Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/07/2021

Ngay cả các tổ chức nhân quyền Campuchia cũng phớt lờ người gốc Việt

David Hutt

Việt Nam vẫn luôn được xem là con ngáo ộp đối với chủ nghĩa dân tộc Campuchia.

Các tổ chức nhân quyền nổi bật của Campuchia đã phớt lờ sự phân biệt đối xử và xâm phạm nhân quyền đối với cộng đồng người gốc Việt ở nước này, do lo sợ phản ứng dữ dội từ những người theo chủ nghĩa dân tộc và người ủng hộ đảng đối lập hiện đã giải thể, theo các nguồn tin của The Diplomat.

campu1

Một nhà thờ Công giáo ở Chong Kneas, trong khu vực hồ Tonle Sap, tỉnh Siem Reap, Campuchia, nơi đông đảo người gốc Việt sinh sống. Ảnh : Al Jazeera.

Đơn cử, từ đầu tháng Sáu, chính quyền Campuchia đã trục xuất hàng trăm người gốc Việt ra khỏi những ngôi nhà nổi của họ bên bờ sông Tonle Sap, có vẻ như là một phần của chiến dịch "dọn sạch" thủ đô trước khi Campuchia đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN vào năm sau và đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEAGames) vào năm 2023.

Tuy nhiên, vấn đề này chỉ nhận được sự quan tâm rất hạn chế, chủ yếu thông qua những bình luận trên bản tin của các tổ chức nhân quyền. Theo một bài báo đăng ngày 15 tháng 6 của Voice of America, Seoung Senkarona, người phát ngôn của tổ chức nhân quyền địa phương Adhoc, đã nói đại ý rằng ông "ủng hộ lệnh trục xuất, nhưng chính quyền nên lắng nghe yêu cầu của những người sống trên dòng sông và cho họ đủ thời gian để tái định cư".

Adhoc thường xuyên đưa tin về những người được cho là công dân Việt nam không có giấy tờ tùy thân làm việc tại Campuchia. Họ cũng thường lên tiếng phản đối việc di cư bất hợp pháp, mặc dù không rõ là những người di cư mà họ chỉ trích – thường là người Việt – là những công dân Việt Nam hay những người đã sống ở Campuchia qua nhiều thế hệ. Mới vào tháng trước, Cheap Sotheary, điều phối viên cấp tỉnh của Adhoc, đã kêu gọi chính quyền làm nhiều hơn để ngăn chặn nạn di cư bất hợp pháp. Ông nói : "Ở tỉnh Preah Sihanouk, những người nước ngoài đến, ở lại và kinh doanh bất hợp pháp và họ cũng lấy đi công việc của người Campuchia".

Vấn đề người Việt ở Campuchia rất phức tạp. Trong hơn một thế kỷ, Việt Nam đã trở thành đối tượng thù ghét của những người Campuchia theo chủ nghĩa dân tộc (sẽ giải thích ở phần sau của bài). Theo dữ liệu điều tra dân số chính thức năm 2013, có 63.000 người gốc Việt sinh sống ở Campuchia nhưng số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều. Một tổ chức đã ước tính con số này vào khoảng từ 400.000 đến 700.000. Một số người Việt ở Campuchia hiện nay là người mới di cư đến, nhưng nhiều người khác đã sống ở đây qua hàng thế hệ. Tuy vậy, sự phân biệt đối xử công khai đã dẫn đến việc một số lượng đáng kể trong đó không thể yêu cầu công nhận tư cách công dân hoặc các giấy tờ hợp pháp (con số này khoảng 90% – theo Minority Rights Organisation – Tổ chức Quyền thiểu số, có trụ sở tại Phnom Penh). Điều này có nghĩa rằng họ bị phủ nhận quyền bầu cử, quyền sở hữu đất đai, và thậm chí cả quyền đến trường, tức là về cơ bản, họ là những người không có quốc tịch.

campu2

Trẻ em ở các khu nhà nổi của người Việt thường phải mặc áo phao để tránh bị chết đuối. Ảnh : Al Jazeera.

