Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/07/2021

Người Việt ở Campuchia : Ai sinh ra "khúc ruột thừa" ?

Tony Phạm

Báo chí quốc tế không hề phóng đại khi khái quát, sau nhiều thập niên cưỡng đoạt, cả trên thực tế lẫn tưởng tượng, Việt Nam vẫn là "ông kẹ" chính của chủ nghĩa dân tộc Campuchia. Tuy nhiên, ván bài mà Việt Nam đã và đang "đánh" bao đời nay trên xứ Chùa Tháp, giờ đây đang đang trở thành game "bước nhảy Kangaroo" đầy phiêu lưu và nguy hiểm.

kampu1

Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội hôm 4/10/2019 - AFP

"Cái tát nảy đom đóm"

Qua báo chí thế giới, chúng ta được biết, từ đầu tháng 6 năm nay, chính quyền Campuchia tuyên bố sẽ trục xuất hàng ngàn người Việt ra khỏi những căn nhà nổi của họ trên bờ sông Tonle Sap [1]. Chưa có những phân tích thấu đáo nào về các nguyên nhân chìm nổi đằng sau vụ "thanh lọc sắc tộc" ác liệt này của chính quyền Hun Sen. Quả là không thể tìm được một từ nào xác đáng hơn, đây đúng là một cuộc "thanh lọc sắc tộc !" Điều đáng nói, hành động thách thức công khai này trên thực tế, là "cái tát" vào mặt chính quyền Việt Nam, từ một chính khách có não trạng phân biệt chủng tộc, tiếp nhận gen phát xít từ mồ ma Khmer Đỏ. Kẻ này có cái tên kèm theo danh hiệu loằng ngoằng (dài giống như các nhà độc tài khác ở Phi Châu) là Samdech Akeakmohasenapadey Decho Hun Sen, bí danh tiếng Việt là Mai Phúc.

Nhưng điều đáng nói hơn, đó chính là thái độ "đem con bỏ chợ" của chính quyền Hà Nội, chính xác hơn là của Đảng cộng sản Việt Nam. Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng dương dương tự đắc trước quốc dân và thế giới : "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Ông Trọng đang "selfie" về cái uy thế "ảo" ấy thì Hun Sen đã cho ông một cú "knocked-out" không thể nào đau hơn. Văng vẳng những lời "ngáo đá" vừa trích dẫn của ông Trọng, người nghe buộc phải hồi tưởng lại cái "giọng ca cải lương" từ một người sinh ra trên đất Kampong Cham : "Campuchia có niềm tin chỉ có tiên có Phật mới cứu giúp được những phận người khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay khẩn cầu Tiên Phật tới cứu thì bộ đội tình nguyện Việt Nam đã đến. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật" (Tuyên bố của Hun Sen ngày 2/1/2012).

Vẫn biết dân Việt, nhất là những người sống gần như tận dưới đáy xã hội Campuchia, chẳng đầu óc nào mà đi "ăn mày dĩ vãng" với một cộng đồng có "tượng Bayon bốn mặt" như người Khmer. Tuy nhiên, khi ngồi gõ những dòng này, tác giả không khỏi chạnh lòng nhớ đến lời cầu khẩn qua phiên dịch của một người Việt tên là Bach Bai : "Please show mercy !" (Xin hãy rủ lòng thương xót !) Ông Bai ngậm ngùi ngồi kể lại cuộc đời trôi nổi của bản thân và gia đình, trong khi ba đứa con nhỏ xì xụp bên tô mì và ngửa tay xin tiền phóng viên. Trường hợp của ông Bai chỉ là một trong hàng ngàn gia đình không quốc tịch đang sống dở chết dở, những người từng kiếm sống bằng nghề nuôi cá và đón khách du lịch trên sông Tonle Sap. Hàng trăm hộ dân đó hiện đang neo đậu ở một bờ sông cách Việt Nam vài cây số, với mong muốn được phép về nước, nhưng rồi họ cũng bị chính nhà nước cộng sản Việt Nam chối từ, với lý do Covid-19 [2].

