Công bằng và nhân ái xã hội chủ nghĩa trong cuộc chiến vắc-xin Covid 19 ở Việt Nam
Gió Bấc, RFA, 13/06/2021
Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc viết thư xin Mỹ hỗ trợ vắc-xin chưa ráo mực thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mắng bọn tư bản bất công, gây khó cho nước nghèo. Chính phủ móc túi dân lấy tiền gây quỹ, hứa sẽ tiêm miễn phí vắc-xin, trong khi thực tế Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Nội và nhiều doanh nghiệp hé lộ vắc-xin có phí. Người nghèo cứ yên chí chờ Nhà nước nhé.
Ngày 9/6, trong khi cả nước oằn mình trong đại dịch, dân nghèo trắng tay thất nghiệp vì giãn cách xã hội, nông dân không còn nước mắt để khóc vì khoai lang, xoài, sầu riêng, thanh long … thêm một lần được mùa mất giá thì bộ máy tuyên truyền của đảng đã hồ hởi tán dương bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bài viết "lý luận" mê cuồng này được đánh giá là "có ý nghĩa như một luận cương mới về chủ nghĩa xã hội.
Chống Covid, chống tư bản bằng "ní nuận" tay không bắt giặc ?
Tổng Trọng cho rằng : "Dưới tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế suy thoái đã được phơi bày sự thật về những bất công xã hội trong xã hội tư bản : thất nghiệp gia tăng, khoảng cách giàu, nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc…".
Sau khi vạch trần sự thối nát của chủ nghĩa tư bản, Tổng Trọng tự sướng "Đảng ta đã hình thành nhận thức tổng quát xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng là : một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ; do Nhân dân làm chủ ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp" (1).
Sự thối nát, bất công của chủ nghĩa tư bản mà cụ thể là của Mỹ và các nước tư bản khác cũng như tính ưu việt, công bằng nhân ái của Việt Nam xã hội chủ nghĩa như thế nào trong dịch Covid 19, có thể nhìn vào ngay việc sản xuất và phân phối Vắc-xin.
Khi làn sóng Covid 19 tái bùng phát ờ nhiều tỉnh thành, khẩu hiệu "tấn công" dịch của Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính như một lộ tiền mệnh giá cao không có giá trị bảo chứng, nhanh chóng bị bốc hơi thành giấy lộn. Covid siêu nhỏ, im lìm không biết tuyên truyền, không hô khẩu hiệu nhưng sức lây lan là rất thật và rất mạnh nên không thể tấn công bằng tay không bắt giặc hay cho máy bay núp vào đám mây, tắt máy phục kích máy bay của đối phương. Muốn tấn công phải có vắc-xin.
Việt Nam ngủ quên trong chiến thắng năm 2020, tự tin nghiên cứu sản xuất mà không đặt mua Vắc-xin nên khi có dịch đã hoàn toàn bị động.
Mỹ sau thảm họa dịch tràn lan do sai lầm của Tổng thống Trump đã nhanh chóng ngăn chặn không chế dịch nhờ chương trình tiêm phòng của Tổng thống Biden. Đến nay Mỹ không chỉ dần tháo gỡ các biện pháp giãn cách trong nước mà còn chuyển sang giai đoạn hỗ trợ cho cộng đồng quốc tế và các nước nghèo.
Người dân Mỹ xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hôm 11/6/2021. Reuters
Vắc-xin chỉ có xin và xin thêm nữa
Chỉ một tuần lễ trước khi Tổng Trọng lên đồng xã hội chủ nghĩa mắng mỏ chủ nghĩa tư bản, ngày 31-5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phải muối mặt gửi thư cho Tổng thống Biden kêu cứu, xin Vắc-xin. Ông Phúc "hoan nghênh và cảm ơn Mỹ cho việc Mỹ đã là bên đóng góp lớn khi cam kết tài trợ 4 tỉ USD cho sáng kiến Tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (Covax), đồng thời thông báo với Tổng thống Biden về việc Việt Nam đã nhận hai đợt vắc xin với khoảng 2,5 triệu liều từ sáng kiến này".
