Các nền dân chủ dễ bị hủy hoại trong thế kỷ 21 nếu chúng ta không lên tiếng
Chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, các nhà lãnh đạo độc tài đua nhau sửa đổi Hiến pháp để được nắm quyền lâu hơn như Vladimir Putin ở Nga, Tập Cận Bình ở Trung Quốc…
Các chính trị gia trên khắp thế giới đang vay mượn chiến thuật của tay đại gian thương số 1 của nước Mỹ có tên Donald Trump, chiến thuật này có một slogan : "Tôi đã chiến thắng áp đảo, nhưng họ đã ăn cướp chiến thắng của tôi".
Những cáo buộc gian lận sai trái này của một người thua cử thật vô cùng nguy hiểm.
Xin đưa ra 5 dẫn chứng thật nhất, là 5 lời phát biểu của 5 nhà lãnh đạo quốc gia đã làm xáo trộn chính trường của quốc gia họ, đã tạo sự chia rẽ, nghi ngờ giữa các đảng phái, gây hoang mang trong xã hội, người dân :
– Câu nói đầu tiên : "Tôi chỉ thua cử nếu có gian lận… Đây là lời phát biểu của Jair Bolsonaro, Tổng thống đương nhiệm của nước Brazil ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018, đã đem đến chia rẽ chính trường Brazil và người dân của đất nước này. Và Donald Trump đã học thuộc bài từ nhà độc tài của Brazil, đem ra áp dụng ngay trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
– Câu nói thứ hai : "Chúng tôi đang chứng kiến vụ gian lận bầu cử lớn nhất trong lịch sử đất nước". Đây là lời phát biểu của Benjamin Netanyahu, cựu Thủ tướng nước Do Thái, là người vừa bị lật đổ trong tuần rồi, ngay sau khi những đối thủ của ông đã thành lập một liên minh quốc hội để lật đổ ông ta.
Kể từ đó, ông ta đã miễn cưỡng nhường chỗ cho Thủ tướng mới, Naftali Bennett, nhưng ông vẫn không thừa nhận rằng sự mất mát của mình là công bằng, miệng vẫn rêu rao rằng có gian lận, nhưng ít ra, Netanyahu vẫn còn một chút sĩ diện, muối mặt ra đi và thề sẽ quay trở lại trong vinh quang trong cuộc bầu cử tới, lúc đó ông ta sẽ 75 tuổi, hy vọng sức khỏe còn để tiếp tục ra tranh cử là Thủ tướng lần chót trước khi làm một chuyến đi xa.
– Câu nói thứ ba : "Đây có thể là bài phát biểu quan trọng nhất mà tôi từng thực hiện. Tôi muốn cung cấp thông tin cập nhật về những nỗ lực không ngừng của chúng tôi nhằm vạch trần những hành vi gian lận cử tri lớn và những bất thường. Tôi đã thắng cử với con số áp đảo, nhưng chiến thắng đã bị họ cướp mất".
Câu nói trên là lời phát biểu của Donald Trump, cựu Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, là người đã thua cử trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, không có được sĩ diện và lòng tự trọng như Benjamin Netanyahu, vẫn luôn miệng kêu gào, có gian lận, tôi đã thắng lớn, tôi sẽ quay lại Tòa Bạch Ốc, thưa kiện và thua kiện, đếm phiếu lại ở nhiều tiểu bang và chẳng tìm được gì, mãi đến 7 tháng sau, ông ta mới mở miệng chấp nhận thua cuộc. Với tên gian thương, chuyên gia nói dối này, tôi tạm gọi là, "Donald trump, sĩ diện đã bán rẻ và lòng tự trọng đến trong muộn màng".
– Câu nói thứ tư : "Cuộc bầu cử có gian lận phiếu, chúng tôi phải ngăn chặn kết quả cuộc bầu cử bất hợp pháp này, và chúng tôi đã chặn đứng họ…". Đó là câu nói của Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlain, người cầm đầu quân đội Miến Điện, đã đưa ra tuyên bố cuộc bầu cử có gian lận, làm lý do chánh cho cuộc đảo chánh quân sự, bắt nhốt lãnh đạo dân cử là bà Aung San Suu Ky, giải tán Quốc hội, và hiện đang nắm toàn quyền sinh sát tại đất nước có thể chế dân chủ yếu kém này, đưa đất nước Miến Điện quay trở lại thời kỳ độc tài quân phiệt.
