Tiêm dịch vụ
Phát biểu tại Quốc hội sáng 26 tháng 7, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị mở thêm loại hình tiêm dịch vụ để người dân được tiếp cận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Một số người dân ủng hộ ý kiến này với điều kiện Bộ Y tế quản lý giá tiêm và trả lại tiền dân ủng hộ Quỹ vaccine ; Đối với vắc xin các nước hỗ trợ cần minh bạch và tiêm miễn phí cho dân, ưu tiên người già, thu nhập thấp ; Tiêm dịch vụ sẽ thúc đẩy nhanh tốc độ phủ vắc-xin trên cả nước…
Một lọ vắc xin Sputnik V - Reuters
Một số người dân khác lại cho rằng, với tình hình đại dịch đang bùng phát ở Việt Nam như hiện nay thì tiêm dịch vụ không phải là giải pháp tốt, bởi người nghèo sẽ bị đẩy ra ngoài, không được bảo vệ.
Ông Quang từ miền Trung nêu quan điểm của mình :
"Ai cũng muốn mình có sức khỏe. Với dịch bệnh hiện nay thì ai cũng muốn mình an toàn. Vấn đề sức khỏe phải được bình đẳng trong xã hội. Không phải người giàu mới cần sức khỏe còn người nghèo thì không cần thiết. Nhận thức như thế là không đúng. Từ chỗ nhận thức như vậy nên họ đặt ra việc tiêm dịch vụ.
Tôi đặt vấn đề là Chính phủ huy động sức dân bằng cách huy động các doanh nghiệp và người dân đóng góp vào quỹ vắc-xin. Người dân nhắn tin, mỗi tin nhắn là 1.000 đồng. Nếu tiêm dịch vụ thì người dân phải bỏ tiền ra tiêm. Vậy Chính phủ huy động tiền toàn dân để làm gì ?
Nếu tiêm dịch vụ thì chỉ người giàu mới có tiền tiêm. Người nghèo sẽ bị bỏ xa bên lề. Nó trái ngược với tuyên truyền của Chính phủ là ‘không để ai bị bỏ lại phía sau".
Cô Hạnh, nhân viên Công ty bảo hiểm Prudential ở Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ :
"Nếu tiêm dịch vụ thì người dân nghèo làm sao có tiền chích ? Tiền ăn hàng ngày còn không có. Bây giờ chỉ biết chờ Nhà nước mà Nhà nước cứ ‘ầu ơ ví dầu’ chắc dân chết sớm. Không thấy chích ngừa đâu mà chỉ thấy Nhà nước nhắn tin kêu gọi ủng hộ tiền mua vắc-xin, bao nhiêu tùy lòng hảo tâm. Nếu Nhà nước đưa ra phương án chích dịch vụ thì người nghèo sẽ không có tiền chích và dịch bệnh lây lan tùm lum. Ai nghèo thì chết trước theo kiểu mạnh được yếu thua".
Cô cho biết, mẹ cô gần 90 tuổi vẫn chưa được chích ngừa Covid-19.
Hồi tháng 3 năm 2020, tại kỳ họp Quốc hội khóa 14, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh : Trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21 sẽ có mặt đủ mọi thành phần, từ công nông đến trí thức, doanh nhân, người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được thụ hưởng thành quả của đổi mới và phát triển theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII đã nêu và vun đắp thêm bản chất dân chủ tốt đẹp của xã hội ta.
Xã hội hóa y tế
Hồi tháng 4, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh ở Việt Nam, Bộ Y tế đã đề nghị không mua tiếp vắc-xin từ nguồn ngân sách, mà từ nguồn Công ty VNVC đề nghị chuyển sang cơ chế xã hội hóa, hoặc VNVC có thể bán vaccine cho các nơi đã có kinh phí tiêm chủng cho toàn dân.
Xã hội hóa y tế được hiểu là một quá trình vận động nhân dân tự giác, chủ động tham gia vào các lĩnh vực hoạt động y tế, phối hợp với các nguồn lực của Nhà nước, nhằm đạt được các mục tiêu của các chương trình phát triển y tế. Bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho mỗi người và cả cộng đồng không phải chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, cán Bộ Y tế mà là nhiệm vụ của chính mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng và của toàn xã hội. Điều đó có nghĩa là mọi người, mọi cộng đồng, mọi ban ngành, đoàn thể đều cần nhận thức và có trách nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe.
Như vậy, xã hội hóa y tế nhằm để trách nhiệm chăm sóc sức khỏe không chỉ rơi vào ngành y tế mà là của toàn xã hội.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, người từng viết tâm thư gửi ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - góp ý về cách chống dịch hiện nay, nêu quan điểm của ông với RFA về việc cho tư nhân tham gia phân phối và chích vắc-xin cho dân :
"Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12, cách đây năm năm đã chấp nhận kinh tế thị trường. Như vậy thì Nhà nước không độc quyền nữa nhưng xã hội hóa không phải là đẩy 100% trách nhiệm y tế ra cho tư nhân. Vẫn có sự kết hợp. Vắc-xin của Nhà nước vẫn nhập qua kênh Covax. Còn tư nhân thì có thể hỗ trợ. Đáng nhẽ phải đợi vắc-xin từ trên trung ương rót về thì chính quyền địa phương cũng làm được. Cả hai bên phối hợp.
Theo quan điểm của tôi, hiện nay ở Việt Nam cũng có một số tập đoàn xin phép Chính phủ mua vắc-xin bằng tiền của tư nhân nhưng về vẫn phân phối theo nguồn Chính phủ, theo quỹ của Chính phủ. Ưu điểm của nó là an toàn nhưng nhược điểm của nó là chậm".
Theo Bác sĩ Thắng, nên cho doanh nghiệp tư nhân được quyền mua, phân phối vaccine nhưng vẫn có sự quản lý từ Nhà nước. Nếu cứ đợi trung ương phân phối vaccine về như hiện nay thì vừa lâu, vừa như muối bỏ biển. Nếu cho tiêm dịch vụ mà Nhà nước có những ưu đãi cho doanh nghiệp thì người nghèo cũng có cơ hội tiếp cận vaccine.
Trong Luật Phòng chống truyền nhiễm, tiêm chủng phòng chống dịch của Việt Nam có nhấn mạnh, tiêm chủng là bắt buộc và được miễn phí. Việc huy động nguồn lực từ xã hội để mua vaccine bị cho là có mâu thuẫn với luật và chính sách của Nhà nước về tiêm chủng.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, trả lời truyền thông Nhà nước rằng : "Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 đã được Chính phủ đưa ra nên tôi cho rằng, huy động nguồn lực từ xã hội để mua vaccine không mâu thuẫn với chính sách về tiêm phòng vắc-xin. Việc này chỉ làm cho chúng ta đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất, nhanh nhất".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 26/07/2021