Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/06/2021

Những sai phạm về quản lý đất công ở Thành phố Sài Gòn

Thanh Trúc

Thanh tra chính phủ điểm danh những sai phạm quản lý đất công ở Thành phố Hồ Chí Minh để "dằn mặt" hay sẽ xử lý ?

Hàng loạt sai phạm về quản lý đất công tại thành phố Hồ Chí Minh vừa được Thanh tra Chính phủ nêu lên trong kết luận thanh tra hôm 15/6 vừa qua. Điểm danh để xử phạt hay nói cho có chuyện, là thắc mắc của người dân thành phố.

tphcm1

Vinhomes Central Park và Landmark 81, hai toà nhà cao nhất bên bờ sông Sài Gòn ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 6/6/2019 - Reuters

Thanh tra chính phủ điểm danh những sai phạm quản lý đất công ở Thành phố Hồ Chí Minh để "dằn mặt" hay sẽ xử lý ?

Hàng loạt sai phạm về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong qui hoạch, quản lý, xây dựng, đất đai, môi trường với khu công nghiệp, khu đô thị… được Thanh tra Chính phủ nêu ra, trong đó đáng nói nhất là việc chuyện đổi sai trái ở Thành phố Hồ Chí Minh bao lâu nay.

Đây là những khu nhà đất, được coi là của công, mà Thanh tra Chính phủ gọi là "đắc địa" ; còn "điểm danh" là từ ngữ khá chừng mực như cách dùng của báo chí trong nước.

Gọi là chừng mực bởi không rõ Nhà nước sẽ xử lý thế nào hay chỉ muốn ‘dằn mặt’ những tác nhân có liên quan đến các dự án đất công sai trái mà "gạo đã thành cơm" nhiều năm rồi.

Những vụ vi phạm điển hình được điểm danh ở đây là trường hợp cao ốc VPT do Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư. Tổng diện tích đất của dự án là 1.954m2, trên đường Trần Hưng Đạo, Quận Một, có nguồn gốc là đất của Nhà nước.

Tin nói từ năm 2006 UBND Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết Định số 480/QĐ-UBND, cho phép Công ty Vạn Thịnh Phát được thuê khoảng đất công gần 2.000m2 ở đường Trần Hưng Đạo để xây khách sạn và văn phòng với thời hạn đến hết 2020.

Tuy nhiên qua kiểm tra thì Thanh tra Chính phủ phát hiện UBND Thành phố Hồ Chí Minh không tính toán doanh thu bãi đậu xe theo qui định, làm giảm bớt giá trị số tiền sử dụng đất phải nộp 1.191 tỉ đồng.

Áp dụng suất đầu tư không đúng với công trình hạ tầng kỹ thuật có qui mô nhỏ hơn 20 hecta như vậy khiến chi phí tăng lên và quyền sử dụng bị giảm 179,8 triệu đồng.

Một dự án khác được nêu tên là khu đất nằm trong bốn đường lớn Nguyễn Huệ-Ngô Đức Kế-Hồ Tùng Mậu-Huỳnh Thúc Kháng, Phường Bến Nghé, Quận Một.

Cơ quan thanh tra cho hay 2.815m2 ở đây thuộc Nhà nước quản lý, 8.342m2 thuộc sở hữu tư nhân. 

tphcm2

Một công trường xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh. AFP

Tháng 10/2016, văn bản từ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận tiếp tục thực hiện chủ trương chỉ định nhà đầu tư, Sở Kế hoạch Đầu tư được giao nhiệm vụ thực hiện các thủ tục theo đúng qui định. 

Từ chỗ này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành đã triển khai những bước chỉ định nhà đầu tư, trong đó liên doanh Vạn Thịnh Phát và Larkball Holdings Ltd cam kết hỗ trợ ngân sách thành phố 20 triệu USD

Kết quả kiểm tra từ Thanh tra Chính phủ cho thấy đã có nhiều sai phạm trong đền bù, chuyển đổi, giao đất, giấy phép đầu tư, cụ thể rất nhiều vi phạm về quản lý và điều hành khu đất vàng tại Phường Bến Nghé, Quận Một.

