Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/07/2021

Việt - Mỹ và những diễn biến quan hệ mới

Carl Thayer

Hỗ trợ chống Covid, sự ủng hộ của chính quyền Biden đối với phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016 về vấn đề Biển Đông cũng như những ưu tiên của Mỹ trong vấn đề biến đổi khí hậu và dân chủ nhân quyền… là những diễn biến mới có ảnh hưởng tới quan hệ song phương Việt – Mỹ. Nhân kỷ niệm 26 năm ngày bình thường hóa quan hệ giữa hai nước (11/7/1995), RFA đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales – Canberra xung quanh những vấn đề này.

vietmy1

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội trao tặng các thiết bị xét nghiệm Covid-19 cho Bộ Quốc phòng Việt Nam ngày 6/72021 - Ảnh : Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội

Vẫn còn vấn đề về niềm tin

RFA : Thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến việc Mỹ gia tăng hỗ trợ chống covid cho Việt Nam trong đó có việc chuyển hai triệu liều vắc-xin của hãng Moderna và trao thiết bị xét nghiệm trong tuần này. Ông có cho rằng giúp đỡ một người bạn đang gặp khó khăn là một cách thức tốt để gia tăng niềm tin và đưa hai nước ngày một gần hơn với mối quan hệ đối tác chiến lược ?

Carl Thayer : Tôi cho rằng việc Mỹ gia tăng hỗ trợ chống dịch bệnh Covid-19 giúp vun đắp niềm tin giữa hai nước. Tuy nhiên quan hệ đối tác chiến lược lại là một vấn đề riêng biệt.

Sau khi ông Antony Blinken được khẳng định là Ngoại trưởng ở Mỹ, ông đã điện đàm với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và thảo luận của họ đã đề cập tới việc hỗ trợ và hợp tác trong vấn đề chống covid. Trong tháng 7 này, chính quyền Biden đang hỗ trợ nhiều triệu liều vắc-xin cho các nước trên thế giới. Việt Nam là đối tác toàn diện gần gũi và nằm trong danh sách các nước ưu tiên nhận vắc-xin của Mỹ nhưng trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, Campuchia và Lào, Mỹ còn tặng vắc-xin cho Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Cuộc chiến chống covid phải được thực hiện trên toàn cầu để không còn điểm nóng nào và Mỹ đã cung cấp vắc-xin một cách thiện ý và là một phần hoạt động nhân đạo của họ.

Việt Nam đang cố gắng gia tăng và đa dạng hóa nguồn cung vắc-xin, không phải dựa vào Trung Quốc. Việt Nam đã yêu cầu Mỹ hỗ trợ và bây giờ nhận được hỗ trợ, vì vậy, điều này giúp tăng cường niềm tin giữa hai nước.

Quan hệ đối tác chiến lược, tôi nghĩ là một vấn đề riêng biệt. Cả hai vị Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Mỹ gần đây đều nói rằng mối quan hệ giữa hai nước về bản chất đã mang tính chiến lược và việc nó được gọi như thế nào không tạo ra sự khác biệt. Và quan hệ đối tác chiến lược này có nhiều lĩnh vực hợp tác bao gồm cả y tế.

vietmy2

Hai triệu liều vắc-xin Moderna Mỹ trao tặng thông qua chương trình Covax đã đến Việt Nam vào ngày 9/7/2021. Ảnh : Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội

RFA : Một số ý kiến cho rằng tuy đã đạt được một bước tiến dài nhưng niềm tin giữa hai nước đôi khi vẫn là một thách thức vì Đảng Cộng Sản Việt Nam (Đảng cộng sản Việt Nam) cho rằng Mỹ vẫn thực hiện các hoạt động diễn biến hòa bình nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Đảng này. Vậy ông nghĩ gì về vấn đề niềm tin giữa hai nước hiện nay ?

Carl Thayer : Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam và một bài báo gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết về vấn đề đi theo con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chỉ ra bốn nguy cơ Việt Nam phải đối mặt, trong đó nguy cơ thứ tư là diễn biến hòa bình [thường can thiệp vào vấn đề nội bộ của Việt Nam thông qua các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo… - PV].