Theo những nguồn tin tại Campuchia, đa số họ yêu cầu ẩn danh do tính nhạy cảm của chủ đề và nỗi sợ bị công chúng tẩy chay, những tổ chức nhân quyền hàng đầu hiếm khi báo cáo về sự phân biệt đối xử công khai và những hành vi vi phạm nhân quyền đối với những cộng đồng người gốc Việt. Họ khẳng định những tổ chức này hoặc không quan tâm, hoặc cảnh giác khi đưa tin về những vấn đề này, và có lẽ cũng lo sợ sự đe dọa từ đông đảo công chúng nếu họ quá mạnh miệng ủng hộ những cộng đồng người gốc Việt.

campu3

Trụ sở của Trung tâm Nhân quyền Campuchia (CCHR) ở thủ đô Phnom Penh. Ảnh : Pha Lina/ Phnompenh Post.

Một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết : "Thái độ chống người Việt lan rộng tại Campuchia, ngay cả trong số những người tự xưng là người bảo vệ nhân quyền". Ông nói thêm : "Không có gì ngạc nhiên khi họ im lặng trước những sự kiện này".

Thật vậy, những điều này không mới. Năm 2000, Licadho, một trong ba tổ chức nhân quyền nổi tiếng nhất tại Campuchia, đã ngừng một chương trình chuyên giúp đỡ các nhóm dân tộc thiểu số sau khi bị công chúng phản đối. Năm 2014, Ou Virak, người đứng đầu Trung tâm Nhân quyền Campuchia (CCHR) lúc đó, bị dọa giết sau khi ông chỉ trích ngôn từ phân biệt chủng tộc của các chính trị gia đối lập. Tại thời điểm đó, bà Pung Chhiv Kek, chủ tịch của Licadho, đã từ chối bình luận về việc này. Các tổ chức nhân quyền quả thật rất thiếu sự đoàn kết về chủ đề này. Nhưng Tom Fawthrop, một nhà báo, khẳng định Pung Chhiv Kek đã từng nói với anh hồi đầu những năm 2000 rằng "bà ấy thất vọng cay đắng khi mà rất nhiều nhân viên của bà tại Licadho ngầm chống lại việc sử dụng các nguyên tắc nhân quyền để nói về nạn phân biệt đối xử với người gốc Việt tại Campuchia".

Từ việc rà soát sơ bộ những tài liệu lưu trữ của ba tổ chức nhân quyền tại Campuchia, có thể thấy vấn đề phân biệt đối xử chống lại người gốc Việt rất ít được quan tâm, bất chấp thực tế là nhiều vụ trục xuất lớn, hầu hết là bằng vũ lực, đã xảy ra với các cộng đồng người gốc Việt trong những năm gần đây, cũng như vấn đề muôn thuở về tình trạng vô quốc tịch của họ. Trong khi giám đốc của Licadho, Naly Pilorge đã lên tiếng chống lại những cuộc trục xuất người gốc Việt vẫn đang tiếp diễn, tuyên bố cuối cùng với tư cách tổ chức của Licadho là từ tận năm 2015. Tuyên bố này mang tiêu đề : "Campuchia nên tiếp nhận những người Việt Nam xin tị nạn, chứ không nên bắt họ hồi hương". Trung tâm Nhân quyền Campuchia (CCHR) không đưa ra một tuyên bố cụ thể nào về vấn đề phân biệt đối xử chống lại người gốc Việt kể từ những năm 2014, 2015. Tài liệu lưu trữ của Adhoc cũng rất ít ỏi.

campu4

Người Cambodia biểu tình phản đối người Việt trước Đại sứ quán Việt Nam năm 2014. Ảnh Reuters/Samrang Pring

