Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/06/2021

Đại biểu "nhúng chàm" và Quốc hội khóa 15…

Phạm Vũ Hiệp

Ngày 7/6/2021, báo chí quốc doanh đồng loạt đưa tin lạ lùng và rúng động cả nước, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương xin không tham gia Quốc hội khóa 15. Điều đó đồng nghĩa ông Nam đã trúng cử hôm cả nước đi bầu ngày 22/5/2021, nhưng nay không muốn làm đại biểu của dân ở Quốc hội nữa.

dbqh1

Chân dung Trần Văn Nam, Bí thư Bình Dương.

Trần Văn Nam có tên khác là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1963, tại Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, vào Đảng cộng sản năm 1986. Hộ khẩu đăng ký tại số nhà 249, đường Nguyễn Đức Thuận, phường Hiệp Thành, Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Trần Văn Nam là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và XII, là đại biểu Quốc hội của tỉnh Bình Dương các khóa XI, XII và XIV (khóa XIV là Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bình Dương).

Cuộc bầu cử Đại biểu quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026, Trần Văn Nam ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1, gồm thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên. Kết quả bầu cử Đại biểu quốc hội khóa 15 chưa công bố, nhưng Trần Văn Nam xác nhận đã có đơn gửi Hội đồng bầu cử quốc gia xin không tham gia Đại biểu quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026 vì lý do sức khỏe.

Ông Nam cho biết : "Mới đây tôi đi khám, nhận thấy sức khỏe không tốt, có một số bệnh nên xin thôi để tập trung làm nhiệm vụ khác".

Đây có thể là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Quốc hội của Đảng cộng sản, khi mà đại biểu quốc hội đã trúng cử, sắp công bố công khai, thì lại xin rút tên.

Trước đó hai ứng viên đại biểu quốc hội khác, mặc dù đã qua hiệp thương, được Hội đồng bầu cử Quốc gia đưa vào danh sách ứng cử, in ấn phiếu bầu, niêm yết công khai đâu vào đó, bỗng dưng lại xin rút lui, cũng vì "lý do sức khỏe".

Thế nhưng, câu chuyện bên trong không đơn giản như vậy. Việc Trần Văn Nam bị ép phải làm đơn xin ra khỏi Quốc hội khóa 15 liên quan đến vụ án thu tóm đất đai tại Bình Dương, hàng loạt giám đốc công ty kinh doanh bất động sản đã bị bắt giam.

Mới đây, Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã khởi tố, tống giam Nguyễn Đại Dương, sinh năm 1965, còn gọi là Dương "New Century" với cáo buộc liên quan sai phạm trong việc chuyển nhượng 43 hecta đất ở Bình Dương vào tay tư nhân.

Dương là đại gia rất nổi danh và tai tiếng, con rể ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương, tức Tổng công ty 3/2, thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, bị bắt hồi tháng 4/2020.

Dư luận Bình Dương cho rằng, hàng ngàn hecta đất công và đất của dân đã bị "nhóm lợi ích" thu tóm, cướp cạn, tiền "hối lộ", "lại quả" chảy vào túi Trần Văn Nam có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Sắp tới, Trần Văn Nam chắc chắc sẽ nhận cái kết nặng nề. Thông tin đồn đoán, mức kỷ luật nhẹ thì cách tất cả các chức vụ trong Đảng, đuổi ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, nặng thì Trần Văn Nam có thể bị khởi tố, bắt giam. Việc sớm loại bỏ Nam ra khỏi Quốc hội khóa 15 nằm trong lộ trình kỷ luật đó.

Trước đó, Giáo sư Tiến sĩ y khoa Nguyễn Quang Tuấn cũng bị buộc phải làm đơn xin rút khỏi danh sách ứng cử Đại biểu quốc hội khóa 15 vì liên quan vụ đến án tham nhũng mà Bộ Công an đang điều tra.

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn sinh năm 1967, quê Thanh Oai, Hà Nội, hộ khẩu thường trú : Phòng 2013 tòa nhà D2, khu đô thị Mandarin Garden, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Nguyễn Quang Tuấn vào đảng năm 1997, Đại biểu quốc hội khóa 14, hiện là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (từ 8/2012 đến 3/2020).

Hàng loạt cán bộ ở Bệnh viện Tim bị khởi tố, bắt giam vì bị phanh phui "bộ sậu" lãnh đạo chủ chốt tại đây tham nhũng, kê khống rút ruột hàng trăm tỷ đồng viện phí và mua sắm thiết bị bệnh viện.