Lạ lùng là nền báo chí "cướp – giết – hiếp" vừa mới kỷ niệm ngày ra đời một cách rềnh rang, tốn kém và đầy phản cảm lại không mấy quan tâm tới tình cảnh thê thảm nói trên từ chính những đồng bào của mình ở bên kia đường biên giới. Hình như báo chí được lệnh từ Ban Tuyên giáo Trung ương không được đả động đến đề tài cấm kỵ này. Vẫn "bổn cũ soạn lại" : Đoàn kết Đông Dương là quy luật thép của cách mạng ba nước, dù điều gì xẩy ra thì cũng không được làm mếch lòng những người anh em "sáng nắng chiều mưa", kẻ thù giai cấp rất dễ lợi dụng để xuyên tạc tình đoàn kết Việt Nam – Campuchia. Nói cho công bằng, trên trang Facebook của mình, Đại sứ Việt Nam tại Phnom Penh Vũ Quang Minh có nhỏ nhẹ chỉ trích việc trục xuất này. Đại sứ Minh gọi đây là "một quyết định đột ngột", với viện dẫn khả năng rủi ro của Covid-19, trước khi ông kêu gọi "người Việt hãy làm việc chăm chỉ hơn để hòa nhập ở Campuchia và không nên trông đợi các Quỹ từ thiện".

Cõ lẽ trên đây là phản ứng "quyết liệt" nhất cho đến nay (sau khi consultations với trong nước và được Bộ Ngoại giao bật đèn vàng), từ người đại diện cho Chủ tịch nước trên đất Chùa Tháp. Trong khi đó, về phương diện quốc tế, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền – một tổ chức cũng đang bị cáo buộc là đã xem nhẹ vấn đề thanh lọc sắc tộc đối với người Việt – cho biết, tổ chức của ông "lo ngại nghiêm trọng trước tình trạng phân biệt đối xử và lạm dụng liên tục đối với cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia… Không còn nghi ngờ gì nữa, người dân Việt nằm trong số những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất ở Campuchia. Đó là lý do chính, tại sao họ thiếu tình trạng sống hợp pháp, vì chính sự phân biệt đối xử có hệ thống đã gây ra tình trạng nghèo khó và dễ bị tổn thương ấy của họ".

Ai đứng đằng sau ?

Vẫn biết, vấn đề người Việt Nam ở Campuchia rất phức tạp. Trong hơn một thế kỷ, người Việt là đối tượng công kích của những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc Campuchia, càng về sau này càng dày đặc. Theo số liệu điều tra dân số chính thức từ năm 2013, có khoảng 63.000 người gốc Việt sống trên đất Chùa Tháp, nhưng con số thực có thể cao hơn rất nhiều. Một tổ chức NGO khác lại ước tính, có từ 400.000 đến 700.000 người Việt ở Campuchia. Một số người Việt ở Campuchia ngày nay là những người mới di cư, trong khi có nhiều người đã sống ở đây qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử không che đậy là, số đông trong những người này không hề được hưởng quyền công dân hoặc các giấy tờ hợp pháp. Con số họ lên tới khoảng 90%, theo Tổ chức Quyền của Người thiểu số (Minority Rights Organisation) có trụ sở ở Phnom Penh. Điều này có nghĩa là, một bộ phận bị từ chối các quyền bầu cử, quyền sở hữu đất đai, thậm chí cả quyền đi học và do đó về cơ bản, họ là những người vô tổ quốc.

Theo ông Sopham Ear, giảng viên về ngoại giao và chính trị quốc tế ở Occidental College, Los Angeles, rõ ràng trước đây, Việt Nam là nước đã tiến vào giải phóng, nhưng chính Trung Quốc mới là kẻ chiến thắng ở Campuchia và trở thành ông chủ ở đây. Hà Nội hiện nhìn về Phnom Penh một cách đầy tiếc nuối, đôi khi pha lẫn cả phức cảm oán hờn. Kẻ mà họ đã dựng lên từ tro tàn, nay lại nói lời chia tay và rơi vào vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh... Thật ra, Việt Nam giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng cũng là để tự vệ, chứ không phải vì lòng nhân từ. Hà Nội tung ra những đợt phản công quy mô chỉ trong vòng 13 ngày trước khi tiến vào Phnom Penh, đó là do bị Khmer Đỏ liên tục quấy phá vùng biên giới trong nhiều năm [4].

Nhớ lại thời gian ngắn ngủi ấy sau năm 1975, chính quyền Khmer Đỏ từng gây cho Hà Nội nhiều cơn choáng đột ngột. Chính một tướng An ninh Việt Nam từng tuyên bố, nếu không có Trung Quốc đứng đằng sau "hà hơi tiếp sức", chỉ đạo, định hướng, thậm chí lên kế hoạch chi tiết đánh phá Việt Nam thì đến bố Pol Pot có sống lại cũng chẳng dám đụng đến đất đai của chúng ta [3].