Tim Frewer, người đã nghiên cứu về các cộng đồng người gốc Việt trong nhiều năm, nhận định : "Khi đụng chạm đến các vấn đề nhân quyền liên quan đến người Campuchia gốc Việt, ba tổ chức NGO lớn (Adhoc, Licadho, CCHR) có tiền sử giữ im lặng. Không nghi ngờ về việc họ e ngại làm mất lòng những người ủng hộ, vốn đầy tinh thần dân tộc chủ nghĩa". Ông cho biết thêm : "Những tổ chức nhân quyền tại Campuchia đã ủng hộ những người này mà không nhắc gì đến tư tưởng dân tộc cực đoan của họ, và đã trở nên nổi tiếng trong cộng đồng những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc".

Người Việt Nam được xem là con ngáo ộp của chủ nghĩa dân tộc Campuchia, điều này có gốc rễ lịch sử. Những lý do này bao gồm công cuộc Nam tiến của Việt Nam nhằm mở rộng lãnh thổ về phía đồng bằng sông Cửu Long, vốn đã từng do vương quốc Campuchia kiểm soát ; những nỗ lực xâm lược trong những thế kỷ trước ; và cả suy nghĩ rằng người Việt đã được đối xử ưu ái hơn dưới chế độ Pháp thuộc, khi mà những người có quốc tịch Việt Nam thường được tuyển dụng làm công chức và nhân viên thu thuế ở Campuchia dưới thời thuộc địa.

Sau khi thủ lĩnh quân đội Lon Nol lật đổ chính phủ của Norodom Sihanouk và thành lập Cộng hòa Khmer năm 1970, chính phủ của ông ta đã tổ chức một chiến dịch "thanh lọc" các cộng đồng người Việt. Năm 1975, chính phủ của Lon Nol bị Khmer Đỏ lật đổ, chế độ theo chủ nghĩa Mao cực đoan này cũng đã tiến hành công cuộc diệt chủng chống lại các nhóm thiểu số tại Campuchia, trong đó chủ yếu là người Việt, người Chàm và người Trung Quốc.

Tuy vậy, những quan điểm phân cực về Việt Nam và người Việt Nam ngày nay chủ yếu xoay quanh các sự kiện vào tháng Một năm 1979, khi Việt Nam lật đổ chế độ Khmer Đỏ và "xâm chiếm" Campuchia cùng với những người cộng sản được chính quyền Hà Nội đào tạo và những người từng đào thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ – bao gồm cả Hun Sen, thủ tướng hiện tại. Chính phủ Hun Sen sau đó được Việt Nam hậu thuẫn lập nên để đại diện cho chế độ xã hội chủ nghĩa.

campu5

Quân đội Việt Nam ở Campuchia. Ảnh : Soha.

Ở một bên của cuộc tranh luận, Campuchia đã được cứu rỗi vào năm 1979 khi Khmer Đỏ bị lật đổ, hòa bình đã trở lại vào những năm 1990 khi nội chiến kết thúc, và nền kinh tế của đất nước này đã bắt đầu phát triển. Trong quan điểm này, sự cứu rỗi đó là nhờ vào Đảng Nhân dân Campuchia (CPP – hiện đang nắm quyền) và sự giúp đỡ của Việt Nam trong việc lật đổ chế độ diệt chủng.

campu6

Lãnh đạo đối lập Sam Rainsy và Thủ tướng Hun Sen. Ảnh : Reuters.

Đối với phía bên kia, đứng đầu là những người có trải nghiệm phải sống lưu vong hoặc chiến đấu với chính phủ do Việt Nam hậu thuẫn trong thập niên 1980, "cứu rỗi quốc gia" (national salvation) vẫn là một mục tiêu chưa thành. Họ cho rằng Campuchia cần phải được cứu thoát khỏi những di sản từ năm 1979, thời điểm đã biến Campuchia trở thành sân sau của Việt Nam. Với những người mang quan điểm này, tất cả những gì tồi tệ ở Campuchia hiện nay đều có nguồn gốc từ sự thống trị kéo dài của Việt Nam, với Hun Sen thuần túy là một con rối của chính quyền Hà Nội.

