Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/06/2021

Thấy gì qua cuộc họp mặt Biden – Putin tại Geneva ?

Thanh Hà - Trọng Nghĩa

Tổng thống Mỹ Nga gặp nhau bàn nhiều hồ sơ nóng trong quan hệ song phương

Thanh Hà, RFI, 16/06/2021

Chiều ngày 16/06/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, gặp nguyên thủ Nga Vladimir Putin tại khu biệt thự Villa La Grange, Geneva Thụy Sĩ. Các cuộc gặp thu hẹp, rồi mở rộng giữa hai phái đoàn kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Nguyên thủ hai nước không dự trù họp báo chung hay đưa ra một bản tuyên bố kết thúc thượng đỉnh.

bidenputin1

Biệt thự La Grange, Geneva, Thụy Sĩ, nơi diễn ra thượng đỉnh Mỹ-Nga đầu tiên kể từ khi Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ. Ảnh chụp ngày 16/06/2021.  AFP – Sebastien Bozon

Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden đã có mặt tại Thụy Sĩ từ hôm qua để chuẩn bị cho buổi làm việc. Hãng tin AFP cho biết thượng đỉnh lần này gồm hai giai đoạn, trước hết nguyên thủ hai nước họp riêng với sự hiện diện của hai ngoại trưởng Antony Blinken và Serguei Lavrov. Kế tới Washington và Moskva tiếp tục thảo luận với sự hiện diện của nhiều cố vẫn mỗi bên.

Theo giới phân tích, Nga-Mỹ ít có khả năng giải tỏa được những bất đồng trên nhiều hồ sơ gai góc. Đó là các vấn đề liên quan đến những hoạt động tấn công tin học nhắm vào bầu cử và lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ. Về nhân quyền, Washington đặt biệt quan tâm đến số phận của nhà đối lập Alexei Navalny đang bị cầm tù. Trên địa hạt quân sự từ Ukraine đến Libya hay trên mặt trận Syria, Nga bị chỉ trích là có tham vọng bành trướng.

Về phần mình, Moskva lên án Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO - đứng đầu là Mỹ đang tiến gần đến tận cửa ngõ của nước Nga. Ngay cả trong lĩnh vực ngoại giao, hai bên cũng đã lún vào khủng hoảng sau các đòn ăn miếng trả miếng, trục xuất nhân viên các tòa lãnh sự và sứ quán.

Đối thoại Biden–Putin diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, vì cho đến tận vài giờ trước cuộc họp, hai bên vẫn có những lời lẽ cứng rắn gửi tới đối phương. Đồng thuận duy nhất là cả Moskva lẫn Washington dường như không trông đợi gì nhiều vào kết quả thượng đỉnh chiều này.

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường trình :

"Không bỏ qua bất kỳ điều gì hết". Một thành viên trong phái đoàn Mỹ đã tuyên bố như trên một ngày trước thượng đỉnh. Các hoạt động tấn công tin học, Nga can thiệp vào đời sống chính trị Hoa Kỳ, những hành vi gây hấn nhắm vào Ukraine… Một danh sách dài những hồ sơ gai góc. Cho dù khẳng định không muốn gây ra xung đột, nhưng tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết là sẽ cứng rắn với đồng nhiệm Nga. Ông cho biết sẽ nêu ra những lằn ranh đỏ mà Nga không thể vượt qua, đồng thời hy vọng tìm được một sân chơi chung với Vladimir Putin.

Về phía Nga, tháng trước, Moskva từng nêu đích danh Hoa Kỳ là một quốc gia "không hữu hảo". Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, tổng thống Putin tuyên bố bang giao hai nước đang rơi xuống mức thấp nhất. Buổi tiếp xúc giữa hai lãnh đạo trên nguyên tắc sẽ kéo dài trong 5 tiếng đồng hồ. Một số thành viên trong phái đoàn của tổng thống Biden báo trước không nên chờ đợi đôi bên đưa ra những tuyên bố quan trọng. Thượng đỉnh lần này chỉ là cơ hội để hai nước nối lại đối thoại.