Việt Nam không phải là một khối ý kiến thuần nhất. Trong giới tinh hoa, có những nhóm muốn hiện đại hóa và có quan hệ thân thiết hơn với Mỹ (nhưng không phải là đồng minh). Những người khác thì theo chủ nghĩa dân tộc, tự chủ và họ phản đối bất kỳ sự chỉ trích nào đối với Việt Nam về nhân quyền và dân chủ.

Và cũng có một nhóm khác rất hài lòng với việc là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam và đang nắm quyền bởi họ được hưởng lợi từ hệ thống. Họ nói bất cứ điều gì như mở cửa và cải cách đang làm mất ổn định hệ thống và lập luận rằng Trung Quốc là đối trọng vì Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam như cách Hoa Kỳ làm.

Một nghiên cứu lớn sắp được công bố bởi một học giả thông thạo tiếng Việt mà tôi vừa có dịp đọc nhưng chưa thể nêu tên, chỉ ra rằng trong quan hệ Việt-Mỹ, cứ mỗi khi vấn đề nhân quyền xuất hiện, nó lại làm gián đoạn nhiều sáng kiến ​​mà các nhà lãnh đạo cao nht ca c hai nước mun theo đui và làm cho mi quan h tht lùi tr li.

Hiện tại, chính quyền Mỹ chưa tập trung vào vấn đề dân chủ nhân quyền vì họ còn đang bận rộn với nhiều vấn đề khác. Nhưng Đạo luật Sáng kiến ​​Tái đảm bo Châu Á (Asia Reassurance Initiative Act - ARIA) - mt tài liu định hướng v chính sách Châu Á mi ca M - đã đề cp đích danh đến Vit Nam trong phn nói v nhân quyn. Đáng lưu ý là đạo lut này có th kêu gi trng phạt nếu có các vi phạm.

Thông thường, trước thời kỳ covid, mỗi khi có chuyến thăm cấp cao của một lãnh đạo Việt Nam đến Mỹ, cộng đồng người Mỹ gốc Việt, những người ủng hộ dân chủ và nhân quyền thường ở Mỹ đều gia tăng biểu tình và chỉ trích và điều này thường làm ảnh hướng tới thành công của các chuyến thăm tới Washington.

Trong thời kỳ covid, tất cả các cuộc họp bàn giữa hai nước đều được tổ chức trực tuyến vì thế đã không thể bị gián đoạn. Tuy nhiên, chúng ta vừa thấy một hai bình luận ngắn của Mỹ về các bloggers bị bắt ở Việt Nam và đây là dấu hiệu cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ đang theo dõi vấn đề này. Và vì thế, một lúc nào đó trong thời gian tới khi vấn đề dân chủ nhân quyền nổi lên và trở thành một sự khó chịu trong quan hệ hai nước thì vấn vấn đề "diễn biến hòa bình" cũng xuất hiện trở lại trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam.

vietmy3

Nhiều người Mỹ gốc Việt biểu tình phản đối chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại thủ đô Washington vào ngày 31/5/2017. Ảnh : Saigontimesusa.com

Những mong muốn khác nhau trong vấn đề đối tác chiến lược

RFA : Những khác biệt trong vấn đề dân chủ, nhân quyền đã tồn tại nhiều năm nay trong quan hệ Việt- Mỹ. Nhìn tổng thể, ông có lạc quan về mối quan hệ song phương và triển vọng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước ?

Carl Thayer : Tôi lạc quan nhưng thận trọng khi dự đoán về việc vấn đề quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ. Cả hai nước đã có mong muốn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược từ thời ngoại trưởng Hillary Clinton nhưng họ có những quan niệm khác nhau về vấn đề này.

Mỹ thiên về khía cạnh an ninh quân sự - một điều vô cùng nhạy cảm với Việt Nam. Về phần mình, Việt Nam mong muốn phát triển các lĩnh vực hợp tác như giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế… chứ không phải những vấn đề khó như dân chủ, nhân quyền.

Một bài nghiên cứu gần đây của các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) cho rằng ưu tiên hàng đầu của người Mỹ là có được một quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Tôi có xu hướng phê phán quan điểm này vì thứ nhất, trong tình huống đang đàm phán, không nên để lộ bài. Thứ hai, như tôi đã chỉ ra, có sự đồng sàng dị mộng giữa hai nước. Một số người ủng hộ quan điểm này luôn nói vấn đề an ninh quân sự, trong đó yếu tố chống Trung Quốc. Và đó không phải là cách có được Việt Nam vì Việt Nam muốn độc lập và tự chủ trước những áp lực đó.

