dựa trên lý lẽ luật pháp ?

Ai cũng buồn, cũng tức giận nếu thấy tòa án không có công lý, không minh bạch. Nhưng cũng không ai dám mong các luật sư đoàn lên tiếng để hỗ trợ. Đứng đầu các luật sư đoàn, bắt buộc phải là đảng viên. Mà nếu vậy thì anh có chức, có đảng, bắt buộc phải nghe theo chỉ đạo chứ không thể vì một cá nhân hay sự kiện nào được, dù đó là điều cần thiết. Đặc biệt là những luật sư không đảng viên thì có lên tiếng ở luật sư đoàn, giống như góp ý thôi, không ai nghe cả.

Tuấn Khanh : Giờ đây là một người tự do, nhưng hiểu biết luật, anh có còn ức chế hay tức giận khi đối diện với những bất công, nhưng bị buộc phải im lặng nhiều điều để giữ nghề như trước đây ?

Võ An Đôn : Lúc còn là luật sư, tôi đã nói về chuyện tòa án, về tiêu cực, bất công trong các phiên tòa… và cũng dự đoán được điều gì sẽ đến cho tôi và những người khác về sau. Do đó, khi nghe tin về trường hợp "mất niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam" của luật sư Lê Văn Hòa, tôi cũng không quá bất ngờ. Việc từ bỏ của anh Hòa gây xúc động cho đồng nghiệp và những người mang chung tâm trạng, nhưng dù có tuyên bố như tố cáo đi nữa, cũng không ăn thua gì với hiện trạng tư pháp lúc này.

Tôi nói không ăn thua, là bởi mọi vụ án đều đi qua lăng kính chính trị chỉ đạo. Trước tuyên án thường bao giờ cũng họp để nghe chỉ đạo về kết quả vụ án. Nên khi luật sư có nói thể nào, viện kiểm sát từ chối tranh luận, thẩm phán bỏ chút thì giờ như lắng nghe rồi phán thôi. Không có ý nghĩa thực tế gì. Chỉ có thể thay đổi, cải cách thật sự toàn diện mới hy vọng mọi thứ tốt hơn.

Tôi bước ra xa về với đời sống ruộng vườn nhưng cũng quan sát về các vụ án. Nhưng tâm trạng khác trước đây. Khi còn giấy hành nghề luật sư, tôi luôn nóng lòng muốn tham gia vào những vụ án oan sai hiện rõ và góp phần đòi công lý. Nhưng giờ là khán giả, tôi lại thấy nỗ lực không ngừng của các luật sư hôm nay cũng chẳng khác gì tôi trước đây. Chỉ nghĩ rằng thương cho dân Việt Nam mình, chỉ còn thấy rất buồn vậy thôi anh.

Do máu nghề nghiệp cứ thúc đẩy, thì khi không là luật sư chính thức, tôi vẫn nhận tư vấn các vụ án, viết đơn hoặc nhận ủy quyền ra tòa (luật vẫn cho phép), thế nhưng tuyên truyền của chính quyền vẫn bao vây và ngăn chận người dân đến với tôi, dọa rằng tôi là "phản động", dính đến tôi thì kiện tụng nhất định sẽ thất bại… nên thỉnh thoảng, những người dân nào đã oan ức tận cùng, nhưng vụ đòi công lý đã cùng đường rồi mới dám tìm đến gặp tôi, bởi họ không còn biết sợ là gì nữa. Thậm chí có những vụ án kiện tụng bình thường, phía bên tòa án khi biết tôi là người tư vấn hay giúp đỡ gì thì cũng nói riêng với người đứng tên đơn là nên đổi người mới hy vọng có kết quả.

Tuấn Khanh : Và hôm nay, anh đang vẫn sống như một nông dân, và dành thời gian để tư vấn, điền đơn… giúp cho những ai đang gặp khó khăn và cần đến một tiếng nói về luật pháp… ?