Rối rắm và rối rắm, hệ quả từ chính sách bất minh "đất là sở hữu toàn dân, Nhà nước làm chủ, nhân dân quản lý’, là nhận định của bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, sau 30/4/1975 làm việc ở Trung ương Đoàn Thanh niên/Hội Thanh niên Việt Nam, kế tiếp là tổng biên tập đầu tiên báo Thanh Niên ở Thành phố Hồ Chí Minh :

"Tất cả những cái đó báo chí đăng nhiều rồi mà có giải quyết được đâu. Chính sách về đất đai không đúng dẫn tới chỗ bị tịch thu, bị trưng dụng, bị mất đất đủ thứ hết. Dân chúng kêu ca dữ lắm, gần như 80% khiếu nại đều là khiếu nại đất. Phải nói người có đất bị mất đất bởi người giàu, nó ngược lại với chủ trương dân nghèo có ruộng. Người ta tịch thu đất thì rất rẻ nhưng bán lại thì rất mắc.

Thí dụ như Thủ Thiêm hay Vườn Rau Lộc Hưng chẳng hạn, có giải quyết được đâu ? Các tỉnh thành mất đất cũng nhiều lắm. Tới anh em trong Đoàn Sinh viên Học sinh cũng có người bị mất đất, cũng kêu ca cũng đơn khiếu nại mấy chục năm rồi không đi tới đâu".

Thế thì trách nhiệm ở ai, có xử lý không khi mà Thanh tra Chính phủ gọi là điểm danh các sai phạm trong quản lý đất công ở Thành phố Hồ Chí Minh ? Nguyên tổng biên tập Báo Thanh Niên Huỳnh Tấn Mẫm nói tiếp :

"Bây giờ người ta đòi cải tổ chế độ đất đai, muốn giải quyết được thì phải quy định cho rõ thành phần đất đai của ai, cái nào của tư nhân, cái nào của Nhà nước, cái nào của tổ chức này tổ chức nọ… Không thể cứ nói rằng đất đai là của Nhà nước. Nhà nước là ai ? Là mấy ông cán bộ chứ ai ! Mà mấy ông cán bộ thì muốn cái này muốn cái kia, do đó dẫn tới tham nhũng, tham ô, rồi là sát phạt thế này thế kia. Cái này là vấn nạn của đất nước, xảy ra muôn đời chứ không phải bây giờ không đâu".

Trao đổi với RFA qua điện thư, một nhà báo yêu cầu được giấu tên vì từng viết nhiều bài về quản lý đất gây động chạm ở thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng, để cho đỡ rối thì nên hiểu theo hướng khi Thanh tra Chính phủ "soi" các dự án quản lý đất công sai phạm tức là "soi" người phê duyệt chứ không nhắm vào chủ đầu tư tư nhân. Ông viết :

"Đa số đều bị dính cái tội đất không đấu giá theo luật. Hai ông chủ tịch Đà Nẵng bị khởi tố, rồi hai ông Chủ tich Khánh Hòa bị bắt cũng vì giao đất không qua đấu giá, nhiêu đó thôi. Nếu bán cho tư nhân có đấu giá đàng hoàng, có đấu thầu đàng hoàng, nằm trong cơ chế tư nhân mà sử dụng đúng qui hoạch chung thì đâu có sai, phải không ?".

Nêu thí dụ hai cựu quan chức ở Thành phố Hồ Chí Minh là Tất Thành Cang và Tề Trí Dũng đã bị bắt và bị khởi tố liên quan đến vụ 32 hecta đất công, nhà báo phân tích tiếp :

"Chưa chắc họ muốn đánh vô người chủ đầu tư nếu người chủ đầu tư mua cái đất đó ngay tình. Thí dụ ông Tất Thành Cang dính trong vụ chủ trương cho bán 32 hecta đất ở Hiệp Phước, Nhà Bè, cho công ty Quốc Cường Gia Lai mà không hề thông qua đấu thầu.

Ông Tề Trí Dũng bị bắt trước, mãi sau này ông Tất Thành Cang mới bị bắt. Quốc Cường Gia Lai không bị khởi tố vì lý do có thể họ mua ngay tình mặc dù có chung chi dưới gầm bàn. Tức là thành phố duyệt cho bán thì tôi mua có duyệt đàng hoàng chứ đâu phải tôi mua khống tôi không chung tiền đâu".