Nói cách khác, Nguyễn Quang Tuấn chính là con "kền kền" bự nhất trong lũ "kền kền" hút máu bệnh nhân và rút ruột ngân sách y tế.

Một trường hợp nữa cũng khá bi hài liên quan đến ứng viên Đại biểu quốc hội khóa 15, đó là Đại tá Nguyễn Thế Anh.

Nguyễn Thế Anh sinh năm 1973, quê Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, hộ khẩu thường trú số nhà 264, đường Lâm Quang Ky, Khu phố 4, phường Vĩnh Lạc, Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Thế Anh vào đảng năm 1996, cử nhân Chuyên ngành điều tra tội phạm, hiện là Tỉnh ủy viên, Đại tá, Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang.

Ngày 14/5/2021, dù chỉ còn chưa đầy 10 nữa là tới ngày bầu cử Quốc hội khóa 15, Nguyễn Thế Anh bị buộc làm đơn xin rút khỏi danh sách vì "sức khỏe kém". Hội đồng bầu cử quốc gia "ỡm ờ" với báo chí. Tổ chức Đảng ở Kiên Giang cũng che giấu nội tình.

Thật ra, Nguyễn Thế Anh bị Cơ quan điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng triệu tập, liên quan đến bảo kê cho các đường dây buôn lậu. Khả năng Nguyễn Thế Anh bị khởi tố, bắt giam, để phục vụ điều tra trong thời gian tới là khá rõ. Thế nhưng, dân chúng chỉ biết ông này vì "ốm yếu" nên dừng cuộc chơi.

Nói thêm về kinh phí bầu cử, tổng kinh phí bầu cử Quốc hội khóa 15 và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 cho đến nay vẫn là con số bí mật. Văn bản do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 31/3/2021, phê duyệt tổng mức kinh phí là 1.500 tỷ, phân bổ cho địa phương là 1.432 tỷ, cho các Bộ, cơ quan trung ương là 38 tỷ ; số còn lại để dự phòng.

Số tiền trên được chia làm hai đợt (xem ảnh). Chính phủ cũng không quên yêu cầu một điều mà chắc không tổ chức, địa phương nào thực hiện : "Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch".

dbqh2

dbqh3

dbqh4

Văn bản phê duyệt kinh phí bầu cử của Thủ tướng Chính phủ (đợt 1)

dbqh5

dbqh5

dbqh6

dbqh7

Văn bản phê duyệt kinh phí bầu cử của Thủ tướng Chính phủ (đợt 2)

Hôm 25/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 14 nghe báo cáo kết quả triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tại đây ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên và là Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia, cho biết, nhu cầu kinh phí bầu cử của các địa phương và cơ quan trung ương năm 2021 tăng 2,6 lần so với tổng kinh phí ngân sách trung ương đã phân bổ phục vụ công tác bầu cử năm 2016. Mà năm 2016 cả nước đã xài cho bầu cử hết 1.373 tỷ đồng.

Tóm lại, hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế của dân đã được đầu tư cho show diễn "ngày hội toàn dân", mà hậu trường sân khấu trông thật ảm đạm, đầy "hỉ nộ ái ố".

Tốn biết bao nhiêu tiền của cho hai lần bầu cử, với "quy trình chặt chẽ", nhưng khi bầu chọn Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã để lọt "cá mập" Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương tái cử. Còn bây giờ, dân chúng lại bị lừa, khi mà "phát lộ" ra các ông bà đại biểu quốc hội, đại diện cho "ý chí và nguyện vọng của nhân dân" lại là các ông quan phụ mẫu đầu tỉnh "cá mập", trùm bảo kê buôn lậu, những "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú" chuyên ăn trên thân xác người bệnh, suýt chút nữa trở thành… Đại biểu quốc hội khóa 15.

Quốc hội 15 chưa "sáng đèn" khai mạc, mà các diễn viên tồi tệ cứ ốm yếu, què quặt thế này thì không biết "sức khỏe" của cơ quan lập pháp, quyền lực nhất nước sẽ ra sao ?

Phạm Vũ Hiệp

Nguồn : Thoibao.de, 10/06/2021

Tham khảo :

https://baotiengdan.com/2021/06/08/dai-bieu-nhung-cham-va-quoc-hoi-khoa-15-benh-tat/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Vũ Hiệp
Read 492 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)