Võ An Đôn : Tôi vẫn sống với cuộc đời làm nông của mình, và thỉnh thoảng vẫn dùng khả năng học luật của mình để giúp đỡ miễn phí cho những ai cần đến. Tôi vẫn sống như mình đã từng sống từ đó đến giờ, không có gì thay đổi. Hôm qua tôi đã nói như thế nào, hôm nay tôi vẫn sống và nói như vậy.

Tuấn Khanh : Vâng, cám ơn luật sư Võ An Đôn.

Tuấn Khanh thực hiện

Nguồn : RFA, 29/05/2021 (tuankhanh's blog)

***********************

Luật sư bỏ nghề do mất hết niềm tin vào tư pháp Việt Nam

Diễm Thi, RFA, 28/5/2021

Luật sư Lê Văn Hòa thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội tuyên bố trên trang Facebook cá nhân của ông rằng, ông bỏ nghề luật sư từ ngày 27 tháng 5 năm 2021 vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam.

tuphap3

Luật sư Lê Văn Hòa (bìa phải) - Photo: facebook Luật sư Lê Văn Hòa

Tư pháp Việt Nam những năm qua được nói đến như một bức tranh tối với nhiều bản án oan sai; với những phiên tòa bất công mà ý kiến tranh luận của luật sư tại tòa không được lắng nghe…

Có lẽ không có ngành tư pháp nước nào đặc biệt như ở Việt Nam khi tất cả thẩm phán hiện đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều người trong số họ xuất thân từ công an, như ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và hiện là ủy viên Bộ Chính trị, cũng từng là Thiếu tướng Công an ; ông Trương Hòa Bình, cựu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao từng công tác tại Phòng An ninh Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từng giữ chức Cục phó Cục An ninh văn hóa; ông Lê Minh Trí hiện đang là Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao cũng từng làm Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Cũng từng là công an nhưng Luật sư Lê Văn Hòa có cái nhìn khác. Ông giải thích vì sao ông mất niềm tin vào tư pháp Việt Nam:

"Điều này đã xuyên suốt cả một quá trình từ khi tôi còn là một công chức nhà nước. Tôi đã từng công tác 20 năm trong ngành công an và 22 năm trong cơ quan Đảng là Ban Nội chính trung ương Đảng và văn phòng trung ương Đảng. Từ đó tôi được phân công trách nhiệm theo dõi lĩnh vực tư pháp và tôi đã hiểu, đã thấy những bất cập của nền tư pháp Việt Nam từ mười mấy trước.

Sau khi nghỉ hưu, năm năm nay tham gia ngành luật sư thì tôi cũng đau đáu cái nỗi khổ của người dân, đặc biệt là những nông dân. Được tiếp xúc với thực tiễn hoạt động tham gia tố tụng, tôi càng thấy rõ hơn về nền tư pháp Việt Nam đã xuống cấp một cách trầm trọng.

Việc bỏ nghề của tôi có ý chính là tiếng nói của luật sư không được quan tâm, nhất là trong các vụ án chính trị hoặc nhạy cảm. Người ta thờ ơ, vô trách nhiệm quá. Tôi nghĩ việc tôi bỏ nghề cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người có trách nhiệm đối với nền tư pháp Việt Nam phải suy nghĩ. Đó là mong muốn của tôi".

Theo Luật sư Lê Văn Hòa, không phải riêng ông mà một số đại biểu Quốc hội cũng nhận thấy bức tranh tối của nền tư pháp Việt Nam, nhưng ở từng góc độ của mỗi người mà họ có cách thể hiện khác nhau.

Sáng 15 tháng sáu năm 2020, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nói rằng, ông nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của cử tri, trong đó có vị là lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu, nói rằng chưa bao giờ thấy niềm tin vào tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ.