Tại Mỹ, một số các dân biểu kể cả trong hàng ngũ đảng Dân chủ chỉ trích việc tổ chức cuộc họp thượng đỉnh. Họ cho rằng khi mời tổng thống Nga tham dự thượng đỉnh, ông Biden đã dành một vị trí quá trong trọng cho Vladimir Putin. Chủ nhân Nhà Trắng bác bỏ lời chỉ trích nói trên vì theo ông đối thoại với Nga là điều thiết yếu và nói thêm là phần lớn giới lãnh đạo Châu Âu mà nguyên thủ Mỹ đã gặp trong tuần này đều ủng hộ việc tổ chức thượng đỉnh Nga Mỹ.

Thanh Hà

*******************

Thượng đỉnh Putin-Biden : Ngoại giao Nga đề ra các mục tiêu khiêm tốn

Trọng Nghĩa, RFI, 16/06/2021

Về quan hệ Mỹ-Nga, điều được công nhận rõ ràng là bang giao giữa hai nước đã trở nên tồi tệ từ nhiều năm nay và không ngừng xấu đi kể từ khi ông Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng. Trong bối cảnh đó, Moskva được cho là không chờ đợi bước đột phá nào từ cuộc tiếp xúc ngày hôm nay, 16/06/2021 tại Geneva giữa Tổng thống Nga Putin và đồng nhiệm Mỹ Biden.

bidenputin2

Tổng thống Mỹ Joe Biden, tới Geneva, Thụy Sĩ, cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/06/2021.  AP - Martial Trezzini

Theo thông tín viên RFI Daniel Vallot tại Moskva, điện Kremlin đã đề ra những chỉ tiêu rất khiêm tốn cho cuộc họp hôm nay : nối lại đối thoại và tái lập được mối quan hệ êm ả.

Điện Kremlin không ngừng nhắc đi nhắc lại trong những tuần lễ gần đây : Không nên mong đợi một bước đột phá ngoại giao lớn nào nhân cuộc họp bên bờ Hồ Léman tại Geneva (Thụy Sĩ). Tuy nhiên, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của tổng thống Nga vẫn khẳng định rằng không nên giảm thiểu tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh này.

Đối với Nga, chỉ riêng việc cuộc họp được tổ chức, lại do chính ông Joe Biden khởi xướng, đã là một kết quả đầu tiên. Theo Moskva, đấy là một dấu hiệu cho thấy là Nga được tân tổng thống Mỹ coi trọng, đủ để quên đi, hoặc giả vờ quên đi, những đánh giá rất nghiêm khắc mà người kế nhiệm Donald Trump đưa ra về Vladimir Putin.

Theo báo chí Nga, điện Kremlin đã đặt ra ít nhất hai mục tiêu cụ thể cho hội nghị thượng đỉnh này : Tái khởi động cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí hạt nhân và nối lại hoạt động lãnh sự bình thường ở hai nước.

Đối với các vấn đề còn lại, Moskva sẽ hài lòng với "dịch vụ tối thiểu" : Không có thông cáo báo chí chung, thậm chí cũng không có họp báo chung. Đối với tờ báo Nga Kommersant, trong ba mươi năm gần đây, chưa bao giờ hai nước lại tiến tới một hội nghị thượng đỉnh với ít tham vọng như vậy."

Nga tập trận gần Hawaii, Mỹ tăng cường cảnh giác

Dẫu sao thì trước lúc cuộc họp mở ra tại Geneva, giới quan sát đã ghi nhận sự kiện Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã tổ chức một cuộc tập trận phối hợp hải quân và không quân rầm rộ, được phô trương là "lớn nhất từ thời Liên Xô đến nay".

Bộ Quốc phòng Nga cho biết là cuộc tập trận huy động đến 20 chiến hạm và tàu ngầm cùng với 20 máy bay quân sự đủ loại, trong đó có loại oanh tạc cơ tầm xa.

Địa điểm cụ thể của cuộc diễn tập không-hải quân không được tiết lộ, chỉ nói chung chung là ở khu vực "trung tâm Thái Bình Dương" (thuật ngữ tiếng Anh là "Central Pacific"), nhưng theo kênh truyền hình Mỹ CBS, thì vùng tập trận cách quần đảo Hawaii của Mỹ khoảng từ 300 đến 500 hải lý về phía tây.