Ngay cả tên của phe đối lập (hiện đã giải thể), Đảng Cứu quốc Campuchia (Kanakpak Songkruos Cheat Kampuchea – Cambodia National Rescue Party/ CNRP) cũng là một tham chiếu trực tiếp đến cuộc đụng độ của những cách diễn giải lịch sử này. Nhóm người Campuchia đào tẩu và đi theo quân đội Việt Nam vào Phnom Penh năm 1979, được gọi là Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu quốc Campuchia (Renakse Samaki Songkruos Cheat Kampuchea –Kampuchean United Front for National Salvation). Thuật ngữ Khmer chỉ "sự cứu rỗi quốc gia" (cứu quốc – national salvation) là songkruos cheat – chính là cụm từ xuất hiện trong tên của CNRP.

Thái độ chống Việt Nam và chống người Việt Nam trở thành cốt lõi trong các chiến dịch của phong trào đối lập kể từ những năm 1990. Những chiến dịch này thường có xu hướng làm mờ đi sự khác biệt giữa chính quyền Việt Nam, công dân Việt Nam và những người gốc Việt đã sinh sống ở Campuchia qua nhiều thế hệ. Sam Rainsy, gương mặt đại diện của phe đối lập kể từ những năm 1990, đã liên tục phủ nhận các cáo buộc sử dụng ngôn từ phân biệt chủng tộc, bao gồm cả việc ông dùng đi dùng lại từ yuon.

CAMBODIA/

Sam Rainsy, Chủ tịch Đảng Cứu quốc Campuchia, phát biểu tại Freedom Park ở Phnompenh ngày 17/12/2013. Ảnh : Reuters.

Năm 2014, ông tuyên bố những cáo buộc về sự phân biệt chủng tộc là một "cuộc tranh cãi mang tính giải trí của nước ngoài", do những người không có hiểu biết về văn hóa Campuchia bày ra. Ví dụ, samlor m’chou yuon trong tiếng Khmer nghĩa là "canh chua Việt Nam", tên gọi món ăn có trong thực đơn của nhiều nhà hàng. Cái tên này được cho là không có gì phản cảm. Tuy nhiên, bối cảnh mới là vấn đề. Trong chiến dịch vận động tranh cử vào năm 2008, Sam Rainsy tuyên bố : "Nếu tôi thắng cuộc bầu cử này, tôi sẽ gửi những người nhập cư yuon về nước". Trong một bài phát biểu năm 2013, ông tuyên bố : "Bọn yuon đã lấy đất của người Khmer để giết người Khmer… Trong những công ty yuon, họ chỉ thuê quản lý yuon, còn người Campuchia thì chỉ làm công nhân".

Trên thực tế, Rainsy đã từng bị giới chức Liên Hợp Quốc kiểm duyệt vào năm 1993, ngay trước cuộc tổng tuyển cử, do sử dụng ngôn từ phân biệt chủng tộc. Lúc đó, ông ta thừa nhận ngôn từ của mình có thể gây ra tư tưởng kỳ thị. Ông nói : "Có thể chữ ‘yuon’ có hơi phản cảm. Nhưng nó là một thói quen và tôi không có nghĩa vụ giáo dục mọi người".