Ông Phúc cũng "hoan nghênh việc Mỹ cam kết Covid-19 cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19 ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đang có những diễn biến rất phức tạp"
Cuối cùng ông Phúc mong "Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và các nước về nguồn cung vắc xin, đồng thời đề nghị hai bên tăng cường hợp tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ vắc xin ngừa Covid-19" (2).
Tóm lại bức thư của ông Chủ tịch nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ưu việt là xin, xin thêm và xin thêm nữa vắc-xin từ tên tư bản giãy chết dân chủ trá hình và đầy mâu thuẫn.
Container chứa vắc-xin ngừa Covid-19 theo chương trình Covax về Việt Nam hôm 1/4/2021. AFP
Mua 170 triệu nhưng không biết bao giờ mới có
Và thực tế, đến giờ phút này hơn hai triệu liều vắc-xin mà chính phủ Việt Nam đang có là chính là từ nguồn viện trợ của Mỹ qua cơ chế Covax như ông Phúc đã thừa nhận. Ngoài ra doanh nghiệp tư nhân VNMC cũng nhận được hơn một triệu liều trong hợp đồng mua 30 triệu AstraZeneca (3).
Đến đầu tháng 6 này Bộ Y tế Việt Nam công bố "Việt Nam đã đặt hàng 170 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19"
So với dân số Việt Nam thì 170 triệu liều được đặt hàng sẽ thừa mức 70% người dân được tiêm ngừa để đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng đông. Điều này quả đáng lạc quan khi có thừa vũ khí "tấn công" dịch như Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố.
Bộ Y tế họp báo và thông tin trấn an dư luận là "đã và đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin, các tổ chức quốc tế để mua và nhập khẩu số lượng lớn vắc xin để tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho tất cả người dân đang sinh sống tại Việt Nam. Vắc xin được tiêm chủng miễn phí cho người dân. Do vậy, mọi người dân cần bình tĩnh, hãy chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 khi cơ quan y tế thông báo" (4).
Thế nhưng, song song với con số 170 triệu liều bằng vàng ấy, Bộ Y tế lại có cách thận trọng hiếm có. "Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, từ tháng tám trở đi, tất cả nguồn vắc-xin Việt Nam tiếp cận sẽ về nhiều, tuy nhiên chúng ta phải lường trước khả năng việc giao hàng không đúng tiến độ" (5).
Đồng thời với sự thiếu tự tin này, Bộ Y tế cũng kêu gọi các doanh nghiệp, các địa phương sáng tạo, chủ động, trí tuệ mở rộng các quan hệ mua vắc-xin. Trong bối cảnh cả thế giới đang khát vắc-xin, ngay một số nước tiên tiến phương tây, tỉ lệ tiêm vắc-xin của người dân còn rất thấp mới đạt đến mức miễn dịch cộng đồng thì việc bỗng dưng có 170 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam theo hợp đồng của Bộ Y tế quả chỉ là cách nói để người dân có cái mà hy vọng như đã từng hy vọng một ngày mai thế giới đại đồng.
Nguồn vắc-xin khả dĩ chắc chắn có thể đến Việt Nam chỉ có thể là nguồn của Covax với khoảng một tỉ liều do Mỹ và các nước G7 tài trợ cho 92 nước nghèo trên toàn thế giới.
Vét tiền người nghèo, người già, em bé lập Quỹ Vắc-xin
Về nguồn kinh phí mua vắc-xin. Trong khi các nước tư bản đầy bất công, mất dân chủ đã đổ ngân sách vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm khó khăn trong đại dịch vừa tiêm vắc-xin miễn phí cho toàn dân thì nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ưu việt của Tổng Trọng chưa hề có chính sách hỗ trợ nào lại huy động tiền dân lập Quỹ vắc-xin.
Bộ máy tuyên truyền hô hào cổ xúy những tấm gương đóng góp ngược ngạo nghe thật đắng lòng, một người nghèo có 500.000 đồng góp 400.000 còn chừa 100.000 phòng hậu sự. Hai em đập heo bỏ ống góp tiền vào quỷ. Cụ già 92 tuổi góp tiền vào quỹ vắc-xin.
