Trung Quốc sụp đổ khi nào ?
Năm 2018, nhà ngoại giao kỳ cựu người Singapore, ông Kishore Mahbubani, viết một quyển sách nhỏ, phân tích tương quan giữa phương Tây và các quốc gia Châu Á hiện nay. Quyển sách mang tựa đề là "Có phải phương Tây đang thua hay không ?" (Has the West lost it ?).
Tác giả cho rằng giới học giả phương Tây hiện nay nhìn Châu Á, mà nhất là Trung Quốc bằng những cái nhìn phiến diện, theo những tiêu chuẩn kiểu dân chủ phương Tây, không nhìn thấy một hình thái kinh tế xã hội mới tại phương Đông, mặc dù các nền kinh tế ở đây, nói chung cũng dựa trên thị trường, bắt chước phương Tây.
Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp Phó Tổng thống Joe Biden tại Bắc Kinh ngày 18/08/2011 - Ảnh minh họa
Một trong những điểm chính mà Mahbubani dùng cho lý lẽ của mình là nhận định rằng các chính phủ Châu Á hiện nay hoạt động tốt, mặt dù không có một nền dân chủ như phương Tây. Theo cách nhìn của người phương Tây thì nếu không có nền dân chủ giống như của họ thì các chính quyền ấy sẽ bị vỡ vụn (dysfunctional).
Đối với Trung Quốc, Mahbubani so sánh hai thời kỳ, thời Mao Trạch Đông, ông cho là chú tâm đến chính trị, còn những lãnh đạo như Tập Cận Bình hiện nay là những nhà quản trị quốc gia, và họ đang quản trị tốt.
Không rõ có phải ông Mahbubani, một người Singapore gốc Ấn Độ, là người đầu tiên đưa ra luận điểm cho rằng có một cái gì đó mới đang xuất hiện ở Đông Á hay không, nhưng từ khi Trung Quốc bắt đầu bắt tay với Mỹ từ chiến tranh lạnh đến nay, đã có hai quan điểm ngược hẳn nhau. Đầu tiên phương Tây cho rằng cải cách về kinh tế sẽ dẫn đến cải cách về chính trị, Trung Quốc sẽ tiến tới giống phương Tây. Điều đó không xảy ra. Và hiện nay lại có quan niệm bài Trung ở phương Tây, cho rằng cần bao vậy Bắc Kinh, thậm chí thay đổi chế độ. Quách Văn Quý, một kẻ đào tẩu từ Hoa Lục thậm chí đã lập một chính phủ lưu vong được sự ủng hộ của Steve Bannon, người từng là chiến lược gia của Donald Trump.
Đã có nhiều nhà quan sát phương Tây, dựa trên những tiêu chuẩn dân chủ và thị trường phương Tây, cho rằng Trung Quốc sẽ sụp đổ, chẳng hạn như Gordon Chang. Nhưng đã mấy chục năm trôi qua từ khi ông Chang tuyên bố như vậy.
Nhà quan sát thận trọng hơn là Bùi Mẫn Hân, trong một bài viết gần đây đã không còn kềm chế nữa mà nói xa nói gần rằng lễ sinh nhật 100 năm của Đảng cộng sản Trung Quốc có thể là sự kiện trọng thể cuối cùng.
Nhưng đã bắt đầu xuất hiện những ý kiến ngược lại, chẳng hạn như b ài mới đây của hai cây bút Evan S. Medeiros và Ashley J. Tellis trên tờ Foreign Affairs cho rằng đừng hòng tìm cách thay đổi chế độ chính trị ở Trung Quốc, làm như vậy chỉ thúc đẩy người Trung Quốc ủng hộ Đảng cộng sản mạnh hơn.
Và Kishore Mahbubani như đã nói ở trên.
Đáng chú ý là trong gần 100 trang sách, Mahbubani nhắc đến từ cộng sản có vài lần, và tất cả những lần đó đều là một cách định danh, chứ không hề nói đến bản chất ý thức hệ cộng sản. Đối với Mahbubani dường như chế độ cộng sản không tồn tại tại Trung Quốc, và cả Việt Nam, mà tác giả có một đôi lần nhắc đến.