Đây cũng chính là nguồn cảm hứng cho Michael Flynn, một cựu tướng quân đội Mỹ, đã ấp ủ giấc mơ dùng quân đội để đảo chánh, giúp Trump nắm quyền và đưa nước Mỹ đến chế độ chuyên quyền độc tài.
– Và, câu nói thứ năm : "Cuộc bầu cử có gian lận sẽ bị lật tẩy, tôi sẽ chiến thắng, hỡi các bạn thân mến". Đây là lời phát biểu của Keiko Fujimori, là cô con gái của Alberto Fujimori, cựu lãnh đạo độc tài của nước Peru. Cô này chỉ mới 46 tuổi, là lãnh đạo đảng chính trị cánh hữu, cũng vừa thua một cuộc bầu cử, nhưng lại không công nhận kết quả.
Cô Keiko Fujimori đã diễn lại y chang màn kịch kêu gào có gian lận, kêu gọi sự ủng hộ của những kẻ cực hữu, những người ủng hộ Keiko Fujimori cũng sử dụng phục trang, đội nón sừng trâu kiểu Jacob Anthony Chansley làm biểu tượng cho sự phản kháng và bạo loạn.
Sau những lời nói dối từ Benjamin Netanyahu, Donald Trump đến Keiko Fujimori… báo hiệu một xu hướng độc hại trên nhiều chính trường của các thể chế dân chủ trên toàn thế giới. Freedom House, một tổ chức tư vấn và giám sát ủng hộ dân chủ, đã cảnh báo rằng, thế giới đang trải qua "sự suy giảm dân chủ có tính lập lại trong lâu dài".
Và nguy hiểm nhất, độc hại nhất, vẫn là những hành vi của Donald Trump sau cuộc bầu cử năm 2020, sẽ tiếp tục khuyến khích những kẻ chuyên quyền khắp thế giới thao túng các quy trình bầu cử để nắm giữ quyền lực.
Trong tất cả những trường hợp này, chẳng có nhà lãnh đạo nào thuộc diện trong sạch, liêm chính, được người dân yêu mến, ủng hộ cả. Donald Trump đang phải đối diện với nhiều vụ thưa kiện, các cáo buộc lạm dụng quyền lực, tham nhũng của công, cấu kết với nước ngoài và thất bại trong kinh doanh. Benjamin Netanyahu đã và đang bị truy tố về tội tham nhũng và gian lận. Keiko Fujimori trước đó đã phải ngồi tù một năm, trong khi chờ xét xử vì bị cáo buộc thu các khoản đóng góp chiến dịch bất hợp pháp, muốn hô hào có gian lận để lật ngước kết quả bầu cử, và tin tưởng vào chức vụ Tổng thống để bảo vệ cô ta khỏi bị truy tố về tội rửa tiền và cản trở công lý.
Tất cả các nhà lãnh đạo tham quyền cố vị này đều có chung một lối tuyên bố giống hệt nhau, rằng bởi có gian lận trong bầu cử, họ đã không thắng cử, bị cướp mất chiến thắng, rằng ngoài những gì cá nhân họ có thể phải gánh chịu, thì quốc gia của họ cũng sẽ phải trả một cái giá rất lớn cho sự mất mát khi không có họ, rằng chỉ có họ mới đưa được đất nước giàu mạnh, phát triển.
Benjamin Netanyahu, sau khi thua cuộc bỏ phiếu, gọi chính phủ mới là một "liên minh nguy hiểm của gian lận và đầu hàng", và đã thề sẽ "lật đổ nó rất nhanh chóng".
Keiko Fujimori đã mô tả chiến thắng của đối thủ cánh tả của mình là một mối đe dọa sinh tử đối với đất nước Peru và cho rằng, đất nước Peru sẽ tiếp bước đất nước Venezuela trong sự đàn áp tự do và nghèo đói.
Donald Trump cho rằng nước Mỹ dưới thời một tổng thống thuộc đảng Dân chủ cấp tiến sẽ đưa đất nước đổi sang một nước xã hội chủ nghĩa cộng sản, rằng ngoại trừ ông ta chiến thắng thì đó là cuộc bầu cử chính đáng, công bằng, nếu ông ta không chiến thắng, tức là có gian lận.
Những hậu quả bây giờ và tương lai đối với các thể chế dân chủ trên toàn thế giới, không chỉ ở Brazil, Hoa Kỳ, Do Thái, Miến Điện hay Peru, mà còn có thể xảy ra tại nhiều nước khác nữa. Những kẻ chuyên quyền, độc tài mới sẽ dựa vào những hình mẫu, cách thức mà những kẻ bại hoại, tham quyền cố vị đã làm, để áp dụng ngay trên chính đất nước của họ, tìm cách khiến những người ủng hộ họ chống lại chính hệ thống bỏ phiếu công bằng đã hoạt động hiệu quả từ bao lâu nay, làm mất uy tín của các cuộc bầu cử, phá hoại ý tưởng chính trị cạnh tranh.