Kem Sokha, đồng sáng lập của CNRP khi tổ chức này hợp nhất với Đảng Nhân quyền của ông năm 2012, cũng từng là sáng lập viên của CCHR – Trung tâm Nhân quyền Campuchia. Trên thực tế, Kem Sokha thường còn mạnh miệng hơn Sam Rainsy trong các phát ngôn thù hằn chống Việt Nam. Năm 2010, một vụ giẫm đạp trên một chiếc cầu ở Phnom Penh trong ngày nghỉ lễ địa phương đã khiến 353 người chết và hàng trăm người khác bị thương. Bốn năm sau, khi phát biểu trước đám đông ở một ngôi chùa, Kem Sokha cáo buộc người Việt Nam đứng đằng sau thảm kịch này. Ông ta nói : "Họ đã tạo ra hiện trường để giết người Khmer tại Koh Pich" (là một hòn đảo nhỏ ở thủ đô Phnom Penh). Ông gọi đây là một âm mưu nhằm "xóa bỏ chủng tộc, truyền thống và văn hóa Khmer".

campu8

Kem Sokha trong một cuộc vận động tranh cử của CNRP năm 2017. Ảnh : CNA.

Sopheap Chak, giám đốc điều hành của CCHR, cho rằng những bình luận của Kem Sokha được đưa ra sau khi ông ta đã rời khỏi tổ chức. Bà nói thêm : "Bất kể những bình luận này được đưa ra vào thời điểm nào, chúng hoàn toàn không phản ánh công việc, sứ mệnh hay giá trị của CCHR". Đại diện của hai tổ chức Adhoc và Licadho đã không trả lời yêu cầu bình luận. Bà Sopheap Chak thì phản hồi lại cáo buộc với tuyên bố : "CCHR đã lên tiếng về sự kỳ thị chủng tộc mà người gốc Việt phải đối mặt tại Campuchia".

Bà chỉ ra rằng, vào tháng Chín năm 2013, CCHR đã ban hành một tuyên bố hoan nghênh cam kết rõ ràng của CNRP về việc chống lại nạn phân biệt chủng tộc, và vào tháng Mười Hai cùng năm đó, họ đã công bố một thông cáo báo chí cảnh báo Sam Rainsy nên thực hiện cam kết này sau khi ông lại tiếp tục sử dụng ngôn từ phân biệt chủng tộc. CCHR cũng đã ký một thông cáo báo chí vào tháng Hai năm 2014 sau vụ một người đàn ông gốc Việt bị đám đông sát hạt tại Phnom Penh.

Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của Human Rights Watch, một tổ chức quốc tế cũng từng bị một số nguồn tin cáo buộc là đã bỏ qua vấn đề này, nói rằng tổ chức của ông "quan tâm một cách nghiêm túc đến sự phân biệt đối xử và ngược đãi mà các cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia phải liên tục chịu đựng… Rõ ràng người gốc Việt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất tại Campuchia, chủ yếu là do họ thiếu tư cách pháp lý và điều này dẫn đến sự phân biệt đối xử mang tính hệ thống".

Ở Campuchia, "dân tộc và lịch sử gắn liền với nhau không thể tách rời", Sophal Ear, phó giáo sư chuyên ngành ngoại giao và các vấn đề quốc tế tại Đại học Occidental, Los Angeles nhận định. "Tất nhiên là nó bị chính trị che phủ ; mọi thứ ở Campuchia đều nằm dưới cái bóng của chính trị, nhưng chúng ta phải thoát ra khỏi cái bóng đó".

Một số người khác có thái độ nghiêm khắc hơn. Một nguồn tin nói : "Đến một thời điểm nào đó, những nhà tài trợ từ nước ngoài sẽ cần phải đặt câu hỏi : Nếu các bạn không bảo vệ quyền của tất cả các nhóm người ở Campuchia, liệu các bạn có đủ tư cách để tự xưng là một tổ chức nhân quyền ? Liệu các bạn có thực sự xứng đáng với các khoản tài trợ ?".

"Đây là câu hỏi đã bị quá nhiều người phớt lờ quá lâu".

David Hutt

Nguyên tác : Do Cambodia’s Human Rights Groups Ignore Ethnic Vietnamese ?, The Diplomat, 06/07/2021

Nguồn : Luật Khoa, 11/07/2021

Tựa và hình đề do Luật Khoa tạp chí đặt và bổ sung.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: David Hutt, Luật Khoa
Read 562 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)