Cuối tháng ba năm 2021, tại phiên thảo luận về báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nêu lên tình trạng nghi can, bị can chết khi bị tạm giữ tạm giam tại các đồn công an trên cả nước; đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng của đoàn Bến Tre cũng nêu lên quan điểm cho rằng hiện tượng "hòa giải dưới lưỡi dao", o ép trong hòa giải vẫn còn trong hoạt động tư pháp.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, thành viên Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nêu suy nghĩ của ông với RFA qua ứng dụng Facebook Messenger về việc một luật sư phải bỏ nghề vì không tin tưởng vào môi trường làm việc của chính mình :

"Luật sư Lê Văn Hòa nguyên là Vụ trưởng một vụ của Ban Nội chính Trung ương Đảng, ông sớm rời cơ quan công quyền khi chưa tới tuổi hưu trí, đăng ký gia nhập Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, với lý tưởng phụng sự công lý, nhanh chóng trở thành luật sư tham gia nhiều vụ án oan sai, các vụ án nhạy cảm về chính trị, gần đây ông là một trong các luật sư tham gia phiên tòa vụ án Làng Hoành - Đồng Tâm gây chấn động dư luận trong và ngoài nước.

Lý do ông Hòa từ bỏ nghề nghiệp luật sư xuất phát từ sự bức xúc cao độ đối với các bất công mà thân chủ của ông phải gánh chịu qua các vụ án hình sự oan trái do ông đảm nhận làm người bào chữa, từ các bất cập và vi phạm nghiêm trọng của cơ quan xét xử mà ông nhận thấy mình gần như bất lực, khi đã tận lực, dốc hết sức cho công việc.

Thật ra, trước Luật sư Hòa đã có khá nhiều các luật sư lặng lẽ bỏ nghề, chuyển qua nghề khác trong hệ thống ngành luật như làm Công chứng viên, Thừa phát lại hoặc bỏ hẳn ngành luật để về vườn, làm công việc kinh doanh hoặc lao động chân tay. Câu chuyện của họ giống như việc nhiều Đảng viên Cộng sản thoái đảng một cách âm thầm vậy !".

Theo Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, nhiều người hy vọng qua hành động của Luật sư Lê Văn Hòa, những người có trách nhiệm của hệ thống tư pháp Việt Nam sẽ có sự nhìn lại và thay đổi, nhưng bản thân ông thì không tin điều đó, vì ngay cả như bị cáo kêu oan Lương Hữu Phước tự tước đi mạng sống của mình để "đánh thức ngành tư pháp" mà cũng không giải được nỗi oan, thì còn biết hy vọng gì !

Luật sư Võ An Đôn cũng không tin sẽ có sự thay đổi. Ông nói:

"Tôi nghĩ không bao giờ tư pháp Việt Nam thay đổi sau vụ này nếu vẫn ở thể chế một đảng lãnh đạo toàn diện, nhất là tư pháp.

Làm luật sư ở Việt Nam rất chán nản bởi họ ra tòa với tư cách là người bào chữa, bảo vệ thân chủ nhưng chẳng có tác dụng gì hết mà chỉ có tác dụng ‘làm đẹp đội hình’ mà thôi. Vai trò của luật sư ở Việt Nam, nói một cách chính xác là chỉ làm cảnh, để người ta nhìn vào có dân chủ mà thôi. Tiếng nói của luật sư tại tòa không được ai trong Hội đồng Xét xử nghe, trừ những trường hợp đặc biệt. Mọi quyết định thắng thua tại tòa là do chánh án, người đứng đầu về mặt đảng của tòa chỉ đạo hết, luật sư không có tác dụng nên họ rất nản".

Một số người và ngay cả vợ của Luật sư Lê Văn Hòa bày tỏ quan ngại về việc ông công khai từ bỏ nghề luật. Họ đồng ý rằng nếu tất cả những thành phần tốt trong xã hội đều mất niềm tin và từ bỏ thì ‘chỉ còn lại gian tham’. Nhiều người nhận định rằng, dù tư pháp Việt Nam có cải cách nhưng từ luật trên giấy tới thi hành trong thực tế còn quá xa vời.

Liên quan đến việc cải cách ngành tư pháp, tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021 tổ chức trực tuyến vào tháng 12 năm 2020, Thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng, phải tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tòa án theo hướng khoa học, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tế, hoạt động hiệu quả. Phấn đấu xây dựng Tòa án Nhân dân xứng đáng trở thành thành trì bảo vệ công lý.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 28/05/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hà Nguyên, Võ An Đôn, Tuấn Khanh
Read 457 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)