Một thí dụ khác trong cơ man những vụ sai phạm quản lý đất công ở Thành phố Hồ Chí Minh mà phía bán thì bị quy kết trách nhiệm, trong khi phía mua để đầu tư lại thoát :

"Ngay cả người mua miếng đất vàng ở Hai Bà Trưng, tức là đất của Beer Sài Gòn, thì mấy ông Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín (nguyên cựu Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh) bị bắt hết vì ký bán mà không đấu giá. Còn người mua ngay tình, ra tòa họ xin nộp mấy ngàn tỷ chênh lệch mua rẻ để xin được tiếp tục sử dụng miếng đất đó. Cái này nên tìm hiểu kỹ vì mục đích Nhà nước cũng không muốn bắt những chủ đầu tư tu nhân mà mua đất không qua đầu giá đâu. Thường dù mua ngay tình hoặc gian tình đi nữa cũng không bị kết tội, phải hiểu theo hướng đó".

Điểm ra sai phạm trong quản lý đất công tại Thành phố Hồ Chí Minh để xứ lý nghiêm túc hay xướng lên rồi để đó khiến dân tình, dù không được gì, vẫn cảm được vị đắng trong cốc nước ngọt, là lời một nhà hoạt động xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh, kỹ sư Trần Bang :

"Thế này là quá muộn! Thực sự sai phạm này ai cũng nhìn thấy. Đất công mà giao cho doanh nghiệp bằng những phương thức không công khai minh bạch, tức không đấu giá, không đưa lên sàng… Giao cho doanh nghiệp nào mà họ muốn bằng những cách khác nhau làm thất thoát tài sản Nhà nước thì quá rõ".

Thực sự đã gọi là các khu đất vàng hay các khu đất công đắc địa thì đã điểm mặt những nơi như sân Golf trong sân bay Tân Sơn Nhất hay khu Thủ Thiêm chưa, kỹ sư Trần Bang đặt vấn đề :

"Bởi vì khi giải tỏa thì đền bù cho dân giá rẻ mạt, so với giá thị trường bây giờ là quá thấp. Thế thì sau đó doanh nghiệp có rao giá bằng phương thức công bằng hay lại giao cho các doanh nghiệp sân sau, các doanh nghiệp thân hữu của lãnh đạo cao cấp thành phố cũng như của trung ương.

Theo tôi thì Thanh tra Chính phủ vào việc quá chậm, có thể họ cân nhắc vấn đề nhân sự, bè phái là chính, chứ còn làm cho công bằng, minh bạch, công chính trong vấn đề quản lý đất đai có lẽ cũng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm thôi".

Trong lúc nhà báo kỳ cựu ẩn danh khẳng định việc Thanh tra Chính phủ nêu ra hàng loạt các sai phạm trong quản lý đất công ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là sự đe dọa, dằn mặt hay cảnh báo :

"Đúng là dọa, là dằn mặt mà có thể kết quả không đến đâu. Nhưng làm vậy là cấp trên muốn kỹ luật những người họ muốn kỷ luật, hoặc để khống chế những thế lực đã về hưu, cũng có thể khống chế các nhóm lợi ích mới muốn tranh đoạt cái dự án của nhóm lợi ích trước. Nó rắc rối lắm".

Nhà hoạt động xã hội Lê Thân, thuộc nhóm nhân sĩ trí thức Sài Gòn, lại nhìn từ góc độ chính trị và cho rằng đây là chuyện thu phục nhân tâm người dân một thành phố lớn, giàu có, hàng năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước quá nửa tiền kiếm được và chỉ giữ lại cho mình rất ít :

"Đã tới lúc người ta thấy Thành phố Hồ Chí Minh không thể tiếp tục tồn tại những chuyện như thế. Muốn cho dân Thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng và đóng góp thì những chuyện động trời phải giải quyết thôi.

Qua chuyện đóng góp vào Quỹ vắc-xin vừa rồi thì toàn quốc là 3.500 tỉ mà Thành phố Hồ Chí Minh trên 2.000 tỉ. Như thế để thấy mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh rất bực về những đối xử không tốt, nhưng đứng về trách nhiệm chung thành phố vẫn đóng góp đàng hoàng.

Nếu ông Thủ tướng Phạm Minh Chính muốn đưa kinh tế lên thì phải đi bằng đầu tàu của Thành phố Hồ Chí Minh, muốn nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng và đóng góp thì phải giải quyết những chuyện nhức nhối mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra".

Có điều, ông Lê Thân nhấn mạnh, làm được gì và giải quyết cách nào còn tùy thuộc rất nhiều vào những đấu tranh giữa các thế lực trong nội bộ Đảng, Nhà nước.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 18/06/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 504 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)