Đặc biệt, trong một lần nhắc đến cộng sản, Mahbubani nói đến sự khác biệt giữa Liên Xô và Trung Quốc ngày nay, một khác biệt tưởng nhỏ nhưng vô cùng quan trọng, đó là Liên Xô không bao giờ cho công dân mình du lịch nước ngoài.
Du khách Trung Quốc thì đi khắp thế giới, thậm chí họ là nguồn sống của ngành du lịch Châu Âu và Nhật Bản.
Trung Quốc đã và đang là một phần của thế giới "tư bản". Nó quá lớn để có thể tan rã, và liệu có quốc gia phương Tây nào có can đảm nhìn Trung Quốc sụp đổ và tan rã ?
Việt Nam sụp đổ khi nào ?
Việt Nam là một nước Trung Hoa thu nhỏ về nhiều mặt.
Nếu như sự phát triển của Hoa Lục làm hài lòng hàng trăm triệu người Hoa, thì sự phát triển của Việt Nam cũng làm hài lòng hàng chục triệu người Việt. Sự kết hợp giữa thị trường và nền chuyên chế toàn trị, dựa trên một lịch sử khổng nho là tương đồng giữa hai bên, cùng làm nên hiện tượng mới ở Đông Á.
Mức độ đàn áp xã hội ở Việt Nam có thể ít hơn vì Việt Nam không có những vấn đề như Tân Cương hay Tây Tạng.
Nhưng rủi ro đổ vỡ của Việt Nam lớn hơn Trung Quốc nhiều, vì Việt Nam không phải là một cường quốc công nghiệp chế tạo như Trung Quốc, chiếm phần vô cùng quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Việt Nam không quá quan trọng để mà không sụp đổ.
Đại dịch Covid-19 cho thấy rõ sự khác biệt. Trong thời gian ngắn Trung Quốc đã sản xuất được vaccine, dù không được tin tưởng như vaccine phương Tây nhưng đủ để tiêm chủng cho hàng tỷ người Trung Quốc chống dịch vào lúc này, và thậm chí vaccine trở thành vũ khí ngoại giao của Bắc Kinh. Việt Nam bị rối loạn vì đại dịch, sau một số thành công ban đầu do đề cao cảnh giác và áp dụng hệ thống toàn trị xã hội có sẵn. Dịch Covid-19 cho thấy mức độ phát triển tri thức và tổ chức xã hội của Việt Nam rất mong manh trước tương lai bất định của thiên nhiên và xã hội loài người nói chung.
30 năm "đổi mới" giúp cho thu nhập của người Việt Nam gia tăng, nhưng dựa trên những công việc giản đơn. Sức nặng dân số 100 triệu người cần một tiềm lực khoa học và khả năng tổ chức tinh tế hơn. Hệ thống giáo dục bị thương mại hóa trên nền tảng ý thức hệ, cứ lỳ lợm không chịu tiến, mà tạo nên một gánh nặng khổng lồ.
Hệ thống tổ chức toàn trị trừ trên xuống loại trừ những thành phần ưu tú của dân chúng, dựng nên một lớp cán bộ không có khả năng đối diện với khủng hoảng.
Người ta có thể nói rằng tất cả những khiếm khuyết mang tính hệ thống đó cũng có cả ở Trung Quốc, nhưng như trên đã nói, Việt Nam không có cái lợi thế quá lớn để có thể sụp đổ như Trung Quốc.
Đứng trước cuộc khủng hoảng đang diễn ra, các nhà lãnh đạo Việt Nam đối phó bằng nghị quyết và khẩu hiệu. Điều may mắn là thế giới đã có thuốc chủng ngừa, các biện pháp giới nghiêm có thể trì hoãn sự lây lan của virus và chờ chích ngừa. Hy vọng không xảy ra thảm cảnh chết không kịp chôn như ở Ấn Độ, hay là cảnh bệnh viện Chợ Rẫy không còn bình dưỡng khí !
Việt Nam đừng mơ mô hình Trung Quốc.
Kishore Mahbubani viết Has the West lost it trước đại dịch Covid-19, trước cuộc trấn áp tầng lớp "tư sản" Trung Quốc gần đây. Lúc đấy ông chưa biết đến cơn hoảng loạn như mê sảng của các cán bộ Đảng cộng sản Việt Nam khi đối đầu với con virus nhỏ xíu .
Nguyễn Khoa
Nguồn : Viet-studies, 10/07/2021