Sự xuất hiện của oanh tạc cơ Nga gần Hawaii đã buộc Quân đội Mỹ cho chiến đấu cơ F-22 cất cánh từ Hawaii lên để sẵn sàng ứng phó, nhung phi cơ Nga đã không đi vào vùng nhận dạng phòng không của Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ cũng cho nhóm tác chiến của tàu sân bay USS Carl Vinson đang tập trận cách Hawaii khoảng 200 hải lý về phía đông, di chuyển về hoạt động gần quần đảo hơn.

Trọng Nghĩa

***********************

Thượng đỉnh Biden-Putin, cơ hội nào cho phép Nga – Mỹ cải thiện bang giao

Thanh Hà, RFI, 16/06/2021

Làm sao có thể hy vọng bang giao Nga-Mỹ được "khởi động trở lại" nếu như trước khi lên đường sang Thụy Sĩ gặp Joe Biden, Vladimir Putin nêu lên khả năng nhà đối lập Alexei Navalny "vĩnh viễn ngồi tù". Còn về phía Mỹ, thì Joe Bien, sau khi dự thượng đỉnh NATO, đã tuyên bố "muốn tránh đi tới xung đột, nhưng nếu Nga tiếp tục có những hoạt động hung hăng, Mỹ sẵn sàng đáp trả".

bidenputin3

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp nguyên thủ Nga Vladimir Putin tại Biệt thự La Grange, Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16/06/2021.  AP - Patrick Semansky

Phong cảnh hữu tình của khu biệt thự Villa La Grande bên bờ hồ Léman cũng khó làm hạ nhiệt không khí căng thẳng tại thượng đỉnh Biden-Putin hôm nay. Giới quan sát không chờ đợi trông thấy một cử chỉ thân thiện nào trong phong cách của hai nguyên thủ Nga Mỹ lần này giống như điều từng xảy ra hồi năm 1985 nhân thượng đỉnh "lịch sử" giữa tổng thống Ronald Reagan với lãnh đạo số 1 Liên Xô Mikhail Gorbatchev cũng trong khuôn viên tòa biệt thự này.

Trước mắt, điểm duy nhất mà cả hai nguyên thủ có cùng quan điểm, đó là quan hệ song phương đang ở mức tệ hại nhất, căng thẳng nhất kể từ khi chiên tranh lạnh kết thúc. Ngay cả kênh liên lạc giữa Washington với Moskva cũng bị chao đảo, kể từ tháng 4/2021 tới nay, vì cả Nga và Mỹ chưa cho phép đại sứ của mình quay lại nhiệm sở sau khi triệu hồi về nước. 

Một thành viên trong phái đoàn tháp tùng thổng thống Biden đến Geneva được Reuters trích dẫn cho biết : Washington không chờ đợi gì nhiều sau buổi làm việc chiều nay. Cố vấn của tổng thống Nga về đối ngoại, ông Yuri Ushakov cùng chung quan điểm.

Những đòn ăn miếng trả miếng

Bên cạnh đó là cả một danh sách dài những chủ đề gây bất đồng liên quan đến thời sự khu vực và quốc tế . Washington liên tục tố cáo Moskva đứng đằng sau các chiến dịch loan tin thất thiệt và khuynh đảo đời sống chính trị của các nền dân chủ phương Tây, can thiệp vào bầu cử Mỹ. Nga cũng là nơi dung túng các toán tin tặc tấn công vào những quyền lợi của Hoa Kỳ. Trong chiều ngược lại, Moskva lên án Washington can thiệp vào công việc nội bộ của nước Nga bằng bách hỗ trợ tài chính cho các tổ chức và phương tiện truyền thông thù nghịch với điện Kremlin. Vào lúc mà thổng thống Biden xem vế nhân quyền là một ưu tiên trong nhiệm kỳ và đã nhiều lần lên tiếng về trường hợp của nhà đối lập Nga Navalny, thì tổng thống Putin đã rất rõ ràng với tuyên bố ông không loại trừ khả năng nhà bất đồng chính kiến này sẽ "ngồi tù suốt đời" và Nga vừa đưa vào danh sách các tổ chức "cực đoan" những hội đoàn hay cá nhân ít nhiều liên quan đến ông Alexei Navalny.

