Tình trạng khẩn cấp
Huy Đức, 28/07/2021
Nghị quyết này của Quốc hội mang "nội hàm" của một tuyên bố đặt quốc gia trong "tình trạng khẩn cấp".
Những gì giao cho Thủ tướng không phải QUYỀN mà là TRÁCH NHIỆM. Các di sản chống dịch dường như đã đều phá sản. Dịch như ở Sài Gòn không còn có thể chống bằng "truy vết, phong tỏa" nữa.
Nhưng, đây không phải là một nước cờ được thua chính trị, đây là tính mạng nhân dân...
Đây là thời điểm cần những quyết định đòi hỏi trung ương tập quyền. Tập quyền ở những quyết sách cùng lúc tác động trên cả nước. Chống dịch cần sự linh hoạt, sáng tạo ở cơ sở nhưng không phải là cơ hội để các nhà lãnh đạo địa phương sợ trách nhiệm đưa ra các quyết định phá vỡ tính thống nhất quốc gia.
Dịch đã ở mức không còn là cơ hội cho Chính phủ trình diễn mà đặt Chính phủ trước đòi hỏi phải đối đầu.
Đòi hỏi "kiểm soát dịch" với những trường hợp như Sài Gòn chỉ đặt Chính quyền vào khả năng cao là "mất kiểm soát".
Nên làm hết sức mình trong khả năng có thể. Nên nỗ lực giảm tỉ lệ thương vong ở những nơi gần như "vỡ trận". Không được khai thác sức chiến đấu của hệ thống y tế quốc gia tới mức có thể gây sụp đổ. Tập trung Vaccine cho "vùng đệm".
Sau khi tham vấn các nhà chuyên môn của Bộ Y tê và WHO, Thủ tướng nên sử dụng quyền "quyết định các biện pháp đặc biệt" cho sử dụng Nanocovax ở những vùng mà dịch bệnh có nguy cơ lây lan trong thời gian tới. Sài Gòn, ở các "vùng đỏ", tiêm vaccine bây giờ, dù là Pfizer, cũng là chỉ đuổi theo Covid.
Covid-19 của năm 2021 ở Việt Nam đã diễn tiến ở mức mà cách đây 3, 4 tháng chưa ai có thể hình dung. Nhận ủy quyền trong thời điểm này chắc chắn không phải là để nhận "huân chương". Chỉ có một nhà lãnh đạo bỏ qua mọi tham vọng chính trị, vì tính mạng người dân, vì một Việt Nam đứng vững, mới có thể đưa ra từng quyết định mà nhân dân chờ đợi.
Huy Đức
Nguồn : fb.osinhuyduc, 28/07/2021
*************************
Thủ tướng được quyết định biện pháp đặc biệt để chống dịch
Hoàng Thùy, VnExpress, 28/07/2021
Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh : Giang Huy
Chiều 28/7, 469 đại biểu tham gia biểu quyết đều đồng tình thông qua nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong chống dịch, như : Áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết.
Chính phủ, Thủ tướng cũng được tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch ; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.
Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19, về : Áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất.
Việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh cũng được trao quyền cho Chính phủ, Thủ tướng, song phải giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.
Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết kỳ họp Quốc hội. Ảnh : Hoàng Phong
Các đại biểu quyết định chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế, để mua vaccine phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021.
Chính phủ, Thủ tướng ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho phòng, chống dịch Covid-19.
Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương để chống dịch. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định trước khi thực hiện.
Trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật, trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.
Quốc hội yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch ; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động ; nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chính phủ, Thủ tướng thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19 ; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển "Quỹ vaccine" ; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng và phòng, chống dịch, sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Các biện pháp đặc biệt nêu trên được thực hiện đến hết ngày 31/12/2022, và Chính phủ, Thủ tướng phải báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp này tại kỳ họp gần nhất.
Trong quá trình thực hiện, Chính phủ, Thủ tướng được sử dụng nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn và hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền để quy định, tổ chức triển khai các biện pháp cấp bách
Căn cứ tình hình thực tế và nếu thấy cần thiết, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp này tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022).
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói nghị quyết chung của kỳ họp với những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng và các địa phương, kịp thời đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch ; kể cả khi tình huống dịch bệnh phức tạp hơn có thể phát sinh trong thời gian tới.
Tại kỳ họp, Quốc hội xem xét, thông qua và ban hành 29 Nghị quyết, trong đó có 18 Nghị quyết về tổ chức và nhân sự, 11 Nghị quyết chuyên đề, một Nghị quyết chung về kỳ họp. Quốc hội cũng đã hoàn thành việc xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn 50 nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước.
Hoàng Thùy