Tố Hữu từng ước mơ về thiên dường xã hội chủ nghĩa "Sữa để em thơ, lụa để già". Trong xã hội văn minh, người nghèo, trẻ em, người già chính là những đối tượng cần được trân trọng giúp đỡ. Chống dịch là trách nhiệm của nhà nước, vơ vét tiền dân lập Quỹ vắc-xin là sự vô trách nhiệm, cổ súy việc người nghèo tận đáy xã hội, người cao niên trẻ nhỏ vét tiền cống nộp là tàn nhẫn đến cùng cực. Ai có thể yên lòng thụ hưởng liều vắc-xin từ những đồng tiền đẫm nước mắt ấy. Trong khi đó hàng ngàn tỷ tỷ đồng từ ngân sách, từ tài nguyên quốc gia đã trôi ra sông biển do lãng phí hay rơi vào túi quan chức do tham nhũng. Ưu việt, công bằng dân chủ của Tổng Trọng là như vậy đó ư ?
Người dân với tin nhắn trên điện thoại cảm ơn đóng góp cho Quỹ vắc-xin ngừa Covid-19 của Chính phủ Việt Nam. AFP
Nguồn thứ đến là từ các doanh nghiệp và địa phương tự mua. Chưa nói đến sự phức tạp về hậu cần, vận chuyển, bảo quản, đối với các doanh nghiệp, địa phương việc nhập vắc-xin chắc chắn không phải là bỏ tiền ra để phục vụ miễn phí cho cộng đồng. Chắc chắn họ sẽ sử dụng cho mục đích nào đó theo nhu cầu của họ, chí ít là sử dụng cho địa phương, doanh nghiệp của mình. Hệ quả là dẫn đến tình trạng mạnh được yếu thua.
Mở đường cho doanh nghiệp tranh mua tranh bán vắc-xin
Đây không phải là suy đoán mà là thực trạng có thật. Báo chí lề đảng đã đăng tin : "Hàng loạt doanh nghiệp muốn chủ động tìm vắc xin
Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm cuối tuần, đại diện nhiều DN lo lắng đại dịch Covid-19 sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, đã đề nghị Chính phủ có cơ chế cho phép các DN chủ động tìm nguồn mua vắc xin. DN được chủ động tìm nguồn mua thì vắc xin sẽ có nhanh hơn và sẽ giải nguy cho sản xuất kinh doanh" (6).
Báo Tuổi Trẻ thông tin càng khẩn thiết hơn : "Giải pháp duy nhất mà các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng hiện nay là vắc xin, vắc xin và vắc xin" (7).
Đáp lại yêu cầu này, Bộ Y tế chỉ hứa hẹn sẽ cởi mở hơn trong thủ tục cấp phép nhập khẩu và cảnh báo các doanh nghiệp phải nhập hàng có nguồn gốc, có đủ chứng nhận hợp pháp.
Chắc chắn trong điều kiện cung cầu chênh lệch căng thẳng như hiện nay thì văn hóa chạy, chen, chụp giật của Việt Nam xã hội chủ nghĩa sẽ lên ngôi. Bộ Y tế với vai trò quyền lực của mình trong phân phối, cấp phép vắc-xin sẽ có cơ hội bằng vàng.
Thực tế vừa qua, việc Bộ Y tế Việt Nam kết luận sai về chủng virus biến thể ở Việt Nam bị WHO bắt giò đính chính cho thấy trình độ của quan chức ngành Y như thế nào, việc cấp phép cho hàng ngàn tấn dược chất gây nghiện hay thuốc ung thư giả cũng cho thấy y đức của các quan chức ngành Y. Những tiền đề ấy dự báo tình trạng cung cấp vắc-xin cho người dân sẽ khó thể công bằng, công minh. Người già, người nghèo, người yếu thế trong xã hội sẽ rất khó có cơ hội tiếp cận vắc-xin trước khi tầng lớp quan chức, doanh nhân, những người khá giả đã thỏa mãn nhu cầu.
Hiện nay, tuy chưa có thông tin về nguồn vắc-xin mới nhập nhưng nhiều doanh nghiệp đã có thông báo nội bộ về giá tiêm cho nhân viên và gia đình đăng ký. Theo đó giá 2 liều Pfizer hoặc Moderna là 80 USD ở một số doanh nghiệp.