Xét về mặt cá nhân, hai ông Biden và Putin cùng là những chính trị gia lão luyện, họ đã từng tiếp xúc với nhau khi Joe Biden trong cương vị phó tổng thống Hoa Kỳ và Vladimir Putin giữ chức thủ tướng tạm giao chìa khóa điện Kremlin cho một người thân tín là ông Dmitri Medvedev. Theo nhiều nhà quan sát, khác với những đời lãnh đạo tiền nhiệm, như là giữa tổng thống Reagan với lãnh đạo Liên Xô Gorbatchev, hai ông Biden và Putin không đánh giá cao đối phương. Tệ hơn nữa cả hai "cùng không mấy tin tưởng nhau". Đó sẽ là một yếu tố khiến đối thoại giữa Washington và Moskva thêm trắc trở.

Cánh cửa đối thoại vẫn để ngỏ ?

Chuyên gia Michael Kimmage quỹ nghiên cứu Marshall của Đức cho rằng trong bối cảnh đó "không bên nào nỗ lực quá sức để tìm kiếm đồng thuận" cho dù nhiều hồ sơ nóng bỏng đang chờ đợi cả đôi bên. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là cánh cửa đối thoại bị khóa chặt. Ý thức được là Nga – Mỹ cần nhanh chóng thiết lập lại kênh ngoại giao trực tiếp sau nhiều tuần lễ bị xáo trộn, cố vấn về chính sách đối ngoại của tổng thống Putin, ông Ushakov nhìn nhận "nếu như đôi bên đạt được đồng thuận để các tòa đại sứ hoạt động trở lại bình thường, thì đó đã là một thắng lợi" Stephen Sestanovich thuộc cơ quan tham vấn Mỹ Council on Foreign Relations nêu lên một hồ sơ khác Nga Mỹ có thể "nói chuyện được với nhau" đó là hồ sơ liên quan đến vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân : hiệp định New Start trên nguyên tắc hết hiệu lực vào năm nay và ngay những ngày đầu bước chân vào Nhà Trắng tổng thống Joe Biden đã đề nghị với Moskva triển hạn thêm 5 năm hiệp định này. Đây là một hồ sơ mà cả Vladimir Putin lẫn Joe Biden cùng nắm rất rõ. Cuối cùng có lẽ một trong những điều mà Washington chờ đợi hơn cả qua thượng đỉnh với Nga lần này là thiết lập một mối quan hệ "ổn định và có thể lường được trước" với Moskva để cho Hoa Kỳ rảnh trí đối phó với Trung Quốc, đó mới là "nỗi ám ảnh" của Nhà Trắng.

Có một điều chắc chắc là Joe Biden vừa ngồi vào chiếc ghế tổng thống được chưa đầy nửa năm. Ở góc đài bên kia Vladimir Putin gần như liên tục kiểm soát điện Kremlin từ hơn 20 năm qua. Nguyên thủ Mỹ còn phải bận tâm để lấy lại uy tín của Hoa Kỳ sau những năm tháng dưới thời Donald Trump. Trong khi đó thì tổng thống Nga quan niệm mô hình dân chủ của phương Tây đã "lỗi thời". Do vậy, tại thượng đỉnh Geneva lần này điều quan trọng hơn hết có lẽ là nguyên thủ Mỹ phải chứng minh được với đồng nhiệm Nga rằng Hoa Kỳ vẫn là đầu tầu của thế giới tự do và chớ vội chôn vùi mô hình dân chủ phương Tây. Phải chăng đó mới là thông điệp chính của thượng đỉnh Geneva lần này và cũng là một tín hiệu nước Mỹ của Joe Biden bắn gửi tới Trung Quốc ? 

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Trọng Nghĩa
Read 704 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)