Tôi thấy hai bên đang hợp tác thiết thực, không có vấn đề hận thù hay ý thức hệ. Mỹ có lợi ích khi Việt Nam trở thành một tác nhân tích cực mạnh mẽ về kinh tế cũng như đóng góp vào sự ổn định của khu vực. Hai quốc gia không cần phải là đồng minh theo nghĩa chính thức nhưng Mỹ có thể tin tưởng Việt Nam hành động độc lập và mang tính xây dựng và như vậy là đủ tốt.

Việt Nam đã có 17 quan hệ đối tác chiến lược và Việt Nam sử dụng chúng để duy trì sự độc lập của mình và các quốc gia đối tác của Việt Nam được hưởng lợi từ vai trò độc lập của nước này. Tóm lại, tôi cho rằng nỗ lực có được quan hệ đối tác chiến lược nhằm có được Việt Nam và chống lại Trung Quốc là khó có kết quả và vấn đề quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước cần được đàm phán dần dần và cẩn trọng.

vietmy4

Chuyến thăm Đà Nẵng của tàu hải quân Mỹ USS Curtis Wilbur ngày 28/7/2004. Ảnh : AFP

Mỹ ủng hộ - Việt Nam có nên kiện Trung Quốc lúc này ?

RFA : Cũng vào đầu tháng 7 này, trong cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 về vấn đề Biển Đông. Ông nghĩ gì về động thái này ?

Carl Thayer : Việt Nam và Mỹ đều cho rằng yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử mà Tòa trọng tài phán quyết là không có chỗ đứng trong luật pháp quốc tế. Nước Mỹ dưới thời Trump và tôi tin rằng cả dưới thời chính quyền Biden đều đã đưa ra đề nghị hỗ trợ chống lại sự uy hiếp và bắt nạt của Trung Quốc.

Qua động thái này, Mỹ nói với Việt Nam rằng Mỹ đồng thuận với công hàm của Việt Nam gửi tới Ủy ban Ranh giới về Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc năm 2020 đồng thời quan điểm pháp lý của Việt Nam và phán quyết của tòa cần được giữ vững.

Về phần mình, tôi nghĩ điều Việt Nam muốn thấy từ Chính quyền Biden là sự tái khẳng định điều mà cựu Ngoại trưởng Pompeo đã chỉ ra [vào tháng 7 năm 2020- PV] đó là Bãi Tư Chính là của Việt Nam và Trung Quốc không có quyền khai thác dầu ở đó.

RFA : Theo ông, với sự ủng hộ này của Mỹ, Việt Nam có nên hành động dứt khoát hơn để giải quyết tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông, ví dụ tiến hành khởi kiện Trung Quốc chẳng hạn ?

Carl Thayer : Về các vấn đề chủ quyền, không thể buộc một bên tranh chấp ra trọng tài quốc tế trừ khi có sự đồng ý của bên đó. Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) không giải quyết các tranh chấp chủ quyền. Vì vậy Việt Nam không thể đơn phương đưa vấn đề quyền sở hữu quần đảo Hoàng Sa ra tòa trọng tài theo UNCLOS mà cần phải được Trung Quốc đồng ý cũng như đồng ý chấp nhận kết quả và điều này là không thể có.

Cách mà Philippines làm là hỏi tòa trọng tài đâu là những quyền lợi của chúng tôi. Để làm điều này, trong trường hợp Việt Nam, Việt Nam nói rằng chúng tôi có một bờ biển dài và chúng tôi được hưởng quyền trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý và không có gì có thể chồng lấn với vùng đặc quyền đó. Vậy chúng tôi có quyền tìm kiếm dầu ở Bãi Tư Chính mà không bị gây hấn và bắt nạt ? Tòa có thể phán quyết về vấn đề này nhưng lại thiếu khả năng thực thi pháp luật.

vietmy5

Phiên điều trần tháng 7/2015 tại Cung điện Hòa bình, thành phố La Hay - Vụ Philippines kiện Trung Quốc Biển Đông. Ảnh : Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).