Sài Gòn chết khô, Hà Nội, Vũng Tàu rao bán
Bên cạnh sự bất công theo các tầng lớp người dân, việc khuyến khích các địa phương tự chạy vắc-xin cũng sẽ tạo ra bất công về địa bàn. Mới đây, Hà Nội vừa thông báo thu hồi công văn đăng ký tiêm vắc xin ngừa Covid-19, kinh phí dân 'tự chi trả của thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh, Hà Nội) vì lý do sai nội dung 'kinh phí tiêm vắc xin sẽ do người sử dụng tự chi trả'" (8).
Đây là lý do thật, Hà Nội không có chính sách tiêm vắc-xin thu phí hay Thị trấn Đong Anh đã làm lộ một chính sách ngầm của Hà Nội ?
Đặt câu hỏi trên vì thực tế trong khi TP.HM, trung tâm kinh tế văn hóa lớn nhất, dân cư đông nhất cả nước đang đứng thứ nhì về số ca nhiễm Covid, đang khô khát kêu cứu vắc-xin mà chưa có liều nào thì "Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nguồn cung ứng vắc xin phòng Covid-19 do Mỹ và Anh sản xuất nên có thông báo để đăng ký mua, cam kết sử dụng. Giá mỗi liều vắc xin từ hơn 300.000 đồng đến gần 1 triệu đồng" (9).
Còn nhiều điều để nói nhưng chỉ qua cách thức nhập, nguồn tiền mua và cách phân bổ vắc-xin của xứ thiên đường cho thấy tất cả trách nhiệm đều đổ xuống người dân. Nghi bị nhiễm đưa đi cách ly dân phải trả phí. Mua vắc-xin, dân phải vét túi đóng tiền quỹ, muốn được tiêm vắc-xin sớm phải chạy tìm nơi thu phí để chen nhau đăng ký. Nhà nước chỉ hỗ trợ người bằng cách đơn giản hóa thủ tục.
Quyền tự chủ, tự do của người dân thiên đường cao cả đến vô cùng. Trong khi bọn tư bản dân chủ trá hình áp bức người dân đủ điều, bắt buộc dụ dỗ người dân từ già tới trẻ, từ người yếu thế đến kẽ giàu đi tiêm vắc-xin. Còn dụ dỗ bằng xe đưa đón, quay số trúng thưởng, bằng hộ chiếu vắc-xin. Cám ơn cụ Tổng đã khai sáng cho người dân thiên đường hiểu được những bất công của xã hội tư bản khi chúng nó đem tỷ liều vắc-xin tặng không cho các nước nghèo trong đó có Việt Nam.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 13/06/2021
*********************
Xin tiền mua vắc xin, chính phủ ‘vòi dân’ hay ‘vì dân’ ?
Nguyễn Hùng, VOA, 11/06/2021
Giữa lúc các ca lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam lên tới nhiều ngàn, chính quyền đang cố gắng xin xỏ người dân, doanh nghiệp và bất cứ ai có tiền đóng góp cho quỹ mua vắc-xin.
Bộ Y tế Việt Nam nói hôm 2/6 sẽ có 120 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 trong năm 2021.
Dù những người ủng hộ chính quyền sẵn sàng bao biện cho các quan chức mỗi khi có ý kiến nói Hà Nội chậm trễ trong việc mua và tiêm vắc-xin bảo vệ sức khoẻ cho người dân, các số liệu cho thấy Việt Nam chậm hơn các láng giềng ASEAN ở Đông Nam Á chứ chưa so với các nước đã tiêm được vắc-xin cho quá nửa số người lớn như Anh Quốc.
Theo một bài báo từ Malaysia, nước này đã tiêm xong hai mũi vắc-xin cho 3,5% dân số và 6,2% dân được tiêm một mũi tính tới đầu tháng Sáu so với con số 1,1% dân số mới được tiêm mũi đầu tiên ở Việt Nam.
Ngay tại nước rối loạn xã hội nghiêm trọng như Myanmar, số người được tiêm hai mũi vắc xin tính tới đầu tháng Sáu cũng là 2,3%, kém con số 3,9% của Indonesia nhưng nhiều hơn 1,6% của Thái Lan và 1,1% của Philippines.