Thế nhưng ngày nay, Phnom Penh không còn muốn thuật lại câu chuyện dưới khía cạnh đen trắng phân minh như trong quá khứ. Một bộ phim nói về việc Hun Sen đào ngũ và chiến đấu chống lại Khmerr Đỏ đã được chiếu trên đài truyền hình quốc gia năm ngoái. Bộ phim không hề nhắc đến, dù chỉ một lần, rằng Trung Quốc chính là kẻ đã hậu thuẫn cho chế độ diệt chủng. Lịch sử rõ ràng đã bị bóp méo. Trong khi cuối những năm 80, chính Hun Sen từng tuyên bố : "Trung Quốc là gốc rễ của mọi điều ác ở Camphuchia". Nhưng rồi một thập niên sau, Hun Sen lại coi Trung Quốc là "người bạn đáng tin cậy nhất" và nay thì từ ngữ được các viên chức chính quyền dùng là "người bạn sắt son".

Để tránh các thuyết âm mưu dễ dãi, chúng ta chưa thể khẳng định một cách dứt khoát, ai đứng đằng sau cuộc "thanh lọc sắc tộc" đối với người Việt sống ở Camphuchia hiện nay ? Liệu đây có phải là "một quyết định đột ngột" như Đại sứ Việt Nam Vũ Quang Minh viết trên FB ? Hay chúng ta lại tin vào lời của người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan : "Chúng tôi đã nói với họ trong nhiều năm (tức là nói với những người Việt sinh sống trên đất CPC) rằng, chính phủ không thể đợi cho đến khi đại dịch kết thúc mới thực thi luật pháp… Nhưng họ đã phớt lờ những lời cảnh báo và sau đó phàn nàn rằng họ chẳng có nơi nào để đi" ? Trong khi bản thân Hun Sen từng thừa nhận trên báo "Khmer Times" ngày 2/11/2016, chính người Pháp đã khuyến khích và bắt ép người Việt Nam sang Campuchia. Cá biệt có thời điểm người Việt chiếm hơn 70% nhân lực trong ngành công nghiệp cao su ở nước này.

Trong khi đó, lời van nài của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mỗi khi đề cập đến vấn đề này đều "mong các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương Campuchia quan tâm, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm ăn ổn định, đồng thời đảm bảo các quyền lợi hợp pháp trên mọi mặt đời sống". Hóa ra chuyện "thanh lọc" nói trên là quyết định của chính quyền địa phương chứ không phải từ trung ương ? Buộc phải nhắc lại, sau 12 ngày chiếm đóng làng Ba Chúc (từ 18 đến 30/4/1978), Khmer Đỏ đã tàn sát 3.157 dân thường. Mãi tới lúc ấy, Hà Nội mới đi đến kết luận, vụ Ba Chúc cũng như các vụ thảm sát dọc biên giới trước đó, không phải chỉ là quyết định của chính quyền cấp địa phương.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng ao ước ta có độc lập thực sự để tiếng nói được láng giềng và quốc tế nể trọng. Đúng vậy, nếu có đường lối dân tộc và dân chủ thì không chỉ các nước phên dậu, mà ngay cả các cường quốc khác cũng không dễ bắt nạt ta như hiện nay. Singapore, Đài Loan, Israel… là những bài học nhỡn tiền. Đảng cộng sản Việt Nam đào tạo được mấy người, từ Tổng bí thư kiêm Thủ tướng Pen Sovann cho đến Tổng bí thư Pol Pot, từ đương kim Thủ tướng Hun Sen rồi cho đến không biết còn những ai nữa… tất cả họ đều "qua cầu rút ván" là tại làm sao ? Chính sách của ta hay những người chúng ta lựa chọn có vấn đề ? "Hoạ phúc phải đâu một buổi". Cầu chúc Đảng cộng sản Việt Nam giải quyết rốt ráo vụ "thanh lọc" hiện nay. Từ những người được Đảng coi là "khúc ruột ngàn dặm", nhìn về sông Tonle Sap, chúng tôi thực sự đau xót cho "khúc ruột thừa" của Đảng. Những kẻ tha phương cầu thực chúng tôi chỉ khác nhau ở một điểm : chúng tôi gửi hàng chục tỷ USD về nuôi Đảng mỗi năm ; còn họ, đồng bào của chúng tôi, không những bị Hun Sen xua đuổi, mà trong thâm tâm, chắc Đảng cũng không muốn nhận trở lại quê hương, đúng không ?

Đau thương lắm thay, Đảng ơi !

Tony Phạm

Nguồn : RFA, 09/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tony Phạm
Read 508 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)