Đáng chú ý nếu Việt Nam đưa vụ việc này ra tòa sẽ nhận được các câu hỏi : Các bạn và Trung Quốc đã đàm phán để giải quyết tranh chấp này chưa ? Và làm thế nào để chứng minh hai bên đã đàm phán mọi lý lẽ và rơi vào bế tắc ?

Hiện tại khó có thể chứng minh được điều này vì có ba nhóm làm việc liên quan tới các vấn đề về biển giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang diễn ra. Một nhóm về vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Một nhóm khác tham vấn về cùng hợp tác phát triển trên biển và nhóm thứ ba hợp tác trong các lĩnh vực kém nhạy cảm hơn, có liên quan về biển. Và nhóm làm việc thứ nhất đã có 15 cuộc họp, nhóm thứ hai có 12 cuộc và nhóm thứ ba có 13 cuộc họp và đều có họp trong năm nay.

Bên cạnh đó, Hiến chương Liên Hợp Quốc đưa ra một danh sách các hoạt động hòa giải, trọng tài và nói rằng các quốc gia hãy tiến hành các hoạt động này một cách hòa bình.

Cuối cùng, để tiến hành vụ kiện, Việt Nam sẽ phải tìm một vụ việc quan trọng khiến cuộc tranh chấp này trở nên nguy hiểm. Gần đây, hai nước chỉ có xung đột vào năm 2019. Cân nhắc các vấn đề nêu trên, tôi cho rằng nếu đi theo hướng của Philippines vào thời điểm này sẽ làm xấu đi mối quan hệ Việt Nam với Trung Quốc. Thêm vào đó, cũng cần nói thêm rằng, Mỹ chỉ có thể hỗ trợ về mặt chính trị bởi vì Mỹ không phải là một quốc gia phê chuẩn Công ước UNCLOS. Trước kia khi Philippines tiến hành vụ kiện của mình, Mỹ đã yêu cầu được tham gia với tư cách quan sát viên nhưng bị từ chối vì nước này không phải thành viên UNCLOS. Vì vậy Mỹ chỉ có thể hỗ trợ về chính trị, ngoại giao nhưng không thể hỗ trợ về mặt pháp lý.

Biến đổi khí hậu - lĩnh vực hợp tác nhiều triển vọng

RFA : Biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Biden và gần đây Mỹ đã có khá nhiều hành động và quyết sách mới. Trong khi đó, Việt Nam lại là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Ông có cho rằng hợp tác của Mỹ với Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ gia tăng trong thời gian tới ?

vietmy6

Ông John Kerry, Đặc phái viên Biến đổi khí hậu của Chính phủ Mỹ, thăm Đồng bằng Sông Cửu Long ngày 14/1/2017 khi ông còn là Ngoại trưởng Mỹ. Ảnh : AFP

Carl Thayer : Câu trả lời của tôi là chắc chắn. Tổng thống Biden đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng John Kerry làm Đặc phái viên về Biến đổi khí hậu và ông Kerry cũng đã có các liên lạc với các đồng nghiệp ở Việt Nam. Tôi nghĩ Việt Nam có thể trông đợi sự gia tăng quan tâm và hợp tác từ phía Mỹ trong lĩnh vực này vì Việt Nam là một trong năm quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và ông Kerry lại là một cựu chiến binh Việt Nam - một người rất hiểu Việt Nam. Thêm nữa, trong nội bộ Đảng Dân chủ trong chính quyền Biden, Việt Nam được xem là một quốc gia đóng góp tích cực quan trọng cho an ninh khu vực, vì vậy Mỹ có lợi ích khi giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như chia sẻ các dữ liệu khoa học …

Cũng phải nói rằng, biến đổi khí hậu là vấn đề được nêu ra tại Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 và là vấn đề Việt Nam đang tìm kiếm những đột phá nhằm giúp đạt được mục tiêu của các kế hoạch phát triển trong 5 năm tới cũng như các kế hoạch tới năm 2030 và 2045, vì vậy mối quan tâm của hai quốc gia có sự tương đồng và trùng khớp ở đây. Nhìn ở khía cạnh toàn cầu, biến đổi khí hậu là ưu tiên tiếp theo sau vấn đề covid và vấn đề này sẽ ngày càng trở nên quan trọng.

RFA : Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư !

Nguồn : RFA, 11/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Carl Thayer
Read 610 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)