Vậy nên có thể khẳng định Việt Nam không có những cố gắng đúng mức và đúng lúc để có vắc-xin sớm nhất có thể.
Lý do có thể là còn mải mê lo chuyện ghế ở Đại hội đảng, Quốc hội hoặc chủ quan cho rằng ta chống dịch giỏi thì chưa vội gì phải nghĩ tới vắc-xin. Thậm chí có người còn nói vì Việt Nam chống dịch giỏi quá nên các hãng sản xuất vắc-xin không ưu tiên.
Riêng chuyện phải tới bây giờ chính quyền mới đi xin tiền để mua vắc-xin cũng cho thấy họ không ý thức được chuyện cần tiêm vắc-xin sớm cho dân để xã hội có thể hoạt động bình thường.
Để so sánh với chuyện Việt Nam quyên tiền tiêu, Anh đã tiêu và cam kết cả trăm tỷ bảng trả tiền cho người lao động ngồi nhà và hỗ trợ cho người khó khăn tính tới hết tháng 9/2021, chưa kể tiền mua vắc-xin về tiêm hoàn toàn miễn phí cho dân. Còn tại Việt Nam, có nơi còn ra công văn chính thức yêu cầu đóng góp tiền rồi lại thu hồi công văn. Thật chẳng phải chính phủ vì dân mà là chính phủ vòi dân.
Nếu các quan chức Việt Nam luôn khiêm nhường và không tự vỗ ngực "Việt Nam đã bao giờ được như thế này chưa" và rằng khối nơi trên thế giới không bằng Việt Nam thì có thể hiểu được khi họ ngửa tay xin tiền mua vắc-xin.
Nhưng không, họ luôn ngạo nghễ bất chấp chuyện ném nhiều ngàn tỷ đồng tiền thuế thu của dân xuống sông xuống bể trong các vụ thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước, chưa kể những khoản khổng lồ từ ngân sách mất đi vì tham nhũng.
Chỉ riêngsố lỗ ở Vinashin cách đây nhiều năm, chừng 13.500 tỷ đồng, cũng đã gần bằng một nửa số tiền trên25.000 tỷ đồng Hà Nội ước tính họ cần để mua 150 triệu liều vắc-xin về tiêm cho khoảng 75 triệu số người lớn.
Còn gần đây hơn, khoảnđội vốn ở tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, vốn đã chậm tiến độ nhiều năm và có những người dân tuyên bố sẽ không bao giờ dám đi, cũng đã đủ để mua chừng 60 triệu liều vắc-xin.
Với cách vận hành nặng về tiền và quan hệ như ở Việt Nam, việc phân phối vắc-xin cũng khó đảm bảo công bằng. Những người nhiều tiền, nhiều quan hệ có nhiều khả năng được tiêm vắc-xin sớm hơn kể cả khi rủi ro của họ không bằng những người nghèo hơn.
Nhìn vào con số thống kê của Ngân hàng Thế giới WB, thực tế người nghèo ở Việt Nam ngày càng bị bỏ lại sau dù đất nước có khấm khá lên.
Tổng thu nhập của 20% người nghèo nhất xã hội Việt Nam chiếm 7,8% tổng thu nhập quốc gia hồi năm 1990. Tới năm2018 con số này chỉ còn 6,7%. Trong khi đó con số để so sánh của Thái Lan hồi năm 1990 là 5,9% và hồi năm 2018 là 7,2%.
Một vấn đề khác ở Việt Nam là người dân có thể bị chính quyền vào nhà bắn chết mà chẳng có ai có quyền đòi hỏi phải điều tra như trong vụ hạ sát đảng viên lâu năm Lê Đình Kình. Ở Anh ngay cả khi đã biết là khủng bố mười mươi, chứ không phải vu oan, người ta vẫn phải điều tra mỗi khi có vụ cảnh sát bắn chết người để đảm bảo những người được dân nuôi và trả tiền mua súng không lạm dụng quyền lựcnhư báo vừa đưa hôm 10/6.
Thật không hiểu tính ưu việt mang tên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nằm ở đâu ?
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 11/06/2021