Với nước Mỹ, không có một vị Tổng thống Mỹ nào, từ thời lập quốc đến thời cận đại đã có những ý tưởng điên rồ, những phương kế bẩn thỉu, những mưu mô thâm độc, tàn phá thể chế dân chủ của đất nước mình, chỉ để được nắm quyền lực trong tay lâu hơn. Chỉ có Donald Trump, một tên gian thương xảo trá mới có đủ mưu ma chước quỷ làm nên những điều tồi bại đó. Và các phương tiện truyền thông xã hội trong thời đại công nghệ phát triển đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khuếch đại chúng.
Không có nhà lãnh đạo dân chủ Châu Âu thời hậu chiến nào đã thử nó. Các nước thuộc khối Liên Hiệp Châu Âu đã rất may mắn, không như nước Mỹ.
Nếu nói theo định nghĩa công bằng của bất kỳ cuộc bầu cử nào trên thế giới, chiến thắng của đối thủ một ứng cử viên chỉ có thể đạt được thông qua gian lận, thì làm thế nào mà cuộc bầu cử có thể được xem là hợp pháp ?
Nhưng, những người dân sống tại các nước dân chủ, tự do đã rất may mắn, rằng xu hướng tệ hại này đã không xảy ra thường xuyên, ý thức của người dân, tính nghiêm minh của luật pháp và ảnh hưởng bởi sự quan sát của thế giới đã làm chùn chân các nhà lãnh đạo độc tài.
Với Benjamin Franklin, một nhân vật quan trọng trong thời kỳ khai sáng Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, khi được hỏi : "Nước Mỹ sẽ tốt hơn khi là một nền Cộng Hòa hay một chế độ quân chủ ?". Ông đã trả lời : "Dĩ nhiên, đó phải là một nền Cộng Hòa, nếu bạn có thể giữ vững được nó".
Với Richard Nixon, một Tổng thống đảng Cộng hòa, khi các cố vấn gợi ý rằng, ông nên tranh chấp kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống năm 1960, ông đã từ chối và nói rằng : "Đất nước của chúng ta không thể chịu đựng được sự đau đớn của một cuộc khủng hoảng Hiến pháp, tôi sẽ không vì quyền lực hay vì cái ghế Tổng thống mà tạo ra cái điều chết tiệt đó".
Một nền dân chủ không thể hoạt động tốt và ổn định, nếu người dân không có đức tính tôn trọng luật pháp và yêu đất nước, nếu không, sẽ rất dễ xảy ra các cuộc bầu cử với tranh chấp, bạo lực, thậm chí nội chiến đều có thể dẫn đến.
Trong nhiều thập niên qua, người Mỹ, cũng như người Do Thái và những đất nước dân chủ ở Châu Âu đã không bị những dịch bệnh tham quyền cố vị, nói láo và bạo lực chính trị xảy ra. Chúng ta đã không nghĩ đến những tình huống xấu xảy ra, hay chuẩn bị tinh thần cho việc các cơ quan cao nhất của chính quyền bị tấn công, huỷ hoại bởi những người không chơi theo luật, không đủ đức tính công dân và không ngại đạp đổ nền dân chủ lâu đời nếu đó là điều cần thiết để giành chiến thắng.
Chính xác rằng, Donald Trump đã đưa đường dẫn lối cho các nhà lãnh đạo có tư tưởng chuyên quyền, độc tài khác trên thế giới, với chứng minh rõ nét nhất, rằng Donald Trump có thể biến một đảng chính trị lớn và những người ủng hộ, thành một đội quân hung hãn để tấn công và phá hoại nền dân chủ.
Và, không ai có thể chối cãi, những diễn biến xấu tại các quốc gia Do Thái, Miến Điện, Peru… chính là những tác động toàn cầu từ cuộc lật đổ tiến trình dân chủ tại Hoa Kỳ của Donald Trump, sát thủ của nền dân chủ Mỹ.
Việt Linh
Nguồn : Tiếng Dân, 20/06/2021
Tham khảo :
https://www.theatlantic.com/ideas/archive/2021/06/trump-fraud-stop-steal-copycats/619226/
https://edition.cnn.com/2021/06/18/politics/republicans-trump-january-6-whitewashing/index.html